Sử dụng dấu khắc chữ ký: Hậu quả khó lường

Thứ Hai, 20/05/2013, 19:35

Trong vài năm trở lại đây, con dấu khắc chữ ký ngày càng được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, việc lạm dụng dấu chữ ký đang tiềm ẩn những hậu quả khó lường…

Khắc dấu chữ ký - nơi chặt chẽ, nơi lỏng lẻo

Theo chỉ dẫn về việc khắc dấu chữ ký quảng cáo nhan nhản trên mạng Internet, tôi tìm đến một cơ sở chuyên sản xuất con dấu trên phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo hướng dẫn của nhân viên cơ sở, tôi phải trực  tiếp viết tay một bản xác nhận chữ ký, trong đó ghi rõ các thông tin như tên của người yêu cầu khắc dấu chữ ký, số CMND, ngày cấp, nơi cấp, cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về chữ ký của mình. Cuối văn bản, người yêu cầu khắc dấu chữ ký tiến hành ký một số chữ ký mẫu và được lựa chọn chữ ký nào ưng nhất. Cùng với bản xác nhận chữ ký trên, phía cơ sở yêu cầu nộp một bản photo CMND của người có chữ ký khắc dấu.

Cũng theo giải thích của nhân viên cơ sở thì trường hợp khắc dấu chữ ký hộ người khác, phải có giấy ủy quyền của người có chữ ký kèm theo bản sao CMND của người đi khắc dấu và bản sao CMND của người ủy quyền. Thông thường chỉ một ngày sau sẽ nhận được con dấu khắc chữ ký theo yêu cầu. Khắc dấu chữ ký bằng phương pháp khắc laser, cỡ dấu trung bình của cơ sở này có giá 200.000 đồng.

Thế nhưng, khi tới một cơ sở chuyên khắc dấu tại phố Hàng Quạt thì khác hẳn. Khi tôi đề nghị khắc dấu chữ ký, ông chủ cơ sở không hề yêu cầu xuất trình bất cứ một thứ giấy tờ nào. Khách hàng chỉ cần đưa ra chữ ký mẫu là xong. Mặt khác, chất liệu dấu khắc tại đây rất phong phú, đa dạng,  đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, từ dấu hộp lật tự động tới dấu khắc bằng chất liệu gỗ, đồng, đá, sừng… Thủ tục nhanh gọn, chất lượng dấu khắc khá tinh xảo và đặc biệt giá cả rẻ gần một nửa so với cơ sở sản xuất dấu ở phố Hàng Bạc.

Sự dễ dãi của cơ sở khắc dấu trên đồng nghĩa với việc khách hàng có thể công khai đặt khắc dấu chữ ký của bất cứ người nào, miễn là có chữ ký mẫu của người đó mà không cần biết người đi khắc dấu có được ủy quyền hay không.  Đó là chưa kể đến việc kinh doanh khắc dấu thủ công, dịch vụ khắc dấu qua mạng Internet mà cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được hết. Những con dấu pháp nhân của cơ quan, tổ chức còn bị làm giả thì việc làm giả con dấu chữ ký nếu có cũng không phải là việc khó khăn đối với những đối tượng xấu.

Dấu chữ ký khắc laser ngày càng được nhiều người sử dụng.

…và những kẽ hở khôn lường      

Qua tìm hiểu, thực tế một số loại  tài liệu phổ biến của Nhà nước như CMND, bằng khen, giấy khen… do số lượng  cần đóng dấu hàng ngày quá nhiều nên thường sử dụng dấu chữ ký của các đồng chí lãnh đạo. Đây là  loại dấu khắc bằng đồng và có quy định rõ ràng về việc sử dụng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với công nghệ khắc dấu ngày càng phát triển thì nhu cầu sử dụng dấu khắc chữ ký trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng ngày càng phổ biến. Ngoài các văn bản hành chính có tính chất nội bộ thì hiện nay, dấu chữ ký còn được sử dụng nhiều đối với người đứng tên trong các hợp đồng, giao dịch kinh tế. Việc lạm dụng dấu chữ ký, cộng với việc quản lý không tốt con dấu chữ ký đang tiềm ẩn những hậu quả khó lường và tạo ra kẽ hở tội phạm có  thể lợi dụng.

Mới đây nhất, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đang điều tra  vụ án liên quan tới ngân hàng S. Một loạt hợp đồng vay tiền tại ngân hàng này với số tiền vay lên tới hàng trăm tỉ đồng đã được gửi tới cơ quan giám định để phục vụ yêu cầu điều tra. Qua giám định cho thấy phần chữ ký của giám đốc doanh nghiệp trong các hợp đồng đều được đóng dấu chữ ký chứ không phải chữ ký trực tiếp.

Trung tá Nguyễn Quang Huy, Đội trưởng Đội Giám định tài liệu, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội phân tích, khi ký trực tiếp, người ký phải đọc và nghiên cứu tài liệu nên chữ ký khẳng định ý chí, trách nhiệm của họ. Ngược lại dấu chữ ký chỉ là hình dấu chữ ký chứ không phải là chữ ký nên chưa đủ cơ sở để khẳng định ý chí của người ký.

Thực tế đã xảy ra một số vụ việc đối tượng sử dụng dấu chữ ký với mục đích lừa đảo, không thừa nhận đó là chữ ký của mình. Điều này cũng gây khó khăn cho cơ quan giám định bởi khi tiến hành giám định chỉ có thể so sánh với hình dấu chữ ký chứ không thể so sánh với chữ ký trực tiếp được.

Mặt khác, qua giám định cho thấy dấu chữ ký hiện nay được khắc bằng phương pháp khắc laser rất giống với chữ ký trực tiếp bằng bút mực khiến bằng mắt thường khó phân biệt được đó là hình dấu chữ ký hay chữ ký trực tiếp.

Một cán bộ làm công tác kiểm soát nội bộ của ngân hàng X cho biết,  việc sử dụng chữ ký khắc dấu trong các hoạt động ngân hàng đang là vấn đề gây tranh cãi về tính hợp pháp bởi đối với một số loại giấy tờ như  hóa đơn giá trị gia tăng, séc... có quy định rất rõ ràng là không được phép sử dụng chữ ký khắc dấu nhưng lại không có văn bản nào yêu cầu không được sử dụng chữ ký khắc dấu trong các hợp đồng tín dụng, hợp đồng kinh tế...

Theo Trung tá Nguyễn Quang Huy, trước đây, hiện tượng sử dụng dấu khắc chữ ký  để hoạt động phạm tội đã xảy ra đối với thủ đoạn thành lập công ty "ma" nhằm mục đích mua bán hóa đơn GTGT. Các đối tượng thuê giám đốc, thực hiện các thủ tục khắc dấu pháp nhân công ty, khắc dấu chữ ký giám đốc. Sau đó "cắt" hợp đồng thuê giám đốc nhưng vẫn sử dụng con dấu, chữ ký sẵn có để đóng lên hóa đơn GTGT bán kiếm lời.

Khắc dấu là ngành nghề kinh doanh đặc biệt cần quản lý chặt chẽ (ảnh có tính minh họa).

Trước tình trạng đóng dấu chữ ký trên hóa đơn GTGT và các tờ khai gửi cơ quan thuế, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 2826/TCT-PCCS ngày 9/8/2006 gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó trả lời rõ: "Các hóa đơn, chứng từ kế toán, tờ khai thuế và văn bản giao dịch khác do cơ sở kinh doanh gửi đến cơ quan thuế mà người ký văn bản đúng thẩm quyền nhưng sử dụng chữ ký khắc thì không được coi là hóa đơn, chứng từ kế toán và văn bản giao dịch hợp pháp". Tuy nhiên, ngoài văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế nêu trên, thì cho đến nay, còn nhiều ngành khác chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng chữ ký khắc dấu.

Qua công tác giám định của lực lượng kỹ thuật hình sự cho thấy lãnh đạo nhiều cơ quan, doanh nghiệp do quan niệm đơn giản về con dấu chữ ký đã dẫn đến những sơ hở có thể bị tội phạm lợi dụng. Như trường hợp lãnh đạo UBND một quận tại Hà Nội từng có thời gian sử dụng dấu chữ ký trên sổ đỏ.

Về giá trị pháp lý của con dấu chữ ký, luật sư Hoàng Nguyên Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Bình An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, về mặt nguyên tắc, chữ ký  được pháp luật công nhận khi đó là chữ ký trực tiếp của người ghi tên bên dưới chữ ký. Còn con dấu chữ ký chỉ là sự mô phỏng chữ ký thật và không được đăng ký hay công nhận ở bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào.

Thực tế hiện nay, nhiều lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp đều sử dụng dấu khắc chữ ký giao bộ phận văn thư quản lý. Lạm dụng dấu chữ ký, nếu quản lý không tốt có thể dẫn đến việc đối tượng xấu đóng trộm, đóng khống sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp, gây ra những hậu quả khó lường, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà có thể dẫn đến việc người có dấu chữ ký phải chịu trách nhiệm về hình sự bởi "tình ngay lý gian".

Để tránh những rắc rối pháp lý có thể phát sinh thì cần thiết phải có văn bản rõ ràng quy định về nguyên tắc, quy trình quản lý, sử dụng con dấu đó. Tuy nhiên, cách tốt nhất là người có dấu chữ ký phải trực tiếp quản lý và sử dụng con dấu này.

Trước thực trạng trên, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, ban hành văn bản pháp quy quy định cụ thể về việc sử dụng con dấu chữ ký, như ai được phép sử dụng dấu chữ ký? Dấu chữ ký được sử dụng trên các văn bản nào? Bên cạnh đó, cần siết chặt việc kiểm tra và quản lý chặt chẽ việc khắc dấu chữ ký tại các cơ sở kinh doanh khắc dấu nhằm phòng ngừa tội phạm.

Phát hiện nhiều đăng ký ôtô, xe máy giả

Một số đăng ký xe làm giả bằng phương pháp in kỹ thuật số đã bị phát hiện, thu giữ.

Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, qua công tác giám định, đơn vị phát hiện rất nhiều đăng ký ôtô, xe máy được làm giả bằng phương pháp in màu kỹ thuật số. Đăng ký xe giả này được các đối tượng rao bán trên mạng, thậm chí quảng cáo có mẫu dấu của tất cả các cơ quan thực hiện việc đăng ký xe. Về mặt hình thức, đăng ký xe giả rất giống đăng ký thật, bằng mắt thường khó phân biệt.

Qua công tác điều tra, phá án của Công an các đơn vị quận, huyện, các đối tượng khai nhận đã sử dụng đăng ký xe giả để tiêu thụ ôtô, xe máy là tang vật trong các vụ phạm pháp hình sự.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân khi mua phương tiện ôtô, xe máy cũ qua mạng Internet hoặc ở các chợ xe cũ cần cảnh giác, xem xét kỹ giấy tờ, đăng ký xe. Bên cạnh đó, hiện nay cơ quan chức năng đang thực hiện việc sang tên chuyển chủ phương tiện, nhiều trường hợp người dân do thiếu giấy tờ nên dẫn tới tâm lý lười, ngại đi làm thủ tục nên nhờ "cò" làm thay có thể dẫn đến hiện tượng đối tượng lợi dụng làm đăng ký xe giả. 

Những trường hợp nghi vấn cần trực tiếp đến Phòng CSGT Công an Hà Nội đề nghị đối chiếu, so sánh hồ sơ hoặc liên hệ Đội Giám định tài liệu, Phòng KTHS để giám định.

Lê Thị Kim Tuyến
.
.