TP HCM được gì và chưa được gì với chương trình hậu cai nghiện?

Thứ Sáu, 17/07/2009, 08:45
TP HCM vẫn đang loay hoay tìm hướng đi mới sau khi thực hiện xong Nghị quyết (NQ)16 của Quốc hội về Đề án Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai (còn gọi là Đề án Cai nghiện tập trung). Một năm đã qua, tỉ lệ tái nghiện theo báo cáo là thấp, tuy nhiên, tệ nạn ma túy lại đang có chiều hướng gia tăng và kéo theo đó là sự gia tăng các tệ nạn xã hội, tội phạm.

5 năm, Nghị quyết 16 và hơn 30.000 lượt người hồi gia

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH), tệ nạn ma túy và tội phạm trên địa bàn TP giảm nhiều trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2007, thời điểm TP thực hiện NQ 16 của Quốc hội về Đề án Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Thực tiễn ở TP HCM cho thấy, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng không đạt nhiều hiệu quả.

Trước khi có NQ 16 của Quốc hội về "thí điểm tổ chức dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện", có đến 98% người sau cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng bị tái nghiện. Hầu hết những người này sử dụng liều lượng cao hơn, chuyển từ hút sang tiêm chích, làm gia tăng nghiêm trọng tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh đó, cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cũng tạo điều kiện cho nạn lôi kéo, rủ rê, lây lan, làm phát sinh nhiều người nghiện mới.

Cụ thể, năm 1997, toàn TP chỉ có 8.308 người nghiện thì đến năm 2000 đã tăng lên 16.217 người và năm 2002 là 25.550 người. 5 năm thực hiện NQ 16, TP HCM đã đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng, đưa hơn 30.000 người vào các trung tâm cai nghiện, chữa bệnh, tổ chức cho khoảng 42.000 lượt người theo học các lớp văn hóa từ xóa mù đến phổ thông trung học, dạy nghề cho hơn 31.000 lượt người.

Những con số này tự thân nó đã nói lên được rất nhiều điều, và như lời Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài, đề án sau cai đã thể hiện một giá trị nhân văn sâu sắc. Theo ông Nguyễn Thành Tài, nếu tính trung bình một người nghiện ma túy mỗi ngày dùng 1 liều với giá 50.000 đồng, như vậy, 5 năm qua với 30.000 người dùng ma túy đã hao phí hơn 2.700 tỉ đồng. Cùng với nó là sự gia tăng của loại tội phạm liên quan đến ma túy. Hơn nữa, nếu TP HCM không thực hiện NQ 16, người nghiện ma túy sẽ tăng theo cấp số nhân chứ không phải là cấp số cộng...

Theo Phòng LĐ - TB&XH quận 4, một trong những quận trọng điểm về ma túy trước kia, hiện toàn quận chỉ có 171 người tái nghiện trong tổng số 1.287 người đi cai nghiện, điều này cho thấy Đề án Cai nghiện tập trung đã có sự thành công nhất định. Hiện nay, TP HCM đã thực hiện song song hai chương trình: cai nghiện bằng methadone và chương trình cai nghiện tự nguyện có thu phí. Tuy nhiên, hai chương trình cai nghiện này chưa đạt được hiệu quả. TP HCM mới chỉ có hơn 600 người nghiện được tiếp xúc với methadone...

Cơ quan chức năng nhận định, tệ nạn ma túy tại TP HCM đang có chiều hướng tăng lên. Năm 2008, TP HCM đã phát hiện gần 2.000 người nghiện mới. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2009, đã tiếp nhận và đưa đi cai 1.200 người nghiện ma túy, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2008...

Kỳ thị, việc làm, ma túy và… tội phạm

Nhà xã hội học Nguyễn Thị Oanh, người có nhiều nghiên cứu đối với vấn đề cai nghiện, cho rằng, tái hòa nhập cộng đồng là một tiến trình hai chiều. Phía các học viên phải phấn đấu trở thành người tốt, có ích. Phía cộng đồng phải mở rộng cửa (về mặt tinh thần) để đón nhận các học viên. Nhưng thực tế cả đôi bên đều chưa được trang bị cho tiến trình này.

Sự kỳ thị dành cho người hồi gia là một rào cản lớn, không thể một sớm, một chiều có thể xóa bỏ. Khi thực hiện bài viết này tại quận 4, chúng tôi đã tiếp xúc với N.T.K.L., 29 tuổi, L. cho hay, khi trở về, được gia đình dang tay đón nhận, nhưng những người xung quanh vẫn nhìn L. bằng con mắt thiếu thiện cảm, tạo một bức tường ngăn L. với mọi người, vẫn coi L. là một con nghiện. Có lần, L. vô tình cho một em bé một hộp kẹo, nhưng chỉ ít phút sau, hộp kẹo ấy bị vứt vào nhà L. kèm theo câu nói: không được lấy đồ của con nghiện!?

Theo chúng tôi được biết, L. không phải là một trường hợp cá biệt. Không ít người nghĩ rằng, sự trở về của hàng ngàn người cai nghiện là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tội phạm trong thời gian gần đây. L. tâm sự, đối với người hồi gia, nhiều khi không phải ma túy mà sự kỳ thị mới là nỗi ám ảnh đáng sợ nhất!

Chuyện những thanh niên nghiện ngập gây án không phải mới, tình hình càng trở nên phức tạp từ khi hơn 1 vạn học viên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Khoảng cách từ nghiện ma túy đến con đường phạm tội, trộm cắp, cướp giật là rất ngắn. Năm 2009, tiếp tục được TP chọn là năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị - nhưng ở nhiều địa bàn, tệ nạn ma túy đã diễn biến theo chiều hướng xấu, tình hình an ninh trật tự còn nhiều bất ổn, cướp giật, trộm cắp đang rộ lên ở nhiều nơi.

Nguyên nhân làm cho con nghiện phạm tội là trên địa bàn vẫn còn ma túy, người cai nghiện hồi gia dễ có cơ hội tiếp xúc với ma túy nên tái nghiện. Thêm vào đó, gia đình và các đoàn thể xã hội chưa thật sự quan tâm đúng mức; người hồi gia trở về khó xin việc, thất nghiệp nên tụ tập bạn bè ăn chơi và để có tiền chơi bời, hút chích dẫn đến phạm tội. Các vi phạm của người hồi gia chủ yếu là cướp giật, gây rối trật tự công cộng, buôn bán và tàng trữ trái phép chất ma túy...

Quý I năm 2009, TP HCM có 17.444 người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, 1.503 người (13,30%) tái nghiện và 376 người trở thành tội phạm hình sự. Điển hình như vụ Lê Thừa Hải (thường gọi là Hải “đen”, 27 tuổi), sau khi hồi gia từ Trung tâm Phú Văn, Hải đã cầm đầu một băng nhóm chuyên bảo kê và trấn lột ở các quán càphê tại huyện Bình Chánh. Cuối tháng 4, Công an huyện Bình Chánh đã triệt phá được băng nhóm của Hải.

Cũng trong thời gian này, Công an quận 7 đã triệt phá được một băng cướp do Nguyễn Vũ Anh Quốc (22 tuổi, ngụ khu phố 1, phường Phú Mỹ, quận 7), cầm đầu. Với thủ đoạn vờ hỏi thăm đường, bọn chúng đã thực hiện nhiều vụ cướp giật ĐTDĐ, dây chuyền của người đi đường. Lật lại hồ sơ của tên Quốc, được biết hắn  vừa hồi gia, hòa nhập cộng đồng nhưng lười lao động, tụ tập nhóm bạn cũ cũng là dân nghiện gây ra hàng loạt vụ cướp giật.--PageBreak--

Số liệu thống kê từ thời điểm 2/4/2008 đến 2/4/2009 của Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) đặc nhiệm thuộc PC14, Công an TP HCM và các tổ CSHS đặc nhiệm của Công an 23 quận: 1.962 người bị bắt giữ hình sự và tạm giữ hành chính, trong đó có 503 người nghiện ma túy và hơn 100 người trong số đó từng là người hồi gia.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, mới đây, Thành ủy, UBND TP, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội TP đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, phối hợp triển khai nhiều biện pháp phòng, chống ma túy; tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm ma túy trong cộng đồng dân cư; chuyển hóa địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma túy. UBND TP HCM chỉ đạo lực lượng Công an tấn công quyết liệt, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy lớn trên địa bàn thành phố và mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép ma túy trong khu dân cư; triệt phá tận gốc đối tượng là người Việt Nam ở Campuchia vận chuyển ma túy về thành phố tiêu thụ.

Theo ông Trần Anh Tịnh, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH quận 6, khi một số địa bàn vẫn còn chưa chuyển hóa trong sạch, việc mua bán ma túy đã tái diễn trong thời gian gần đây thì việc hạn chế người nghiện mới, cũng như hạn chế người sau cai hồi gia tái nghiện là hết sức khó khăn. Không ít người hồi gia đã đi khỏi địa phương, hoặc là tìm công việc đoạn tuyệt với môi trường cũ hoặc bỏ đi để tránh sự giám sát, khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, giúp đỡ.

Trong chuyến giám sát của đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) TP HCM tại phường 14, quận 8 mới đây về tình hình quản lý người sau cai nghiện cho thấy, trong số 43 người hồi gia, có đến hơn 10 người tái nghiện bị phát hiện và xử lý.

Học viên sau cai nghiện tại trung tâm GDĐT và GQVL số 2.

Ông Lê Hiếu Đằng - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, người trực tiếp giám sát chương trình Đề án Cai nghiện theo NQ 16 cho biết: Việc TP HCM tổ chức dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện để "dọn đường" cho việc họ trở về cộng đồng, đây là một chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghiện. Tuy nhiên, trong giai đoạn "hậu NQ 16", còn gần 10% đối tượng tái hòa nhập cộng đồng chưa được nhập hộ khẩu. 75% đối tượng có nghề nghiệp không ổn định nên việc quản lý đối tượng trên gặp rất nhiều khó khăn, con số hơn 10% người tái hòa nhập cộng đồng tái nghiện là con số đáng quan ngại.

Trao đổi với chúng tôi, Trần Cẩm Huy, Nhóm trưởng nhóm trợ giúp hồi gia quận 4 thuộc  Ủy ban Phòng chống AIDS cho biết: Chuyện tái nghiện khi về cộng đồng không có gì lạ vì chưa chắc các em đã thật sự được "cai" mà chỉ được "cách ly" đối với ma túy mà thôi. Thực tế cho thấy trong quá trình ở trường trại các em chưa được tư vấn và trị liệu tâm lý đầy đủ để có thể xóa bỏ nguyên nhân kể trên. Học chữ, học chính trị, học nghề, lao động... rất tốt, nhưng không thể thay thế liệu pháp tâm lý. Trường trại chưa có chuyên gia tâm lý giống như bệnh viện không có bác sĩ (mà chữa bệnh tâm lý khó hơn bệnh thể xác!). Khi các học viên từ trung tâm về, chúng tôi đã phải tư vấn rất nhiều trường hợp học viên bị bệnh tâm lý.

Từ trường trại về nơi cư trú, nếu được đón tiếp bởi những bậc cha mẹ lo âu, mặc cảm, hàng xóm kỳ thị, cơ sở sản xuất không nhận vào làm việc và nhất là cảm giác bị "dè chừng", "theo dõi" bởi cán bộ địa phương thì lối thoát tâm lý duy nhất của người nghiện là cầu cứu "nàng tiên nâu" để trốn thực tế. Cho nên, khó khăn lớn nhất đối với người hồi gia chính là sự kỳ thị và việc làm...

Hiện nay, TP HCM cũng đã đưa Cụm công nghiệp Nhị Xuân vào hoạt động. Không ít công ty, xí nghiệp cũng dang tay đón nhận người hồi gia vào làm việc. Nhưng lại phát sinh nhiều vấn đề là một số cơ sở, xí nghiệp tại địa phương không tiếp nhận người tái hòa nhập cộng đồng vào làm việc vì đa số có sức khỏe yếu, trình độ học vấn, tay nghề thấp, ý thức kỷ luật kém.

Có trường hợp, nhóm trưởng Huy giới thiệu một người hồi gia vào làm tại một công ty vệ sĩ, nhưng chỉ hơn 1 tuần sau, người này đã tự nghỉ việc mà không hề báo cáo, khiến Huy phải xin lỗi công ty. Nhiều cánh cửa đến với doanh nhiệp gần như khép kín với những người hồi gia tại địa phương.

Nhóm trưởng Trần Cẩm Huy nói rằng: "Ra trường các em chỉ rành bóc vỏ lụa, hạt điều, làm mây tre lá. TP không có những ngành nghề này để bố trí công việc. Còn những nghề may, điện công nghiệp, vi tính... các em chỉ nắm cơ bản, không thể đáp ứng yêu cầu làm việc, khiến chuyện tìm kiếm việc làm của họ rất khó khăn, tình trạng thất nghiệp thường trực. Đây là yếu tố dẫn đến nguy cơ tái nghiện cao".

Đa số người hồi gia muốn tự tạo việc làm nhưng gia đình quá khó khăn phải vay vốn từ các quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ dành cho người hồi gia. Thế nhưng việc vay vốn cũng gian nan vì có không ít trường hợp gia đình không cho con em mình nhập lại hộ khẩu!?

Anh Trần Quang Dũng (phường 7, quận Gò Vấp), 12 lần đi cai nghiện đối với anh là chừng ấy lần tái nghiện. Đồ đạc trong nhà dần đội nón ra đi, sức khỏe suy sụp nghiêm trọng, vợ con nheo nhóc khiến anh quyết định đi cai lần thứ... 13. Ở Trường Giáo dục - Đào tạo và Giải quyết việc làm số 2 (tỉnh Lâm Đồng), Dũng quyết chí làm lại từ đầu. Không ít người hồ nghi, có thể Dũng sẽ lại đi cai lần thứ 14. Sau 3 tháng cai nghiện, anh xin làm lái xe cho trường rồi làm trưởng nhóm phục vụ hậu cần.

Đến tháng 7/2006, anh được hồi gia. Trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, anh được lãnh đạo phường bố trí vào làm dân phòng và bảo vệ cho hai trường học trong khu vực để có thêm thu nhập. Từ đó anh bỏ hẳn ma túy. Mới đây, anh còn được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố, chủ nhiệm câu lạc bộ "Cùng tiến" dành cho anh em hồi gia trong khu phố.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM từng cho rằng, với việc làm ổn định cộng với nỗ lực của bản thân, như trường hợp của anh Trần Quang Dũng, người hồi gia hoàn toàn có khả năng vượt qua những ám ảnh của ma túy.

Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy, người hồi gia sẽ không thể vượt qua “bóng ma” ma túy nếu sự kỳ thị trong xã hội vẫn còn nặng nề...

Thuận Nguyên
.
.