Quái chiêu của những “quý ông” ngoại quốc

Thứ Sáu, 30/01/2015, 12:10
Người dân Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước có lẽ đã quá quen hình ảnh những khách ngoại quốc khoác balô đi khắp các xó xỉnh. Có thể thấy rằng đa số trong số họ đến Việt Nam với mục đích du lịch, tìm cơ hội làm ăn, học tập là chủ yếu. Song có một bộ phận lại coi đây là cơ hội để… kiếm chác.
Dĩ nhiên khác với những tên trộm “nội”, một số khách ngoại quốc có những mánh khóe kiếm ăn rất “dị”. Không chỉ trộm cắp, một số “quý ông” ngoại quốc còn giở các chiêu trò lừa đảo, tống tiền, chiếm đoạt tài sản…

Bắt 2 người Trung Quốc sang Việt Nam lừa đảo qua điện thoại

Ngày 22/1 vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt giữ 3 đối tượng trong ổ nhóm chuyên lừa đảo, tống tiền qua điện thoại, trong đó có 2 đối tượng người Trung Quốc.

Đặc biệt, Cơ quan Công an đã kịp thời phối hợp với ngân hàng phong tỏa tài khoản, ngăn chặn việc các đối tượng rút tiền chiếm đoạt, bảo vệ hàng tỉ đồng cho người bị hại.

Các đối tượng bị bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Zheng Ke Xi (SN 1975),  Zheng Zhuen (SN 1980) ở Phúc Kiến, Trung  Quốc;  Lê Thị Ánh (SN 1973) ở phường Phương Nam, Uông Bí, Quảng Ninh. Khám xét nơi ở của 2 đối tượng người Trung Quốc thuê trọ tại một khách sạn trên đường Vạn Ninh, thành phố Móng Cái, Cơ quan Công an đã thu giữ 120 sim thẻ điện thoại, 80 thẻ ATM các loại, 5 điện thoại di động, 1 máy tính bảng, 1 thiết bị phát sóng wifi, 36,5 triệu đồng, 1.800 nhân dân tệ.

Trước đó, trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 12/2014, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rộ lên tình trạng các đối tượng sử dụng số điện thoại có đầu số nước ngoài và qua mạng Internet giả danh công an gọi vào điện thoại cố định của các hộ dân, đưa ra thông tin chủ thuê bao liên quan đến các đường dây tội phạm ma túy, rửa tiền để đe dọa.

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người bị hại, chúng yêu cầu họ đi rút tiền tiết kiệm, tiền gửi trong tài khoản để chuyển vào tài khoản do chúng chỉ định.

Đối tượng lừa chủ thuê bao điện thoại rằng đó là số tài khoản của Công an Bà Rịa - Vũng Tàu, việc nộp tiền vào tài khoản này phục vụ công tác điều tra, làm rõ đó có phải tiền sạch hay không và hứa sẽ chuyển trả lại trong vòng 24 giờ.

Sau khi người bị hại chuyển tiền, các đối tượng lập tức rút ra chiếm đoạt. Điển hình như bà Huỳnh Thị Mộng Đ ở phường 8, TP Vũng Tàu ngày 25/6/2014 đã chuyển 970 triệu đồng, bị các đối tượng chiếm đoạt 280 triệu đồng. Ngày 25/12, bà Phạm Thị Q ở phường 3, TP Vũng Tàu bị lừa đảo 1,2 tỉ đồng, trong đó đối tượng đã rút được 960 triệu đồng.

May mắn nhất là trường hợp bà Phạm Thị H. ở phường 7, TP Vũng Tàu. Sau khi bị đối tượng đe dọa qua điện thoại, bà H chuyển trên 1,5 tỉ đồng vào tài khoản của đối tượng nhưng do Cơ quan Công an kịp thời phát hiện, ngăn chặn nên đối tượng chưa rút được tiền.

3 đối tượng trong vụ lừa đảo qua điện thoại bị bắt...

Quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan Công an xác định sau khi người bị hại chuyển tiền, các đối tượng rút tiền tại các cây ATM ở TP Móng Cái và huyện Cẩm Phả, Quảng Ninh. Trước những diễn biến phức tạp trên, Phòng PC45 Công an Bà Rịa - Vũng Tàu đã lập án đấu tranh.

10h ngày 14/1/2015, bà Nguyễn Thị Đ ở Trung tâm đô thị Chí Linh, TP Vũng Tàu trình báo bị đối tượng gọi điện thoại đe dọa liên quan đến đường dây rửa tiền và yêu cầu chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm vào số tài khoản chúng cung cấp.

Sau khi chuyển 150 triệu đồng, bà Đ. phát hiện mình bị lừa nên đã báo ngân hàng và Cơ quan Công an.

Chiều cùng ngày, khi có 2 đối tượng đến Ngân hàng Sacombank tại quận 9 TP HCM để rút tiền do bà Đ. chuyển đã bị Cơ quan Công an bắt giữ. Từ đây, Cơ quan Công an đã truy xét, lần tìm ra ổ nhóm tội phạm người Trung Quốc nêu trên.

Cơ quan Công an cho biết, để chiếm đoạt tiền của người bị hại, các đối tượng trong ổ nhóm tội phạm lừa đảo qua điện thoại này đã sử dụng một số người Việt Nam thành lập đường dây  mở tài khoản thuê tại các ngân hàng, sau đó chuyển thẻ ATM cho chúng.

Tiền công chủ thẻ đứng tên được hưởng là 700.000 đồng/tài khoản. Những người đứng ra mở tài khoản thuê phần lớn là người lao động nghèo ở các tỉnh phía Nam. Thẻ rút tiền được chuyển ra Quảng Ninh bằng ký gửi xe khách.

... và tang vật.

Có ít nhất 10 đối tượng người Việt Nam đã tích cực tham gia làm thẻ ngân hàng giúp nhóm tội phạm lừa đảo này, mục đích để lấy tiền công.

Theo khai nhận ban đầu của các đối tượng, Zheng Zhuen là kẻ cầm đầu ổ nhóm tội phạm lừa đảo qua điện thoại, thuê Zheng Ke Xi đi rút tiền tại các trạm ATM ở TP Móng Cái, Quảng Ninh.

Hai đối tượng này sang Việt Nam từ giữa năm 2014, thuê Lê Thị Ánh làm phiên dịch và đi nhận thẻ ATM tại bến xe Hoàng Long, đi rút tiền chiếm đoạt mang về cho chúng. Ánh đã rút được gần 200 triệu đồng, còn Zheng Zhuen rút được 39 triệu đồng. Có vụ không rút được tiền bằng thẻ ATM tại Quảng Ninh, các đối tượng phải thuê chủ thẻ đến ngân hàng làm thủ tục rút tiền, sau đó chuyển lại cho chúng.

Một số người đứng tên chủ thẻ, vì hám lợi nên dễ dàng làm theo yêu cầu của chúng mà không truy vấn xem đó là tiền gì, vì sao lại nhờ họ đứng ra rút tiền hộ? Việc những người Việt Nam "bán thông tin" để mở tài khoản ATM thuê đã giúp các đối tượng phạm tội đối phó với Cơ quan Công an, khiến việc truy tìm, xác minh gặp khó khăn. 

Hiện vụ án đang được cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng.

Những chiêu trò quái dị

Thượng tá Ngô Văn Đáp, Đội trưởng Đội 10, Phòng PC45 Công an Hà Nội cho chúng tôi biết thời gian gần đây, đơn vị nhận được nhiều thông tin phản ánh của các khách sạn trên địa bàn về tình trạng một số đối tượng người nước ngoài trà trộn với khách, vào để trộm cắp tài sản.

Quá trình xác minh, ngày 8/1/2015, Đội 10 nhận được trình báo của quản lý khách sạn Sofitel Metropol (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) về việc xảy ra vụ trộm cắp tài sản của bà Deborrah Shimizu (SN 1952, quốc tịch Canada). Tài sản bị trộm cắp gồm một máy tính bảng, một máy ảnh, tiền, thẻ tín dụng và một số vật dụng cá nhân.

Tiến hành điều tra, Cơ quan Công an đã làm rõ  thủ phạm của vụ trộm là 2 đối tượng Aguilar Villanueva Willian Rafael (SN 1972, quốc tịch Peru trú tại phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) và Velsaquez Aviles Jose Marcelino (SN 1953, quốc tịch Peru trú tại phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Được biết ngày 19/12/2014, Willian Rafael và Jose Marcelino cùng nhập cảnh vào Việt Nam. Ngày 7/1/2015, 2 đối tượng này có mặt tại Hà Nội. Đến ngày 8/1, cả hai rủ nhau mò vào khách sạn Sofitel Metropol để hành nghề đạo chích.

Hai đối tượng chuyên trộm cắp tại khách sạn hạng sang Jose Marcelino và Willian Rafael.

Tài sản trộm cắp được gồm 1 túi xách màu đen bên trong có 1 máy tính bảng iPad Air, một máy ảnh Panasonic, tiền, thẻ tín dụng và tư trang cá nhân.

Ngày 9/1/2015, 2 đối tượng mang máy tính bảng Ipad đi bán tại một cửa hàng ĐTDD trên quận Ba Đình, Hà Nội thì bị Cơ quan Công an phát hiện, bắt giữ.

Có thể nói, Jose Marcelino là một trong những "quái nhân" trộm vặt.

Khi đưa Willian Rafael và Jose Marcelino về Cơ quan điều tra, thì Willian Rafael hầu như khai ngay. Còn Jose Marcelino thì nhất quyết không nhận mình là đồng phạm trộm cắp mà một mực nói rằng hắn chỉ… tình cờ đi cùng với Willian Rafael một đoạn đường mà thôi.

Mặc dù biết tiếng Anh, song Jose Marcelino cố tình tỏ ra… không hiểu. Phải cho đến khi phiên dịch viên nói tiếng Tây Ban Nha thì Jose mới chịu mở miệng.

Willian Rafael và Jose Marcelino cũng là các đối tượng chuyên đi ăn buffet "chùa" ở các khách sạn, bọn chúng còn có những thủ đoạn trộm cắp cực kỳ tinh quái. Các trinh sát đã mất hàng tháng trời để nắm được những hoạt động của chúng.

Có thể nói Jose Marcelino là tên cầm đầu, chỉ huy, thậm chí "làm mẫu" để Willian Rafael bắt chước. Đầu tiên hai tên luôn diện quần áo khá bảnh bao, để có thể trà trộn vào các khách sạn hạng sang của Hà Nội.

Nắm được những sơ hở của khách du lịch là thường chủ quan để ví, túi xách trên ghế, Jose Marcelino thường đeo balô, tay phải khoác áo. Thế rồi hắn quan sát xem chờ đến khi trong khu vực định gây án mọi người đi lại lộn xộn thì Jose bằng một động tác nhanh gọn, dứt khoát "nẫng" đi túi xách của một vị khách.

Willian Rafael thường xuyên có mặt ở các khách sạn để thừa cơ trộm cắp (ngoài cùng bên trái).

Rồi cũng rất nhanh hắn dùng chiếc áo phủ lên và chuồn rất nhanh ra cửa. Ở ngoài đã có Willian Rafael đợi sẵn rồi hai tên lên xe máy tẩu thoát.

Thủ đoạn thì tinh vi, song hai tên trộm này cũng rất "nhom nhem" khi phân chia tài sản trộm cắp được. Theo một nhân viên phục vụ tại một quán cà phê trên phố Chợ Gạo, sáng sớm ngày 8/1/2015 họ gặp hai khách nước ngoài có bộ dạng khá kỳ lạ.

Khi vào quán, một người đầu hói khoảng hơn 60 tuổi đề nghị một chỗ ngồi thật "kín đáo". Sau khi được dẫn lên một góc phòng tầng 2, ông đầu hói và một người trung niên béo tốt chia nhau một nắm tiền đô la.

Còn thừa lại tờ một đô, cả hai không ai chịu "nhường" ai nên gã đầu hói xé rồi vứt đi. Đến khi thanh toán tiền cà phê, cả hai cũng quyết "tiền ai nấy trả". Tất cả hết có 110 ngàn mà hai tên phải đổi bằng được mỗi tên 55 ngàn đồng để trả.

Hai đối tượng này sau đó được xác định là Jose Marcelino và Willian Rafael.

Hai gã cũng luôn mang theo trong mình một chiếc… bàn là, để lúc nào cũng có thể ăn mặc chải chuốt, lịch sự nhằm trà trộn vào các khách sạn lớn. Đồng thời, hai tên còn không bao giờ thuê trọ tại cùng một khách sạn mà luôn ở hai nơi khác nhau (dù chỉ cách nhau chưa đến 100m).

Cũng tại Cơ quan Công an, Jose Marcelino đã nhất quyết không chịu thừa nhận hành vi trộm cắp lại còn giở bài tỉ tê rằng hoàn cảnh gia đình của hắn ở Peru rất khó khăn. Suốt một ngày trời đấu tranh Jose Marcelino gần như chỉ khai một cách nhỏ giọt. Đến bữa, khi các trinh sát mang cho hắn một suất cơm đĩa khá to và chỉ nhoằng cái Jose đã ăn hết nhẵn!

Cách đây chưa lâu, các trinh sát Đội 10 cũng đã tiến hành lập hồ sơ xử lý một ổ nhóm tội phạm người Thổ Nhĩ Kỳ chuyên trộm cắp tại các siêu thị.

Các đối tượng này thường được phân vai, phân nhiệm rất cụ thể. Một đối tượng giả vờ mua một món đồ giá trị thấp, sau đó bắt thu ngân phải đổi tiền cho hắn. Ban đầu thì đòi tiền mệnh giá cao; sau lại nằn nì đòi đổi sang mệnh giá thấp. Trong khi thu ngân lúng túng vì có nhiều người cùng mua hàng một lúc thì đối tượng nhanh tay thó tiền rồi giấu vào túi quần.

Để phụ trợ cho hắn, đối tượng còn lại sẽ dùng một xe đẩy, nhặt vài món hàng rồi quan sát những khách đứng chờ thanh toán. Thỉnh thoảng hắn lại đẩy xe vào chân, vào giày của khách để phân tán sự chú ý, để đồng bọn dễ bề hành động.

Trở lại vụ việc của hai đối tượng người Peru. Qua khám xét tư trang hành lý của Willian Rafael và Jose Marcelino, Cơ quan Công an thu được khá nhiều tấm card là địa chỉ của nhiều nhà hàng, khách sạn ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore…

Điều đặc biệt là những tấm card khách sạn ở cùng một khu vực được ghim riêng với nhau. Và cả Willian Rafael và Jose Marcelino đều có loại card này. Chứng tỏ chúng là một cặp bài trùng từng "kiếm ăn" ở các nước khác rồi mới mò sang Việt Nam.

Hành lý của hai đối tượng cũng có nhiều đồ dùng của phái nữ như son môi, nước hoa cùng khá nhiều loại sạc, dây sạc điện thoại.

Kiểm tra hộ chiếu, Cơ quan Công an phát hiện hai đối tượng không ít lần nhập cảnh vào Việt Nam dưới dạng đi du lịch. Nhưng thay vì đi bằng cửa khẩu hàng không như Nội Bài hay Tân Sơn Nhất, hai đối tượng chỉ đi cửa khẩu đường bộ như Mộc Bài (Tây Ninh) hay Cầu Treo (Hà Tĩnh), gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh.

Hiện Cơ quan Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai đối tượng Willian Rafael và Jose, tiếp tục mở rộng điều tra.

Hương Vũ - Minh Tiến
.
.