“Quả bom tấn thông tin” gây chấn động thế giới

Thứ Bảy, 04/12/2010, 07:35
Một trong những bê bối gây chấn động chính trường thế giới lớn nhất trong năm 2010 này là việc mạng tin WikiLeaks công bố hơn 92.000 trang tài liệu mật của quân đội Mỹ về cuộc chiến tranh ở Afghanistan hồi tháng 7 vừa qua. Và tiếp theo hôm 23/10, trang mạng này tiếp tục công bố 400.000 tài liệu mật về chiến tranh Iraq.

Bất chấp việc Chính phủ Mỹ đã ráo riết phân trần với các đồng minh của mình trên khắp thế giới về viễn cảnh trang mạng WikiLeaks sắp tung ra một đợt hồ sơ mật mới, mà nội dung có thể gây lúng túng về mặt ngoại giao, đồng thời cũng có thể gây phương hại đến việc bang giao giữa một số nước với Mỹ, ngày 28/11 vừa qua, nhiều phương tiện truyền thông phương Tây, là đối tác của WikiLeaks trong chiến dịch tung tin này, đã bắt đầu hé lộ nội dung những thông tin mà trên nguyên tắc chỉ lưu hành nội bộ trong Chính phủ Mỹ mà thôi.

Một trong những bê bối gây chấn động chính trường thế giới lớn nhất trong năm 2010 này là việc mạng tin WikiLeaks công bố hơn 92.000 trang tài liệu mật của quân đội Mỹ về cuộc chiến tranh ở Afghanistan hồi tháng 7 vừa qua. Và tiếp theo hôm 23/10, trang mạng này tiếp tục công bố 400.000 tài liệu mật về chiến tranh Iraq. Đó thực sự là cú sốc đối với Mỹ và các đồng minh khi mà những tài liệu mật bị khai thác một cách rất chuyên nghiệp.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 28/11 vừa qua, WikiLeaks tiếp tục tiết lộ những bí mật ngoại giao của Mỹ. Phiên bản điện tử của tờ New York Times, là tờ báo đầu tiên công bố nội dung của những trang tài liệu mật trên. Các bức điện tín này được thu thập từ lượng điện tín khổng lồ trao đổi liên tục hằng ngày giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và 297 đại sứ quán và lãnh sự Mỹ trên toàn thế giới.

Theo tờ báo, hơn 250.000 trang tài liệu này cung cấp một cái nhìn chưa từng có về việc tranh cãi của các đại sứ quán Mỹ trên thế giới, quan điểm thực của lãnh đạo nước ngoài và những nhận định chân thực về nguy cơ hạt nhân và khủng bố.

Tài liệu này đặc biệt cho thấy làm thế nào Israel đã khiến Mỹ phải tỏ ra cứng rắn hơn hết với Iran vào năm 2009, và chỉ ra rằng các nhà tài phiệt Arập Xêút vẫn là những người cung cấp tài chính chủ yếu cho các tổ chức cực đoan như Al-Qaeda, hay việc giới tình báo Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch tấn công tin học nhằm vào Mỹ và các đồng minh như thế nào.

Trong các trang tài liệu này, người ta cũng đọc thấy rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates dự định sẽ tấn công quân sự Iran nhằm làm chậm quá trình sở hữu vũ khí hạt nhân của nước này ít nhất 3 năm.

Ngoài ra, còn rất nhiều những chuyện bí mật của ngoại giao Mỹ cũng đã được khui ra trong dịp này. Chẳng hạn, trong một bức điện tín, đại diện ngoại giao Mỹ tại Kabul đã bày tỏ quan điểm về Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai rằng ông Karzai "rất yếu và mắc bệnh hoang tưởng".

Một văn thư ngoại giao khác tiết lộ rằng khi Phó tổng thống Afghanistan Ahmed Zia Massoud đến thăm Liên hiệp các Tiểu vương quốc Arập hồi năm ngoái, giới thẩm quyền địa phương làm việc với Cơ quan Chống ma túy của Mỹ phát hiện ra rằng ông mang trên người 52 triệu USD tiền mặt.

Một văn thư nội bộ đánh đi từ Đại sứ quán Mỹ ở Kabul nói rằng ông Massoud cuối cùng đã được phép giữ số tiền mặt này mà không phải khai báo nguồn gốc hay điểm đến của nó. Ông Massoud gạt bỏ rằng ông mang số tiền đó ra khỏi Afghanistan.

Một tài liệu khác kể lại những buổi họp giữa một giới chức Mỹ với người anh em cùng cha khác mẹ của Tổng thống Karzai, ông Ahmed Wali Karzai, nói rằng ông này được dư luận biết đến là "một phần tử thoái hóa và là một tay buôn lậu ma túy".

Theo các văn thư ngoại giao khác thì trong vòng riêng tư, một số nhà lãnh đạo Ảrập kêu gọi Mỹ nên thực hiện một cuộc không kích vào Iran, và các giới chức Mỹ được lệnh bí mật theo dõi giới lãnh đạo tại Liên Hiệp Quốc.

Nhật báo The New York Times nói rằng trong những điều được tiết lộ trong các văn thư nội bộ đó, có vụ từ năm 2007, Mỹ đã tìm cách bí mật tháo bỏ chất uranium tinh chế từ một lò phản ứng nghiên cứu của Pakistan, mà các giới chức Mỹ lo sợ có thể được chuyển đi nơi khác để được sử dụng trong một thiết bị hạt nhân bất hợp pháp.

Các văn thư ngoại giao mật của Mỹ cũng đề cập đến dường như là một thỏa thuận giữa Washington với Yemen để che đậy việc sử dụng các tên lửa Mỹ nhắm vào các mục tiêu Al-Qaeda tại quốc gia vùng Vịnh này. Và còn rất nhiều bí mật ngoại giao khác của Mỹ được công bố trong hơn 25.000 trang tài liệu của WikiLeaks, mà có lẽ cần phải nhiều tháng thì các phương tiện truyền thông mới đăng tải hết.

Ngay sau tiết lộ trên, tối ngày 28/11, Nhà Trắng đã lên án việc công bố các tài liệu của WikiLeaks và nói rằng hành động này không những phương hại đến các nỗ lực bênh vực nhân quyền, mà còn đặt vào tình trạng nguy hiểm mạng sống cũng như cho công việc của những người được nêu tên trong các tài liệu.

Những ngày gần đây, Mỹ đã huy động mọi nỗ lực để ngăn chặn không cho WikiLeaks phát tán các trang tài liệu mật trên hay làm giảm nhẹ những tác động của nó lên đồng minh của Mỹ.

Mỹ trước "cơn bão ngoại giao" đến từ Wikileaks.

Theo Hãng tin Pháp AFP, tầm mức vụ việc này được coi là nghiêm trọng đến mức mà các nhà ngoại giao Mỹ trên thế giới đã được yêu cầu bỏ qua kỳ nghỉ cuối tuần nhân dịp Lễ tạ ơn, một ngày lễ hết sức quan trọng của người Mỹ.

Họ phải sẵn sàng trực chỉ Bộ Ngoại giao của các nước sở tại khi cần thiết, để xoa dịu nỗi giận dữ có thể bùng lên một khi những nhận xét "thiếu ngoại giao" về một nhân vật hay một nước nào đó chẳng hạn, bị phơi bày công khai.

James Jeffrey, Đại sứ Mỹ tại Iraq thừa nhận: "WikiLeaks là một trở ngại thực sự khủng khiếp cho công việc của tôi, vốn dĩ là phải có được các cuộc thảo luận trong tinh thần tin tưởng lẫn nhau với đối tác. Tôi thực sự không hiểu nổi động cơ của việc phát hành các tài liệu này. Theo ông, các tài liệu bị tiết lộ đó sẽ không giúp đỡ, mà ngược lại sẽ phá hoại khả năng công tác của Mỹ tại Iraq. Trong bài phỏng vấn dành cho Đài Truyền hình CNN, phát sóng hôm 28/11, Đô đốc Mike Mullen, một chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ, cũng kêu gọi WikiLeaks đình chỉ kế hoạch công bố các tài liệu bị ông đánh giá là "cực kỳ nguy hiểm".

Việc WikiLeaks công bố tài liệu mật đã làm đau đầu nhiều chính phủ, và Washington đã phải liên hệ với nhiều quốc gia đối tác để làm giảm nhẹ cú sốc. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã gọi điện cho các nhà lãnh đạo Pháp, Afghanistan, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Anh và Trung Quốc để cảnh báo về các nội dung có thể bị tiết lộ.

Tại Roma, Ngoại trưởng Italia, Franco Frattini, đã coi vụ tiết lộ thông tin trên của WikiLeaks là một “sự kiện 11/9 của ngành ngoại giao thế giới”.

Báo Kommersant của Nga cũng khẳng định những thông tin bị rò rỉ chứa đựng những đánh giá không hề dễ chịu chút nào của Mỹ đối với Moskva. Tại London, chính phủ của Thủ tướng Cameron trước đó đã kêu gọi các phương tiện truyền thông nên cảnh giác tránh khui ra những tin tức ảnh hưởng tới an ninh nước Anh.

Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiết lộ một vài nội dung tế nhị của các tài liệu mật vừa được công bố, trong đó có thông tin về việc Ankara đã giúp các chiến binh Al-Qaeda tại Iraq hay là việc Mỹ đã giúp phiến quân người Kurdistan tại Iraq chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai điểm này đều có khả năng phá hoại quan hệ giữa hai đồng minh. Trên Đài CNN, Ahmet Davutoglu, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông không biết gì về nội dung các tài liệu.

Sự kiện hàng trăm nghìn tài liệu bí mật ngoại giao được WikiLeaks tiết lộ đã gióng lên những hồi chuông báo động về tác hại tiềm tàng của các tiết lộ này, nhất là đối với ngành ngoại giao Mỹ và không những đặt ra câu hỏi cho vấn đề an ninh mạng mà còn cho thấy nguy cơ của công tác kiểm soát, quản lý các nguồn tài liệu mất trong tương lai như thế nào.

Tổng biên tập trang mạng WikiLeaks, Julian Assange, trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo Nga hôm 27/10 đã cho biết họ chuẩn bị tung ra những tài liệu mật về Nga, Trung Quốc và các nước khác.

Trước thông tin này, Stanislav Belkovsky, Chủ tịch Viện Chiến lược quốc gia của Điện Kremlin, cho rằng: "Nếu WikiLeaks tiết lộ chi tiết về các tài khoản mật trong ngân hàng và những hoạt động kinh doanh tại nước ngoài của giới quan chức và thượng lưu Nga thì tác động của những thông tin đó sẽ rất kinh khủng. Đa số người dân Nga đều tin vào các nhà lãnh đạo của họ".

Một điều đang làm cho một số nước đáng quan ngại, đi theo vết xe của WikiLeaks, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng xuất bản tại Hongkong mới đây đưa tin các nhà hoạt động Trung Quốc dự định lập trang GovernmentLeaks, lấy mô hình trang web WikiLeaks, trong nỗ lực nhằm công khai những bí mật quốc gia và hối thúc cải cách chính trị tại Trung Quốc.

Báo trên cho biết những nhà hoạt động này, hiện sử dụng các trang mạng xã hội như Twitter để khuyến khích và kêu gọi mọi người đăng tải thông tin mật vào cơ sở dữ liệu của họ, tuyên bố sẽ khai trương trang GovernmentLeaks vào ngày 1/6/2011.

Những diễn biến trên cho thấy, WikiLeaks đang tạo ra câu chuyện dài kỳ về an ninh mạng và cũng đặt nhiều quốc gia trước một thực tế khá nghiêm trọng phải đối đầu là việc đối phó với các tin tức mật bị công bố ra sao

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.