Tàn phá hơn 10.000 điểm di tích, “hầu bao” của IS vẫn căng phồng

Thứ Sáu, 24/07/2015, 15:45
IS đã phá hủy nhiều nhà thờ Hồi giáo dòng Sunni và Shitte, những công trình to lớn giờ chỉ còn là đống đổ nát. IS còn đập phá đền thờ và các di tích khác trong khu vực. Theo UNESCO, khoảng hơn 10.000 điểm di tích của Iraq và Syria đã bị IS cướp phá không nương tay.

Mới đây, phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đánh bom nhà thờ Mother of Aid hàng nghìn năm tuổi thuộc Giáo Hội Công Giáo Caldean, phát ngôn viên chi nhánh Mosul của Đảng Dân chủ người Kurd, Saeed Mamuzini cho biết: IS đã phá hủy nhiều nhà thờ Hồi giáo dòng Sunni và Shitte, những công trình to lớn giờ chỉ còn là đống đổ nát. IS còn đập phá đền thờ và các di tích khác trong khu vực.

Theo UNESCO, khoảng hơn 10.000 điểm di tích của Iraq và Syria đã bị IS cướp phá không nương tay.

Sử dụng mạng lưới buôn lậu đồ cổ từ hàng thập kỷ nay

Ngay khi IS chiếm được thành phố hàng ngàn năm tuổi Palmyra ở Syria, Tổng giám đốc Tổ chức Văn hóa -Giáo dục - Khoa học thế giới (UNESCO) Irina Bokova đã cảnh báo việc IS phá hủy Palmyra sẽ là "tổn thất to lớn của nhân loại". "Palmyra là một di sản ngoại hạng của thế giới và việc hủy hoại Palmyra không chỉ là tội ác chiến tranh mà còn là mất mát to lớn của nhân loại" - bà Bokova nói.

Hành động phá hủy cổ vật của IS được giới khảo cổ so sánh ngang với cuộc tấn công vào bức tượng Phật cao nhất thế giới của Taliban ở Afghanistan. Bức tượng có niên đại 1.500 năm đã bị Taliban đặt thuốc nổ phá hủy hồi năm 2001.

IS tàn phá và cướp cổ vật ở Mosul, Iraq.

Thời gian gần đây, hình ảnh các chiến binh IS dùng xe ủi và máy khoan bê tông tấn công các di tích cổ xưa ở Iraq và Syria làm cả thế giới phẫn nộ. Nhưng ít người biết rằng, với những hiện vật có giá trị, IS không đập phá mà âm thầm bán ra "chợ đen", thu về hàng triệu USD trong các chiến dịch cướp bảo vật quốc gia ngày càng có tổ chức. "Chúng ăn cắp tất cả những gì có thể bán và những gì không thể bán thì đem ra phá hủy" - ông Qais Hussein Rasheed, Thứ trưởng Bộ Cổ vật và Di sản Iraq nói.

Ông Qais Hussein Rasheed cũng cho biết thêm, nhà chức trách Iraq nhận thấy rằng, việc buôn lậu cổ vật gia tăng kể từ tháng 6/2014, thời điểm các chiến binh IS nắm quyền kiểm soát Mosul và phần lớn miền Bắc Iraq. Vào thời điểm đó, các chiến binh cũng chiếm giữ Nineveh - kinh đô của Vương quốc Assyria cổ đại.

Trong một đoạn video được tung ra đầu năm nay, các tay súng IS đã khoan thẳng vào đầu những bức tượng đá hình bò đực dũng mãnh trên cổng của thành phố. Các chiến binh IS cũng tự quay cảnh phá hủy tượng tại bảo tàng của thành phố Mosul. Nhưng theo các quan chức Iraq, phần nhiều trong số đó chỉ là bản sao của các cổ vật được giữ ở Baghdad. Bất cứ hiện vật nào thực sự là đồ cổ và kích thước đủ nhỏ dễ vận chuyển thì chúng bán đi hoặc cất giữ.

Trước đó, vào tháng 2/2015, tổ chức này còn cho nổ tung một nhà thờ Hồi giáo Khudr có niên đại từ thế kỷ XII, cướp hơn 2.000 quyển sách ở Thư viện thành phố Mosul và đốt phá hàng trăm cuốn sách về văn hóa, khoa học ở thư viện Đại học Mosul, theo AP.

Ông Aymenn al-Tamimi, một nhà nghiên cứu về các nhóm thánh chiến thuộc Diễn đàn Trung Đông có trụ sở tại Anh cho biết, IS cấp giấy phép cho khai quật các khu di tích cổ đại thông qua "Diwan al-Rikaz" - một cơ quan quản lý trong việc giám sát tài nguyên, trực thuộc "Caliphate" - tổ chức phụ trách quản lý dầu, khí đốt cũng như cổ vật. Qua những tài liệu thu được từ nhóm này, ông Aymenn al-Tamimi cho biết, IS đã kết hợp các hoạt động khai quật di tích cổ vào bộ máy hành chính của mình.

IS biện minh cho việc phá hủy các hiện vật văn hóa ở Iraq và Syria rằng, đó là đại diện nền văn hóa ngoại đạo, cần phải xóa bỏ. Mặc dù vậy, đằng sau những chiến dịch cướp bóc có hệ thống là nguồn thu không nhỏ từ việc bán cổ vật. Điều này phần nào lý giải nguồn lực giúp các chiến binh IS có thể cố thủ kể từ khi chúng chiếm giữ được thành phố trọng yếu Mosul của Iraq cách đây một năm, từ đó mở rộng các vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát ở đất nước này cũng như tại nước láng giềng Syria.

Mặc dù Iraq nỗ lực ngăn chặn nạn chảy máu cổ vật nhưng tổ chức IS đã sử dụng mạng lưới buôn lậu đồ cổ từ hàng thập kỷ nay. Từ Iraq, cổ vật được đưa tới Kuwait, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả đều là các trung tâm trung chuyển để đến các nước phương Tây. Thực ra, cổ vật của Iraq đã bị cướp phá quá nhiều sau những năm dài chiến tranh, đặc biệt là vụ cướp cổ vật ở Bảo tàng Quốc gia Baghdad sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003. Đến khi các phần tử cực đoan của IS tràn sang chinh phục lãnh thổ ở Syria, việc khai thác cổ vật ở đây còn được tổ chức chặt chẽ hơn.

San bằng thành phố cổ Hatra

Thành phố cổ Hatra của Iraq, cách thủ đô Baghdad 290 km về phía tây bắc, cũng bị IS san bằng. Được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, thành phố này từ xa xưa chịu nhiều cuộc tấn công của đế chế La Mã. Hatra được bao bọc bởi những bức tường cao, có đường kính lên đến 2 km cùng 160 ngọn tháp vây quanh, kết hợp phong cách kiến trúc giữa Hy Lạp, Arập, Canaan (phần giáp Liban, Israel, phía tây Jordan và tây nam Syria), Lưỡng Hà (bình nguyên nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates thuộc Tây Á, nay là miền Nam Iraq)... Đây là nơi có rất nhiều ngôi đền và tác phẩm điêu khắc dành riêng cho các vị thần bao gồm Apollo và Poseidon.

Hatra cũng là nơi chứng kiến nhiều trận đánh cách đây 1.800 năm. Trước đây, Saddam Hussein nhận thấy tầm quan trọng của Hatra nên quyết định chi 80 triệu USD để khôi phục lại thành phố. Năm 2004, tờ The Daily Telegraph (Anh) nhận định: "Những hàng cột và tượng ở Hatra làm cho thành phố này trở thành địa chỉ khảo cổ quan trọng bậc nhất Iraq". Năm 1985, UNESCO vinh danh Hatra là Di sản thế giới.

Ngày 7/3/2015, sau khi tấn công thành phố cổ Nimrud, IS đã dùng xe ủi đất, bom đạn tàn phá Hatra với lý do: các điện thờ và các bức tượng đặt tại Hatra là "đồ giả". Ngay lập tức, Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova lên tiếng trên BBC: "Việc tiêu hủy Hatra đánh dấu một bước ngoặt trong chiến dịch xóa sạch nền văn hóa tại Iraq. Đây là cuộc tấn công trực tiếp chống lại lịch sử của một thành phố Arập Hồi giáo. Nó khẳng định mục tiêu hủy diệt di sản trong công tác tuyên truyền của nhóm cực đoan. Sự tàn phá này là tội ác chiến tranh".

Said Mamuzini, thuộc đảng Dân chủ người Kurd (KDP), hiện là quan chức địa phương, cho biết, IS sử dụng chất nổ đặt trong các tòa nhà và đã san bằng tất cả. "Thành phố Hatra khá lớn với nhiều đồ tạo tác của các thời đại đã được cất giữ bên trong đó" - Mamuzini nói. Ông cũng thông tin thêm rằng, các tay súng đã lấy đi nhiều vàng và bạc. IS cũng xác nhận đoạn phim 3 phút quay cảnh chiến binh của tổ chức này dùng búa đập bỏ các đồ vật, tượng quý tại Hatra, rồi xả súng vào các tòa nhà.

Trong một tuyên bố sau đó, IS đưa ra thông điệp: sẽ tiếp tục chống lại lịch sử hàng ngàn năm của đất nước Iraq bằng việc phá hủy tất cả di sản, theo báo The Guardian (Anh). "IS đã phái chúng tôi đến để tiêu diệt những bức tượng, các hiện vật tôn giáo" - một chiến binh trong đoạn video clip nói tại hiện trường.

Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, giá trị của cổ vật từ Iraq đưa vào Hoa Kỳ đã tăng 4 lần từ năm 2010 đến năm 2014, đạt hơn 3,5 triệu USD. Tương tự, giá trị nhập khẩu cổ vật từ Syria và Ai Cập cũng đã tăng vọt. Ông Michael Danti, một giáo sư khảo cổ học tại Đại học Boston cho biết, gần đây những món đồ cổ bị cướp phá đã đến thị trường Mỹ và phương Tây, thường ở mức giá thấp và trung bình, chẳng hạn như con dấu bằng đá với chữ viết tượng hình cổ xưa.

"Những đột biến trong hoạt động nhập khẩu hợp pháp hoàn toàn tương quan với những biến cố ở các nước này. Tôi sẽ bị sốc nếu tất cả đều là hợp pháp", giáo sư Danti khẳng định.  "Các hiện vật cổ có kích thước nhỏ từ Iraq và Syria đang tràn ngập thị trường và được bán rộng rãi trên mạng" - bà Deborah Lehr, người đồng sáng lập của Liên minh cổ vật cho hay.

Bà Deborah Lehr chia sẻ, tổ chức của bà được những tay môi giới cổ vật hiểu nhầm là người sưu tầm nên đã gửi email chào hàng. "Công chúng cần phải hiểu rõ hơn rằng, nếu mua các mặt hàng này, có khả năng họ là người tài trợ cho khủng bố" - bà Deborah Lehr phân tích.

Thật khó ước tính IS đã thu về bao nhiêu tiền từ việc bán cổ vật, nhưng các quan chức Iraq cho rằng, đó là hoạt động thương mại quan trọng thứ hai của IS sau doanh thu hàng chục triệu USD từ dầu mỏ.

Biến chuyển trên chiến trường gần đây cho thấy, IS khó có thể duy trì doanh thu từ dầu mỏ của mình do liên tục bị Mỹ và quân đội Iraq tấn công vào các cơ sở hạ tầng mà chúng chiếm giữ. Tuy nhiên, tình hình này cũng làm dấy lên lo ngại rằng, IS có thể tập trung nhiều hơn vào các cuộc khai quật cổ vật bất hợp pháp.

Văn Nguyễn - A.T. (tổng hợp)
.
.