Taliban chiêu mộ phụ nữ qua tạp chí thời trang

Thứ Sáu, 15/09/2017, 15:34
Một tạp chí thời trang dành cho phụ nữ bằng tiếng Anh do nhóm khủng bố Taliban ở Pakistan gọi là Tehreek-e-Taliban (TTP) phát hành xuất hiện một cách lặng lẽ trên Internet vào đầu tháng 8 vừa qua với số đầu tiên mang tên "Sunnat-E-Khola"; nghĩa là "Con đường của Khola", dựa theo tên của một nữ chiến binh Hồi giáo sống vào thế kỷ thứ VII.

Phần mở đầu tạp chí viết: "Chúng tôi muốn kích động phụ nữ Hồi giáo tiến lên phía trước và gia nhập hàng ngũ chiến binh thánh chiến".

Trang bìa tạp chí là hình ảnh một phụ nữ mặc đồ đen trùm kín mít từ đầu đến chân đang bước đi trên nền cát vàng sa mạc. Không giống như các ấn bản thời trang phụ nữ khác, tạp chí của TTP chứa nội dung cực đoan - kêu gọi phụ nữ tham gia thánh chiến, tổ chức "những cuộc họp bí mật tại nhà", sắp xếp "những khóa huấn luyện thể lực" và "chuẩn bị cho những chiến dịch tử vì đạo".

Trang bìa số đầu tiên tạp chí Sunnat-E-Khola của TTP.

Nikita Malik - nữ chuyên gia nghiên cứu an ninh chống khủng bố cho Hội Henry Jackson (HJS, một tổ chức tư vấn tân bảo thủ phi lợi nhuận của Anh) - bình luận rằng, TTP đang cố gắng sao chép các chiến dịch tuyên truyền và tuyển mộ nhắm mục tiêu vào phụ nữ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhất là khi tổ chức này đang suy tàn và giãy chết.

Khi chứng kiến IS bị đánh tan tác ở Syria và Iraq, Taliban nhanh chóng chộp lấy cơ hội cực đoan hóa phụ nữ và lôi kéo họ về phía mình. Theo nhận định từ Malik, sự xuất hiện của tạp chí đánh dấu sự thay đổi chiến lược của Taliban. Trước đây, Taliban nô dịch hóa phụ nữ (giết chết, cấm đến trường học và cưỡng bức kết hôn) nhưng bây giờ có lẽ bọn chúng đang cố gắng thu hút sự quan tâm của cộng đồng này.

Tạp chí 45 trang có đề mục khá dài "Thời khắc tử vì đạo đang đến" thuyết phục phụ nữ trợ giúp TTP phát động thánh chiến trên toàn thế giới. Bài vở tạp chí gồm rất nhiều hình ảnh phụ nữ mặc niqab (loại trang phục màu đen trùm kín người của phụ nữ Hồi giáo) và tay cầm súng trường tấn công.

Tạp chí dài 45 trang có đề mục khá dài "Thời khắc tử vì đạo đang đến".

Một đề mục sặc mùi chết chóc: "Chúng tôi đề nghị các chị em tự chuẩn bị cho những chiến dịch tử vì đạo. Có nhiều chiến binh Hồi giáo đang chiến đấu ở Pakistan và xin làm ơn giúp họ hoàn thành nhiệm vụ". Vừa qua, trong một bài diễn văn thông báo kế hoạch mở rộng sự can thiệp của quân đội Mỹ ở Afghanistan, Tổng thống Mỹ  Donald Trump lên tiếng chỉ trích Pakistan đang là hang ổ lý tưởng của khủng bố.

Mia Bloom, nữ Giáo sư Đại học Bang Georgia và là tác giả công trình nghiên cứu năm 2011 về vai trò của phụ nữ trong các nhóm khủng bố với tựa đề "Bombshell: Women and Terrorism" (tạm dịch: Vấn đề nóng: Phụ nữ và Khủng bố), khẳng định ngày càng có thêm nhiều nhóm khủng bố sử dụng báo chí để lôi kéo phụ nữ vào hàng ngũ của chúng - ví dụ như tạp chí Al-Shamikha và ấn bản trên Internet Al-Khansaa của Al- Qaeda.

Một video được IS tung ra hồi đầu tháng 8 cho thấy hình ảnh các cô gái trẻ tuổi đọc kinh Coran trong một lớp học. Mia Bloom phát biểu với Hãng tin CNN: "Thực sự đó là chiến lược hiệu quả mà bọn khủng bố đang sử dụng. Đối với bọn chúng, phụ nữ là công cụ để khai thác cho bất cứ mục đích nào. Mục tiêu của chúng là sự trường tồn và sống còn để phát triển".

Theo Mia Bloom, Taliban và IS đặc biệt tăng cường sử dụng phụ nữ làm công cụ để tuyển mộ những phụ nữ khác, hoặc để "thưởng công" cho chiến binh và từ đó tạo ra thế hệ chiến binh tiếp theo. Hồi năm 2009, Taliban cấm thiếu nữ đến các trường học ở Thung lũng Swat ở Pakistan. 3 năm sau đó, Taliban bắn Malala Yousafzai vì tội dám thách thức chúng. Sau này, Malala trở thành nhà hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ.

Nhưng với ấn bản mới trên Internet, TTP có lẽ quan tâm đến phụ nữ hơn trước đây và đặc biệt hướng đến tầng lớp phụ nữ có học vấn cao, thuộc tầng lớp khá giả và nói tiếng Anh. Trong bài viết tựa đề "Hành trình của tôi từ không biết gì đến sự lĩnh hội", nữ tác giả người Pakistan kể câu chuyện bản thân mình đã du hành đến Arập Xêút và Syria trước khi gia nhập hàng ngũ TTP như thế nào.

Theo tạp chí của TTP, người phụ nữ này học tập ở nước ngoài và nhận được bằng cấp tiến sĩ. Louisa Tarras-Wahlberg, nữ chuyên gia của Trung tâm quốc tế nghiên cứu cực đoan bạo lực (ICSVE, đặt trụ sở tại Mỹ) nghiên cứu chiến lược tuyên truyền nhắm đến phụ nữ của IS, bình luận câu chuyện cá nhân này có mục đích kích động phụ nữ tham gia thánh chiến cực kỳ hiệu quả.

Di An (tổng hợp)
.
.