Sàn vàng: Khác gì cờ bạc chui?

Thứ Hai, 02/11/2015, 18:50
Thời gian vừa qua, thông tin về các ông chủ sàn vàng như Khải Thái, sàn vàng VGX, IMMS Holding và gần đây nhất là Công ty Thiên Việt bị Cơ quan Công an bắt tạm giam hoặc bị đánh sập như sàn vàng BBG đã khiến nhiều nhà đầu tư như ngồi trên chảo lửa, bởi lẽ không ít người trong số họ đã bỏ vào đây phần lớn cơ nghiệp của mình.

Vậy sàn vàng là gì, và những rủi ro nào có thể xảy ra nếu đổ tiền vào những sàn kinh doanh vàng “ảo”?

Chẳng khác gì đánh bạc

Về khái niệm kinh tế, giá vàng cũng chẳng khác gì giá của những ngoại tệ mạnh như đồng đôla Mỹ, đồng bảng Anh, đồng Euro… Không những thế, vàng còn là loại tài sản có tính thanh toán cao, được hầu hết các quốc gia chấp nhận.

Chính vì vậy, bên cạnh việc mua bán vàng bình thường - nghĩa là "tiền trao cháo múc" thì ở nhiều nước - kể cả nước ta - còn có một cách kinh doanh khác - gọi là "sàn vàng". Tại những "sàn" này, người đầu tư chỉ cần bỏ ra 1 "cây" (lượng) nhưng vẫn có thể mua bán đến 1.000 "cây".

Anh Nguyễn Văn Minh, chủ một gara ôtô ở quận 1, TP HCM, người đã từng có thời gian chơi sàn vàng cho chúng tôi biết: "Hình thức là vậy nhưng về bản chất thì nói vậy mà không phải vậy bởi lẽ thực tế là bạn chẳng hề mua bán bất kỳ 1 phân hay 1 lượng vàng thật nào, mà bạn chỉ kinh doanh ảo dựa trên sự tăng, giảm của giá vàng thế giới".

Để chơi sàn vàng, việc đầu tiên người chơi phải ký quỹ bằng cách mở tài khoản ở ngay chính sàn vàng mà họ muốn chơi. Theo anh Minh: "Có thể mở bằng vàng và cũng có thể mở bằng tiền Việt hay USD. Nếu như giá vàng thế giới hôm đó quy ra đồng Việt Nam là 35 triệu/ lượng chẳng hạn, thì khi bạn nộp vào tài khoản của bạn 35 triệu, bạn đã có 1 lượng vàng".

Với 1 lượng vàng (35 triệu), người chơi có thể mua bán tối đa 3.500 lượng bằng cách đặt lệnh. Thí dụ sáng hôm đó giá vàng thế giới là 35 triệu, và người chơi đặt mua 3.500 lượng rồi đến chiều, giá vàng lên 37 triệu/ lượng thì nếu bán, họ sẽ lời ngay 200 triệu đồng, còn nếu giá vàng xuống 36 triệu/lượng thì họ sẽ mất 100 triệu - hay chính xác hơn là họ nợ sàn vàng 100 triệu!

Vậy thì trừ 35 triệu đã có trong tài khoản của người chơi, họ còn phải nộp thêm vào 65 triệu nữa để trả nợ ư? Câu trả lời là không! Người chơi chỉ mất toi 35 triệu "tiền tươi thóc thật" thôi, số còn lại sẽ được ghi vào tài khoản nợ. Để kiếm lời nhằm xóa số nợ này, người chơi lại phải nộp vào 35 triệu - hoặc 70 triệu hoặc nhiều hơn nữa tùy theo sự "khát nước". Thực tế cho thấy sau khi một số sàn vàng bị các cơ quan chức năng đánh sập, nhiều người đã đổ vào tài khoản của họ hàng tỉ đồng.

Cơ quan chức năng tiến hành khám xét văn phòng sàn vàng BBG.

Thua là như vậy, nhưng nếu thắng thì việc rút số tiền thắng còn khó hơn là "đi Tây Trúc thỉnh kinh" bởi lẽ như chúng tôi vừa nêu ở trên, tài khoản của người chơi không nằm trong ngân hàng, mà nằm ở sàn vàng. Chủ các sàn vàng có thừa "kỹ năng" để người thắng chẳng thể nào rút tiền ra được, chẳng hạn như khóa tài khoản của người chơi, tạo ra lỗi phần mềm khi người chơi thắng để khỏi phải công nhận. Anh Minh cho biết hồi năm 2011, anh mở tài khoản tại sàn vàng N., đặt tại quận 1 TP HCM. Trong quá trình giao dịch, nhiều lần anh thắng thì sàn vàng báo lỗi hệ thống hoặc giao dịch không khớp.

Tháng 12/2013, trong một phiên mua bán, anh lời 3,3 tỉ đồng nhưng chủ sàn cố tình không chuyển tiền. Khi họ chuyển tiền thì anh lại không rút ra được vì lý do "sàn" không có sẵn tiền mặt, còn vàng tất cả đều là vàng "ảo" - nghĩa là vàng trên mạng, lấy đâu ra mà đưa? Mãi đến tháng 4/2014, anh mới phát hiện hành vi gian lận của sàn vàng qua việc họ cài các lệnh giao dịch "lỗ" vào tài khoản của anh. Anh nói: "Tóm lại, khi đầu tư vào sàn vàng thì dù thắng hay thua, bạn cũng cháy túi".

Không chỉ sở hữu một tài khoản, lắm người còn mở nhiều tài khoản trên cùng một sàn vàng để chơi theo hình thức "cái nọ bù cái kia". Bà Hương (tên đã được thay đổi), là chủ một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm ở quận 3, TP HCM - có thâm niên gần 5 năm lăn lộn trên sàn vàng mà vẫn thua đau thua đớn. Theo lời bà, năm 2012, khi IMMS vừa thành lập, bà đã mở 6 tài khoản giao dịch đồng thời "góp vốn đầu tư" 1 tỉ đồng với lãi suất 2%/tháng.

Ban đầu, IMMS chứng tỏ rằng họ rất có uy tín qua việc trả lãi đúng hạn nhưng càng về sau, bà chỉ còn nhận được lời hứa. Đến khi IMMS bị Cơ quan Công an triệt hạ thì không chỉ mất vốn đầu tư mà bà Hương còn mất luôn 500 triệu trong 6 tài khoản. Trước đó, khi lao vào cuộc chơi với sàn vàng OIIC, bà cũng đã "thổi bay" một căn nhà.

Mất tiền tỉ, sao vẫn lao vào?

Với nhiều người, những biến động của giá vàng trong nước không mang lại lợi nhuận như mong muốn trong lúc sàn vàng ảo với lời quảng cáo "có cánh" đã khiến không ít nhà đầu tư sập bẫy. Nhằm thu hút người tham gia sàn vàng, các chủ sàn đưa ra nhiều thí dụ rất hấp dẫn, chẳng hạn như: "Nếu bạn cầm 10 lượng vàng ra tiệm bán nhưng với giá vàng hôm đó, bạn sẽ lỗ 20 triệu đồng so với lúc bạn mua thì ở sàn vàng, bạn có thể "cắt lệnh" (nghĩa là ngừng giao dịch ngay lập tức) vì việc này có thể thực hiện chỉ trong vòng vài giây trên máy tính của bạn".

Nhưng "nói vậy mà không phải vậy" bởi lẽ số vàng người ta mang ra chợ bán là vàng thật, là cái mà họ đang cầm trong tay. Còn vàng trên mạng là "vàng âm phủ" (theo cách nói của nhiều nhà đầu tư). Không cần cắt lệnh mà chỉ cần không tiến hành giao dịch thì các khoản lỗ, lãi vẫn nằm nguyên ở đó.

Bà Huệ, chủ một kiốt ở chợ An Đông, quận 5, TP HCM, người đã "nướng" sạch 2 tỉ đồng vào sàn vàng VGX nói: "Điều khó hiểu là vì sao không ít lần, các cơ quan chức năng đã cảnh báo rằng chơi sàn vàng ảo chẳng khác gì đánh bạc, chỉ thua chứ không thắng nhưng nhiều người vẫn cứ lao vào, trong đó có người rất lão luyện về thị trường vàng để rồi cuối cùng, họ cũng thua xiểng liểng?".

Đọc lệnh bắt Tổng Giám đốc sàn vàng VGX Vũ Đức Hiếu.

Câu trả lời chính là lợi nhuận. Khách quan mà nói, mấy năm gần đây thị trường chứng khoán không còn cái cảnh "mở mắt ra thấy một màu xanh xanh" nữa. Còn giá vàng trong nước dao động theo biên độ hẹp, lời lãi ít nên những sàn vàng ảo lôi cuốn nhiều nhà đầu tư là điều dễ hiểu. Vì rằng ưu thế của nó là đòn bẩy tài chính, hứa hẹn mang lại tỉ lệ lợi nhuận cao mà như chúng tôi vừa nói ở trên, buổi sáng bỏ ra 350 triệu mua 10 lượng vàng rồi khi giá vàng thế giới tăng 500 nghìn/lượng vào buổi chiều thì họ lời ngay 5 triệu. Tỉ suất lợi nhuận trong trường hợp này là 7%/ngày!

Người giữ vàng đều muốn nó sinh lợi chứ không muốn nó nằm yên một chỗ. Thế nên khi các sàn vàng ảo ra đời với những lời quảng cáo "kiến trong lỗ cũng phải bò ra", khá nhiều cá nhân đã không ngần ngại đem số vàng dành dụm ra để đầu tư rồi mất trắng! Sàn vàng IMMS chẳng hạn, những người điều hành đã mua phần mềm giao dịch vàng tài khoản (gọi là MT4) ở nước ngoài rồi tự tổ chức cho nhà đầu tư chơi.

Khi chơi, nhiều nhà đầu tư thường tin rằng mình đang mua bán với tổ chức nước ngoài nhưng thực tế, IMMS không liên kết với nước nào cả. Và bởi vì họ chính là "sàn chủ" nên họ hoàn toàn có thể can thiệp vào quá trình giao dịch của người chơi để biến thắng thành thua bằng các thủ thuật như điều chỉnh lịch sử giao dịch trên máy chủ, hoặc thắng nhưng "giao dịch không khớp" dẫn đến mất luôn cả một phần vốn. Ở thời điểm hưng thịnh nhất, một sàn vàng lớn thường có giao dịch khoảng 800 tỉ đồng/ngày.

Nói không với sàn vàng

Kể từ năm 2009, khi sàn vàng ở Việt Nam đóng cửa và chính thức bị cấm từ tháng 3-2010 thì không ít những sàn vàng "chui" ra đời, sử dụng danh nghĩa "công ty tư vấn tài chính" hoặc lập ra những dự án tù mù nào đó rồi kêu gọi "góp vốn đầu tư".

Hầu hết những sàn vàng dạng này đều thuê mướn máy chủ đặt ở nước ngoài rồi tự mình xử lý - nghĩa là chủ sàn có thể quyết định ai thắng, ai thua. Bởi vậy, nhiều người "góp vốn" chẳng hề hay biết rằng mình đang tham gia kinh doanh vàng ảo mà không đủ tỉnh táo để nhận ra rằng khi "góp vốn" với lãi suất cao thì mức độ rủi ro càng lớn.

Bên cạnh đó cũng chẳng thiếu những sàn vàng "ngoại", hoạt động với tư cách "văn phòng đại diện của các sàn quốc tế", được cấp giấy phép, chứng chỉ nước ngoài, không ngừng kêu  gọi người chơi. Có sàn vàng còn quảng cáo rầm rộ là "chi nhánh của sàn A, sàn B ở phố Wall, New York" nhưng thực chất thì "sàn" không có địa chỉ cụ thể, cũng chẳng có pháp nhân đại diện, nhà đầu tư chỉ liên lạc qua điện thoại hoặc email nên vì thế, khi sàn chủ "bùng" thì xem như các "sàn con" đi đầu xuống đất!

Sàn vàng HGI thời huy hoàng.

Anh Lâm, từng có thời gian làm việc cho một sàn vàng kể: "Mỗi sàn đều có bộ phận chịu trách nhiệm xử lý các giao dịch như đặt lệnh, nhận lệnh, khớp lệnh… cho các nhà đầu tư. Theo quy luật bất thành văn, hễ nhà đầu tư nào thắng liên tục thì sẽ được "sàn chủ" đưa vào diện "kiểm soát đặc biệt" để có "đối sách", chẳng hạn như cho bộ phận xử lý tác động lên hệ thống máy tính để lệnh nhanh hay chậm, dẫn đến kết quả sai - mà sai thì dĩ nhiên nhà đầu tư thua trắng, hoặc xóa lịch sử giao dịch, tạo sự cố lỗi mạng để mạng ngừng hoạt động…".

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết: "Căn cứ vào Nghị định 24, hoạt động kinh doanh sàn giao dịch vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước và nước ngoài đều là những hoạt động thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép và Ngân hàng Nhà nước cũng chưa cấp giấy phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác (gồm cả sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản).

Như thế, về mặt luật pháp, có thể thấy việc mở sàn vàng và tham gia đầu tư vào sàn vàng là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, kinh doanh vàng tài khoản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là với những nhà đầu tư vì thực tế cho thấy đại đa số đều thua lỗ, nguy cơ trắng tay luôn cận kề. Còn số người thắng thì rất ít, chủ yếu là những nhà đầu tư nhỏ lẻ nhưng lại được "sàn chủ" thổi phồng lên nhằm đánh vào tâm lý ham lợi của "sàn con".

Trong chương trình quốc gia bài trừ ma túy, có một câu khẩu hiệu được nêu lên hàng đầu. Đó là "đừng thử - dù chỉ một lần" còn đối với sàn vàng, có thể phải dùng câu "đừng thử đầu tư dù chỉ một lần. Hãy nói không với sàn vàng trước khi quá muộn!".

Vũ Cao
.
.