Thế giới bàng hoàng sau các vụ tấn công khủng bố trên 3 châu lục

Thứ Năm, 09/07/2015, 15:15
Cuối tuần trước, chỉ trong ngày 26/6, một loạt vụ tấn công khủng bố diễn ra ở Pháp, Tunisia và Kuwait giết chết hơn 60 người đã gây chấn động thế giới. Trước khi xảy ra những vụ tấn công này, người phát ngôn Abu Muhammad al Adnani của IS đã phát đi lời kêu gọi tấn công “những kẻ thù” trong tháng ăn chay Ramadan và sắp đến ngày kỷ niệm 1 năm IS ra đời.

Kẻ tấn công nhà máy khí đốt ở Pháp có tên trong hồ sơ tình báo Pháp

Chỉ 6 tháng sau vụ thảm sát liên hoàn ở thủ đô Paris, ngày 26-6 vừa qua, nước Pháp lại hứng chịu thêm vụ tấn công vào nhà máy khí đốt của Công ty Air Products ở Saint-Quentin-Fallavier, gần thành phố Grenoble. Hung thủ Yassin Salhi còn chặt đầu một người và treo trước cổng nhà máy khí đốt - hành động giống như những gì mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã làm ở Syria, Libya và Iraq.

Khu nghỉ dưỡng bãi biển Sousse, nơi xảy ra vụ tấn công.

Nạn nhân là Hervé Cornara, 54 tuổi, chủ Công ty vận tải ATC-colicom ở Chassieu (gần hiện trường vụ tấn công), nơi hung thủ làm việc. Sau đó hung thủ còn tự chụp "selfie" với đầu của nạn nhân và gửi ảnh đến một số điện thoại di động ở Canada thông qua ứng dụng WhatsApp.

Chủ tịch Air Products - Công ty hóa chất Mỹ đặt trụ sở tại Allentown, Pennsylvania và có nhân viên làm việc ở 50 quốc gia trên thế giới - là người Iran thuộc dòng Hồi giáo Shiite tên là Seifi Ghasemi. Iran là quốc gia ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và bị IS coi là kẻ thù.

Còn Yassin Salhi, 35 tuổi, là kẻ liên quan đến dòng Hồi giáo cực đoan và nằm trong hồ sơ theo dõi của tình báo Pháp từ những năm 2006- 2008 sau những vụ tấn công khủng bố diễn ra ở châu Âu. Hiện Yassin Salhi đang bị giam giữ tại Lyon.

Trong 6 tháng qua, Salhi sống trong căn hộ tầm thường của tòa nhà 4 tầng nằm ở vùng ngoại ô Saint-Priest của Lyon và được láng giềng mô tả là thành viên "hiền lành" tiêu biểu của cộng đồng, thích chơi đá bóng trên đường phố với 3 đứa con. Salhi chào đời ở Pháp có cha mẹ là dân nhập cư và bị cực đoan hóa lúc cư trú ở Besancon được vài năm, trước khi chuyển đến thành phố Lyon sinh sống. Một người bạn cũ của Salhi cho biết hắn hay nói chuyện về IS "nhưng không ca ngợi bọn chúng".

Theo hồ sơ tình báo Pháp, Salhi hay lui tới một nhà thờ Hồi giáo cực đoan ở Lyon năm 2006. Salhi cũng bị nghi ngờ nằm trong số những tín đồ Hồi giáo ở Lyon chịu ảnh hưởng mạnh từ một nhà truyền giáo cực đoan gọi là "Grand Ali". Sau vụ tấn công nhà máy khí đốt, lực lượng an ninh Pháp được tăng cường tại những cơ sở nhạy cảm như nhà máy điện hạt nhân, trạm điện cũng như một số mục tiêu khác. Cộng đồng người Hồi giáo ở Lyon lo sợ vụ tấn công sẽ làm bùng nổ làn sóng kỳ thị chủng tộc.

Ngành du lịch Tunisia đang "đóng quan tài"

Seifeddine Rezgui - mà IS gọi là Abu Yahya Al Qayrawani - là hung thủ xả súng tại khu resort bãi biển thành phố du lịch Sousse nằm cách thủ đô Tunis của Tunisia chừng 140km về phía nam, giết chết 39 người, trong đó hầu hết là du khách người Anh.

Seifeddine Rezgui chụp ảnh với 2 khẩu AK.

Còn hung thủ thứ 2 được cho là đã trốn thoát. Cuộc sống của Rezgui, 23 tuổi,  cũng giống như bao thanh niên Tunisia bình thường khác - mê đá bóng, ủng hộ đội Real Madrid, thích nhảy breakdance, hay hát nhạc rap và ngồi tán chuyện với bạn bè trong quán cà phê. Nhưng bên trong vẻ ngoài bình thường đó là một tâm hồn cực đoan đáng sợ, sử dụng mạng xã hội để lan truyền những thông điệp về thánh chiến.

Giới chức an ninh Tunisia cho biết Rezgui là thành viên tích cực của nhóm cực đoan Ansar al Sharia, hắn ta đến từ thị trấn Gaafour nghèo khổ thuộc tỉnh Saliana, là sinh viên khoa kỹ thuật Đại học Kairouan và thường lui tới những giáo đường Hồi giáo do giới giáo sĩ cực đoan kiểm soát. Một sĩ quan cảnh sát Tunisia đã bắn chết Rezgui sau khi phát hiện ra hắn.

Các nhân chứng cho biết: Rezgui trông không khác biệt với bất cứ du khách nào khác trước khi hắn nổ súng giết người bằng khẩu AK giấu trong chiếc ô che nắng từ trước đó. Người Anh là mục tiêu ưu tiên của Rezgui và ít nhất 15 người đã chết dưới làn đạn hung hãn của hắn. IS tuyên bố Rezgui là người của bọn chúng và sau đó đã tiết lộ bức ảnh chụp hung thủ cùng với 2 khẩu súng AK.

Tunisia là nơi khởi nguồn của sự kiện Mùa xuân Arập lật đổ chính quyền bắt đầu từ tháng 12/2010 và cũng là điểm đến ưa thích của du khách phương Tây, đặc biệt là người Anh. Các nạn nhân là khách lưu trú của 2 khách sạn bãi biển sang trọng.

Thứ nhất là khách sạn 5 sao Imperial Marhaba, nơi cố gắng thu hút du khách phương Tây quay trở lại sau vụ tấn công Nhà Bảo tàng Quốc gia Bardo ở thủ đô Tunis của Tunisia hồi tháng 3/2015 giết chết 21 du khách nước ngoài. Ngay lúc xảy ra vụ tấn công, khách sạn Imperial Marhaba có 565 khách, đến từ Anh và các quốc gia Trung Âu khác. Thứ hai là Port el Kantaouri, nơi có sân golf Hammamet nổi tiếng thế giới thu hút nhiều du khách nước ngoài mỗi năm.

Cuộc tấn công được cho rằng nhằm gây thiệt hại cho nền kinh tế thời hậu cách mạng của Tunisia phụ thuộc phần lớn vào các khu nghỉ dưỡng và du khách phương Tây. Monica Marks, chuyên gia phân tích về Bắc Phi ở Tunis, nhận định: "Tôi cho rằng cuộc tấn công ở Sousse gây hậu quả nghiêm trọng hơn vụ tấn công Nhà Bảo tàng Bardo hồi tháng 3 vừa qua. Không phải du khách nào đến Tunisia cũng đều muốn thăm Bardo mà rất nhiều người - chủ yếu là người Anh và Đức - thích tắm nắng trên bãi biển. Những hình ảnh du khách chết trên chiếc giường tắm nắng ở bãi biển Sousse chắc chắn sẽ có hiệu quả đáng sợ cho người nước ngoài. Ngành du lịch chiếm 14,5% GDP của Tunisia năm 2015". Các công ty du lịch cũng đang "rùng mình" về những gì xảy ra ở Tunisia.

Kirsty Perring, người phụ trách tour đến châu Phi và Trung Đông của Công ty du lịch Goway Travel ở Toronto (Canada), phát biểu: "Chúng tôi rất choáng váng và đau buồn trước sự kiện. Sau vụ tấn công nhà bảo tàng Bardo, lượng khách đăng ký đến Tunisia giảm hẳn". Jerry Sorkin, chủ tịch và người thành lập Công ty du lịch TunisUSA ở Wayne bang Pennsylvania (Mỹ) nhận định vụ tấn công ở Sousse "tiếp tục đóng thêm một cây đinh vào chiếc quan tài cho ngành du lịch Tunisia ít nhất trong năm tới".

Vụ tấn công nhà thờ ở Kuwait được coi là chống lại "các giá trị Hồi giáo"

Chính quyền Kuwait thông báo kẻ tấn công nhà thờ Hồi giáo dòng Shiite - Imam al-Sadiq - ở thủ đô Kuwait City vào giờ cầu kinh buổi chiều là công dân Arập Xêút tên là Fahd Suleiman Abdulmohsen al-Qaba'a. Nhà thờ bị tấn công lúc ở bên trong có khoảng 2.000 tín đồ đang cầu kinh. Hung thủ sinh năm 1992 và bay đến sân bay quốc tế Kuwait nhiều giờ trước khi thực hiện vụ đánh bom liều chết.

Hiện trường bên trong nhà thờ Imam al-Sadiq.

Một nhóm Hồi giáo liên quan đến IS tự xưng là Najd Province tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công. IS coi người Shiite là dị giáo và là kẻ thù khi chiến đấu chống lại tổ chức tại Iraq và Syria. Kuwait là quốc gia có một trong những cộng đồng người Hồi giáo Shiite lớn nhất trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC, gồm 6 quốc gia: Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Arập Xêút và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất - UAE) với hơn 1,3 triệu người, song sự bất đồng giáo phái không thấy rõ như ở Arập Xêút hay Bahrain.

Với vụ tấn công nhà thờ Imam al-Sadiq, IS có lẽ muốn gây căng thẳng sâu hơn giữa người Sunni và Shiite trong Vùng Vịnh. Đối với IS, Kuwait phải bị trừng phạt vì nơi đây cho phép duy trì một trong những căn cứ quân sự Mỹ lớn nhất thế giới. GCC coi IS là mối đe dọa đến sự tồn tại của các quốc gia thành viên. Ngoài ra, Kuwait còn được coi là một trong những quốc gia có cơ cấu an ninh hiệu quả nhất tại Vùng Vịnh.

Diên San (tổng hợp)
.
.