Quyết chiến với IS ở Mosul

Thứ Năm, 20/10/2016, 15:30
Mosul - thành phố chiến lược lớn thứ 2 của Iraq, bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm từ tháng 6/2014, sắp được giải phóng bởi cuộc tấn công quy mô của lực lượng quân đội Iraq cùng các lực lượng tại chỗ, dưới sự yểm trợ không quân của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Cuộc chiến được cho là sẽ kéo dài từ vài tuần tới vài tháng.

Khai hỏa

Cuộc tấn công Mosul là trận đánh quy mô nhất, được chuẩn bị công phu nhất của chính quyền Iraq trong nhiều năm qua nhằm giành lại thành trì quan trọng nhất, lớn nhất và cũng là cuối cùng đang nằm trong sự kiểm soát của IS. Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược này, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã ném bom các mục tiêu của IS trong suốt hơn một năm qua tại Mosul.

Từ ngày 15-10, quân đội Iraq đã chuyển xe tăng, súng cối và pháo tới khu vực ngoại vi phía đông Mosul nhằm tập trung lực lượng, chuẩn bị cho kế hoạch tái chiếm thành phố chiến lược này từ IS. Dự kiến đây sẽ là cuộc chiến lớn nhất tại Iraq kể từ năm 2003. Vũ khí hạng nặng đã được di chuyển từ Khazer, phía tây thành phố Erbil, ra tiền tuyến.

Sáng 17/10, Thủ tướng kiêm Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Iraq Haider al-Abadi thông báo chính thức bắt đầu các chiến dịch giành lại quyền kiểm soát thành phố Mosul. Phát biểu trên truyền hình Iraq, ông Haider al-Abadi tuyên bố “thời điểm chiến thắng đã đến và các chiến dịch giải phóng Mosul khỏi bạo lực và khủng bố của IS bắt đầu”.

Thủ tướng Iraq tuyên bố tổng tấn công IS từ sáng sớm 17-10. Ảnh: AP.

Ông Abani cũng cho biết lực lượng dẫn đầu chiến dịch giải phóng là quân đội Iraq; cảnh sát quốc gia, lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ. Nòng cốt của chiến dịch là khoảng 30.000 binh sĩ quân đội chính phủ và lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ. Ngoài ra có khoảng 4.000 chiến binh người Kurd, vài nghìn tay súng từ các đơn vị dân quân người Shiite và Sunni. Khoảng 4.000 nhân viên quân sự Mỹ thuộc nhiều thành phần, trong đó chủ yếu thuộc lực lượng đặc biệt của Mỹ. Số lượng quân áp đảo của Iraq và liên quân sẽ tấn công khoảng 7.000 đến 8.000 chiến binh IS đang phòng thủ quanh Mosul.

Sáng 18/10 (theo giờ Việt Nam), các phóng viên chiến trường cho biết, chỉ sau vài giờ tấn công, nhiều ngôi làng đã được giải phóng bởi các chiến binh người Kurd. Trong khi đó, các lực lượng thuộc quân đội chính phủ cũng giành ưu thế khi tiến vào Mosul từ phía nam. Lực lượng đặc biệt của Mỹ cũng đang tư vấn cho các lực lượng mặt đất.

Lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ của Iraq cũng bắt đầu tham gia các chiến dịch tấn công vào các vị trí IS cố thủ. Các hệ thống pháo tầm xa Mỹ và Pháp cũng đã được bố trí, bao gồm những khẩu pháo di động và dàn phóng rocket có khả năng bắn trực tiếp vào Mosul trong vòng 20 giây với độ chính xác cao.

Mặc dù trận đánh vừa diễn ra, nhưng đã có nhiều kịch bản về cái kết của nó. Học giả Michael Knights thuộc Viện Washington về Chính sách Cận Đông cho rằng, chiến dịch giải phóng Mosul sẽ gồm nhiều giai đoạn. Việc Iraq đã lập được cơ sở hậu cần cho chiến dịch tại căn cứ không quân Qayyarah, cách Mosul 60 km về phía nam, nơi Lực lượng An ninh Iraq (ISF) tái chiếm hồi đầu tháng 7 để đón nhận máy bay vận tải, vận chuyển trực tiếp tới chiến tuyến qua đường hàng không thay vì vận chuyển bằng xe tải là lợi thế vô cùng quan trọng.

Michael Knights cho rằng, giai đoạn tiếp theo của chiến dịch là tiến công vào các vùng ngoại ô Mosul. Mũi tấn công chính sẽ được tổ chức theo hướng xa lộ Baghdad - Mosul bên bờ tây sông Tigris và sẽ dừng lại khi các lực lượng tiến đến được những vùng ngoại ô phía nam Mosul.

Một đội hình tấn công khác có thể thọc vào vùng sa mạc ở phía tây Mosul, dọc theo các đường ống dẫn dầu và những tuyến đường nhằm phong tỏa thành phố, ngăn IS điều thêm viện binh hay lẩn trốn sang Syria. Đội hình cuối cùng có thể công kích vào Mosul từ bờ đông sông Tigris, đánh úp mạn đông thành phố. Học giả Michael Knights nhận định lực lượng Iraq sẽ vấp phải kháng cự quyết liệt ở một chốt phòng thủ mạnh của IS.

Lúc đó, Lực lượng An ninh Iraq và Lực lượng Động viên nhân dân chỉ có thể tràn vào vùng sa mạc ở Mosul dưới sự yểm trợ của chiến đấu cơ liên minh, nhằm tiêu diệt những tay súng IS gan lỳ. Tháng 11 và 12/2016 sẽ là thời điểm tận diệt IS ở Mosul.

Pháo của quân đội Iraq tấn công các vị trí IS. Ảnh: Newsweek.

Liên quân ủng hộ đến cùng

Từ Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Carter tuyên bố chiến dịch giải phóng Mosul là “chìa khóa” để đánh bại IS. Tuyên bố nêu rõ đây là thời điểm quyết định trong chiến dịch nhằm đẩy lùi và tiêu diệt IS. Ông bày tỏ tin tưởng rằng quân đội Iraq sẽ giành chiến thắng trước “kẻ thù chung” và giải phóng thành phố Mosul cũng như phần còn lại ở Iraq.

Lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng cam kết tiếp tục ủng hộ Iraq, nhấn mạnh rằng Mỹ và liên minh quốc tế luôn sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng an ninh Iraq và người dân nước này trong cuộc chiến khó khăn phía trước.

Các chuyên gia quân sự lo ngại rằng, ngay cả khi IS bị đánh đuổi khỏi thành phố, nhóm này vẫn có thể kiểm soát các khu vực ở phía bắc và đông Iraq. Lo ngại IS có thể tái vũ trang và lớn mạnh, cũng trong ngày 17/10, khi chiến dịch giải phóng Mosul mở màn, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu chống IS sẽ nhóm họp tại Paris vào ngày 25/10 tới.

Theo hãng tin Pháp AFP, bộ trưởng quốc phòng 13 nước sẽ tham gia cuộc họp này với nội dung bàn thảo chủ yếu về các hoạt động chống IS. Giới chức quốc phòng các nước sẽ đánh giá diễn biến tình hình tại đây và cân nhắc các bước đi tiếp theo trong cuộc chiến chống IS, ngăn chặn các ngả tháo chạy của IS từ Mosul sang Raqqa, thành trì của chúng tại nước láng giềng Syria. Nguồn tin an ninh cho biết các lực lượng chung đã liên tục đạt bước tiến nhằm giải phóng nhiều khu vực xung quanh Mosul, trong đó có các thị trấn Bashiqa và Himdaniyah.

Gọng kìm đã “khép”

Nhiều tháng nay, các lực lượng đồng minh và quân đội Iraq đã siết chặt vòng vây tại Mosul. Mới đây, liên minh đã giành lại những vị trí chủ chốt xung quanh Qayyarah, thị trấn nằm cách Mosul khoảng 60 km về phía Nam, mở màn cho chiến dịch tấn công lớn cuối cùng vào thành trì của IS ở miền bắc Iraq này.

Mosul là phòng tuyến chính cuối cùng của IS tại Iraq. Việc mất thành phố có thể đánh dấu sự thất bại triệt để của IS ở nước này. Mosul được ví như thủ đô giàu dầu mỏ của tỉnh Nineveh, là thành phố lớn thứ hai của Iraq. Cũng chính nơi này, lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố là "vương quốc Hồi giáo" (caliphate) ở một số vùng thuộc Iraq và quốc gia Syria láng giềng. Đây là một trong những thành phố đa dạng nhất của Iraq, gồm tộc người Sunni Arập, người Kurd, Assyrian và người Turkmen, cũng như các dân tộc tôn giáo thiểu số khác.

Theo hãng thông tấn Sputnik của Nga, trước đó hơn một tháng, không quân Iraq đã mở nhiều chiến dịch tấn công IS. Ngày 20-8, tuyên bố của quân đội Iraq nêu rõ: "Lực lượng không quân đã mở nhiều đợt không kích nhằm vào các trụ sở của IS tại khu vực al-Misaq thuộc thành phố Mosul, nơi có nhiều chỉ huy cấp cao của tổ chức này. Chiến dịch không kích đã diễn ra thành công, toàn bộ 19 phiến quân ở các trụ sở trên đã bị tiêu diệt".

Lính Mỹ tham gia chiến dịch. Ảnh: AP.

Trước đó, đầu tháng 7/2016, các lực lượng an ninh Iraq đã giành lại được căn cứ không quân chiến lược ở phía nam thành phố Mosul, nơi được coi là thành trì của IS. Đây được đánh giá là một chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến giải phóng Mosul của các lực lượng an ninh Iraq. Các nguồn tin địa phương cho biết, các lực lượng an ninh được sự hỗ trợ của cố vấn Mỹ đã giành lại được căn cứ không quân al-Qayyara rộng 30 km2 sau khi các tay súng của IS bỏ chạy khỏi căn cứ này. Đây là căn cứ từng có tên là Saddam và là một trong những căn cứ không quân lớn nhất Trung Đông.

Theo đánh giá, căn cứ al-Qayyara có vai trò quan trọng với các lực lượng an ninh Iraq, đặc biệt là với không quân. Chiến thắng này là một phần trong chiến dịch tấn công quy mô lớn để giải phóng nhiều khu vực phía nam Mosul, bao gồm cả thị trấn Qayyara, giúp các lực lượng an ninh Iraq có thể bao vây Mosul từ phía nam và tây trong các chiến dịch sắp tới.

Ngay sau chiến thắng quan trọng trên, để chuẩn bị cho chiến dịch lớn giải phóng Mosul, Iraq và Mỹ đã lên kế hoạch chi tiết từ cuối tháng 7/2016. Tại thủ đô Baghdad, Thủ tướng Haider al-Abadi đã hội đàm với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford, để thảo luận các kế hoạch giải phóng Mosul.

Trận đánh không dễ dàng

Cả Mỹ và Iraq đều biết, đây chắc chắn không phải là một trận đánh dễ dàng, có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Mặc dù IS đang bị thu hẹp đáng kể diện tích kiểm soát trong vòng 2 năm qua, khi bị quét khỏi các thành trì quan trọng ở Tikrit, Ramadi và Falluja.

Trong khi các cửa ngõ chính thức ra vào Mosul đang bị quân đội Iraq và các đồng minh siết chặt, một mạng lưới các đường hầm đã được IS thiết lập. Có tin trong thời gian qua, IS cho phép các chiến binh bị thương được rời khỏi Mosul và trả tự do cho những tù nhân phạm tội nhẹ. IS lựa chọn chiến thuật xé nhỏ đội hình để lẩn trốn các cuộc không kích và pháo kích. 2 đến 3 ngàn tay súng IS chia ra vài khu vực trọng điểm để cố thủ.

Chuẩn bị tử chiến, IS ngày đêm gia cố thành lũy lớn nhất ở Iraq. IS cho dựng hàng loạt bức tường chắn và chiến hào tại các điểm trọng yếu ở Mosul để cố thủ trước kế hoạch tấn công của quân Chính phủ Iraq.

Tại thành phố Mosul, các tay súng IS cho xe chở những tấm chắn bê tông đến các vùng ngoại vi. Những cần trục lớn liên tục bốc dỡ các tấm chắn này và chúng được sắp xếp tương tự như cách quân đội Iraq đã làm trước đây khi họ còn kiểm soát Mosul. Các nhân chứng ở Mosul xác nhận tại rìa phía nam thành phố, xung quanh những khu vực như Mamoun, Tal al-Rumman hay Mansour, IS đã dựng xong bức tường bê tông cao tới 3 mét.

Một số người cho hay, bức tường tương tự cũng xuất hiện ở rìa phía đông Mosul, gần các khu vực Somar, Dumez và Falastin. Tại các khu vực Kokajli và Shamali, IS dựng những ngôi nhà lắp ghép nhằm ngăn chặn quân đội người Kurd thiết lập vòng vây ở đây. Tuy nhiên, là thành phố lớn thứ hai Iraq, chỉ sau Baghdad, với hơn hai triệu cư dân sinh sống, Mosul quá rộng lớn nên IS không có cách nào để dựng một bức tường bao quanh nó. Đó là lý do vì sao IS chỉ xây tường chắn tại những khu vực gần các cửa ngõ đi vào thành phố và những nơi IS nghi ngờ đối phương sẽ phát động tấn công.

Trên mạng xã hội, các thành viên IS cũng so sánh trận chiến sắp tới ở Mosul với Trận Chiến hào trong lịch sử để lên dây cót tinh thần. Những bức tường mà IS dựng lên ở Mosul có kèm bên cạnh một chiến hào, sâu 2 mét, rộng 2 mét. Chiến hào này đã được đào xong ở vùng rìa phía đông và phía bắc Mosul.

Cũng giống như những bức tường chắn, các chiến hào không thể bao quanh hết toàn bộ Mosul nhưng chúng dường như có kết nối với một mạng lưới đường hầm bí mật mà IS đang xây dựng. Các đường hầm được thiết kế để chuẩn bị cho trường hợp IS buộc phải tiến hành chiến tranh du kích bên trong thành phố.

Nhưng ngay cả những người dân sống ở Mosul hiện nay cũng biết rằng bên nào kiểm soát không phận sẽ làm chủ thế trận. Hàng rào và các chiến hào không thể ngăn chặn các lực lượng vũ trang tiến vào thành phố nếu họ có sự yểm trợ của không quân.

Nỗi lo về thảm họa nhân đạo

Với đặc thù vẫn còn hàng triệu người dân đang sinh sống ở Mosul, khi chiến dịch diễn ra, Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo chiến dịch có thể sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trên thế giới, với 1 triệu người bị ảnh hưởng trong kịch bản xấu nhất. Liên Hiệp Quốc cũng đã bày tỏ lo ngại đối với dân thường khi cuộc chiến sẽ đầy khó khăn và có thể kéo dài hàng tháng.

Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khalid al-Obeidi cho biết, trận chiến Mosul đồng nghĩa với một thảm họa về mặt nhân đạo đang chực chờ bùng phát. IS hẳn sẽ ẩn náu trong thường dân, đưa thường dân ra làm lá chắn trước bom đạn từ đối thủ. Trước thời điểm IS chiếm quyền kiểm soát Mosul, thành phố này có 2 triệu dân. Còn hiện nay, IS vẫn còn 1 triệu thường dân sống xung quanh.

Chính phủ Iraq và liên quân cùng lúc phải lo tấn công và bảo đảm an toàn cho dòng người tị nạn Mosul sẽ tìm mọi cách đổ ra ngoài thành phố. Vấn đề càng không đơn giản khi Mosul là một thành phố mà người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số, vì thế, chiến dịch đánh chiếm Mosul còn làm dấy lên nỗi lo trở thành một cuộc xung đột giáo phái giữa dòng Sunni và dòng Shiite.

Hoa Huyền
.
.