Sự thật đằng sau câu chuyện “Đại sứ quán Mỹ giả” ở Ghana

Thứ Ba, 12/12/2017, 08:41
Vào cuối năm 2016, Bộ Ngoại giao Mỹ đã từng tung thông tin nói rằng, họ đã phát hiện một “Đại sứ quán giả” ở Accra, nơi xuất xứ hàng loạt visa giả vào Mỹ. Thông tin nghe có vẻ giật gân đó ngay lập tức lan truyền nhanh như virus. Thế nhưng, mới đây, tờ báo The Guardian của Anh đã phát hiện ra sự thật không hoàn toàn như thế.

Thông tin giả về một “đại sứ quán giả”!

Ngày 2-12-2016, một câu chuyện ly kỳ xuất hiện trên website GhanaBusinessNews.com, tựa đề “Cơ quan an ninh Ghana đã đóng cửa Đại sứ quán Mỹ giả ở Accra”. Nội dung bài báo viết rằng “Một Đại sứ quán Mỹ giả đã tồn tại ở thủ đô Ghana suốt một thập kỷ qua.

Bọn tội phạm đã treo cờ Mỹ trên nóc tòa nhà và thậm chí treo ảnh chân dung Tổng thống Barack Obama trên tường. Mạng lưới tội phạm có tổ chức đứng sau vụ việc đã đăng quảng cáo khắp nơi, lùng sục khắp các làng quê hẻo lánh nhất của đất nước Tây Phi này để tìm những khách hàng ngây thơ, đưa họ đến Accra và bán cho họ những tấm visa giả với giá 6.000 USD”.

Bài báo trên website này đăng hình một tòa nhà màu hồng tọa lạc tại một khu phố ở thủ đô Accra của Ghana, cho là “Đại sứ quán giả”.

Câu chuyện ngay lập tức trở thành tin nóng, thu hút 20.000 lượt xem trong vòng một giờ đăng. Hai ngày sau, hãng thông tấn Reuters chộp lấy bài viết đăng lại và ngay lập tức bài viết trở thành tin quốc tế đang chú ý nhất, được đăng lại trên một loạt báo, đài, hãng thông tấn trên thế giới như The Sun, Fox News, Deutsche Welle, Times of India, kể cả Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng đăng.

Tòa nhà màu hồng được cho là “Đại sứ quán giả” ở Ghana.

Reuters đăng bài viết nói rằng, người Mỹ cùng với cảnh sát Ghana đã tập kích “Đại sứ quán giả”. Một số người bị bắt. Khoảng 150 hộ chiếu giả mang nhiều quốc tịch đã bị tịch thu. Những kẻ chủ mưu đường dây đã lẩn tránh cảnh sát Ghana trong thời gian dài và đã chuyển hoạt động ra ngoài biên giới Ghana. Chúng đã nộp tiền tại ngoại để chuộc đồng bọn ra.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, sau vụ tập kích này cùng với nhiều vụ truy quét khác, tình hình visa giả từ Ghana đã giảm đến 70%. Câu chuyện nghe như thật, bởi nhân vật, sự việc đều là những thực tế không hiếm ở châu Phi ngày nay: tội phạm buôn người, nghèo đói dẫn đến di cư bằng mọi giá.

Khi thông tin về “Đại sứ quán giả” bùng nổ trên truyền thông tháng 12-2016, Seth Sewornu, trưởng đơn vị cảnh sát chống gian lận giấy tờ và visa của Cục Điều tra tội phạm Ghana (CID), liên tục nhận điện thoại từ báo đài và các cơ quan cảnh sát để tìm hiểu thông tin.

Nhưng Sewornu chẳng biết gì cả. Không hề có cuộc điều tra nào về cái gọi là “đại sứ quán giả”. Ông cố tìm xem có sĩ quan nào dưới quyền mình tham gia điều tra không, nhưng không tìm thấy. Cả đơn vị Cục cảnh sát thám tử Ghana (GDB) mà người Mỹ phao tin là đã phối hợp tập kích “đại sứ quán giả” cũng không tồn tại. CID và Cục Điều tra Quốc gia (BNI) đều bảo họ không có liên quan.

Hoạt động làm visa giả là có thật.

Sewornu chẳng hiểu gì cả. Có vẻ như toàn bộ câu chuyện bắt nguồn từ website Bộ Ngoại giao Mỹ, và nguồn thông tin có thể là từ Đại sứ quán Mỹ ở Ghana. Thế là Sewornu liên hệ Đại sứ quán Mỹ để tìm hiểu, nhưng không nhận được câu trả lời như mong muốn.

Một nhà báo với bút danh Yeboka Yeebo của tờ The Guardian đã lần ra manh mối câu chuyện “Đại sứ quán giả” từ những người có liên quan. Những cư dân sống trong “tòa nhà màu hồng” được cho là “Đại sứ quán giả” ở thủ đô Accra đều không biết gì về câu chuyện có một “Đại sứ quán Mỹ” được đặt tại nơi họ sinh sống. Một trong những người chủ sở hữu tòa nhà là Susana Lamptey, là một cư dân bình thường, không dính dáng gì đến bọn tội phạm có tổ chức chuyên làm giấy tở giả cả.

Lamptey kể tòa nhà màu hồng là do ông nội bà xây cất vào những năm 20-30 thế kỷ XX. Khi ông qua đời đã để lại tòa nhà cho 8 người con, trong đó có cha mẹ Lamptey. Phần lớn những người đồng sở hữu tòa nhà đều đã ra nước ngoài sinh sống nên họ cho thuê lại phần thừa kế của mình.

Lamptey hướng dẫn phóng viên báo The Guardian đi xem toàn bộ tòa nhà. Không hề có ảnh Tổng thống Mỹ nào treo ở tiền sảnh như trong bài báo trên website GhanaBusinessNews.com cả. Tòa nhà thơm mùi bột và kem vì phía sau tòa nhà có một lò nướng bánh do Lamptey làm chủ. Khu vực sân sau tòa nhà chằng chịt dây phơi quần áo, trông chẳng có gì là một “Đại sứ quán” cả.

Lamptey cho biết, bà rất bực mình khi nghe tin trên báo chí nói tòa nhà của bà bị xem là “Đại sứ quán Mỹ giả”. Lamptey cũng cho biết chẳng có cuộc tập kích nào của cảnh sát như trong bài viết trên website GhanaBusinessNews.com. Sau khi thông tin được lan truyền rầm rộ, Lamptey và gia đình đến đồn cảnh sát địa phương để hỏi xem mình có đang bị điều tra gì hay không. Nhưng cảnh sát tại đây bảo “không cần phải lo gì cả”.

Trong nhiều ngày sau khi câu chuyện “Đại sứ quán giả” lan truyền, gia đình Lamptey bị báo chí vây tới tấp, tất cả đều hỏi những câu hỏi về “cuộc sống tội phạm” của bà như thế nào. Lamptey bác bỏ tất. Bà không thể hiểu được tại sao mọi người cứ tin rằng tòa nhà của bà là “Đại sứ quán giả”.

Đã thế, Đại sứ quán Mỹ tại Ghana còn tiếp tục mập mờ với tuyên bố: “Chúng tôi không thể nói gì thêm về những việc xảy ra tại tòa nhà đó kể từ sau vụ tập kích đầu tiên. Bức ảnh sử dụng trong bài báo trên mạng là của tòa nhà bọn tội phạm sử dụng để tiến hành các hoạt động gian lận”.

Bọn tội phạm làm visa giả quảng cáo công khai khắp nơi.

Hệ quả của thông tin chắp vá

Đi đến cùng để tìm ra chân tướng sự việc là một việc cần thiết của nhà báo trong tình huống này. Và nhà báo Yepoka Yeebo của tờ The Guardian đã tìm đến một cựu cảnh sát điều tra tên là Lloyd Baidoo thuộc lực lượng cảnh sát khu vực Accra. Baidoo khẳng định: chính ông là người đã chụp ảnh tòa nhà của bà Lamptey.

Baidoo cho biết, lần đầu ông nghe câu chuyện về “Đại sứ quán giả” là vào tháng 6-2016, tức vài tháng trước khi Bộ Ngoại giao Mỹ tung câu chuyện lên truyền thông. Khi đó, Baidoo và đội điều tra của ông nhận được một tin mật báo về một đường dây làm giả visa.

Có những tên tội phạm đã làm giả những tấm visa Mỹ từ một ngôi nhà màu hồng cũ kỹ đó ở thị trấn Adabraka. Đó là tòa nhà của bà Lamptey. Chúng thường phát hành visa vào ngày Thứ ba và Thứ năm hằng tuần. Khi mở cửa “làm việc”, bọn tội phạm thường treo cờ Mỹ trên nóc nhà và treo một bức ảnh chân dung Tổng thống Obama trên bức tường bên trong.

Baidoo và một sĩ quan nữa đi kiểm tra thực tế. Họ lái xe qua lại tòa nhà màu hồng vài lần và chụp một số ảnh. Baidoo chẳng thấy gì khả nghi ở tòa nhà này, vì thế ông đi bộ vòng ra phía sau tòa nhà, ăn mặc như thường dân để tiện kiểm tra. Đi lòng vòng một hồi, Baidoo kết luận chẳng có ai chịu bỏ ra 6.000 USD để mua visa từ nơi này!

Thế rồi sau đó một tuần, Baidoo lại nhận được tin mật báo một vụ làm visa giả khác lại xảy ra ở Adabraka. Lần này, tin mật báo nêu một số chi tiết: bọn tội phạm phát hành visa giả từ một căn hộ của một người tên là Kyere Boakye, với giá mỗi visa là 2.000 cedi Ghana (tương đương 600 USD). Với những thông tin chi tiết này, Baidoo quyết định đột kích vào căn hộ.

Chập tối một ngày cuối tháng 6-2016, một đội cảnh sát phản ứng nhanh (SWAT) của Ghana gồm 5 trinh sát và một nhân viên an ninh ngoại giao từ Đại sứ quán Mỹ ở Accra ập vào căn hộ. Bên trong, cảnh sát phát hiện 135 quyển hộ chiếu Ghana, phần lớn là giả. Bên cạnh đó còn có nhiều hộ chiếu mang quốc tịch nhiều nước châu Phi khác. Một số là thật, có lẽ lấy trộm hoặc mua ở chợ trời. Các hộ chiếu mang dấu thị thực các nước như Mỹ, Anh, Nam Phi, Trung Quốc, Iran,...

Ngoài ra, cảnh sát còn phát hiện một lô con dấu giả dùng để đóng vào đơn xin visa. Có những con dấu giả cơ quan di trú của Ghana, Ngân hàng Barclays, Ngân hàng Đầu tư Quốc gia, một số bác sĩ, luật sư không hề tồn tại trên thực tế. 3 người đàn ông bị bắt, gồm chủ căn hộ Kyere Boakye, Benjamin Ofosu Barimah và Jeffrey Kofi Opare. Cả ba đều bị buộc tội làm giả giấy tờ và sở hữu giấy tờ giả. Một tháng sau, cả bọn được đóng tiền chuộc để tại ngoại.

Đại sứ quán Mỹ thật ở Accra, Ghana.

Như vậy, vụ việc cảnh sát Accra phá ổ làm giả visa xuất nhập cảnh tại tòa nhà màu hồng của bà Lamptey là có thật. Đó được xem là một vụ phát hiện tội phạm làm giả giấy tờ xuất nhập cảnh lớn ở Ghana vào năm 2016. Nhưng câu chuyện “Đại sứ quán giả” thì hoàn toàn là “tin giả”.

Baidoo đã gửi văn bản cho 45 cơ quan, bao gồm các văn phòng cấp hộ chiếu, ngân hàng, doanh nghiệp, các bộ trong chính phủ,... để yêu cầu xác nhận các giấy tờ bị tịch thu là giả hay thật. Hai tháng sau, vụ án được đưa ra tòa xét xử.

Thế rồi bỗng xuất hiện những thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ. Đầu tháng 11-2016, Bộ này ra tuyên bố “phát hiện một “Đại sứ quán giả” tại Accra. Tuyên bố nêu rõ “Đại sứ quán giả” này được điều hành bởi “những đường dây tội phạm có tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ghana và một luật sư Ghana chuyên về luật di trú và luật hình sự”.

Đến thời điểm này thì Baidoo đã chuyển công tác sang bộ phận khác, người tiếp quản vụ việc là Sewornu, một cảnh sát viên có 23 năm thâm niên trong ngành. Nhưng Sewornu cũng không thể đi đến tận cùng vụ việc bởi ông cũng chuyển công tác không lâu sau khi tiếp nhận thông tin “Đại sứ quán giả”.

Khi nhà báo Yeebo tìm gặp Baidoo, ông đã không còn ở vị trí cũ trong đội SWAT. Khi kể lại câu chuyện về “Đại sứ quán giả”, Baidoo chiêm nghiệm lại câu chuyện được phát ra từ Bộ Ngoại giao Mỹ. Hầu như mọi chi tiết trong đó đều bắt nguồn từ thông tin tình báo sai sót mà đơn vị SWAT của Baidoo tiếp nhận vào tháng 6-2016.

Rồi những bức ảnh Baidoo chụp tòa nhà màu hồng khi khi ông đi trinh sát tòa nhà. Tất cả được viên sĩ quan an ninh ngoại giao Mỹ mang về Đại sứ quán Mỹ ở Accra, từ đó trở thành nguồn thông tin cho câu chuyện “Đại sứ quán giả” của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Điều bất ngờ nhất trong câu chuyện này chính là một trong những kẻ bị bắt và đưa ra tòa xét xử đã không nghĩ rằng mình phạm tội. Kyere Boakye cho rằng anh ta không hiểu sao mình cứ bị mang ra tòa xét xử hoài? Boakye khẳng định anh ta chỉ là một hướng dẫn viên du lịch, và không hề làm giả thứ gì cả.

Tất cả những hộ chiếu, giấy tờ mà cảnh sát tịch thu tại căn hộ của anh ta đều là của khách hàng giao cho anh ta giữ trong thời gian anh ta hướng dẫn họ đi du lịch. Còn chuyện “Đại sứ quán giả”, Sewornu khẳng định không hề có.

Sở dĩ có câu chuyện đó là vì một ai đó ở Bộ Ngoại giao Mỹ đã chắp vá câu chuyện đội SWAT của Baidoo đột kích căn hộ ở Accra với thông tin tình báo nhầm lẫn nào đó rồi nặn ra thành câu chuyện “Đại sứ quán giả ở Ghana”.

Nguyên Khang (theo The Guardian)
.
.