Thành công trong cuộc chiến chống mafia

Thứ Bảy, 17/01/2009, 09:45
Năm 2008 vừa qua có thể coi là một năm thành công của các cơ quan hành pháp trong cuộc chiến chống lại tội phạm có tổ chức.

Thành công trong năm được "mở hàng" bằng bản án tuyên phạt 4 tên cướp người Anh và một kẻ tòng phạm trong một vụ cướp nổi tiếng diễn ra hồi năm 2006 tại khu kho của Công ty Bảo vệ quốc tế Securitas.

Những tên tội phạm khi đó đã lấy được tổng cộng 53 triệu bảng và lẩn trốn an toàn. Về sau, tất cả đều bị bắt giữ sau quá trình điều tra. 4 tên cướp phải nhận bản án nghiêm khắc 30 năm tù, còn kẻ tòng phạm cũng phải "bóc lịch" tới 20 năm. Có điều các nhà chức trách chỉ thu hồi được có 21 triệu bảng, tức là chưa tới một nửa số tiền đã mất.

Năm 2008 chắc chắn là “năm hạn” của mafia, dù chính chúng là những kẻ đầu tiên tự "rước vạ" cho mình. Tất cả bắt đầu từ vụ thanh toán đẫm máu vào tháng 8/2007 tại Duisburg (Đức) giữa hai băng nhóm thù địch của mafia "Ndragheta" là Nirta-Strangio và Pelle-Vottari. Cảnh sát do lo ngại nổ ra một cuộc chiến nội bộ thực sự giữa mafia đã ráo riết điều tra để ngăn chặn.

Năm qua chính là thời điểm của hàng loạt những vụ vây ráp và bắt giữ các thành viên mafia. Thành công của chiến dịch này còn được thúc đẩy nhờ cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" trong nội bộ mafia.

Tháng 5/2008, cảnh sát bắt giữ được Giuseppe Nirta (68 tuổi), một trong những kẻ đứng đầu gia tộc Nirta. Tháng 8/2008, đến lượt một ông trùm trong số các ông trùm của gia đình này là Paolo Nirta bị sa lưới.

Tháng 10/2008, Cảnh sát Italia lại tóm được Antonio Pelle, kẻ đứng đầu gia tộc Pelle-Vottari, được coi là đối thủ không đội trời chung của gia tộc Nirta. Pelle bị bắt giữ khi đang ẩn náu tại một hầm ngầm kiên cố dưới đất, được trang bị tiện nghi chẳng khác gì một khách sạn 5 sao. 

Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề nhất trong năm qua phải là mafia tại Sicily. Ngay từ đầu tháng 2/2008, Cảnh sát Italia và Mỹ đã triển khai một chiến dịch phối hợp được chuẩn bị từ lâu có mật danh là "Cây cầu cũ". Mục tiêu chính của chiến dịch là ngăn chặn khả năng khôi phục quan hệ giữa các tổ chức mafia Sicily tại châu Âu và Mỹ, cũng như phong tỏa một trong những tuyến buôn lậu ma túy chính của chúng. Kết quả là tại New York đã bắt giữ được 80 thành viên của Gambino - phe cánh nổi tiếng nhất Cosa Nostra, khiến tổ chức này gần như không còn tồn tại. Nhiều vụ bắt giữ thành công tương tự cũng diễn ra tại Sicily.

Cuối cùng, đế chế tội phạm quốc tế trong năm 2008 còn phải chịu một tổn thất đáng kể nữa, sau khi “bố già” Michele Greco qua đời vào ngày 13/2 ở tuổi 83. Michele được coi là một trong những ông chủ uy tín nhất tại Cosa Nostra. Hắn ta trở thành ông trùm là nhờ khả năng và uy tín biết tìm ra tiếng nói chung, cũng như giải quyết nhiều xung đột giữa các phe phái mafia. “Bố già” Greco này đã phải trải qua 22 năm cuối cùng của đời mình trong nhà lao cảnh sát, được coi là một nguyên nhân khiến ông ta nhanh chóng suy sụp về sức khỏe và tinh thần.

Không chỉ có mafia Italia và Mỹ, mafia Nga trong năm 2008 cũng được các nhà chức trách "chăm sóc" khá kỹ lưỡng. Ngày 14/11/2008, Đức đã mở phiên tòa xét xử Tigran K cùng với 2 tòng phạm. Tigran được coi là ông trùm của mafia Nga tại xứ Bavaria, nắm toàn bộ các đường dây buôn bán ma túy tại đây. Cả 3 đã bị buộc tội liên quan tới hơn 200 vụ tội phạm khác nhau như tống tiền, buôn ma túy và rửa tiền v.v...

Tiếp đó là vụ bắt giữ khá ồn ào đối với thương gia Nga Victor Bout của Cảnh sát Thái Lan theo yêu cầu của Mỹ vào ngày 6/3/2008. Bout được coi là ông trùm buôn bán vũ khí chợ đen lớn nhất thế giới. Tại Mỹ, Victor Bout bị truy tố vắng mặt với một loạt các tội danh như âm mưu sát hại các sĩ quan và nhân viên của Mỹ, âm mưu tìm kiếm và sử dụng các loại tên lửa đất đối không, cung cấp vũ khí và tài chính cho các tổ chức khủng bố (đáng chú ý trong số này có FARC tại Colombia) v.v...

Tại một số quốc gia, chẳng hạn như Mexico, hoạt động đấu tranh chống lại tội phạm có tổ chức đã trở thành một cuộc chiến thực sự. Tổng thống Phelipe Calderon của Mexico đã phải điều thêm 35 ngàn binh sĩ quân đội để hỗ trợ cho cảnh sát trong cuộc chiến này. Tuy nhiên chừng đó vẫn chưa đủ ngăn chặn làn sóng bạo lực tại Mexico

Linh Nga(Tổng hợp)
.
.