Thấy gì từ chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Afghanistan?

Thứ Năm, 21/06/2012, 21:55

Trong khi phương Tây "hò nhau" kéo người và của khỏi Afghanistan sau hơn 10 năm chiến tranh, thì Trung Quốc-quốc gia ngay sát bên nhưng không hề có vai trò gì trong cuộc chiến chống Taliban của phương Tây - bỗng như vừa phát hiện ra một đối tác chiến lược tiềm tàng (Afghanistan). Vì sao sau nhiều năm khoanh tay đứng nhìn, Bắc Kinh bắt đầu thể hiện các dấu hiệu can dự nhiều hơn nữa ở nước láng giềng Afghanistan?

Trung Quốc và Afghanistan vừa nhất trí thiết lập quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược giữa 2 nước. Đây là nội dung trong một tuyên bố chung được công bố hôm 8/6 sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tại Bắc Kinh.

Bên cạnh tuyên bố “tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực tế trong lĩnh vực tài nguyên, phát triển năng lượng, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp”. Trung Quốc cũng cho biết, nước này sẽ cung cấp hỗ trợ cho Kabul số tiền 150 triệu NDT (24 triệu USD) như là một sự "viện trợ chân thành và vô tư" cho Afghanistan.

Từ việc nâng cấp các mối quan hệ song phương lên tầm chiến lược mới, rõ ràng, Bắc Kinh nhận thấy rằng việc thúc đẩy quan hệ với Afghanistan là vấn đề cấp bách hiện nay. Tình hình an ninh của Afghanistan sẽ tác động trực tiếp đến an ninh của Trung Quốc. Một số nhà quan sát người Trung Quốc cho rằng đã đến lúc Bắc Kinh phải thúc đẩy mối quan hệ với Afghanistan. Một vấn đề mà Trung Quốc không thể thực hiện, khi các lực lượng phương Tây rút khỏi Afghanistan, là đưa quân đội Trung Quốc đến Afghanistan. Do không có kinh nghiệm hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài, việc quân đội Trung Quốc tiến vào Afghanistan sẽ rất nguy hiểm. Quân đội Trung Quốc không thể chơi con bài quân sự ở Afghanistan. Chỉ các nước đế quốc mới có thể thực hiện điều đó, nhưng thực tế Anh và cả Mỹ chưa bao giờ giành chiến thắng ở Afghanistan.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát Trung Quốc, các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Kabul có thể giúp Trung Quốc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, viện trợ và huấn luyện lực lượng cảnh sát cũng như quân đội Afghanistan nhiều hơn. Họ đề nghị Trung Quốc có thể can dự vào vấn đề an ninh của Afghanistan thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tháng 2/2011, Trung Quốc chủ trì một hội nghị song phương đầu tiên với các quan chức Afghanistan và Pakistan, trong đó, Bắc Kinh đã thể hiện rõ ý định tăng cường ảnh hưởng của mình đối với các vấn đề an ninh của Afghanistan. Tại hội nghị, các nhà ngoại giao Trung Quốc tìm cách thuyết phục Chính phủ Afghanistan và Pakistan hợp tác chặt chẽ với nhau để giành lại quyền kiểm soát các khu vực biên giới giữa hai nước. 

Trung Quốc lo ngại rằng nếu lực lượng Mỹ và NATO để cho quân đội Afghanistan và Taliban tiếp tục giao chiến, "Phong trào Độc lập Đông Thổ" của người Duy Ngô Nhĩ - vốn bị Trung Quốc coi là một tổ chức khủng bố - có thể tìm cách trú ẩn ở các khu vực do Taliban kiểm soát. Một số quan chức Trung Quốc còn lo ngại về nạn buôn lậu ma túy sẽ lan đến đến tỉnh Tân Cương. Nhưng nỗi lo sợ lớn hơn cả là nếu cuộc chiến tiếp tục có thể lan sang Pakistan - đồng minh thân thiện nhất của Trung Quốc tại khu vực này.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai.

Nhà phân tích Andrew Small - thuộc Quỹ Marshall tại Washington - nhận định thảm họa ở Afghanistan có thể phá hủy khu đệm chiến lược của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời có thể thúc đẩy một cuộc xung đột "ủy nhiệm" tại nước này giữa các đối thủ trong khu vực là Ấn Độ và Pakistan, từ đó làm phức tạp thêm vị thế của Trung Quốc.

Ông Ye Hailin - nhà phân tích về các vấn đề châu Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - cho biết nếu cuộc chiến ở Afghanistan lan sang Pakistan, nước này có thể rơi vào rối loạn. Trung Quốc có mối quan tâm tương tự như Mỹ trong việc ngăn chặn Pakistan trở thành một thiên đường của bọn khủng bố.

Theo một nhà phân tích khác, thực tế lợi ích của Trung Quốc tại Afghanistan phù hợp với các lợi ích của phương Tây. Trung Quốc muốn Afghanistan là một nước ổn định, hòa bình và thịnh vượng để có thể trao đổi thương mại, xây dựng đường sá và tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do đó, ổn định ở Afghanistan sẽ góp phần vào ổn định ở Trung Á, từ đó sẽ giúp Bắc Kinh phát triển Tân Cương - tỉnh lớn nhất và nghèo nhất ở Trung Quốc.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc không đóng vai trò quan trọng ở Afghanistan. Các công ty trực thuộc Nhà nước Trung Quốc xây dựng nhiều đường sá và đầu tư 3,5 tỉ USD vào một mỏ đồng, trong khi chỉ viện trợ 246 triệu USD cho Afghanistan trong thập kỷ qua, chưa bằng 1/20 viện trợ của Nhật Bản cho Afghanistan và chỉ bằng 1/2 viện trợ của Hàn Quốc.

Cho đến nay, mối lo ngại của Bắc Kinh về các căn cứ NATO sát biên giới Trung Quốc đã được giải tỏa vì Trung Quốc nhận thấy có thể chế khác đang giải quyết vấn đề ở Afghanistan. Nhưng hiện Trung Quốc phải đối mặt với thực tế là thời gian biểu rút quân của Mỹ và NATO đã được khẳng định, và Bắc Kinh phải tập trung vào tất cả các khó khăn mới nổi lên trong tương lai. Ông Ye Hailin nói: "Tại Mỹ, nhiều người có thể nghĩ rằng sau khi lực lượng Mỹ rút quân vào năm 2014, Afghanistan không còn là nỗi lo ngại của họ. Ngược lại, Trung Quốc nhận thấy năm 2014 là năm rất quan trọng đối với Afghanistan. Trung Quốc không coi năm 2014 sẽ chấm dứt mọi thứ"

Đan Kô (tổng hợp)
.
.