Tại sao Mỹ siết chặt hoạt động tình báo?

Thứ Sáu, 22/10/2010, 09:55
Dư luận đang rất quan tâm tới quyết định siết chặt hoạt động tình báo mà Tổng thống Barack Obama vừa ký ban hành hôm 7/10 vừa qua. Tổng thống Barack Obama đã ký ban hành 2 dự luật tình báo nhằm cải thiện việc giám sát các hoạt động tình báo cũng như giảm lượng thông tin mang tính cảnh báo.

Giới chuyên môn đã có những đánh giá khác nhau ngay sau khi Tổng thống Barack Obama siết chặt hoạt động tình báo bởi việc này liên quan tới nhiều lĩnh vực nhạy cảm.

Với dự luật tình báo thứ nhất, từ nay các nhà lập pháp được quyền tiếp cận với nhiều thông tin mật hơn. Trước đây, chỉ có 8 quan chức trong lưỡng viện là Chủ tịch Thượng và Hạ viện, Chủ tịch Ủy ban Tình báo của hai viện và lãnh đạo của đảng Dân chủ và Cộng hòa tại lưỡng viện được định kỳ đọc báo cáo tình báo. Nhưng với dự luật mới, các thành viên của Ủy ban tình báo đều được đọc báo cáo này.

Nếu Tổng thống hạn chế Quốc hội tiếp cận với các báo cáo mật thì các ủy ban Tình báo phải được quyền truy cập rộng rãi thông tin trong vòng 6 tháng hoặc phải được giải thích về việc hạn chế này.

Quốc hội từng nhiều lần cáo buộc chính quyền của Tổng thống W. Bush không báo cáo đầy đủ những thông tin tình báo như kế hoạch bí mật nhằm tiêu diệt các trùm khủng bố. Giám đốc CIA Leon Panetta đã hủy bỏ chương trình này sau khi bị giới truyền thông đưa ra ánh sáng hồi năm ngoái.

Ngày 9/7/2006, nghị sĩ đảng Cộng hòa Peter Hoekstra, Chủ tịch ủy ban Tình báo Hạ viện từng cho rằng, chính phủ có thể đã phạm pháp khi che giấu Quốc hội ít nhất một hoạt động tình báo lớn và chỉ thông báo vắn tắt sau khi họ biết được việc này qua các nguồn tin độc lập.

Với dự luật thứ hai, Tổng thống Barack Obama chính thức thắt chặt đối với những thông tin mang tính cảnh báo bởi tốn kém, nhưng lại được đóng dấu mật và lưu trữ theo cơ chế độ bảo mật. Ủy ban điều tra độc lập vụ khủng bố 11/9/2001 từng tuyên bố, việc xếp loại thông tin tình báo một cách thái quá đã khiến cho việc điều hành công tác tuyến dưới gặp không ít khó khăn. Theo dự luật mới, Bộ An ninh nội địa phải cung cấp các văn bản không còn là bí mật cho chính quyền địa phương.

Cách đây không lâu, Tổng thống Barack Obama từng bổ nhiệm tướng về hưu James Clapper làm người chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của 16 cơ quan tình báo Mỹ (Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia) và đây được coi là bước đệm cho việc ký 2 dự luật kể trên nhằm cải tổ đội ngũ an ninh, tình báo Mỹ. Không những điều phối và giám sát hoạt động của 16 cơ quan tình báo, ông James Clapper còn là cố vấn quan trọng của Tổng thống Barack Obama về các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia.

Theo tiết lộ của cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Dennis Blair (15/9/2009), Washington đã chi khoảng 75 tỉ USD/năm cho hoạt động tình báo, chiếm hơn 10% ngân sách quốc phòng hàng năm của Mỹ (khoảng 650 tỉ USD). Khoản ngân sách này bao gồm chi tiêu cho CIA, Cơ quan Tình báo quốc phòng, Cơ quan An ninh quốc gia và các chương trình tình báo của FBI, cũng như các cơ quan nằm trong Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ công khai toàn bộ chi phí cho các hoạt động tình báo bởi trước đây vấn đề này là bí mật quốc gia.

Có người nói rằng, thể chế tình báo Mỹ đang tồn tại khá nhiều vấn đề và "thành công lớn nhất" của họ là giải ngân hết số tiền được chu cấp. Theo một báo cáo được công bố hôm 1/4/2009, các cơ quan tình báo Mỹ hoạt động không hiệu quả bởi những mâu thuẫn nội bộ, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan tình báo cũng như sự quản lý yếu kém của người lãnh đạo.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates mới yêu cầu phải siết chặt lại việc theo dõi cũng như quản lý những cơ quan và cá nhân được thuê đảm bảo an ninh theo các hợp đồng trị giá hàng tỉ USD ở Afghanistan. Tuy không nói rõ, nhưng giới chuyên môn đều hiểu rằng, ông Robert Gates không hài lòng với kết quả hoạt động của CIA bởi Chính phủ Afghanistan vừa chính thức cấm 8 nhà thầu an ninh nước ngoài, trong đó có Công ty Blackwater hoạt động.

Bộ trưởng Robert Gates cho biết, đã thành lập các lực lượng đặc nhiệm mới để giúp kiểm tra các thỏa thuận thầu an ninh ở Afghanistan.

Nhiều bằng chứng cho thấy, CIA đứng sau chỉ đạo một số hoạt động của Công ty Blackwater. Ngoài ra, CIA cũng không nắm được những động thái mới của các thủ lĩnh bộ lạc và Taliban.

Theo báo cáo của Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ công bố hôm 7/10, trong giai đoạn 2007-2009, một nguồn tài chính lớn chi cho hơn 125 hợp đồng do các nhà thầu an ninh tư nhân làm chủ ở Afghanistan đã lọt vào tay các thủ lĩnh bộ lạc và phiến quân Taliban.

Nhiều nhà thầu an ninh tư nhân có liên hệ với Taliban và các tổ chức tội phạm để bảo vệ các căn cứ quân sự Mỹ tại Afghanistan. Được biết, hơn 26.000 nhân viên an ninh tư nhân ở Afghanistan và 90% làm việc theo các hợp đồng của Chính phủ Mỹ hoặc hợp đồng thầu phụ.

Chủ tịch ủy ban Quân lực Thượng viện Carl Levin nhấn mạnh, việc các nhà thầu an ninh tư nhân ở Afghanistan trao quyền quá lớn cho các thủ lĩnh bộ lạc và những kẻ môi giới quyền lực không những đe dọa tới sự an nguy của các binh sĩ Mỹ và NATO, mà còn gây hậu quả khôn lường tới chiến lược của Washington tại quốc gia Nam Á này.

Thiếu tướng Michael Flynn từng kêu gọi cộng đồng tình báo Mỹ thay đổi cách thu thập và chia sẻ thông tin tại Afghanistan. Trong báo cáo đánh giá hoạt động tình báo của Mỹ hôm 5/1, Thiếu tướng Michael Flynn đã thẳng thắn tuyên bố: trong 8 năm chiến tranh tại Afghanistan, tình báo Mỹ chỉ có vai trò thứ yếu trong cục diện chiến lược chung ở quốc gia Nam Á đầy bất ổn này.

"Bộ máy tình báo khổng lồ này đã không thể giải đáp các câu hỏi cơ bản để Tổng thống Barack Obama và Tư lệnh quân đội Mỹ tại Afghanistan, Tướng Stanley McChrystal đưa ra những quyết sách đúng đắn", Thiếu tướng Michael Flynn nói

Trịnh Thị Phương Anh (tổng hợp)
.
.