Thảm họa phá thai bất hợp pháp ở Liban

Chủ Nhật, 23/06/2019, 13:46
Farah (không phải tên thật) có những ký ức tồi tệ khi quyết định phá thai vài năm trước đây, nhưng không thể nhớ chính xác ca can thiệp khủng khiếp kéo dài bao lâu.

Cô gái 26 tuổi nói: “Tôi chỉ cảm thấy như nó kéo dài cả một ngày, ngày dài nhất trong cuộc đời tôi. Tôi nhớ rất rõ sự chờ đợi không thể chịu đựng được trước ca can thiệp. Thật vô cùng mệt mỏi...”.

Mối nguy hại cho cộng đồng

Một người bạn cho Farah biết tên và địa chỉ một bác sĩ thực hiện phá thai ở một phòng khám tư. Farah nói rằng bác sĩ thông cảm với tình cảnh của cô ấy và đã “gần như mỉm cười trong suốt cuộc phẫu thuật”.

Cảm thấy như mình còn quá nhỏ để tự mình nuôi con vì chưa lập gia đình, Farah quyết định phá thai khi cô mang thai ba tuần. Do hạn chế về tài chính, Farah không đủ khả năng thanh toán chi phí gây mê cho thủ thuật vì như thế sẽ tăng thêm 300 USD vào tổng chi phí. 

Phụ nữ Liban chụp ảnh khi mặt trời lặn trên biển Địa Trung Hải ở thành phố cảng cổ Byblos, phía bắc Beirut, Liban.

Thay vào đó, Farah đồng ý sử dụng viên thuốc Tramadol mà bác sĩ chỉ định giúp giảm đau. Farah nhớ đã la hét trong ca phẫu thuật nhưng “không nhận thức được nỗi đau đó như thế nào”.

Sau khi phá thai, Farah bị chảy máu nhiều ngày. Cô cố gắng liên lạc với bác sĩ nhưng ông ta đã bỏ qua các cuộc gọi của cô. Cảm thấy quá sợ hãi và xấu hổ để gặp một bác sĩ khác, Farah chịu đựng sự chảy máu cho đến khi nó may mắn dừng lại mà không có bất kỳ sự hỗ trợ y tế nào. 

Ở Liban, phá thai bị hình sự hóa và không được thực hiện ngay cả trong những trường hợp bị hãm hiếp, trừ những trường hợp sức khỏe người mẹ có nguy cơ.

Theo luật nghiêm cấm phá thai của Liban có hiệu lực từ năm 1943, một phụ nữ phá thai có thể bị cầm tù từ 6 tháng đến 3 năm, trong khi bác sĩ thực hiện thủ thuật có thể bị kết án từ 1 đến 3 năm tù. 

Tuy nhiên, nếu mang thai có nguy cơ đối với sức khỏe của người phụ nữ, thì quy trình phải được 2 bác sĩ chứng nhận. Bất chấp những rủi ro này, nhiều phụ nữ như Farah đã tìm cách phá thai bất hợp pháp.

Số liệu thống kê chính thức về phá thai là những số liệu do Bộ Y tế nước này cung cấp, tuy nhiên chúng cũng được kết hợp với thống kê thai chết lưu hay thai chết trong tử cung (IUFD). Trong năm 2015, đã có 11,549 ca phá thai và IUFD. 

Năm 2016, một bác sĩ người Liban bị bắt vì thực hiện khoảng 200 ca phá thai đối với 75 nô lệ tình dục Syria - những người bị bọn buôn người đưa vào nước này với hứa hẹn những công việc lương cao dành cho phụ nữ trong nhà hàng hoặc khách sạn.

Khi phát hiện ra mình có thai năm 2015, cô gái 28 tuổi tên Carla (không phải tên thật) không chắc ai là cha đứa trẻ vì cô đã gặp gỡ nhiều người đàn ông khác nhau. 

Carla nhớ lại: “Đó là ngày thứ sáu, một ngày trước lễ kết thúc Tháng Ramadan. Tôi hẹn gặp người đàn ông có nhiều khả năng là cha của con tôi. Đến lúc đó, anh ta đã nhờ một người bạn của mình tìm một bác sĩ thực hiện phá thai”. 

Carla mô tả khoảng thời gian cuối tuần trước khi đến gặp bác sĩ là “cực hình” – “Toàn bộ gia đình tôi đều có mặt tại nhà người chú để ăn thịt nướng vào bữa trưa nhưng tôi không thể nuốt được bất cứ thứ gì”.

Vào sáng thứ hai, Carla giả vờ đi làm và gặp bạn của mình. Họ lái xe đến Keserwan - một quận nằm ở phía đông bắc Beirut - để gặp bác sĩ. Nhưng khi đến nơi, bác sĩ thông báo ông không còn thực hiện phá thai nữa, vì vậy họ phải dùng đến kế hoạch B. Carla yêu cầu sự giúp đỡ từ Trung tâm chăm sóc sức khỏe tình dục Marsa (Marsa Sexual Health Center) - nơi cung cấp các dịch vụ bí mật và ẩn danh liên quan đến sức khỏe tình dục – đặt trụ sở tại Beirut. 

Trung tâm Marsa tư vấn cho Carla về các bác sĩ và cho cô địa điểm của họ. Sau đó, cô đến một phòng khám hoạt động bất hợp pháp ở Ain el-Remmaneh, phía nam Beirut và được các bác sĩ ở đó cho biết cô đang mang thai 2 tháng. Carla nói: “Thực sự tôi không muốn có con vào lúc này”.

Carla còn nhớ đó là căn phòng nhỏ bé và lộn xộn, có sự hiện diện của chiếc “máy hút”. Carla mô tả thủ thuật, trị giá 400 USD, vô cùng đau đớn mặc dù cô đã được gây tê: “Có vẻ như ai đó đang cố nắm bắt thứ gì đó bên trong tôi nhưng không thể làm được. Tôi đã không nhìn xuống dưới thắt lưng của mình nhưng tôi có thể tưởng tượng. Tôi đã vật vã đau đớn trong suốt cuộc phẫu thuật. Đó là một thảm họa”.

Gánh nặng tài chính và nguy cơ cao

Nhiều bác sĩ lợi dụng thực tế phá thai không hợp pháp mà tự đặt ra chi phí cho mỗi lần thực hiện. Trung bình, một ca phá thai ở Liban có giá từ 300 đến 1.200 USD - theo tiết lộ từ một số bác sĩ và phụ nữ. Sarah (không phải tên thật), một phụ nữ 34 tuổi người Liban đã trải qua ca phá thai nguy hiểm cách đây hơn 10 năm. Do không có đủ tiền để thực hiện ca phẫu thuật, vì vậy cô đã cố gắng phá thai bằng cách uống Cytotec (misoprostol) – loại biệt dược đòi hỏi phải được bác sĩ kê đơn. 

Cytotec – loại biệt dược đòi hỏi phải được bác sĩ kê đơn.

Thuốc misoprostol, cũng được sử dụng để ngăn ngừa loét dạ dày, có thể được kết hợp với một loại thuốc khác là mifepristone để kết thúc một thai kỳ. Nhưng thuốc không có tác dụng với Sarah. Ngay trước khi chuẩn bị uống một viên thuốc khác, một người bạn của Sarah đã hoảng hốt trước tình huống nguy hiểm nên đã đưa cho cô một số tiền và sau đó giới thiệu cô đến một bác sĩ phá thai với giá 300 USD.

Sarah kể: “Đó là thời khắc khủng khiếp. Các bác sĩ, hoạt động trong một phòng khám tư nhân và nhỏ, đã vội vã rời khỏi tôi ngay sau khi phẫu thuật. Tôi chạy vào phòng tắm vì cảm thấy muốn nôn và được ném cho một gói khăn vệ sinh. Đó là phần nhục nhã nhất của quá trình”. 

Mặc dù phụ nữ tìm cách phá thai ở Beirut trong các phòng khám hoạt động bất hợp pháp, nhưng điều đó không nhất thiết giống với những người sống ở nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là những người sống trong điều kiện bấp bênh, như người di cư và người tị nạn. Ở Halba, một thị trấn gần biên giới Syria ở phía bắc Liban, Fatima (không phải tên thật), một phụ nữ tị nạn Syria 37 tuổi, phát hiện ra mình có thai vào tháng 2-2018.

Fatima thú nhận: “Tôi không nói lời nào với chồng vì mặc dù chúng tôi đang sống trong điều kiện tồi tệ nhưng anh ấy vẫn muốn có thêm con. Tôi đã mang thai được 2 tháng”. 

Phụ nữ và trẻ em Liban trên con đường dọc bờ biển ở Beirut.

Fatima sống cùng chồng và 4 đứa con trong không gian hai phòng ngủ khiêm tốn, nơi từng là nhà để xe, trong hơn hai năm. Fatima nói rằng lúc đầu, cô đã dùng đến các biện pháp khác để không phải sinh đứa bé, vì biết phá thai là bất hợp pháp. 

Nhưng cuối cùng Fatima vẫn đến gặp bác sĩ mà một người bạn giới thiệu và ông ta cho uống hai viên thuốc để gây co thắt, sau đó thực hiện ca phẫu thuật. Fatima ở nhà nghỉ ngơi một chút nhưng nhanh chóng quay lại với công việc của mình trong một cửa hàng đồ cũ, vì cô không muốn ai nhận ra sự vắng mặt bất thường của mình.

“Robin Hood”

Bác sĩ phụ khoa Nadim (không phải tên thật) cho biết ông không thực hiện phá thai vì tiền: “Tôi tiếp 50 bệnh nhân mỗi ngày ... Bạn có biết Robin Hood không? Tôi giống nhân vật này”. Nadim khẳng định rằng ông không có một khoản phí cố định mà “tất cả phụ thuộc vào bệnh nhân. Nếu một vài người trong số họ có thể đủ khả năng, tôi sẽ tính tiền và sau đó hỗ trợ tiền cho người nghèo”. 

Nadim tính phí trung bình 400 USD cho thủ thuật nhưng cũng hỗ trợ cho những người không có khả năng chi trả. Nadim tiết lộ ông thường khuyến khích phụ nữ tiếp tục mang thai.

Phụ nữ ở Liban phản đối luật pháp cho phép những kẻ hiếp dâm kết hôn với nạn nhân của họ để thoát khỏi sự trừng phạt.

Nadim cũng đặt vấn đề: “Nhưng nếu ai đó không có đủ khả năng tài chính để nuôi con, đó có thực sự là một điều tốt để buộc cô ấy phải nuôi dưỡng cái thai không? Tôi có hai con gái và đôi khi tôi tự hỏi, nếu một trong số chúng có thai, tôi sẽ làm gì? Buộc con gái kết hôn ngay? Hoặc cho con gái lựa chọn phá thai? Tôi sẽ chọn lựa chọn giải pháp thứ hai”. 

Ông cho rằng một luật có thể thay đổi nhiều đối với phụ nữ và họ sẽ không còn cần phải làm điều đó bất hợp pháp nữa. 

Nadim thú thật: “Tôi không dám nói chuyện này với các đồng nghiệp của mình, cũng như với anh trai tôi bởi vì anh ta sẽ gọi tôi là tội phạm. Pierre, một bác sĩ phụ khoa khác, nói rằng anh ta làm sai lệch các giấy tờ giả vờ sức khỏe của người mẹ có nguy cơ để có thể thực hiện thủ thuật trong bệnh viện. Anh ta tính phí 1.200 USD cho một ca phá thai”. 

Với hầu hết phụ nữ chỉ nhờ đến bạn bè và mạng lưới cá nhân để biết thông tin về sức khỏe sinh sản và tình dục của họ, một số tổ chức phi chính phủ ở Beirut đưa ra giải pháp thay thế cho việc thiếu thông tin.

Các sáng kiến quốc tế khác như Women On Web (WoW), đặt trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan), cũng cung cấp sự trợ giúp. WoW có một chương trình gửi thuốc phá thai qua bưu điện, cũng như có thể được chuyển đến các quốc gia khác nhau. 

Khó khăn duy nhất là đôi khi bưu kiện bị thất lạc trong quá trình vận chuyển - theo Nour Saadi, nữ bác sĩ người Syria làm việc cho WoW. Saadi giải thích rằng trung bình có hai phụ nữ Liban liên lạc với WoW mỗi tháng để yêu cầu được cung cấp viên thuốc.

Trong khi nạn phá thai khá phức tạp ở Liban, có vẻ như chính phủ tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề.  Wal Walid Ammar, người đứng đầu Bộ Y tế công cộng Liban, phát biểu: “Không bao giờ có bất kỳ luật hợp pháp hóa phá thai, khá đơn giản bởi vì các tổ chức tôn giáo sẽ không bao giờ cho phép nó. Ngoài ra, đây không phải là ưu tiên của chúng tôi về mặt sức khỏe cộng đồng”. 

Tony Khoury, người sáng lập tổ chức phi chính phủ “My Right to Live” (Quyền sống của tôi) nhấn mạnh sự thật rằng những đứa trẻ bị phá thai là “nạn nhân thầm lặng”. 

Tony Khoury xác định những đứa trẻ bị phá thai là “nạn nhân thầm lặng”.

Tony Khoury tuyên bố: “Ngay cả khi người mẹ bị hãm hiếp, ngay cả khi cô ta không có khả năng tài chính để có con. Cuộc sống là một món quà”. Thông qua tổ chức phi chính phủ của mình, Khoury tổ chức các hội nghị bàn các giải pháp hạn chế hậu quả xấu của vấn đề này.

Diên San (tổng hợp)
.
.