San Pedro Sula – Honduras: Thành phố bạo lực nhất thế giới

Thứ Tư, 17/04/2013, 16:40

Một báo cáo gần đây của Văn phòng Liên Hiệp quốc về ma túy và tội phạm cho thấy thành phố San Pedro Sula, Honduras là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới. Tại thành phố này, trung bình có 3 người bị giết mỗi ngày.

Nằm ở phía tây bắc của Honduras, San Pedro Sula có khoảng 2 triệu dân - trong đó 1,2 triệu người chui rúc ở khu xe điện ngầm, 70% sống dưới mức nghèo khổ. Là thành phố lớn thứ hai sau thủ đô Tegucigalpa, San Pedro Sula được coi là trung tâm công nghiệp của Honduras với các cơ sở công nghiệp nhẹ, các tập đoàn sản xuất, chế biến cà phê, chuối, thịt bò, mía, thuốc lá, gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp.

Theo tạp chí The Economist, San Pedro Sula tạo ra 2/3 sản phẩm quốc nội (GDP) của Honduras, và đây chính là mảnh đất béo bở cho những hoạt động của thế giới ngầm. Năm 2012, có 1.218 vụ giết người được ghi nhận ở San Pedro Sula (tỉ lệ là 3,3 người chết mỗi ngày).

Một trong những băng đảng nổi tiếng nhất San Pedro Sula là băng "Đường 18". Đây là một tổ chức chuyên mua bán ma túy và kinh doanh mại dâm. Trong 3 năm qua, các công tố viên Honduras đã nhận được hơn 200 đơn khiếu nại  về các vụ giết người được cho là do băng "Đường 18" thực hiện. Tuy nhiên, theo một công tố viên, thì: "Một số cảnh sát ở đây từ lâu đã bị cáo buộc là đứng về phía bọn tội phạm thay vì thực thi pháp luật".

Các tay súng của băng "Đường 18" kiểm soát hầu hết những khu ổ chuột ở San Pedro Sula. Nạn nhân của chúng hoặc là thành viên của những băng nhóm khác, hoặc là những người không chịu cộng tác với chúng. Wilfredo Barahona, 51 tuổi, bị bắn 6 viên đạn chì vào bụng nhưng được thân nhân đưa vào bệnh viện kịp thời và thoát chết, cho biết: "Họ nghi ngờ tôi tố giác với cảnh sát về một điểm trung chuyển ma túy của họ. Có cho tiền, tôi cũng không dám làm chuyện này".

Bị bắn, nhưng dẫu sao Wilfredo Barahona vẫn còn may mắn hơn ông Justiniano Lara. Một người chạy bộ thể dục nhìn thấy xác ông nằm trên vệ cỏ bên đường. Hàng xóm của ông Lara cho biết ông là người dễ mến và hiền lành. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông chỉ có thể là ông đã từ chối không cho 3 thành viên của nhóm "Đường 18" vào trốn trong nhà khi họ bị cảnh sát truy đuổi.

Hầu hết các vụ giết người ở San Pedro Sula đều xảy ra vào ban đêm. Vũ trang bằng súng tiểu liên tự động, đi trên những chiếc xe địa hình SUV, thành viên của những băng đảng xông vào nhà nạn nhân, dùng vũ lực cưỡng bức họ phải ra ngoài rồi bắn họ.

Ngày 10/1/2012, tờ El Heraldo đã cho đăng tin nội dung cảnh sát đã bắt giữ Carranza, một lãnh đạo của băng nhóm "Đường 18" bị tình nghi bắn chết một chỉ huy cảnh sát. Bài báo còn công bố bức ảnh một thi thể nằm trên mặt đất, hai tay bẻ quặt ra sau lưng, một phần khuôn mặt bị dán bởi một đoạn băng keo màu xanh. Mẹ nạn nhân - bà  Blanca Alvarado, đã nhanh chóng nhận ra đó là con trai mình.

Xác chết bên vệ đường là chuyện thường ngày ở San Pedro Sula.

Bức ảnh này được một công tố viên cung cấp cho báo El Heraldo. Ngay sau đó, Văn phòng điều tra tội phạm quốc gia xác nhận đã bắt tạm giam Carranza. Tuy nhiên, hơn 2 tháng sau, Carranza biến mất. Trả lời Hãng tin AP, cảnh sát nói họ không giam giữ Carranza,  không có thủ tục tố tụng hình sự nào đối với người này và họ không biết gì về vụ việc!

Một tháng sau khi Carranza biến mất, các phương tiện truyền thông Honduras cho phát một video clip: Năm người đàn ông đi trên một con đường vào ban đêm đã bị những tay súng đeo mặt nạ đi xe SUV chặn lại. Tiếp theo là một loạt súng nổ, 3 người bị bắn chết tại chỗ. 2 người còn lại giơ tay đầu hàng nhưng rồi cũng bị bắn chết. Một trong 5 người bị bắn chết là Carranza. Theo AP, Carranza chết vì "luật im lặng".

Một băng đảng khác cũng nổi tiếng không kém là băng Maras, có quan hệ mật thiết với những tổ chức tội phạm Mexico. Dùng tiền bán ma túy, băng này mua đất, xây dựng những khu vực riêng và thành lập một đội sát thủ chuyên nghiệp. Một cuộc điều tra do Hãng tin AP công bố mới đây cho thấy có những cảnh sát bảo kê cho băng Maras. Họ tiến hành những vụ giết người nhân danh pháp luật, thông qua đơn đặt hàng của Maras. Mặc dù hàng triệu đôla Mỹ viện trợ cho Honduras nhằm cải tổ và chuyên nghiệp hóa bộ máy cảnh sát nhưng vụ giết người không vì thế mà giảm bớt.

Vẫn theo AP, năm 2012, Cảnh sát San Pedro Sula  bị cáo buộc đã dính líu đến cái chết của một nhà báo Honduras nổi tiếng. Nhà báo này là con trai của một cựu cảnh sát trưởng và  thủ phạm vẫn không thể tìm ra.

Từ tháng 5 đến tháng 11/2012, hàng trăm cảnh sát thành phố San Pedro Sula đã trải qua một cuộc kiểm tra lý lịch, 33 người trong số họ đã bị sa thải nhưng sau đó, Tòa án Hiến pháp đã ra phán quyết ngừng việc thẩm tra này vì cho rằng nó vi phạm quyền lợi của sĩ quan.

Đối với hầu hết người dân San Pedro Sula, công lý nằm đâu đó ở phía chân trời. Nhiều người phải thỏa hiệp với các băng đảng để tồn tại. Nhiều người chọn cách im lặng và cũng không ít người tìm cách vượt biên sang một quốc gia khác, thường là nước Mỹ.

Vẫn theo báo cáo của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm, thì ngoài thành phố San Pedro Sula, Honduras đứng đầu về bạo lực, các thành phố xếp hạng tiếp theo gồm: Acapulco-Mexico, Caracas-Venezuela, Distrito Central-Honduras, Torreón-Mexico, Maceió-Brasil, Cali-Colombia, Nuevo Laredo-Mexico, Barquisimeto-Venezuela và João Pessoa-Brasil

Hòa Cao (theo AP)
.
.