Số phận bấp bênh của các kho vũ khí hạt nhân Mỹ ở châu Âu

Thứ Sáu, 22/01/2010, 11:30
Những kho vũ khí hạt nhân bí mật của Mỹ ở châu Âu hiện nay không còn là chuyện bí mật nữa, và chúng đang trở thành đầu mối phát sinh những vấn đề rắc rối giữa Mỹ với các quốc gia chủ nhà. Hơn thế, các kho vũ khí này còn vi phạm Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và gây trở ngại cho đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Theo báo cáo hàng năm của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), Lầu Năm Góc hiện "ký gửi" khoảng 350 quả bom hạt nhân nhiệt hạch B-61 tại 6 quốc gia châu Âu thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó 4 nước Bỉ, Đức, Hà Lan và Italia lưu giữ gần 250 quả.

Theo FAS, Bỉ hiện chứa 20 quả B-61 tại căn cứ không quân Kleine Brogel ở miền Tây Bắc, Đức lưu giữ 130 quả tại căn cứ không quân Spangdahlem, Hà Lan giữ 20 quả tại căn cứ không quân Volkel ở miền Nam và Italia cất giữ 20 quả tại căn cứ không quân Ghedi Torre ở miền Trung và 50 quả tại căn cứ không quân Aviano ở miền Bắc, gần giáp biên giới Áo. Cả 4 quốc gia này đều có máy bay chiến đấu có khả năng ném bom B-61 và đều "sẵn sàng chiến đấu" khi được yêu cầu.

B-61 là loại bom nhiệt hạch trọng trường (thermonuclear-gravity bomb) được Mỹ chế tạo trong thập niên 60 thế kỷ trước. Mỗi quả bom B-61 có sức công phá mạnh gấp 13 lần quả bom đã ném xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945, và có khả năng xuyên phá cả các boongke nằm sâu trong lòng đất. Tổng cộng, Mỹ đã sản xuất 3.155 quả bom B-61, trong đó khoảng 1.925 quả vẫn đang được lưu kho và 1.265 quả trong tình trạng sẵn sàng "khai hỏa".

Sau hơn 40 năm sản xuất, B-61 (có kích thước dài 3,58m, đường kính 33cm, nặng 320kg) đã trải qua nhiều lần cải tiến và có 9 phiên bản phù hợp với nhiều loại máy bay ném bom khác nhau, kể cả máy bay ném bom tốc độ cao như B1, B2, B52, F111, F105 Thunderchief... trong đó B2 Spirit được xem là loại máy bay phù hợp nhất với loại bom này.

Trong thời Chiến tranh lạnh, B-61 được xem là một "át chủ bài" của Mỹ và NATO trong việc "bảo vệ thành viên" và cân bằng sức mạnh quân sự với Liên Xô. Tuy nhiên, 20 năm sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, sự đối đầu chiến lược ấy đã không còn nữa. Trong tình hình hiện nay, việc bảo đảm an ninh tại các kho vũ khí nói trên đang đặt ra vấn đề nhức nhối trong giới chuyên gia an ninh hạt nhân toàn cầu.

Theo báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ về các chính sách và thủ tục đảm bảo an ninh vũ khí hạt nhân đều cho rằng, các căn cứ không quân châu Âu đã không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về bảo đảm an ninh hạt nhân. Đành rằng, các kho vũ khí đều có một đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp, nhưng cơ sở vật chất cũ kỹ xuống cấp và thiếu hụt nhân sự làm công tác bảo vệ nghiêm ngặt 24/24 đang đặt ra thách thức đáng ngại nhất hiện nay.

Đáng ngại hơn, bom B-61 lại có tính năng kỹ thuật cho phép được tháo rời thành từng bộ phận thiết bị cơ động, gọn gàng, có thể di chuyển một cách dễ dàng, càng làm tăng nguy cơ "khủng bố hạt nhân", hay "bom bẩn" nếu chẳng may các kho vũ khí này bị khủng bố tấn công và đột nhập.

Không chỉ gây lo ngại về an ninh, các kho vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu còn vi phạm Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), và gây trở ngại đối với tiến trình đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu. Cụ thể nhất là tiến trình đàm phán tái ký Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân (START) giữa Mỹ và Nga đang lâm vào bế tắc mà nguyên nhân chủ yếu là việc Mỹ tiếp tục triển khai hệ thống lá chắn tên lửa (di động) ở châu Âu, và việc Mỹ tiếp tục duy trì các kho vũ khí hạt nhân tại đây, được Moskva xem là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước Nga.

Washington cho rằng, do B-61 được triển khai trong thập niên 60 của thế kỷ trước, khi NPT ra đời (1/7/1968) nên nó không chịu sự ràng buộc bởi NPT. Thực tế, do Bỉ, Hà Lan, Đức, Italia đều đặt bút ký và phê chuẩn NPT, nên các quốc gia này buộc phải chịu sự ràng buộc của NPT, tức là không được chứa chấp các kho vũ khí nói trên.

Để lách luật, NATO đã "nặn" ra một thỏa thuận nội bộ và cùng nhau ký kết trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, hình thành cơ chế "cộng đồng chia sẻ trách nhiệm" phòng thủ giữa các thành viên. Một trong những hình thức chia sẻ trách nhiệm đó là việc các nước thành viên châu Âu chia sẻ "gánh nặng chi phí" cho việc bảo trì và vận hành các kho bom; đồng thời các kho bom B-61 đó có thể được chuyển cho nước chủ nhà kiểm soát và sử dụng trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự.

Ngày nay, các kho bom B-61 tiếp tục đóng vai trò cầu nối quan trọng về chính trị và quân sự giữa các thành viên châu Âu và Bắc Mỹ của NATO. Tuy nhiên, sự tồn tại các kho bom B-61 ở châu Âu cho thấy một cơ chế đối đầu về an ninh vẫn chưa thật sự bị xóa bỏ. Sự tồn tại một cơ chế an ninh kiểu đó đã thường xuyên gặp phải sự phản đối từ các đối tác an ninh (chủ yếu là nước Nga), càng khó thuyết phục các đối tác để cùng nhau đạt thỏa thuận trong các cuộc đàm phán. Chính vì thế mà tiến trình đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu luôn gặp khó khăn.

Ngay cả tại các quốc gia “oa trữ” các kho vũ khí B-61, sự phản đối cũng ngày càng tăng do các lo ngại về an ninh và chính trị. Chẳng hạn, khi Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Pieter De Crem lần đầu tiên công bố việc nước này có kho vũ khí của Mỹ, lập tức dân chúng Bỉ phản ứng dữ dội. Quốc hội Bỉ đã chính thức quyết nghị yêu cầu NATO rút toàn bộ kho vũ khí B-61 ra khỏi nước này, trong khi có đến 70% dân chúng tại 4 quốc gia có bom B-61 đòi Mỹ phải mang chúng đi khỏi nước mình.

Trong một phát biểu mới đây nhân đàm phán song phương giữa Nga - Mỹ về giải trừ vũ khí hạt nhân tầm xa, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi các nước "tiếp tục tầm nhìn hướng đến một thế giới phi vũ khí hạt nhân". Muốn đạt được "tầm nhìn" như thế thì trước hết các kho vũ khí hạt nhân B-61 của Mỹ phải được "dọn sạch", như mong muốn của dân chúng châu Âu

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.