Ra Phú Quốc, nghe chuyện Công an phá án

Thứ Sáu, 17/12/2010, 20:35
Tiếng là ở đảo xa xôi, cách trở nhưng lực lượng Công an nơi đây "bén" chẳng thua anh em đồng sự ở trong đất liền. Tôi ra Phú Quốc (Kiên Giang) vào những ngày cuối năm, gió chướng thổi hây hây, cũng là lúc lực lượng Công an huyện đảo tập trung cao điểm tấn công tội phạm, đảm bảo ANTT nhân dịp năm hết, tết đến.

Mưa, gió và sóng biển cứ đỏng đảnh bất thường nên dù tôi rất muốn đi Thổ Chu - xã đảo xa xôi nhất nằm trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, cũng không có tàu để đi. Thôi thì nghe theo lời của Thượng tá Nguyễn Thanh Nhanh - Trưởng Công an huyện Phú Quốc, tôi lò mò xuống các Đội Cảnh sát điều tra, nghe chuyện Công an huyện đảo phá "án độc"…

1. Câu chuyện đầu tiên mà tôi được nghe là chuyện triệt xóa băng bốn mẹ con chuyên cung cấp "cái chết trắng". "Khi anh em chúng tôi ập vô quán "cầy tơ" của bà Hồng, nhiều người dân cứ tưởng chúng tôi đang lùng sục tang vật của mấy vụ bắt trộm chó đơn thuần. Nhưng thấy cả... gia đình bị đưa đi và đặc biệt là có người phát hiện anh em chúng tôi tìm thấy ma túy tại quán “cầy tơ” này, bà con mới biết đó là kết cuộc của quá trình trinh sát rất vất vả" - một điều tra viên (ĐTV) kể.

Vẫn theo lời kể của các ĐTV, hồi mới khai trương từ cách nay hơn 3 năm, quán "cầy tơ" của Phan Thị Hồng (SN 1969) nhộn nhịp lắm. Ngư phủ ngán ngẩm món cá biển quá rồi nên tới kỳ cặp tàu vô đảo, vừa bước chân lên bờ đã tấp vô quán "cầy tơ" này, thỏa thích với bao nhiêu món độc chiêu mà quán cung cấp. Có hôm, mới xế chiều, bà chủ Hồng phải đặt bảng chữ trước quán "hết hàng, xin hẹn ngày mai!".

Do cung không đủ cầu nên bà chủ quán “cầy tơ” này liền tìm tới một quán cầy tơ khác gần đó do bà Bùi Thị Yêu (là dân gốc Hải Phòng, tạm trú thị trấn An Thới, Phú Quốc) làm chủ, nhờ chia lại thịt chó để phục vụ khách. Mối quan hệ giữa hai bà chủ quán cầy tơ ngày càng khẳng khít. Đó cũng là lúc cả hai thống nhất chuyển hướng "làm ăn".

Sau khi bị bắt, Hồng khai rằng do thấy bản thân thị ta nhanh nhẹn, chịu khó nên vào một ngày của tháng 6/2009, bà Yêu đã đến thuyết phục, lôi kéo. Bà Yêu nói rằng, bán thịt cầy tuy đang có thu nhập kha khá nhưng nên tranh thủ "làm thêm". "Cái nghề tưởng chừng là tay trái này nhưng tôi đảm bảo em sẽ có nguồn thu nhập gấp... hàng trăm lần so với lượm bạc cắc của dân nhậu". Nghe bà Yêu nói có phần là lạ, mắt chủ quán Hồng sáng lên, hỏi dồn. Thị Yêu kề tai: "Là hàng trắng, tức ma túy đó".

Thị Hồng khai rằng, từ ngày rời quê Thốt Nốt (Cần Thơ) ra đây, bà chẳng bao giờ có ý nghĩ "làm ăn lớn" và... liều mạng như thế, nhưng nghĩ tới cái cảnh làm giàu nhanh mà chẳng lấm tay, đau mình như mỗi khi ra tay chặt... xương cầy, nên bà nhận lời ngay. Thế là Hồng làm theo cách sắp đặt của Yêu - biến quán cầy tơ thành nơi cung ứng "hàng" cho dân nghiện trên đảo và một số ngư phủ.

Mấy ngày sau đó, sau khi đóng cửa quán, bà Hồng được bà Yêu bày cách dùng dao lam chia hêrôin thành từng tép một hoặc gói vào giấy bạc. Yêu vừa thuần thục vừa nói: "Mỗi tép như vầy, cứ thu 300 - 500 ngàn đồng. Cứ thấy an toàn thì giao hàng, nhận tiền, dễ như trở bàn tay, có gì đâu".

Sau một hai chuyến đầu, thấy Hồng giao hàng rất "ngọt" nên thị Yêu cũng thống nhất phương thức "làm ăn" mà Yêu đưa ra: "Tôi sẽ giao cho mỗi lần từ 2 đến 3 cục. Tiền thì cứ trả kiểu gối đầu, cứ bán hết hàng, trả tiền rồi nhận hàng mới".

Theo các ĐTV, thực ra, trước khi lôi kéo Hồng vào chuyện buôn bán ma túy, Yêu cùng với một thanh niên khác đồng hương tên là Nam đã lén lút mang "hàng trắng" ra đảo và chúng đã có một số "khách hàng" thân thuộc. Khi thấy Hồng đã vào vai trò thay thế khá xuất sắc, thị Yêu quyết định rút lui khỏi đảo. Trong số những "khách mối" mà Yêu bàn giao lại cho Hồng, có Bùi Quang Duy (ngụ khu phố 3, thị trấn An Thới). Thị Yêu nói với Duy rằng, thị ta phải về Bắc, nếu có cần "hàng" cứ tìm đến gặp chủ quán "cầy tơ"...

Thị Hồng cũng được Yêu căn dặn trước khi bước xuống tàu cao tốc về đất liền: "Hết hàng cứ điện cho chị, chị sẽ chuyển ngay từ Hải Phòng vào Rạch Giá rồi sẽ có người chuyển sớm nhất ra Phú Quốc. Tới nơi, sẽ có người mang tới quán... Nhận hàng xong, em phải chuyển tiền ngay cho chị qua đường bưu điện nhé!".

Đúng như lời của thị Yêu nói, chỉ một ngày sau khi thị ngưng hàng và "chỉ điểm" cung cấp hàng mới sang quán "cầy tơ", quán của thị Hồng bắt đầu nhộn nhịp hơn trước. Khách choai choai tăng lên. Theo yêu cầu của Hồng, các "con nghiện" khi đến đây cũng gọi mồi, rượu đế. Nhưng sau khi bà chủ mang ra "đĩa mồi đặc biệt", các đối tượng liền thanh toán tiền rồi nhanh nhảu đi tìm "điểm đáp".

Tiền lời vô như nước, nhưng để quán xuyến việc vừa bán thịt cầy, vừa bán "hàng trắng", Hồng lần lượt lôi kéo cả con gái mình là Bùi Thị Thanh Phương (SN 1991), con trai Bùi Thanh Hùng (SN 1993, đang là học sinh) và con rể Phạm Thanh Ngà (SN 1988, chồng Phương) cùng  tham gia bán... "hàng". Có thêm "tay chân", Hồng cho giao "hàng" tận nơi - theo yêu cầu của các con nghiện. Có hôm, người ta thấy 3 con của chủ quán "cầy tơ" mới  mang món "cầy luộc" ra đầu hẻm đã có người nhận. Có hôm, điểm giao món "cầy xáo măng" ở con đường dẫn ra Bãi Đất Đỏ. Có khi, khách đang ngồi trong Bãi Khem, Bãi Sao (đều thuộc thị trấn An Thới) nhưng không ăn mực, ăn ghẹ mà lại gọi "thịt cầy" từ quán của Hồng mang tới.

Những dấu hiệu bất thường đã không qua được tai mắt của quần chúng nhân dân và Công an huyện. Cho tới ngày đầu tháng 9 vừa qua, khi đích thân bà chủ quán đi giao "thịt cầy" cho khách thì bị các trinh sát bắt quả tang.

Đến nay, 4 mẹ con bà chủ quán "cầy tơ" đã khai nhận từng có 24 lần nhận hêrôin qua đường tàu từ Rạch Giá đi Phú Quốc; trong đó, Hồng nhận 17 lần, Phương nhận 7 lần; cả hai đã chuyển tiền thanh toán cho Yêu qua Bưu cục An Thới trên 100 triệu đồng. Sau khi ký quyết định khởi tố, bắt tạm giam thị Hồng cùng con trai, con rể (Phương được tại ngoại), Công an Phú Quốc cũng đã phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Bùi Thị Yêu.

Người dân trên đảo Phú Quốc thật sự phấn khởi khi hay tin Công an huyện đã triệt phá được ổ chứa và gieo rắc "cái chết trắng" của 4 mẹ con chủ quán "cầy tơ"... 15 "khách hàng" thường sử dụng món "thịt cầy đặt biệt" của quán thị Hồng cũng đã lần lượt được Công an huyện đảo "mời" đến để làm rõ.

2. Trước khi ra đảo mấy ngày, chúng tôi nhận được tin vui. Đó là Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm vừa tổ chức trao Giấy khen và thưởng nóng 2 triệu đồng cho Công an Phú Quốc vì thành tích khám phá nhanh vụ án giết người, cướp tài sản.

Đại úy Trần Hữu Chương - Đội phó CSĐT tội phạm về TTXH cho biết, vào khoảng 20h30’ ngày 15/8/2010, tại tổ 1, ấp 4, thị trấn An Thới, quần chúng phát hiện xác một phụ nữ bị vùi trong bùn bên bờ Suối Lỡ, gần sông Cầu Sấu - khu vực giáp ranh giữa ấp 4, thị trấn An Thới với ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ. Trung tá Trần Văn Dũng - Phó trưởng Công an huyện cùng 8 cán bộ, chiến sĩ kịp thời có mặt tại hiện trường.

Từ công tác nắm tình hình và điều tra ban đầu, nạn nhân được xác định là chị Trần Thị Dư, 36 tuổi, người địa phương. Căn nhà sàn của chị Dư cách nơi thi thể của chị được phát hiện khoảng 160m. Con gái lớn của nạn nhân kể lại, tối hôm đó, em có việc đi ra ngoài về thì không thấy mẹ đâu. Bước vô nhà, em cảm nhận mùi hôi tanh rất lạ, trên sàn nhà, vách và nhiều vật dụng khác thì có vết máu. Linh tính chuyện chẳng lành xảy ra với mẹ mình, em đã chạy ra sân vừa khóc, vừa kêu cứu...

Người thân của nạn nhân kể thêm rằng, chồng nạn nhân sống bằng nghề biển. Cứ chiều đi, sáng hôm sau về. Vợ chồng họ có 2 đứa con, đứa lớn đang học cấp III, đứa nhỏ hàng ngày được gửi chơi bên nhà bà ngoại cách đó không xa. Nạn nhân ngoài công việc nội trợ, cũng có quan hệ làm ăn thêm với người dân địa phương; trên người có đeo nữ trang...

Ngư phủ Nguyễn Văn Bảo - kẻ đã nhẫn tâm giết bà chủ tàu của mình để cướp tài sản; Phan Thị Hồng - kẻ đã huy động cả 3 đứa con phụ mình mở quán "cầy tơ" để bán... ma túy và Trương Thị Thu - kẻ cầm đầu băng chuyên "ăn hàng" của khách đi lễ chùa ở Phú Quốc.

Bước đầu điều tra, Cơ quan điều tra xác định đây là vụ án giết người, cướp tài sản. Vấn đề đặt ra lúc này là kẻ nào là hung thủ. Quanh khu vực nhà nạn nhân dân cư không đông lắm, hầu hết là dân nghèo, có nhiều thành phần phức tạp, gần đây xuất hiện tệ cờ bạc, số đề. Cách đó không xa lại là những lùm cây rừng, cỏ dại um tùm; hiện trường bị xáo trộn. Do đó, công việc truy tìm thủ phạm của vụ trọng án quả thật không đơn giản.

Công an Phú Quốc đã tổ chức phát động phong trào tố giác tội phạm trong quần chúng nhân dân; đồng thời chỉ đạo lực lượng triển khai đồng loạt biện pháp nghiệp vụ.

Hàng chục đối tượng được đưa vào diện nghi vấn và sàng lọc. Nổi lên lúc này là đối tượng Nguyễn Văn Bảo (còn có tên là Trọng), 26 tuổi. Nhà Bảo ở ấp Xẻo Lá, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang) ra đây thuê nhà trọ (cùng ấp 4, thị trấn An Thới) ở cùng vợ và sống bằng nghề ngư phủ. Tình tiết quan trọng nhất mà các trinh sát thu thập được là Bảo làm thuê cho tàu của chồng nạn nhân. Lẽ ra đêm đó, Bảo cũng đã theo tàu ra khơi nhưng trước đó một ngày, anh  ta xin được nghỉ ít hôm để... dưỡng bệnh (?). Thế nhưng vào chiều tối hôm đó, nhiều người thấy anh ta ngồi trong quán cà phê X., cách nhà nạn nhân không xa, nhâm nhi cà phê, thỉnh thoảng đưa tay xem đồng hồ...

Cùng với nhiều tình tiết khác, đến khoảng 23h cùng ngày, các trinh sát quyết định mời Bảo về Cơ quan Công an. Ban đầu, Bảo bất hợp tác với Cơ quan điều tra, nhưng sau đó thì rất tự tin chứng minh bằng chứng ngoại phạm của mình. Bảo nói vào thời điểm xảy ra án, anh ta đang uống cà phê, có nhiều người thấy; nào là, không thù, không oán bà chủ sao bỗng dưng lại nhẫn tâm ra tay; nào là gia đình trông cậy vào nguồn thu nhập của bản thân, ai dại gì đi làm liều, bất chấp pháp luật;...  Tuy nhiên, lý lẽ ngụy biện của Bảo đã không qua được sự đấu tranh sắc sảo, kiên trì và khéo léo của các điều tra viên.

Cùng với biện pháp giáo dục, cảm hóa, cuộc đấu trí kéo dài gần 11 tiếng đồng hồ đã đi đến hồi kết khi Bảo đã không còn lý lẽ nào để chối trách nhiệm. Đó cũng là lúc Bảo nghe đọc lệnh bắt khẩn cấp...

Bảo khai rằng, khoảng gần 20h ngày 15/8/2010, sau khi rời quán cà phê X., anh ta đi tới nhà nạn nhân. Lúc này, chị Dư đang ở nhà một mình và đang ngồi sử dụng máy vi tính. Vừa bước vô nhà, Bảo mở miệng: "Chị có tiền không cho mượn 500 ngàn đồng". Chị Dư nói chỉ có 300 ngàn đồng thì cũng là lúc Bảo bước xấn tới, dùng dao Thái Lan chuẩn bị sẵn và ra tay...

Sau khi biết chị Dư đã chết, Bảo lôi chị ra hông nhà, tháo đôi bông tai của chị rồi trở vào nhà lấy điện thoại (để trên máy tính), mở cửa tủ gần đó lấy hộp đựng nữ trang. Sau đó, hắn lấy nước để xóa vết. Xong, hắn mang xác chị Dư bơi qua sông Cầu Sấu, qua một đoạn đường khoảng 140m, rồi dìm xác nạn nhân xuống một mương bùn. Vứt con dao gây án xuống sông, hắn trở về nhà và giấu tài sản cướp được vào lùm cỏ phía sau nhà trọ mà hắn đang ở. Bảo cũng khai dự tính của hắn trong ngày hôm sau sẽ vào đất liền bỏ trốn nhưng chẳng ngờ, hắn chưa kịp trở tay...

3. Khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì Cơ quan CSĐT Công an huyện đảo Phú Quốc cho biết cũng vừa hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tố băng tội phạm từ đất liền ra đảo chuyên "ăn hàng" của khách đi lễ chùa. Băng trộm này gồm: Trương Thị Thu (45 tuổi), Trương Thị Sương (chị ruột của Thu, 48 tuổi), Lương Hoài Văn (27 tuổi), Ngô Thị Kim Đào (47 tuổi, cùng ngụ tại quận Bình Thủy, Cần Thơ) và Lý Thị Ngọc Hân (23 tuổi, ngụ Phú Quốc). Hay tin ở Phú Quốc, hằng năm tại chùa Sùng Hưng Cổ Tự, có rất đông khách thập phương đến đảo để  tham dự lễ chùa, thế là Thu cùng đồng bọn lên kế hoạch "làm ăn" ngay. Sau khi có mặt ở Phú Quốc, và chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, bọn chúng đã "ăn" được 14 chiếc điện thoại di động và 6 sợi dây chuyền vàng. Khi đang "ăn" sợi dây chuyền thứ 7 thì bị lộ tẩy...

Thượng tá Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng Công an huyện Phú Quốc bộc bạch với PV Chuyên đề ANTG rằng: "Ở đảo, lực lượng Công an gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ, nhất là triệt phá được "án độc" là do anh em biết tranh thủ sự giúp sức quý báu của quần chúng nhân dân"

Thái Bình
.
.