The Pond – Cơ quan tình báo tư nhân lớn nhất của Mỹ

Thứ Bảy, 14/08/2010, 11:25
Cơ quan tình báo tư nhân quốc tế có tên gọi The Pond (có nghĩa là Cái ao). Quy tụ nhiều điệp viên “nổi tiếng” và cả tên giết người hàng loạt người Pháp Marcel Petiot. Đó là những gì vừa được tiết lộ từ việc giải mật hồ sơ của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Từ năm 1942 đến 1955, nhiều trí thức và tổ chức phi chính phủ ở châu Âu đã phát đi những nghi ngờ về sự tồn tại của một tổ chức bí mật của Mỹ tại châu Âu, The Pond. Hồi ký của chính người sáng lập ra tổ chức này một thời gây xôn xao văn đàn vì nó miêu tả tổ chức The Pond giống như là tiểu thuyết hơn là sự thật của lịch sử.

Nhưng những hồ sơ về sự tồn tại của tổ chức này đã được tìm thấy vào năm 2001, trước tiên đã được giao cho CIA, sau đó là cho Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ năm 2008. Tháng 4/2010, những tài liệu về The Pond đã chính thức được cho phép công chúng truy cập rộng rãi. Từ đây người ta mới biết được một phần của sự thật lịch sử bị che đậy trong suốt hơn nửa thế kỷ.

The Pond xuất hiện dưới nhiều tên gọi khác nhau. Đầu tiên là Special Service Branch, sau đó là Special Service Section và cuối cùng là Coverage and Indoctrination Branch. Tổ chức này thường được gọi với cái tên thân mật là The Pond hay Lake.

Hoạt động chính của tổ chức này gồm mã hóa thông tin, hoạt động tình báo chính trị và thực hiện những chiến dịch bí mật. The Pond sử dụng trên 600 điệp báo viên tại 32 quốc gia. Những người này chỉ phục vụ duy nhất cho Mỹ chứ không phải là cho cả các nước đồng minh của Mỹ nói chung. The Pond được lực lượng bộ binh của Mỹ thành lập với sự phê chuẩn của tình báo quân sự Mỹ.

Kết thúc Thế chiến II, tổ chức này tách ra khỏi quân đội Mỹ để hoạt động độc lập và tiếp tục hoạt động như một mạng lưới tình báo tư nhân, nhận lãnh những hợp đồng của quân đội, Bộ Ngoại giao Mỹ, CIA và thậm chí là của cả Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

The Pond bị giải thể năm 1955 trong bối cảnh chính quyền Mỹ muốn tái tổ chức và tập trung quyền lực cho lực lượng tình báo trung ương và bởi vì người đứng đầu tổ chức tình báo tư nhân này đã phạm phải sai lầm khi bán thông tin cho thượng nghị sĩ Joseph McCarthy.

The Pond do Đại tá John V. Grombach, còn có biệt danh Frenchy (tên người Pháp), lãnh đạo. Grombach nguyên là nhà sản xuất âm nhạc cho CBS Radio, chuyên gia về truyền tín hiệu mã hóa trong các chương trình radio. Tổ chức tình báo này được thành lập với sự trợ giúp của Công ty điện gia dụng Philips của Hà Lan. Công ty này đảm nhận cung cấp tài chính và nhu yếu phẩm.

Trong Thế chiến II, khi quân phát xít Đức tiến vào Hà Lan, lãnh đạo của Tập đoàn Philips phải chạy sang Mỹ, từ đây họ vẫn tiếp tục điều hành công ty. Phòng quan hệ cộng đồng của họ tại New York được dùng làm bình phong và cũng là nơi đặt tổng hành dinh của The Pond. Sau này, Philips vẫn tiếp tục duy trì quan hệ mật thiết với các lực lượng tình báo và quân đội Mỹ; lãnh đạo của tập đoàn này tham gia tích cực vào việc thành lập nhóm Bilderberg, một tổ chức có ảnh hưởng rất lớn của NATO. Rất nhiều công ty khác cũng giúp The Pond che đậy các hoạt động của tổ chức này trong đó có American Express Co., Remington Rand, Inc. và Chase National Bank.

Những tin tức tình báo được The Pond thu thập đôi khi ở cấp độ rất cao. Chẳng hạn như tổ chức này đã tiến hành những cuộc thương lượng với Thống chế Herman Goring, Tư lệnh không quân Đức, trong 6 tháng cuối của cuộc Chiến tranh thế giới lần hai. Hay như tổ chức tình báo tư nhân này cũng đã theo dõi rất sát các vụ thử hạt nhân của Liên Xô.

Marcel Petiot.

Tuy nhiên, lại không có bằng chứng nào cho thấy những tin tức tình báo trên được truyền lên tới bộ máy cao cấp nhất của chính quyền Mỹ thời kỳ đó, hoặc được khai thác một cách triệt để. The Pond đặc biệt hoạt động mạnh tại Hungary, nơi tổ chức này có quan hệ mật thiết với Đô đốc Miklos Horthy trong chiến tranh.

Một chi tiết làm giới độc giả Pháp ngạc nhiên khi đọc những tư liệu mới giải mật về The Pond. Đó là việc tổ chức này thu thập những thông tin tình báo quý giá về lực lượng cảnh sát bí mật của Đức Quốc xã tại Paris thông qua sự môi giới của Marcel Petiot, kẻ giết người hàng loạt nổi tiếng tại Pháp.

Marcel Petiot thực ra là một bác sĩ, rất thông minh nhưng lại mắc chứng tâm thần. Trước khi trở thành kẻ sát nhân, Marcel Petiot có một phòng khám ở Paris chuyên điều trị cho những quan chức của Gestapo và của quân đội Đức. Chính nhờ có quan hệ qua lại như thế mà Petiot mới được nhân viên của The Pond tiếp cận và đề nghị cộng tác.

Trong thời kỳ Thế chiến II, Marcel Petiot đã giết tổng cộng 63 người trong chính ngôi nhà của hắn, các nạn nhân chủ yếu là người Do Thái và những người muốn chạy trốn khỏi trại tập trung của Đức Quốc xã. Với chiêu bài sẵn sàng bao bọc những người muốn trốn chạy, tên này đã cho họ tá túc tại nhà mình. Sau khi nhận tiền thuê nhà, Marcel Petiot liền tiêm cho họ một liều kịch độc, giả vờ bảo họ là "vaccine chống bệnh".

Năm 1944, cảnh sát đã phải tiến hành điều tra nhà của Petiot do có mùi hôi thối bốc lên từ những xác nạn nhân bị hắn thiêu. Tên này đã bị kết án và bị chém năm 1946.

Về phần mình, độc giả Đức và Áo cũng rất ngạc nhiên khi biết rằng, đại biểu Quốc hội Đức, Ruth Fischer, một nghị sĩ nổi tiếng trong thời kỳ Cộng hòa Weimar (tiếng Đức: Weimarer Republik, là tên sử gia gọi chính phủ của nước Đức trong thời gian chuyển tiếp từ năm 1919, sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, đến năm 1933 khi Adolf Hitler và đảng Quốc xã lên nắm quyền) và là đồng sáng lập viên một đảng lớn của Cộng hòa Áo, cũng làm việc cho The Pond.

Có thể nói, The Pond là một trong những tổ chức tình báo tư nhất lớn nhất từ trước đến nay. Những điệp báo viên làm việc cho tổ chức này không vì lòng yêu nước mà chỉ vì kiếm tiền trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc. Do đó thành phần điệp báo viên của tổ chức này hết sức hỗn tạp, từ những kẻ giết người hàng loạt tới những quan chức chính trị tha hóa biến chất.

Trong Thế chiến II, Lầu Năm Góc đã trả tiền không tiếc tay cho những hoạt động của tổ chức này và trong Chiến tranh lạnh, ba cơ quan liên bang Mỹ cũng đã thuê The Pond thực hiện những chiến dịch bí mật để tránh phải chịu sự kiểm soát của lưỡng viện Mỹ

Đan Kô (tổng hợp)
.
.