Sự trỗi dậy của lực lượng cực hữu Colombia

Chủ Nhật, 26/09/2010, 22:35
Một thế hệ mới của các nhóm vũ trang và buôn lậu ma túy tại Colombia đã trở thành nguồn căn lớn nhất cho các vụ bạo động. Hệ thống tội phạm này bao gồm buôn lậu, tống tiền, giết người và vận chuyển ma túy có mặt ở 29/32 tỉnh của Colombia.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Indezpaz có trụ sở tại Bogota, các nhóm mới này ước tính lên đến hàng chục với khoảng 13.000 thành viên. Không như các nhóm nổi dậy cánh tả như FARC hay ELN, những nhóm mới ít quan tâm đến các vấn đề chính trị nhưng tập trung gây ảnh hưởng thông qua bạo động.

Trong số các nhóm cực hữu mới nổi có những cái tên như Ó Đen hay Rastrojos. Những nhóm này là tiền thân của các nhóm bán quân sự cực hữu vốn bị giải giáp từ năm 2006- nhóm Liên minh Các lực lượng phòng vệ Colombia (AUC). AUC được thành lập bởi các chủ đất để chống lại lực lượng FARC nhưng sau đó chuyển sang các hoạt động cướp bóc, buôn lậu ma túy. Dưới thời của Tổng thống Alvaro Uribe, đã có khoảng 30.000 thành viên của AUC bị giải giáp.

Gần đây, LHQ đã bày tỏ quan ngại về tình hình bạo động gia tăng tại đất nước Nam Mỹ này. Từ đầu tháng 9 tới nay, ít nhất 56 người bị giết và 52 người bị thương trong các vụ bạo động.

Thế nhưng, điều đáng lưu ý là số tiền viện trợ của Mỹ, chủ yếu tập trung vào các nỗ lực của Chính phủ Colombia để chống lại các nhóm cánh tả, trong khi làn sóng bạo lực do các nhóm cực hữu gây ra thì không được đề cập tới. Chính phủ của Tổng thống Barack Obama ngày 16/9 đã quyết định bơm thêm 30 triệu USD cho chính phủ của tân Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos chống lại các nhóm FARC và ELN.

Nhiều nhóm vận động nhân quyền tại Mỹ đã thúc giục Nhà Trắng ngừng các khoản viện trợ cho Chính phủ Colombia vì ngay trong các lực lượng an ninh của nước này cũng bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trong các chiến dịch truy quét quân nổi dậy cánh tả. Họ bị cáo buộc sử dụng bất hợp pháp các công cụ nghe lén, đe dọa các nhà hoạt động vì quyền con người.

Bản thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu: "Mặc dù còn nhiều vấn đề tồn tại, Chính phủ Colombia đã có những bước đi thích hợp để tôn trọng nhân quyền".

Nhà Trắng hy vọng Tổng thống Colombia Santos cùng làm việc với các nhóm xã hội và lao động để cải thiện quyền lợi của nông dân, trong đó nhiều người bị cướp đất do các chiến dịch tấn công FARC. Các công tố viên Colombia đang điều tra 1.100 binh sĩ bị cáo buộc giết hơn 2.400 thường dân, hầu hết là trong các chiến dịch tấn công FARC giai đoạn 2002-2010 của Tổng thống tiền nhiệm Alvaro Uribe. Vào cuối năm 2008, Tổng thống Santos, lúc đó còn là Bộ trưởng Quốc phòng, đã sa thải 27 sĩ quan quân đội vì sao lãng nhiệm vụ dẫn đến sự từ chức của một tư lệnh quân đội.

Việc giết hại nông dân được cho là có bàn tay của các lực lượng an ninh Colombia kết hợp với các nhóm cực hữu. Một cựu thủ lĩnh nhóm bán quân sự cực hữu, ông Jairo Castillo cho biết, có cả một âm mưu rõ ràng để chiếm đoạt đất của nông dân. Đầu tiên là giết hại nông dân sau đó sẽ có người đứng ra mua lại đất của họ và bước thứ ba là hợp pháp hóa đất này. Những người nông dân này bị cáo buộc là có liên quan đến FARC.

Ông Castillo sống lưu vong 10 năm qua  và được xem là nhân chứng quan trọng cho các phiên tòa xét xử các nhà chính trị Colombia có liên hệ với những nhóm cực hữu. Tổng số đất mà lực lượng an ninh kết hợp với các nhóm bán quân sự cực hữu lấy của người nông dân là hơn 5,5 triệu ha, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát chính sách công do các nhóm hoạt động xã hội thành lập.

Castillo vạch trần tội ác của các nhóm cực hữu theo đó, "ăn theo" các chiến dịch chống FARC từ năm 1964, các nhóm này đã mở rộng hoạt động mạnh nhất từ năm 1994 đến năm 2000, giết hại hàng chục ngàn nông dân và buộc hàng triệu nông dân rời khỏi nơi canh tác.

Từ năm 2005-2006, Cơ quan Pháp lý và Hòa bình thuộc Văn phòng Tổng chưởng lý Colombia đã tìm thấy nhiều bằng chứng rằng nhiều mảnh đất của các doanh nhân đang làm chủ hiện này vốn lấy từ đất cướp của nông dân. Ngay cả các doanh nhân này cũng được chính phủ cho vay ưu đãi và trợ cấp nông nghiệp trong chương trình "ổn định thu nhập nông nghiệp" - một vụ bê bối trong giai đoạn cầm quyền cuối cùng của Tổng thống Uribe.

Trong suốt nhiệm kỳ của mình (đến hết tháng 7/2010), ông Uribe đã ngăn chặn Quốc hội do các đồng minh của ông chiếm đa số trong việc thông qua một dự luật cho phép phục hồi bất động sản của nông dân bị các nhóm cực hữu chiếm đoạt trái phép. Ông Uribe cho rằng sẽ phải tốn rất nhiều tiền để xử lý vấn đề này. Bất chấp những vụ bê bối này, từ năm 2000 tới nay, Colombia đã được Mỹ viện trợ tổng cộng 6 tỉ USD.

Hoạt động của các nhóm cực hữu gần đây cũng đã gây hệ lụy cho một nghị sĩ Colombia. Thượng nghị sĩ Javier Caceres giữa tháng 9 đã bị bắt vì cáo buộc nhận tài trợ của nhóm bán quân sự cực hữu "Heroes de Montes de Maria" trong chiến dịch tranh cử của ông. Ông Caceres làm Chủ tịch Thượng viện từ tháng 7/2009 tới 7/2010 bị bắt theo lệnh của Tòa án tối cao Colombia sau khi có bằng chứng cho thấy ông có liên hệ với cựu thủ lĩnh nhóm cực hữu nói trên.

Theo Trung tâm giám sát người bị rời khỏi chỗ ở, toàn thế giới có khoảng 26 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa do các vụ xung đột trong nước. Riêng Colombia có gần 5 triệu người, đứng thứ hai trên thế giới, sau Sudan về số người bị buộc rời khỏi chỗ ở. Một khi bị trục xuất họ dễ trở thành nạn nhân của bạo lực, lạm dụng quyền lực và bị hạn chế tiếp cận với giáo dục, thực phẩm và chăm sóc y tế.

Chính phủ của tân Tổng thống Santos đã có một số cam kết giải quyết hậu quả do các nhóm cực hữu gây ra. Bộ trưởng Nông nghiệp Juan Camilo Restrepo cho biết, ông hy vọng có thể tái phân bổ lại 2 triệu ha đất tịch thu từ những tên buôn lậu ma túy. Tuy nhiên ông thừa nhận sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện kế hoạch này, trong đó cản trở lớn nhất là đại diện của các nhóm cực hữu vẫn còn chiếm đa số trong Quốc hội

Trương Minh (tổng hợp)
.
.