Samsung làm giàu bất chấp sức khỏe người lao động?

Thứ Hai, 04/08/2014, 15:40

Cuộc chiến giữa Samsung và hàng trăm cựu công nhân đã kéo âm ỉ dài trong nhiều năm qua. Nhưng thời gian gần đây tình thế vụ việc trở nên quyết liệt, điều đó phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của người dân Hàn Quốc về an toàn lao động và trách nhiệm của các tập đoàn kinh tế lớn như Samsung.

Samsung được cả thế giới biết đến nhờ các sản phẩm công nghệ hiện đại: truyền hình màu, điện thoại thông minh... tuy nhiên ở Hàn Quốc, ngoài sản xuất mặt hàng công nghệ cao, họ còn kinh doanh bất động sản, bán bảo hiểm nhân thọ và đóng góp 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc.

Samsung cùng các tập đoàn  khác đều là "ông lớn" kinh tế có tiếng, từ lâu đã khẳng định vị thế vững chắc là trụ cột bất khả chiến bại. Nhưng trong những tháng qua, các nhà lập pháp bắt đầu yêu cầu Samsung đưa ra lời giải thích cho hàng loạt những căn bệnh hiếm gặp mà nạn nhân là những người từng làm việc cho Samsung. Samsung đã đưa ra lời xin lỗi trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc qua chương trình thời sự vì thiếu quan tâm đến bệnh tật và nỗi khổ của những cựu công nhân do mắc bệnh bất thường.

Các nhà chính trị và hoạt động xã hội ở Hàn Quốc khẳng định, vấn đề sức khỏe của công nhân đã nổi rõ sai sót của một tập đoàn quá ham tăng năng suất mà bỏ qua công tác an toàn lao động. "Hình thái xã hội đang thay đổi ở Hàn Quốc, tôi tin Samsung thấu cảm được điều đó. Những căn bệnh hiếm gặp đã trở thành một vấn đề đặc trưng dành cho Samsung. Tập đoàn này bắt đầu bị xem là một doanh nghiệp rất kiêu ngạo và bướng bỉnh", tiến sĩ kinh tế học Kim Sang-jo, giảng viên Đại học Hansung, chuyên gia nghiên cứu tập đoàn kinh tế cho biết.

Một nhà máy sản xuất của Samsung ở Hwangseung (Hàn Quốc).

Nỗi lo về điều kiện làm việc trong xí nghiệp của tập đoàn Samsung lần đầu tiên được đề cập cách đây 7 năm, khi đó có 2 công nhân là các anh Hwang Yu-mi và Lee Suk-yeong đã chết vì bệnh bạch cầu chỉ sau vài tháng làm việc. Anh Hwang 23 tuổi, và cha của anh, một tài xế taxi đã đổ bệnh mà chết, không phải là một trường hợp ngẫu nhiên.

Trong những năm qua, có khoảng 200 người nữa tuyên bố họ mắc bệnh từ dây chuyền sản xuất của Samsung, hầu hết họ từng làm việc ở Nhà máy Giheung cách thủ đô Seoul hơn 30 km về phía nam, đây là phân xưởng sản xuất chất bán dẫn và màn hình tinh thể lỏng.

Hầu hết các chuyên gia y tế hàng đầu đều cho rằng, nguyên nhân gây u não và bệnh bạch cầu cơ bản đều không rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn tiếp xúc với bức xạ và benzene. Bộ Y tế  và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho rằng "tiếp xúc trong thời gian dài" với nồng độ benzene đậm đặc (cao) có thể gây ra bệnh bạch cầu và một số bệnh ung thư.

Như các tập đoàn sản xuất công nghệ cao, Samsung sử dụng các hóa chất tiềm ẩn nguy cơ độc hại trên dây chuyền sản xuất trong đó có benzene. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu Samsung được cấp phép sản xuất, nồng độ đó nằm trong tiêu chuẩn an toàn (?!)

Han Hye-kyung (ngồi xe lăn) và những người cùng cảnh ngộ đang đấu tranh pháp lý đòi Samsung phải bồi thường. Tuy nhiên, cuộc chiến này sẽ vô cùng gian nan.

Nhiều người từng làm việc cho Samsung từ cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 đã báo cáo họ mắc bệnh và tập đoàn này kể từ thời gian đó đã cải tạo nhà máy sản xuất ở Giheung. Tuy nhiên, một số công nhân làm việc ở đó cho biết, Samsung đã thiếu quan tâm đến an toàn lao động dài hạn. Trong thời gian cúp điện thường xuyên, hệ thống lọc không khí sẽ ngừng hoạt động. Công việc tạm thời ngưng lại, nhưng phải tiếp tục trở lại trước khi khí độc được làm sạch hoàn toàn.

"Rất tốn kém để ngừng một dây chuyền sản xuất trong một thời gian dài. Thậm chí, chỉ trong thời gian ngắn cúp điện, bạn sẽ ngửi thấy mùi hóa chất nồng nặc" ngay khi mọi người trở lại làm việc" - ông Ryu Ui-seok, một kỹ sư Samsung từng làm việc ở Nhà máy Giheung từ năm 2004 đến năm 2006 kiêm phụ trách sức khỏe người lao động cho biết.

Hầu hết công nhân làm việc tại Giheung là phụ nữ, trình độ cao nhất chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo một số công nhân cũ, trong suốt thời gian thử việc 1 tháng dành cho công nhân mới, họ được tuyên truyền về lịch sử tập đoàn và các phòng ban đều khẳng định: Một ngày nào đó họ sẽ trở nên giàu có. Họ được hướng dẫn cặn kẽ về cách giữ sạch dây chuyền sản xuất, một yếu tố quan trọng để sản xuất chất bán dẫn. Tuy nhiên, họ hầu như không được nhắc nhở  về an toàn lao động và hóa chất độc hại mà họ phải tiếp xúc.

"Tất cả chúng tôi được học cách trở thành một người lao động hiệu quả. Tầm quan trọng dành cho sản phẩm, chứ không phải con người" - Hong Sae-mi, người bắt đầu làm việc tại Tập đoàn Samsung khi 19 tuổi và mắc chứng đa xơ cứng (một căn bệnh mãn tính làm tổn thương màng bọc tế bào thần kinh trong não và tủy sống, các triệu chứng của căn bệnh này bao gồm: tê liệt, nói lắp, căng cơ, mờ mắt và mệt mỏi). Hong Sae-mi khẳng định bệnh chị mắc phải có liên quan đến môi trường làm việc ở Samsung.

Khi Han Hye-kyung tốt nghiệp cao đẳng và có việc làm tại Tập đoàn Samsung, gia đình chị đã ăn mừng bằng món thịt nướng. Nhưng chỉ 2 năm sau, chị bị tắt kinh. Sau thời gian đó, chị không thể đi thẳng. Thế rồi các bác sĩ tìm thấy một khối u trong não, cái khối u  mà chị cùng gia đình khẳng định, nó sinh ra từ các chất độc hại từ một nhà máy sản xuất của tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc.

Han cùng với mẹ là một trong những nhóm nhỏ người Hàn Quốc dám công khai lên tiếng tố cáo tập đoàn công nghệ mang tính biểu tượng nhất của đất nước này. Họ cho biết điều kiện lao động ở một nhà máy Samsung Electronics gây ra hàng trăm căn bệnh hiếm gặp trong suốt 2 thập niên qua, đã có một số ca tử vong, hầu hết nạn nhân ở độ tuổi 20-30.

Đối với những công nhân kiên trì đấu tranh để buộc Samsung phải thừa nhận có bệnh lạ, thì lời xin lỗi mà họ nhận được gần đây chỉ là một phần của sự bồi thường, sau nhiều năm Samsung bị đặt câu hỏi về uy tín của họ. Samsung hứa bồi thường cho các nạn nhân, tuy nhiên lại không thừa nhận trách nhiệm. Han và mẹ chị, bà Kim Shi-nyeo, đọc được tuyên bố xin lỗi trên tấm băng-rôn mỏng dán hờ hững ở trước căn hộ mà mẹ con  chị đang thuê ở. Bà Kim đã bán gần hết sản phẩm Samsung mà bà sở hữu bởi vì chỉ nhìn vào logo, nỗi tức giận lại trào dâng trong lòng bà.

Samsung đã từ chối trường hợp của chị Han. Một phát ngôn viên của Tập đoàn Samsung cho biết, trong xã hội phương Tây, lời xin lỗi có thể được coi là sự thừa nhận trách nhiệm. "Người lao động giống như những người trong gia đình chúng tôi, và tập đoàn mong muốn thực hiện sự giúp đỡ khi gia đình gặp khó khăn. Thay vì dò xét ai phạm phải lỗi lầm, trước hết chúng tôi đưa ra sự giúp đỡ" - người phát ngôn của Samsung phát biểu.

Giờ đây chị Han đã bị liệt gần như toàn thân vì biến chứng sau ca phẫu thuật loại bỏ khối u não. Han không thể kể câu chuyện đau lòng của chị. Chị vẫn có nhận thức đầy đủ, nhưng chị chỉ có thể nói được một vài từ. Sau những năm điều trị bằng biện pháp vật lý trị liệu, chị có thể tự mặc váy, áo, tuy nhiên chị không thể cài nút áo sơ-mi. Chị không thể viết. Han có thể nói chuyện qua điện thoại nhờ mẹ chị cầm điện thoại ghé sát tai của chị. Bà Kim vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó con gái bà có thể tự đi lại bình thường.

Cả cơ quan chính phủ và một tòa án ở Seoul đều ra phán quyết rằng, không có sự liên kết chắc chắn giữa tình trạng sức khỏe của Han và thời gian chị làm việc tại Samsung.  Tuy nhiên, bà Kim khẳng định "chắc chắn 100%". Vì trong gia đình bà, không có tiền sử bệnh u não hoặc những căn bệnh hiếm gặp và chị Han hoàn toàn khỏe mạnh trước khi nhận việc ở Tập đoàn Samsung.

Bà Kim hiện đang hy vọng nhận được khoản bồi thường từ Samsung thông qua đàm phán. Mục tiêu của bà thật đơn giản, nhưng cũng thật xót xa. Bà muốn trang bị cho căn hộ của mình những thanh cầm, nắm và những thiết bị khác để có thể giúp con gái sống dễ dàng hơn trong nhà. "Tôi mong Samsung hãy nghĩ về những năm tháng con gái tôi không thể làm việc. Nó cần sự giúp đỡ cho quãng đời còn lại của nó", bà Kim nghẹn ngào nói

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.