Quyền lực của kẻ giàu ở Afghanistan

Thứ Năm, 26/07/2007, 10:00
Sau chiến tranh, đất nước Afghanistan trở nên hoang tàn và bị thao túng bởi quyền lực của những kẻ giàu lên nhờ tham nhũng, giết người và cướp của. Bên cạnh nỗi sợ phiến quân Taliban, người dân còn sợ những kẻ nắm giữ quyền lực trong tay, lắm tiền nhiều của, chà đạp lên cuộc sống của họ.

Mái tóc đen cắt ngắn che lấp một phần trán, cô bé Fawzia im lặng nhìn cha kể về vụ em bị cưỡng dâm trước tòa.

Theo lời kể của người cha đáng thương, vào một ngày cuối tháng 12/2006, khi cô bé đang chơi đùa gần nhà trong một khu phố nghèo ở thủ đô Kabul, một gã thanh niên dùng tay đấm mạnh vào mặt khiến em ngất đi và sau đó giở trò bỉ ổi. Ngoài vết thương thể xác gây ra cho em bé mới hơn 4 tuổi, vụ án còn là nỗi đau cho cả gia đình em.

Bà Zahra, mẹ em nói. “Nó sẽ không có tương lai vì không còn trinh trắng. Tôi ước gì một quả bom rơi trúng nhà tôi, giết hết toàn bộ gia đình tôi đi”. Thủ phạm là một thanh niên 28 tuổi, đã có gia đình và xuất thân trong một gia đình giàu có.

Nhờ sự kiên tâm của người cha, với hàng nghìn bức thư tố cáo được gửi đi, mãi đến tháng 4/2007 vừa qua, một phiên tòa đơn giản mới được mở ra nhưng chỉ có một chánh án và người thư ký xét xử. Kẻ phạm tội bị tuyên án 20 năm tù giam, nhưng cha mẹ của Fawzia bi quan cho rằng, gia đình hắn có đủ cách để mua tự do cho con trai mình. Và rồi người cha lại lo lắng, cô con gái bé bỏng của ông có lẽ chỉ nay mai sẽ lại gặp kẻ đã cướp đi tương lai của mình trên đường phố Kabul.

Sau khi chính quyền Taliban sụp đổ, cộng đồng quốc tế đã đổ hàng tỉ USD vào Afghanistan cho công cuộc tái thiết đất nước. Một phần tiền được các tổ chức phi chính phủ vận chuyển quá cảnh vào nước này.

Ramazan Bashardost, cựu Bộ trưởng Kế hoạch Afghanistan nhận thấy, gần 2.000 trong tổng số 2.400 nhân viên của các tổ chức phi chính phủ đang có mặt tại nước này chỉ lăm le lợi ích riêng, sẵn sàng lừa đảo, đục khoét quỹ hay sử dụng lãng phí. Ông gọi những nhân viên cứu trợ đó là những kẻ “đục nước béo cò” và muốn đưa chúng ra trước tòa án, nhưng vấp phải thái độ không đồng tình của chính Tổng thống Hamid Karzai.

Thất vọng, Ramazan Bashardost xin từ chức. Ông nói: “Chưa bao giờ nạn tham nhũng lại hoành hành mạnh như vậy.

Trước đây, chánh án, cảnh sát hay viên chức không dám đề nghị thẳng thừng “tiền lót tay” nhưng giờ thì họ chẳng ngại nữa. Đôi khi, họ còn đòi được lót tay bằng những đồng USD. Những khoản tiền “bẩn” đó đã giúp những kẻ tham nhũng, sát nhân và tội phạm trở thành vô tội.

Cùng quan điểm với ông là Malalai Joya, một phụ nữ rất trẻ, được bầu vào Quốc hội tháng 9/2005. Malalai Joya lớn tiếng lên án tình trạng lũng đoạn tại quê hương mình. “Có ít nhất 70% thành viên chính phủ là các lãnh chúa hay buôn lậu ma túy”, Malalai Joya khẳng định.

Malalai Joya từng đọc một bài diễn văn gây sốc tại Quốc hội, tố cáo quyền lực của giới “tội phạm” khi nói thẳng: “Các ông đã bán đất nước”. Kết quả là Malalai Joya đã phải hứng chịu những lời lăng nhục không thương tiếc và từng bị ám sát hụt 4 lần.

Ông Hamidullah Farooqi, Chủ tịch phòng Thương mại Kabul cho biết, mỗi ngày, ông nhận được khoảng 3.500 đơn thư tố cáo các thành viên Chính phủ và Quốc hội. Gần 80% viện trợ quốc tế bị chính những kẻ được gọi là “cha mẹ” của dân biển thủ.

Những người giành được hợp đồng xây dựng do cộng đồng quốc tế tài trợ không có điều kiện để thực thi nó. Họ bán chúng cho các nhà thầu khác, hợp đồng được bán đi bán lại 4-5 lần và tiền tiếp tục bị cắt xén không thương tiếc, cho đến khi nó chỉ còn lại 20% so với ban đầu.

Cảnh sát trưởng Dawlatzai của Kabul khẳng định, đằng sau mỗi tòa nhà mới xây dựng là một tên trộm đội lốt quan chức.

Cuộc chiến lâu dài và gian khổ nhất đối với Afghanistan có lẽ không phải là phiến quân Taliban mà là tham nhũng. Sự hiện diện của quân đội quốc tế đã ngăn Afghanistan không chìm trong một cuộc nội chiến mới nhưng chính những thế lực giàu có do tham nhũng, buôn lậu... là hiểm họa hàng đầu, bọn chúng đang hủy hoại nhà nước này

Quế Anh (theo La Presse)
.
.