Nhà hoạt động nhân quyền bị sát hại ở Pakistan gây làn sóng phẫn nộ

Thứ Ba, 05/05/2015, 17:50
Bà Sabeen Mahmud, nhà hoạt động nhân quyền và xã hội nổi tiếng Pakistan, bị bắn chết vào đêm 24/4 tại thành phố Karachi miền nam Pakistan sau khi cùng mẹ rời khỏi cuộc hội thảo chủ đề "Balochistan không im lặng" về những người mất tích ở tỉnh này.

Mahmud, 40 tuổi, là giám đốc và người thành lập The Second Floor (T2F) - không gian cà phê và nghệ thuật, nơi gặp gỡ thường xuyên của các nhà hoạt động nhân quyền Karachi từ khi cơ sở được mở cửa năm 2007.

Cảnh sát báo cáo Mahmud bị 2 tay súng lạ mặt chạy môtô bắn vào chiếc ôtô Suzuki Swift màu trắng chở Mahmud và mẹ. Nhà hoạt động nhân quyền trúng 4 phát đạn vào cổ, ngực và bụng ở cự ly gần và đã chết trên đường đến bệnh viện vào lúc 9 giờ 40 phút (giờ địa phương).

Mẹ của Mahmud bị bắn 2 phát nhưng may mắn thoát chết sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Aga Khan. Riêng tài xế của Mahmud ngồi ở băng ghế sau nên không bị thương tích trong cuộc nổ súng và người ta vẫn chưa hiểu tại sao lúc đó người này không cầm lái.

Bà Sabeen Mahmud.

Trước khi bị sát hại, bà Sabeen Mahmud tham dự cuộc hội thảo chủ đề "Balochistan không im lặng" tổ chức tại T2F với sự có mặt của các nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của tỉnh Balochistan - bao gồm Mama Qadeer, Farzana Majeed và Muhammad Ali. Từ lâu, Qadeer và Majeed kiên trì đấu tranh cho những người bị bắt cóc ở tỉnh Balochistan, miền tây Pakistan và xác của họ chỉ được tìm thấy vào 4 năm sau.

Theo tuyên bố từ Tổ chức "Tiếng nói của Những người Baloch mất tích" (VBMP), hơn 2.825 người đã "biến mất" một cách bí ẩn khỏi Balochistan từ năm 2005 - trong đó phần đông là các nhà hoạt động nhân quyền và sinh viên - và sau đó mọi nghi ngờ đều đổ dồn vào chính quyền Pakistan cũng như cơ quan tình báo quân đội ISI nước này mặc dù cáo buộc luôn bị phủ nhận.

Vào khoảng 2 tuần trước đó, một cuộc hội thảo tương tự được tổ chức tại Đại học Khoa học Quản lý Lahore (LUMS) nhưng sau đó bị hủy vào phút cuối theo yêu cầu từ chính quyền. Tỉnh Balochistan lớn nhất Pakistan từng là nơi diễn ra cuộc chiến của các lực lượng ly khai chống chính quyền Islamabad. Nhiều phần của Balochistan bị cách ly khỏi phần còn lại của Pakistan do xung đột vũ trang.

Chủ tịch VBMP Nashrullah Baloch tuyên bố: "Bất cứ khi nào có tiếng nói chống lại hành động vi phạm nhân quyền ở Balochistan, chính quyền đều cố sức trấn áp. Nhưng, những tiếng nói càng bị trấn áp lại càng trở nên mạnh mẽ hơn".

Raza Rumi phát biểu sau cái chết của Sabeen Mahmud: "Sabeen là tiếng nói của lương tri. Với vai trò của mình, Sabeen không là người ủng hộ chính trị hay tìm kiếm quyền lực nhưng những người của chính quyền Pakistan không thích sự chống đối. Đó là lý do bà bị sát hại. Cái chết của bà làm vết thương của tôi rỉ máu. Bà ủng hộ tôi khi tôi thoát chết và bây giờ tôi vẫn cảm thấy sợ hãi khi có ý định trở về Pakistan. Cái chết của bà là đòn đau cho các phong trào thay đổi xã hội ở Pakistan".

Theo Hãng tin Al-Jazeera, Raza Rumi là nhà hoạt động nhân quyền may mắn thoát chết trong một vụ mưu sát hồi tháng 3/2014 và hiện đang sống lưu vong ở Mỹ do lo sợ cho tính mạng của mình. Một người bạn giấu tên của Sabeen Mahmud cho biết, hôm 21/4 vừa qua, Mahmud có gặp ông để hỏi liệu bà có nên đến dự cuộc hội thảo hay không.

Người bạn tiên liệu sự kiện có thể gặp phải phản ứng nhưng không ngờ kết cục là cái chết của Sabeen Mahmud. Đám đông có đến hàng trăm người - bao gồm gia đình, bạn bè và người dân ủng hộ Sabeen Mahmud - đã tụ tập bên ngoài nhà xác bệnh viện JPMC, nơi thi thể nhà hoạt động được chuyển đến. Đảng phái đối lập Pakistan Tehrik-e-Insaf (Phong trào vì Công lý) tiết lộ Sabeen Mahmud đã nhận được nhiều lời đe dọa từ vài ngày trước khi bị bắn chết.

Đám tang Sabeen Mahmud.

Có mặt tại hiện trường, cảnh sát thu được một số vỏ đạn và cho biết họ đang điều tra vụ án từ mọi góc độ để tìm hiểu động cơ án mạng cũng như kiểm tra điện thoại di động của nhà hoạt động nhân quyền, đồng thời xác định xem nhóm sát thủ theo dõi nạn nhân từ trước hay chờ sẵn tại nơi gây án.

Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Nawaz Sharif đã gửi lời chia buồn đến gia đình nạn nhân và yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm nhanh chóng điều tra vụ án để tìm ra hung thủ. Hiện thời, cảnh sát đã tạm giữ tài xế Ghulam Abbas để thẩm vấn.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Cơ quan Quan hệ công chúng liên quân (DG ISPR) của quân đội Pakistan - tướng Asim Bajwa - tuyên bố các cơ quan tình báo sẽ cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết cho cuộc điều tra phá án.

Trò chuyện với tờ The Express Tribune, nhà hoạt động nhân quyền Mama Qadeer lên án vụ giết người và cho biết sự kiện "Balochistan không im lặng" ban đầu dự định tổ chức vào ngày 21/4 tại một địa điểm khác nhưng ban tổ chức đã có sự thay đổi sau khi nhận quá nhiều lời đe dọa.

Mama Qadeer nói về mình: "Họ không cho tôi rời khỏi Pakistan, không cho tôi nói chuyện tại LUMS, không cho tôi nói chuyện tại Karachi". Vài giờ sau khi Sabeen Mahmud bị sát hại, trang Facebook chính quyền và tài khoản Twitter của T2F không thể truy cập được.

Một nhóm đặc biệt cũng được tổ chức tại Festival Văn học Islamabad để tưởng nhớ Sabeen Mahmud. Nhóm đặc biệt bao gồm: tác giả Mohammad Hanif, nhà văn Shandana Minhas và tiến sĩ Framji Minwalla, Phó giáo sư và Chủ tịch Cơ quan Nghệ thuật tự do và Khoa học Xã hội thuộc Viện Quản lý Doanh nghiệp (IBA).

Diên San (tổng hợp)
.
.