"Playing Dead" – Phanh phui các chiêu giả chết để lừa bảo hiểm

Thứ Ba, 11/10/2016, 15:35
Cuốn sách "Playing Dead" (xem chết chóc như trò chơi) của Elizabeth Greenwood hiện là giáo viên văn học sáng tạo tại Đại học Columbia (Mỹ) có đề cập tới chướng ngại, kiêm phương pháp khả thi duy nhất, đó là công nghệ thời đại số.

Cô đã phỏng vấn các nhân vật từ nhiều phía, ví dụ như Steve Rambam, nhân viên điều tra các vụ giả chết và lừa tiền bảo hiểm, cùng cựu tư vấn viên Frank Ahearn chuyên giúp đỡ các khách hàng "bốc hơi" êm đẹp tại Mỹ.

"Chết"... trên giấy tờ

Cả hai đều từ chối cung cấp những mánh khóe nghề nghiệp và chỉ tiết lộ những sai lầm thường thấy khiến phi vụ đổ bể. Đây là điều dễ hiểu vì những bí mật chi tiết sẽ khiến thị trường đầy béo bở này ở Mỹ sụp đổ. Elizabeth Greenwood đã thực hiện các cuộc phỏng vấn với những người chuyên cung cấp dịch vụ giả chết để trốn nợ, hay lừa tiền bảo hiểm. 

Greenwood trước kia bị ám ảnh rằng, mình sẽ không thể trả khoản nợ học phí hàng trăm nghìn USD nên đã thử trốn tới Philippines để thực hiện "chết trên giấy tờ", nhưng nhanh chóng dừng lại vì nhận ra đó là ác mộng.

Bìa cuốn sách "Playing Dead".

Frank Ahearn cho rằng, "chết" trong thời kỳ công nghệ dễ dàng hơn nhiều với chỉ vài cú click chuột đặt vé và một cú điện thoại xem nhà mới ở điểm đến. Đương nhiên, nếu đương sự đang trốn án hay lừa tiền bảo hiểm thì chuyện không đơn giản như vậy vì nhất cử nhất động sẽ bị theo dõi.

Trong trường hợp đó sẽ có gói dịch vụ cao cấp hơn, và đây là các phi vụ chủ yếu. Người thường không nợ nần hay kể cả không có người thân hiếm khi muốn giả chết và bắt đầu lại cuộc sống, trừ trường hợp các phụ nữ muốn trốn khỏi người chồng hung bạo. Ngoài ra, người ta cũng có thể tạo các dấu vết giả trên mạng như đương sự đặt cọc mua nhà ở thành phố Seattle, nhưng thực tế người này đang ở Oregon. Còn lại các tiện nghi liên quan tới Internet đều bị "cấm cửa", như điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, nhiều người không thể kiềm chế mà tự tìm kiếm chính mình trên Google hay như Patrick McDermott, giả chết đuối nhưng bị bại lộ vì tự truy cập vào trang web đăng tin tìm kiếm mình sau này. Cảnh sát chỉ việc lần theo đầu mối.

Một trường hợp ngớ ngẩn khác là Raymond Roth cùng con trai giả chết lừa tiền bảo hiểm năm 2012. Roth đã xóa sạch bằng chứng nhưng lại bỏ quên hộp thư và tất cả đổ bể. Công nghệ thực sự là một chướng ngại lớn, do nó ăn sâu vào lối sống của chúng ta. Chưa tính các cơ quan an ninh, thì sở hữu một chiếc smartphone cũng đã là từ bỏ mọi quyền riêng tư.

Trở lại với trường hợp của Greenwood. Phương thức cô thuê từ chợ đen Philippines đã khá cổ lỗ sĩ, với xác giả, đám tang dàn dựng và giấy tờ giả, hoàn toàn không có công nghệ can thiệp. Một người "đã chết" mà  cô từng phỏng vấn cũng thuê dịch vụ từ trang web mang tên Confidental Accesss, nhưng dịch vụ này đã bị bại lộ năm 2012. Có thể vẫn tồn tại rất nhiều dịch vụ tương tự trong "deep web" - phần chìm của tảng băng thế giới mạng, yêu cầu kiến thức tin học để truy cập.

Ngoài việc tránh xa Internet thì việc "biến mất" cũng bắt đầu từ những thứ đơn giản. John Darwin dàn dựng tai nạn đua thuyền năm 2002 tại London và "chết" được 6 năm. Suy nghĩ của ông khá đơn giản, chỉ cần một nhân dạng khác biệt như để râu, nhất là khi sống trong thành phố gắn đầy camera an ninh như thủ đô London.

Frank cho biết, dù có vượt qua tất cả các bước thì bất kỳ ai cũng để lại dấu vết số theo cách nào đó. Vậy thay vì cố gắng xóa dấu vết, những "người chết" này nên tạo ra các dấu vết chồng chéo. Ví dụ như thuê một người mua di động, thuê dịch vụ trực tuyến qua Ấn Độ để người này thuê một người khác tại Uzbekistan. Tức là tạo ra càng nhiều bước chồng chéo càng tốt nếu muốn biến mất hoàn toàn.

Công nghệ quả là con dao hai lưỡi. Nhưng nhìn lại các vụ giả chết từ xưa tới nay, hoàn cảnh chỉ là một yếu tố. Điều quan trọng nằm ở con người. Con người khó mà tránh khỏi bạn bè hay xa con cái mãi mãi. Họ cần có ý chí quá lớn để thực sự biến mất, nhất là khi càng ngày càng có nhiều cách kết nối con người với nhau.

Người đẹp ngồi tù vì trục lợi bảo hiểm

Báo chí Anh từng đưa tin, còn nhiều kẽ hở dẫn đến số vụ trục lợi bảo hiểm tại nước này gia tăng, gây thiệt hại 1,32 tỷ bảng Anh. Các công ty bảo hiểm ôtô tại Anh quản lý khách hàng chưa thực sự sát sao mới gây ra tình trạng trên.

Amy Laban, thí sinh dự thi Hoa hậu Anh ngồi tù vì trục lợi bảo hiểm.

Cách đây một năm, Anh thực hiện dự án "My Lience" (dịch tạm: Bằng lái của tôi) cung cấp thông tin về 40 triệu người có bằng lái xe trên toàn quốc, với đầy đủ các chi tiết: Từ độ tuổi lái xe, số chứng minh thư, lịch sử bảo hiểm (từng gian dối để trục lợi bảo hiểm lần nào chưa), tình hình vi phạm luật giao thông... "My Lience" là một phần trong dự án trị giá 58 triệu bảng nhằm số hóa các thông tin về lái xe.

Ngoài ra, đây cũng là nỗ lực nhằm "hạn chế tình trạng gian lận để trục lợi bảo hiểm" đồng thời tăng cường "ATGT đường bộ". Một năm sau, các nhà bảo hiểm bất ngờ phát hiện tỷ lệ những vụ gian dối để đòi bảo hiểm xe ôtô tăng 18%, gây thiệt hại 1,32 tỷ bảng Anh. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Anh (ABI), năm 2015, có khoảng 212 nghìn đơn xin bảo hiểm không trung thực, cao hơn cùng kỳ 2014 là 18% - thời điểm trước khi cơ sở dữ liệu này được chia sẻ. Tương đương, năm 2014, mỗi ngày có 350 vụ lừa dối bảo hiểm.

Một số kiểu trục lợi bảo hiểm phổ biến như: Cha mẹ đứng tên hợp đồng bảo hiểm để được hưởng mức đóng phí bảo hiểm thấp, trong khi chính con họ mới là người lái; trường hợp mất xe, nhiều người khẳng định họ để xe trong garage, trên thực tế, họ để xe qua đêm bên lề đường và bị mất. Không thể không nhắc lại trường hợp Amy Laban, 26 tuổi - thí sinh dự thi Hoa hậu Vương quốc Anh, cầu thủ bóng đá nữ bán chuyên nghiệp, đối mặt án phạt hai tháng tù giam vì tội gian dối để trục lợi bảo hiểm.

Amy gặp tai nạn xe hơi năm 2012 và nộp đơn đòi bảo hiểm bồi thường 3 nghìn bảng Anh vì những thương tích do tai nạn. Tuy nhiên, điều tra cho thấy, một tuần sau tai nạn, Amy vẫn tham gia các hoạt động vui chơi, đăng ảnh lên mạng xã hội như thường, không có dấu hiệu thương tật. Cô cũng không có mặt tại các buổi kiểm tra sức khoẻ mà công ty bảo hiểm yêu cầu. Kết cục, cô gái trẻ xinh đẹp thừa nhận đã gian dối và phải ngồi tù để chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Nhiều vụ lái xe tự gây tai nạn giao thông để trục lợi bảo hiểm.

Ông Ben Fletcher, Giám đốc Cơ quan Điều tra bảo hiểm đánh giá: "Sự hợp tác giữa các hãng bảo hiểm, lực lượng thực thi pháp luật, Chính phủ, các tổ chức xã hội chống trục lợi bảo hiểm sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn mạnh để bảo vệ những người tiêu dùng trung thực". Ông Ben nhấn mạnh: "Lừa dối bảo hiểm có thể làm thay đổi cuộc sống một con người. Người vi phạm có thể bị phạt nặng, bị buộc tội hình sự, bị phạt tù".

Đường dây dàn dựng tai nạn giao thông để trục lợi bảo hiểm

Tân Hoa Xã mới đây cho biết, cảnh sát ở tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc vừa bắt giữ 7 người trong đó có 3 bác sĩ bị cáo buộc làm giả các vụ tai nạn ôtô để chiếm đoạt tiền bảo hiểm nhân thọ. 

Theo thông tin đăng trên báo People's Daily, ấn bản điện tử của Trung Quốc, các công ty bảo hiểm địa phương nghi ngờ có khuất tất do liên tục xảy ra việc yêu cầu chi trả tiền bảo hiểm cho các nạn nhân bị tai nạn ôtô ở huyện Linh Bích, tỉnh An Huy. Cảnh sát sau đó đã vào cuộc điều tra. Kết quả cho thấy, một người đàn ông địa phương 46 tuổi họ Dương nhiều lần lấy tên những người dân địa phương bị ung thư giai đoạn cuối tử vong, sau đó dàn dựng tai nạn giao thông để trục lợi tiền bảo hiểm.

Để làm được việc này, Dương cấu kết với một bác sĩ họ Vương, người phụ trách phòng bảo hiểm y tế của bệnh viện huyện. Theo đó, mỗi khi có thông tin về bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, ông Vương báo cho ông Dương. Khi bệnh nhân qua đời vì ung thư, Dương ngay lập tức hành động.

Ngay ngày hôm sau, 2 cháu trai cùng một người thân khác của ông ta sử dụng ôtô và xe đạp điện của họ để dàn dựng một vụ tai nạn giao thông. Sau đó, thi thể của bệnh nhân ung thư mới qua đời sẽ được lấy ra rồi đưa đến phòng cấp cứu của bệnh viện để… "chữa trị". Hai bác sĩ khác trong đường dây trên sẽ thông báo bệnh nhân tử vong vì tai nạn ôtô.

Tiếp đó, Dương và vợ làm hồ sơ báo tử cho bệnh nhân và thực hiện các thủ tục cần thiết để yêu cầu thanh toán tiền bảo hiểm từ hơn 10 công ty ở các thành phố lân cận Bạng Phụ và Tô Châu. Cảnh sát cho biết, Dương cùng đồng bọn đã dàn dựng 42 vụ tai nạn ôtô theo cách này, qua đó chiếm đoạt bất hợp pháp số tiền bảo hiểm 1,6 triệu NDT (khoảng 260.000USD) trong vòng 4 năm. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Nâng khống để hưởng bảo hiểm cao

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc làm giả tai nạn giao thông để chiếm đoạt tiền bảo hiểm tại Trung Quốc. Trước đó, năm 2013, một người đàn ông ở thành phố Thâm Quyến cũng bị bắt giữ sau khi ông ta tự gây tai nạn ôtô 3 ngày một lần trong vòng 3 năm để trục lợi tiền bảo hiểm. Cảnh sát cho biết, người đàn ông 42 tuổi này đã 334 lần đòi thanh toán tiền bảo hiểm trong thời gian từ 2010 đến tháng 3-2013.

Mánh lới của ông ta là lái xe ôtô đi sau những chiếc ôtô khác trong giờ cao điểm, rồi từ từ đâm vào họ để tránh bị thương. Ông ta sau đó hối lộ các thợ sửa xe cho họ nâng khống giá trị thiệt hại để được hưởng chi trả bảo hiểm cao. Nhờ vậy, ông ta đã lấy được tổng cộng 357.000NDT (58.000 USD). Hồi năm 2012, cảnh sát Trung Quốc cũng triệt phá đường dây gian lận bảo hiểm lên tới 13 triệu NDT (2 triệu USD) với sự tham gia của 95 nghi phạm trong các vụ dàn dựng tai nạn giao thông.  

Cũng liên quan đến hành động gian lận, tại Thâm Quyến, cảnh sát đã bắt giữ 3 đối tượng tình nghi sử dụng ôtô đi thuê để giả tai nạn, sau đó tống tiền, đòi lái xe khác bồi thường. Trong đó có vụ một người đàn ông họ Lâm đang lái xe gần bệnh viện nhân dân Tùng Cương thì bị một chiếc xe ôtô màu đen chặn lại. 3 người đàn ông bước ra khỏi ôtô, lớn tiếng nói với ông Lâm rằng ôtô của ông đã đâm vào xe họ.

"Có nhiều ôtô nên tôi không chắc chắn liệu xe của tôi có đâm vào xe họ hay không. Tôi đề nghị gọi cảnh sát giao thông và công ty bảo hiểm tới giải quyết, nhưng họ không đồng ý mà chỉ đòi bồi thường", ông Lâm kể lại. Ông Lâm trả 300NDT (48USD) nhưng các đối tượng đòi 1.000NDT. Rất may, cảnh sát đã kịp thời ập đến bắt giữ chúng. 

Văn Nguyễn-T.L.(tổng hợp)
.
.