Quốc hội Anh điều tra hoạt động nghe lén của các cơ quan tình báo

Thứ Tư, 30/10/2013, 14:40

Một cuộc điều tra toàn diện của Quốc hội Anh nhằm vào các hoạt động nghe lén của 3 cơ quan tình báo Anh là GCHQ, MI-5 và MI-6 sau khi những tiết lộ của cựu nhân viên NSA Edward Snowden được công bố trên báo chí vừa được khởi động vào ngày 17/10 vừa qua.

Một thông báo của Ủy ban Tình báo và An ninh (ISC) của Quốc hội Anh nói rằng, cuộc điều tra được tiến hành sau những thông tin tình báo bí mật của Mỹ được Edward Snowden tiết lộ trong thời gian qua. Vấn đề trọng tâm của cuộc điều tra là những thông tin tình báo được tiết lộ về chương trình nghe lén của GCHQ mang tên Tempora, tương đương với PRISM của Mỹ. Và điều quan trọng hơn là GCHQ đã hợp tác chặt chẽ với NSA để giúp NSA tiến hành các hoạt động nghe lén, đọc trộm suốt thời gian dài.

Bằng việc sử dụng 2 chương trình PRISM và Tempora, các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh tự do thu thập thông tin cá nhân và nghe lén những cuộc gọi điện thoại, đọc trộm những mẩu tin nhắn, email của không chỉ công dân 2 nước liên quan mà cả những người dân toàn cầu có liên hệ với công dân Anh - Mỹ hoặc có đăng ký host cơ sở dữ liệu Internet tại 2 nước này.

Cách đây 4 tháng, tờ Guardian là tờ báo duy nhất của Anh cùng với 2 tờ báo Mỹ là Washington Post và New York Times tham gia đăng tải những thông tin do Edward Snowden tiết lộ. Ngay sau đó, tờ báo này đã phát động một cuộc tranh luận tại nước Anh về chương trình nghe lén của GCHQ và PRISM của Mỹ. Tờ báo Anh cũng thực hiện một cuộc điều tra riêng về những thông tin Edward Snowden tiết lộ.

Việc làm của tờ Guardian đã dẫn đến phản ứng quyết liệt của Hạ viện Anh, yêu cầu phải xử lý tờ báo này vì đã tiết lộ những thông tin tình báo bí mật, căn cứ theo Luật Bí mật quan chức của Anh. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý gây tranh cãi này đã không nhận được sự ủng hộ của đa số trong Hạ viện.

Đến đây, Thủ tướng Anh David Cameron vào cuộc can thiệp. Ông chỉ trích tờ Guardian và hối thúc Ủy ban Tình báo Hạ viện mở cuộc điều tra. Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox cũng cho rằng, liệu có công bằng hay không, khi những tờ báo bẻ khóa nghe lén điện thoại của những người nổi tiếng thì bị xử lý, nhưng những tờ báo khác (tờ Guardian) tiết lộ những thông tin gây nguy hại đến an ninh quốc gia thì không bị xử lý. Khi sự việc đã trở nên ồn ào, các cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Cameron đã tiếp cận tờ Guardian và yêu cầu tờ báo hủy các thông tin lưu trữ trong máy tính.

Theo tờ Guardian, các cố vấn của Thủ tướng Cameron đã dùng áp lực, dọa sử dụng tất cả sức mạnh luật pháp để ngăn chặn tờ báo này tiếp tục đăng tải thông tin về NSA và GCHQ. Rốt cuộc, tờ Guardian đã phải chấp nhận tiêu hủy các file thông tin nói trên.

Không lâu sau khi Thủ tướng Cameron can thiệp và tranh cãi với tờ Guardian, Ủy ban Nội vụ Hạ viện Anh bắt đầu xem xét điều tra về những thông tin tình báo mà tờ Guardian đã tiết lộ, đồng thời cũng sẽ xem xét khả năng liệu hành động tiết lộ thông tin tình báo về các chương trình PRISM và Tempora của tờ Guardian có làm phương hại đến an ninh quốc gia hay không.

Trong khi đó, cuộc điều tra do ISC tiến hành hứa hẹn sẽ tạo nên những tiền lệ chưa từng có trong lịch sử ngành tình báo Anh. Đó là, những gì từ trước đến nay được cho là phải giữ bí mật sẽ phải được công khai trước công chúng. Chẳng hạn, ISC lần đầu tiên thay đổi quy tắc làm việc của mình khi tuyên bố một phần cuộc điều tra sẽ được tiến hành công khai, tức là mọi người đều được thông tin đầy đủ, chi tiết từng bước điều tra.

Ngay chính ISC, lâu nay vốn hoạt động âm thầm, bí mật, ít ai được biết đến, nay cũng phải công khai trước công chúng về các hoạt động của mình. Tuy nhiên, bản thân ủy ban này hiện nay cũng đang bị điều tiếng và có dư luận đặt dấu hỏi về chất lượng cuộc điều tra sẽ đến đâu, vì ISC lâu nay có mối quan hệ khá mật thiết với các cơ quan tình báo. Vả lại, việc sưu tầm chứng cứ, tài liệu phục vụ điều tra từ nguồn bên trong các cơ quan tình báo cũng tiềm ẩn nguy cơ thiếu khách quan, kết quả thiên lệch, không chính xác. Vì vậy, để tránh điều tiếng xung quanh cuộc điều tra, đồng thời để ủy ban điều tra có cái nhìn toàn diện, đầy đủ về sự việc, Chủ tịch ISC Malcom Rifkind cho biết, ISC sẽ tiến hành cùng lúc nhiều giải pháp điều tra, trong đó phần điều tra công khai, ISC sẽ trưng cầu thông tin, bằng chứng từ các nguồn bên ngoài các cơ quan tình báo, kể cả nguồn từ công chúng.

Những người cung cấp bằng chứng, thông tin liên quan sẽ gửi bằng văn bản trực tiếp đến ISC. Sau đó, ISC sẽ mở những cuộc thẩm vấn nhân chứng công khai để tiếp nhận thông tin từ công chúng.

Ở Mỹ, việc báo chí đăng tải những thông tin tình báo do Snowden tiết lộ là chuyện bình thường và là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận chính đáng, ngay cả Tổng thống cũng không thể ngăn cản. Nhưng ở Anh, vấn đề quyền riêng tư hay quyền tự do cá nhân liên quan đến ngôn luận và báo chí không được đặt nặng, một khi những quyền đó đụng chạm đến vấn đề an ninh quốc gia.

Những tiết lộ của Snowden được đăng tải trên tờ Guardian đã khiến dư luận công chúng Anh hết sức quan tâm, và người ta bắt đầu lên tiếng đòi hỏi quyền riêng tư của mình phải được bảo vệ. Thế nhưng, quan điểm chung của giới chức Chính phủ Anh là cái quyền đó không quan trọng bằng việc bảo đảm an ninh quốc gia bằng cách nghe lén, đọc trộm của GCHQ.

Lord King (một cựu Chủ tịch ISC), Sir David Omand (cựu Giám đốc GCHQ) và Stella Rimington (cựu Tổng giám đốc MI-5), đều là những nhân vật thân thiết với ISC và tất cả đều lên tiếng phản đối việc điều tra, soi xét các hành động bí mật của các cơ quan tình báo.

Chủ tịch ISC Malcom Rifkind, cho rằng "cần phải có sự cân bằng giữa quyền riêng tư của cá nhân với quyền lợi an ninh của tập thể"

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.