Tái điều tra bê bối tham nhũng ở Malaysia liên quan đến Thủ tướng: Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ

Thứ Bảy, 17/08/2013, 10:45

Năm 2002, Bộ Quốc phòng Malaysia được cho là đã bán tài liệu bí mật về hải quân nước này cho Công ty Thales International - một chi nhánh của DCNS. Nhờ đó mà DCNS đã thắng thầu (được quyền bán tàu ngầm cho Malaysia). Nhân vật trung gian giữa DCNS và Bộ Quốc phòng là Abdul Baginda - lãnh đạo Tổ chức Nghiên cứu chiến lược Malaysia và là bạn thân của Thủ tướng Najib. Hiển nhiên, trong thương vụ này, DCNS phải trả tiền cho cả Baginda và ông Najib...

Tuần trước, Cơ quan điều tra Pháp bất ngờ công bố quyết định lật lại hồ sơ nghi án tham nhũng liên quan tới Tập đoàn DCNS chuyên sản xuất vũ khí của nước này, diễn ra từ tháng 6/2002 khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak còn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Theo cáo buộc, DCNS đã "chi tiền lại quả" để Hải quân Malaysia mua 2 chiếc tàu ngầm Scorpene và tâm điểm của bê bối này là cáo buộc liên quan tới việc nhà sản xuất DCNS đã trả 142 triệu USD tiền hoa hồng cho một công ty liên quan tới Abdul Baginda - một người bạn thân của Thủ tướng Najib.

Phe đối lập của Malaysia khẳng định rằng, khoản tiền trên được trả cho các quan chức cấp cao liên quan tới thỏa thuận bán cho Kuala Lumpur 2 chiếc tàu ngầm tấn công lớp Scorpene trị giá 2 tỉ USD, và phần lớn tiền hoa hồng đã "chạy vào túi" ngài Thủ tướng.

Bê bối lại tiếp tục đan xen bê bối khi mà dư luận thêm nghi ngờ Thủ tướng Najib Razak cùng một số cá nhân thân cận có liên quan tới cái chết bất ngờ của thám tử tư Balasubramaniam - người dự định sẽ vạch trần các hành vi mờ ám của chính phủ và mối quan hệ của Thủ tướng với người mẫu Mông Cổ Altantuya Shaariibuu. Cô gái này được xem là một mắt xích trong thương vụ mua bán tàu ngầm, nhưng đã bị sát hại bởi 2 cảnh sát vệ sĩ của chính Thủ tướng Najib.

Nghi án tham nhũng tàu ngầm

Năm 2002, Bộ Quốc phòng Malaysia được cho là đã bán tài liệu bí mật về hải quân nước này cho Công ty Thales International - một chi nhánh của DCNS. Nhờ đó mà DCNS đã thắng thầu (được quyền bán tàu ngầm cho Malaysia). Nhân vật trung gian giữa DCNS và Bộ Quốc phòng là Abdul Baginda - lãnh đạo Tổ chức Nghiên cứu chiến lược Malaysia và là bạn thân của Thủ tướng Najib. Hiển nhiên, trong thương vụ này, DCNS phải trả tiền cho cả Baginda và ông Najib. Phía điều tra cũng phát hiện Baginda thành lập Công ty Terasasi, đóng trụ sở tại Hồng Kông để làm trung gian chuyển tiền giữa Hải quân Malaysia và DCNS, và đã tiến hành hối lộ các quan chức cấp cao Malaysia.

Tổ chức Nhân quyền Suaram quyết tâm làm rõ vụ việc nên đã nộp đơn kiện tới Tòa án Pháp. Luật sư Joseph Breham của Suaram đã tiết lộ có một tài liệu mật của Hải quân Malaysia đánh giá kiểu tàu ngầm Scorpene được Terasasi bán cho DCNS với giá 142 triệu USD. Theo Suaram, Tòa án Pháp sẽ sớm công bố danh sách những người nhận lại quả của Terasasi, và vụ bê bối này không chỉ gồm hối lộ mà còn dính líu đến chuyện rửa tiền.

Bê bối mua tàu ngầm được công khai rộng rãi thông qua tờ Asia Sentinel. Phần lớn tài liệu và bằng chứng liên quan đã được Asia Sentinel công bố, trong đó có cả báo cáo chuẩn bị sẵn cho DCNS, nói rằng những hợp đồng quốc phòng lớn đều yêu cầu "chuyển nhượng đáng kể tiền cho cá nhân hoặc tổ chức". Tờ báo này đã gây xôn xao ở Malaysia khi tiết lộ 133 tập tài liệu dài hàng trăm trang, tố cáo các hành vi tham nhũng của Bộ Quốc phòng khi mua 2 chiếc tàu ngầm.

Một tài liệu cho biết, đại diện DCNS đã ký thỏa thuận với 1 thiếu tá quân đội Malaysia là Abdul Rahim Saad, để "đưa DCNS trở lại danh sách các nhà thầu sau khi đã bị chính quyền Malaysia loại bỏ". Để trả lễ, phía DCNS đã chi 100.000 USD phí tư vấn. Sau đó, DCNS chuyển sang nhờ cậy Baginda làm trung gian giữa DCNS và Bộ Quốc phòng Malaysia, và rồi DCNS thắng thầu.

Tờ báo còn cáo buộc các quan chức Pháp và Malaysia, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé và cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, có vẻ như đã biết một vài hành động sai trái. Tuy nhiên, chưa có gì xác minh được tính chính xác của các tài liệu này.

"Bạn thân Thủ tướng" Baginda bị bắt, sau đó được xử trắng án.

Theo kết quả điều tra mới nhất, Thales International đã mua hàng loạt tài liệu mật của Hải quân Malaysia và chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Terasasi. Bên cạnh đó, DCNS còn chi "hoa hồng" ít nhất 160 triệu USD trong thương vụ bán tàu ngầm này cho Công ty Perimekar, cũng thuộc quyền sở hữu của Abdul Baginda.

Trong một tài liệu mới được công bố, một quan chức DCNS thẳng thừng khẳng định, Perimekar, với danh nghĩa là hãng du lịch, được lập để "làm giàu một cách bất minh" cho các cổ đông, là địa chỉ để DCNS chuyển khoản tiền lại quả. Nhưng chính Thủ tướng Najib Razak lại phủ nhận mọi cáo buộc rằng ông đang nắm phần lớn nhất tại Perimekar. Tuy nhiên, các nghị sĩ đối lập yêu cầu ông Najib Razak phải lập tức điều tra toàn diện nghi án này và công khai kết quả điều tra. Báo Asia Sentinel dẫn lời một số nghị sĩ đối lập mô tả việc cung cấp tài liệu quân sự bí mật cho nuớc ngoài là hành động phản quốc.

Cảnh sát Pháp cũng tịch thu được các tài liệu liên quan khi khám xét văn phòng của DCNS tại Paris. Họ kết luận rằng, ở Malaysia, đảng Dân tộc Malaysia thống nhất (UMNO) là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất, và giải thích một báo cáo của DCNS có trong tập tài liệu nêu điều kiện tiên quyết để ký hợp đồng bán vũ khí cho Malaysia là phải chuyển tiền cho một số cá nhân và tổ chức.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Najib Razak đã liên tiếp bác bỏ cáo buộc về những sai trái trong việc mua các tàu ngầm lớp Scorpene từ nhiều năm qua. Bộ trưởng Quốc phòng Ahmad Zahid Hamidi đã đáp trả lại các cáo buộc của phe đối lập, và nói với Quốc hội rằng không hề có chuyện thông tin mật bị rò rỉ, và hợp đồng này được thực hiện thông qua đàm phán trực tiếp phù hợp với các trình tự mua bán.

Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy Thủ tướng có liên quan trực tiếp tới thương vụ nói trên. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Najib chịu sức ép lớn khi phải giải thích đầy đủ về các giao dịch, sau khi những tài liệu tại Tòa án Pháp bị rò rỉ, đăng chi tiết các khoản chi trả cho hai công ty do "bạn thân phụ tá" Razak Baginda thành lập. Cáo buộc này là mối đe dọa với liên minh cầm quyền. "Chỉ cần một bằng chứng cho thấy thương vụ mua tàu ngầm có liên quan đến tham nhũng, sẽ đủ để đánh bại Thủ tướng Najib" - nghị sĩ đảng đối lập Tony Pua cho biết. "Điều này liên quan tới an ninh quốc gia và thật sự rất nghiêm trọng. Ít nhất thì ông Najib phải giải thích cho người dân biết điều gì đã xảy ra".

Những người ủng hộ ông Najib Razak cho rằng, phe đối lập đang cố gắng khơi lại vụ việc này nhằm mục đích chính trị. "Tại Malaysia, thông thường đảng lãnh đạo sẽ là bên được lợi nhuận nhiều nhất", tài liệu tiết lộ, ám chỉ đến đảng UMNO của ông Najib. Một nguồn tin thân cận với Chính phủ Malaysia cho biết Suaram, tổ chức tung tin liên quan đến vụ bê bối, có liên hệ mật thiết với phe đối lập chính trị ở nước này, với ý định lật đổ liên minh lãnh đạo hiện tại.

Những cái chết bí ẩn

Quá trình điều tra vụ bê bối tham nhũng cũng tình cờ khám phá ra những cái chết vô cùng bí ẩn, mà dư luận vẫn còn đang tranh cãi về sự liên quan của Thủ tướng Najib Razak. Đầu tiên phải nhắc tới thám tử tư Balasubramaniam - người dự tính sẽ cáo buộc Thủ tướng Malaysia đã thực hiện nhiều hành vi mờ ám, đặc biệt là nghi án tham nhũng trong bản hợp đồng đóng tàu với Pháp - được thông báo chết một cách đột ngột tại một phòng khám vì bị đau tim sau khi nhập viện một tuần.

Cựu thám tử Balasubramaniam (trái) và người mẫu Shaariibuugiin Altantuyaa - hai mắt xích quan trọng trong vụ bê bối - đều đã chết.

Balasubramaniam là mắt xích cốt yếu trong vụ bê bối liên quan đến Thủ tướng Najib Razak. Người này đã tố cáo Thủ tướng có quan hệ tình dục với người mẫu Mông Cổ Shaariibuugiin Altantuyaa, một phiên dịch được cử đi tháp tùng ông Najib Razak. Sự hiện diện của người đẹp Altantuyaa trong tiến trình xúc tiến bản hợp đồng mua lại tàu ngầm của DCNS trị giá 2 tỷ USD của Pháp được cho là chiêu mỹ nhân kế để giành phần thắng thế trước đối phương khi mà ông Najib đang giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.

Trên thực tế, cô người mẫu kiêm phiên dịch này lại là lá bài được Abdul Baginda "cài" vào bên cạnh Thủ tướng để theo dõi mọi động tĩnh của chính phủ. Shaariibuugiin Altantuyaa có hành tung bí ẩn, từng đi theo Baginda sang Paris để thương lượng với DCNS về vụ mua tàu ngầm. Đột nhiên, Altantuyaa bị mất tích trước khi được cảnh sát phát hiện bị bắn chết tại một khu vực hoang vắng gần thủ đô Kuala Lumpur, trong khi thi thể đã bị phá hủy vì thuốc nổ C4.

Theo điều tra, 2 cảnh sát đặc nhiệm Malaysia làm vệ sĩ của Thủ tướng Najib chính là thủ phạm đã bắt cóc và sát hại Altantuyaa. Ông Abdul Baginda từng bị cáo buộc là chủ mưu giết người nhưng cuối cùng lại được xử trắng án, đổ hoàn toàn trách nhiệm cho hai viên cảnh sát khiến họ phải nhận án tử hình.

Balasubramaniam được Abdul Baginda thuê để tạo bằng chứng chống lại cáo buộc giết người, thế nên biết rất rõ những chuyện "thâm cung bí sử". Balasubramaniam khẳng định, một số quan chức chính phủ bao gồm cả Thủ tướng Najib dính líu tới vụ sát hại Altantuyaa. Chính thám tử này đã tố cáo Thủ tướng Najib từng quan hệ tình dục với người mẫu Altantuyaa, khiến Thủ tướng cùng vợ Rosmah Mansor quyết định khử Altantuyaa, do cô đòi hưởng "hoa hồng" vì đã tham gia vụ mua tàu ngầm. Nhưng Balasubramaniam rút lại lời cáo buộc với lý do gia đình ông bị dọa giết, và ông được "người ta" cho tiền để rời khỏi Malaysia.

Đầu năm 2013, Balasubramaniam trở về Malaysia sau thời gian lưu vong ở Ấn Độ. Ông muốn trở về để tố giác và nói hết sự thật cũng như để chống lại liên minh cầm quyền của Thủ tướng Najib. Tuy nhiên, chưa kịp chứng minh Thủ tướng liên quan tới tham nhũng và giết người, ông đã bị đột tử.

Có nhiều đồn đoán xung quanh hai cái chết đều liên quan tới thương vụ tàu ngầm này. Có thể Thủ tướng đã mượn tay Baginda để "khử" Altantuyaa vì cô đòi hưởng phần lại quả 500.000 USD để "mua" sự im lặng? Vụ bắt cóc Altantuyaa được thực hiện ngay trước cửa nhà Baginda, ngay trước mắt một nhân chứng là tài xế taxi. Anh ta đã ghi lại biển số xe của nhóm bắt cóc, rồi báo cảnh sát, nơi khẳng định đó là xe của chính phủ.

Để chứng minh sự vô can, Thủ tướng Najib đã thề trên sách kinh Coran rằng, ông chưa bao giờ gặp Altantuyaa, nói đó là "lời nói dối khủng khiếp". Ông nói các cáo buộc này nhằm phá sự nghiệp chính trị của ông, và chính phủ chẳng có sai phạm nào trong việc mua 2 chiếc tàu ngầm. Ông không ngán vụ vệ sĩ của ông bị truy tố, và công khai phớt lờ cuộc điều tra của Pháp.

Ông cũng thẳng tay "chặn họng" các nhà báo trong nước khi liên tục cáo buộc cái chết của người mẫu Shaariibuu là "sản phẩm ghen tuông" từ người vợ. Đây là một hành động làm mất thể diện của ông trên chính trường khiến Thủ tướng phải yêu cầu cảnh sát có biện pháp ngăn chặn các bài viết lan tràn "không thể chấp nhận được" trên báo chí.

Ông Najib Razak từng nhấn mạnh, chưa bao giờ gặp cô Altantuya và không hay biết cuộc tình vụng trộm giữa người bạn thân Baginda với người mẫu Mông Cổ. Thế nhưng, tờ Asia Sentinel đã đưa ra bức ảnh trong đó có Baginda, Altantuya Shaariibuu và ông Najib Razak đang ăn tối tại một nhà hàng ở thủ đô Paris (Pháp), phủ nhận mọi lời nói "đầy tính chân thực" của vị Thủ tướng từng tuyên bố "sẽ hết lòng vì sự nghiệp chống nạn tham nhũng ở Malaysia"…

Trần Quân - Việt Dũng (tổng hợp)
.
.