TCDC, tổ chức tội phạm mạng của NATO

Thứ Sáu, 18/04/2014, 18:30

Một phong trào quần chúng ở Ukraina có tên gọi “Mặt trận Ukraina” vừa kêu gọi Văn phòng Tổng công tố Nga lập hồ sơ truy tố hình sự các sĩ quan tình báo an ninh mạng của Trung tâm Quốc phòng mạng Tallinn (TCDC) thuộc khối NATO với tội danh tấn công mạng nhằm vào các cơ quan của Nga và Ukraina.

Lời cáo buộc của “Mặt trận Ukraina” dựa trên cơ sở các vụ tấn công mạng gần đây chủ yếu nhằm vào các trang web của Nga, bao gồm cả trang web của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngân hàng Trung ương Nga đều do một nhóm hacker NATO thực hiện.

Để chứng minh cho lời cáo buộc của mình, “Mặt trận Ukraina” đã trưng ra một tấm ảnh chụp một bản chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng của Chính phủ lâm thời Ukraina Igor Tenyukh, trong đó yêu cầu một nhóm chuyên gia công nghệ thông tin của TCDC đến Kiev. Và nhóm chuyên gia này đã đến Kiev trên một chuyến bay đặc biệt của Hải quân Mỹ.

Theo “Mặt trận Ukraina”, nhóm chuyên gia TCDC gồm có 16 người phụ trách nhiệm vụ tấn công bẻ khóa (hacker attack) nhằm tạo khó khăn cho việc truy cập vào các trang thông tin, truyền thông điện tử bằng tiếng Nga cho người Ukraina gốc Nga, đồng thời ngăn chặn hoạt động của các trang web đối lập với chính quyền Kiev. Các thông tin đăng trên các trang mạng xã hội cũng được theo dõi, phân tích kỹ lưỡng. Không gian thông tin của Ukraina quả thật rất phức tạp.

Người ta còn nhớ việc tiết lộ thông tin về các tay súng bắn tỉa do phe đối lập chống Tổng thống Viktor Yanukovych thuê tiến hành các vụ bắn lén trong phong trào biểu tình cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 rồi đổ vấy cho người của Chính phủ Yanukovych đã dẫn đến sự rạn nứt, chia rẽ nội bộ lãnh đạo chính quyền mới ở Kiev, giữa giới chính khách "mê EU" (Euromaidan) với một bộ phận quân đội và nhân dân Ukraina ở miền Đông và Nam Ukraina.

Các chuyên gia công nghệ thông tin NATO đã bộc lộ sự kém hiệu quả, thiếu tính chuyên nghiệp sau vụ "bể sô" ở Ukraina’.

Người ta cũng biết thêm rằng, trong vụ việc Crimea trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga và việc Kiev hoàn toàn bất lực trước diễn biến tình hình tại đây cũng là do binh sĩ Ukraina bất mãn không muốn tuân lệnh Bộ trưởng Tenyukh (mới đây nhất, có đến 8.000 binh sĩ Ukraina ở bán đảo Crimea xin nhập quốc tịch Nga chứ không chịu quay về với Kiev sau khi quân đội Ukraina do Kiev kiểm soát rút hết khỏi Crimea).

Tình thế này buộc các lãnh đạo "mê EU" dùng đến các biện pháp kém cỏi, như dùng vũ lực thô  bạo để chiếm giữ các tòa nhà chính quyền và giết hại những nhà hoạt động thân Nga, khủng bố các khu vực tập trung dân cư nói tiếng Nga,…

Trong hoàn cảnh như thế, nhóm chuyên gia hacker TCDC xuất hiện như một nhân tố "cứu tinh" nhằm giúp chính quyền Kiev cứu vãn tình hình. Tuy nhiên, ngay trong lần "xuất kích" đầu tiên, nhóm chuyên gia TCDC đã tung ra một thứ "dở tệ". Cú tấn công đầu tiên nhắm vào trang web của cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea được thực hiện dưới vỏ bọc là Ukrainskaya kybersotnya (Đội quân mạng Ukraina) đã bị bắt bài ngay lập tức, bị lật tẩy bởi các nhà lập trình địa phương.

Thông tin báo chí trên trang web Crimea tiết lộ rằng, cuộc tấn công có nguồn gốc từ Trường đại học Illinois, trụ sở đặt tại Urbana-Champaign, Mỹ. Điều trớ trêu là, khi cuộc tấn công được triển khai, không chỉ các trang web của Nga mà cả các trang web của chính quyền Ukraina ở Kiev cũng bị "vạ lây" (có lẽ do cách viết của ngôn ngữ Nga và Ukraina giống nhau chăng?), và giới chuyên gia gọi đây là một vụ "gậy ông đập lưng ông".

Một điểm đáng lưu ý là, ở cái thị trấn nhỏ bé (Urbana-Champaign) chỉ có 37.000 dân mà lại có số lượng địa chỉ netmask (mạng lưới phân rã địa chỉ IP) nhiều quá mức cần thiết.

Vụ "bể sô" ngay lần ra quân đầu tiên nêu trên của nhóm hacker NATO đã bộc lộ tính thiếu chuyên nghiệp của các chuyên gia công nghệ thông tin, không chỉ làm giảm độ tin cậy của các đơn vị tác chiến thông tin, mà còn làm lộ ra "cái đuôi" giả dối của khối quân sự này sau khi đã tuyên bố "không can thiệp" vào tình hình Ukraina.

Báo chí, truyền thông Nga cho biết, Moskva hoàn toàn tin rằng các chuyên gia công nghệ thông tin phương Tây, cụ thể là nhóm hacker TCDC, chính là thủ phạm đứng đằng sau các vụ tấn công vào các trang web của Nga và Ukraina.

Các cá nhân được nêu danh phải chịu trách nhiệm trong vụ tấn công gồm có Giám đốc TCDC, đại tá Artur Suzik, nữ phát ngôn viên Kristiina Pennar, và các chuyên gia công nghệ thông tin Martin Gunther và Alo Martensen. Trong đó, đại tá Suzik là người mà Điện Kremlin đặc biệt chú ý vì ông này bị xem là một kẻ "phản bội" sau khi được đào tạo bài bản ở Trường Trung học Kỹ thuật Quân sự Leningrad (nay là Saint Petersburg) để rồi bỏ tổ quốc chạy theo NATO.

Kể từ khi TCDC ra đời, số vụ tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin và truyền thông các nước khối SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập) gia tăng chóng mặt. Một vụ điển hình: trong kỳ tập trận mạng của khối NATO mang tên Cyber Coalition 2013 diễn ra vào tháng 11/2013, các website của Nga, Ukraina, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đều bị hacker tấn công.

Các website Chính phủ Ukraina khi đó bị đánh chiếm hoàn toàn, trang chủ thể hiện dòng chữ "Không đạt chuẩn an ninh mạng của NATO". Thủ phạm không cần giấu giếm, chính là TCDC. Ngày nay, chính thói khoác lác, "anh hùng rơm" này đã tố cáo TCDC.

Căn cứ theo luật pháp quốc tế, một vụ tấn công mạng như thế có thể được xem là "tội phạm mạng". Nhưng giới chuyên gia tin rằng, Moskva sẽ không yêu cầu một tổ chức quốc tế nào đó điều tra hoạt động của các hacker NATO, một mặt là vì họ sẽ chẳng dám điều tra NATO, mặt khác, luật pháp quốc tế về lĩnh vực này vẫn còn nhiều kẽ hở, nhất là trong lĩnh vực an ninh mạng, nơi sự ẩn danh được xem trọng hàng đầu

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.