Thái Lan: Vất vả đối phó với nạn buôn hổ

Thứ Năm, 15/03/2012, 23:45

Các công viên đời sống hoang dã do tư nhân sở hữu ở Thái Lan từ lâu liên can đến hoạt động buôn bán bất hợp pháp loài hổ và các bộ phận của chúng, nhưng do thiếu cơ sỡ dữ liệu ADN và khó thu thập thông tin nên có ít bằng chứng để buộc tội các nghi can.

Hoạt động kinh doanh và buôn lậu hổ cũng như các bộ phận của loài này ở Thái Lan bắt đầu thu hút sự chú ý của dư luận thế giới sau vụ cảnh sát và các cơ quan hữu trách nước này bắt giữ 400kg thịt hổ và xác hổ tại quận Khlong Sam Wa, thủ đô Bangkok vào ngày 5/2 vừa qua.

Sự kiện trên cho thấy nạn xâm hại động vật hoang dã vẫn tồn tại ở Thái Lan bất chấp mọi nỗ lực toàn cầu nhằm cứu loài hổ khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Trong khi đó, các cơ quan hữu trách Thái Lan không có được bằng chứng thuyết phục về sự dính líu của các vườn thú tư nhân cũng như các công viên đời sống hoang dã ở nước này.

Theo Luật Bảo vệ và Bảo tồn đời sống hoang dã (WCPA) năm 1992 của Thái Lan, các vườn thú tư nhân được công nhận hợp pháp và được phép sở hữu những loài động vật hoang dã nằm trong danh sách bảo vệ của luật. Hiện có khoảng 15 loài được bảo tồn và 1.302 loài được bảo vệ theo luật của Thái Lan.

Theo Luật WCPA, hoạt động kinh doanh hổ và các bộ phận của hổ được coi là bất hợp pháp, có nghĩa là các vườn thú tư nhân không thể mua  bán hổ hay các con thú nằm trong giới hạn bảo vệ và bảo tồn với nhau hoặc với bất cứ ai khác. Tuy nhiên, việc vận chuyển thú vật giữa các vườn thú tư  nhân chỉ được phép tiến hành dưới sự phê chuẩn của Cơ quan Quản lý các công viên quốc gia (NPD), nhưng đây là một quy trình phức tạp. Khi nhiều vườn thú tư nhân mọc lên ở Thái Lan, NPD bắt đầu có nhiều quy định chặt chẽ hơn trong việc cấp giấy phép hoạt động cho loại hình hoạt động này, và các cơ quan hữu trách cũng bắt đầu có nhiều nỗ lực trấn áp nạn buôn lậu động vật hoang dã.

Năm 2011, chính quyền Thái Lan giải cứu thành công 2 con báo con (nằm trong danh sách loài được bảo vệ) tại một nơi được thiết kế xây dựng vườn thú tư nhân mới ở Chaiyaphum. Chủ nhân vườn thú chưa có được giấy phép của NPD. Trước đó, 2 con báo trưởng thành cũng được bắt giữ tại cùng địa điểm và  chủ nhân vườn thú cũng không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc của 2 con thú. Theerapat Prayyoonsit, Phó tổng giám đốc NPD, cho biết cơ quan ông luôn giám sát chặt chẽ quần thể hổ trong mỗi vườn thú để chắc chắn chúng không bị bán trái phép cho bọn thương nhân.

Con hổ cái được giải cứu vào tháng 4/2011 và hiện đang được chăm sóc ở Khu bảo tồn đời sống hoang dã Khao Prathap Chang ở Ratchaburi.

Hiện nay, 888 con hổ trong 21 vườn thú tư nhân có giấy phép hoạt động do NPD cấp cũng như mọi giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của chúng. Vườn thú Si Racha Tiger ở Chon Buri là cơ sở tư nhân lớn nhất thuộc loại này ở Thái Lan, với số hổ sỡ hữu khoảng 400 con.

Mặc dù luật không giới hạn số lượng thú vật trong vườn thú, song Theerapat cho biết, chủ nhân vườn thú thường không trung thực trong báo cáo số lượng hổ. Ví dụ, nếu 4 con hổ con chào đời thì họ chỉ báo cáo có 2 con và 2 con khác sẽ được nuôi tại một nơi khác. Do đó, nếu có chuyện gì xảy đến cho 2 con hổ con giấu giếm này thì NPD không thể lần ra được nguồn gốc của chúng từ vườn thú.

Đại tá Kiatipong Khaosam-ang, Phó chỉ huy Cục Trấn áp tội phạm môi trường và tài nguyên thiên nhiên (NED) của Thái Lan khẳng định: đây là một mánh khóe dễ sử dụng của bọn tội phạm kinh doanh hổ bất hợp pháp. Và khi một con hổ bị chết, vườn thú sẽ không báo cáo với chính quyền theo yêu cầu mà xác của nó sẽ được bán ra thị trường đen rồi sau đó một con hổ mới được chuyển đến vườn thú.

Sau vụ bắt giữ thịt hổ và xác hổ vào đầu tháng 2 năm nay, Kanita Ouitavon, nhà khoa học ở Ban pháp y đời sống hoang dã (WFSU) thuộc NPD, cho biết NPD không có các mẫu ADN từ các vườn thú tư nhân. Nhưng sắp tới, cơ sở dữ liệu ADN này sẽ được thành lập để công tác kiểm soát động vật hoang dã có hiệu quả hơn.

Nguồn cung cấp hổ buôn lậu đáng kể khác xuất phát từ các quốc gia láng giềng như MalaysiaMyanmar. Sau đó hổ được vận chuyển đến Trung Quốc qua đường Thái Lan và Lào. Hổ và thịt hổ thường được bắt giữ tại những địa phương nằm dọc biên giới. Trong vài năm qua, hổ cũng như các loài động vật hoang dã khác được chở trong những chiếc xe tải vận chuyển trái cây hay thực phẩm đến chợ Talad Thai, nơi có nhà kho trữ lạnh khổng lồ, ở vùng Rangsit ngoại ô Băng Cốc.

Đại tá Kiatipong Khaosam-ang nói rằng, Thái Lan đang tìm kiếm sự hợp tác từ phía chính quyền các quốc gia láng giềng để kiểm soát nạn kinh doanh và buôn lậu hổ. Một số chủ nhân vườn thú có xu hướng mua hổ con không đăng ký bởi vì việc bán hay kinh doanh thú con chưa qua đăng ký với chính quyền không tiềm ẩn nguy cơ. Song nếu bị bắt, vườn thú phải đóng khoản tiền phạt nặng và có thể bị đóng cửa.

Một vấn đề khác nữa là sự trao đổi hổ giữa các vườn thú với nước ngoài. Sau khi xảy ra vụ vận chuyển 100 con hổ từ Si Racha Tiger Zoo đến Trung Quốc cách đây nhiều năm, NPD sẽ không cho phép bất cứ vườn thú nào trong nước xuất khẩu hay nhập khẩu hổ

D.S. (tổng hợp)
.
.