Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi:

Thế giới không chấp nhận “hành động xấu xí”

Thứ Hai, 29/10/2018, 14:40
Thi thể của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi đã được tìm thấy trong một chiếc giếng tại nơi ở của Tổng lãnh sự Saudi Arabia ở thành phố Istanbul. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng vụ giết hại này là “một trong những vụ che đậy tội ác tồi tệ nhất trong lịch sử”.

Nhiều nước phương Tây đã lên tiếng phản đối. Vụ việc đang khiến không chỉ Saudia Arabia, mà cả Trung Đông như đang trên đống lửa, khi nguồn đầu tư dần thu hẹp bởi hành động “xấu xí” này đang bị cả thế giới phản đối.

Thi thể trong chiếc giếng

Ngày 23-10, lãnh đạo đảng Yêu nước quốc gia (VATAN) ở Thổ Nhĩ Kỳ Dogu Perincek cho biết thi thể nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi đã được tìm thấy trong một chiếc giếng tại nơi ở của Tổng lãnh sự Saudi Arabia ở thành phố Istanbul. Tổng lãnh sự Saudi Arabia Mohammad Al-Otaibi đã rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ về nước từ nhiều ngày trước sau khi vụ việc tai tiếng bị chính quyền Ankara phanh phui.

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi là “một trong những vụ che đậy tội ác tồi tệ nhất trong lịch sử”. Phát biểu với báo giới tại Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ sớm nhận được báo cáo về cái chết của nhà báo Khashoggi. Ông Trump nêu rõ ông muốn biết toàn bộ sự thật về cái chết của nhà báo Khashoggi, trước khi nhất trí với những đánh giá của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Chắc chắn Tổng thống Trump sẽ sớm có kết quả khi Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel đã tới Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 22-10 để phối hợp điều tra vụ việc.

Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: The Conversation.

Những hệ lụy của vụ việc này đang có dấu hiệu lan rộng khi một loạt nước phương Tây và châu Âu kêu gọi điều tra và tẩy chay hành động “xấu xí” này. Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani cho biết EP đã nhận được đơn khẩn cầu từ vợ chưa cưới của nhà báo Khashoggi, bà Hatice Cengiz. Ông Tajani kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập và nghiêm túc về cái chết của nhà báo Khashoggi.

Cùng ngày, Ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã ra tuyên bố “lên án vụ sát hại nhà báo Khashoggi bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất” và kêu gọi Riyadh phải đảm bảo vụ việc như vậy không bao giờ tái diễn. Trong tuyên bố, các ngoại trưởng G7 cho rằng những giải thích của Saudi Arabia về cái chết của nhà báo Khashoggi “để lại nhiều câu hỏi không có lời giải đáp”.

Thất vọng với “đồng minh”

Sau khi những manh mối về một lời nói dối trắng trợn đang dần hé lộ ngày 23-10 (giờ Mỹ), Mỹ thông báo sẽ hủy thị thực của khoảng 20 quan chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại. Đây là động thái cứng rắn nhất đến nay của Washington với quốc gia đồng minh thân cận.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington đã “xác định ít nhất một số cá nhân” đứng sau cái chết của nhà báo đang cộng tác cho tờ Washington Post. Theo ông, những biện pháp trừng phạt này sẽ không phải “lời cuối” của Mỹ trong vấn đề này. Washington sẽ không dung thứ và tiếp tục áp dụng thêm những biện pháp đối với những người phải chịu trách nhiệm, cho dù Ngoại trưởng Mỹ khẳng định vẫn coi Saudi Arabia là một đồng minh và rằng cả Tổng thống Donald Trump và ông đều “không vui” với hành động trừng phạt nhằm vào quốc gia đồng minh ở Trung Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert sau đó cho biết sẽ có 21 đối tượng người Saudi Arabia bị hủy thị thực hoặc không đủ tư cách xin thị thực vào Mỹ trong tương lai. Những đối tượng này đến từ các cơ quan tình báo, tòa án hoàng gia, Bộ Ngoại giao và nhiều bộ ban ngành khác của Saudi Arabia.

Không chỉ Mỹ, một loạt nước phương Tây đã đưa ra phản ứng về vụ việc nhà báo Khashoggi. Thủ tướng Anh Theresa May đã kêu gọi tìm ra “sự thật” liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Phát biểu trước Quốc hội Anh, bà May nhấn mạnh: “Tôi tin chắc rằng toàn thể quốc hội sẽ cùng tôi lên án vụ sát hại nhà báo Khashoggi bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Chúng ta phải tìm ra sự thật về những gì đã xảy ra”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho rằng việc giới chức Saudi Arabia khẳng định nhà báo Khashoggi thiệt mạng sau một vụ ẩu đả là “không đáng tin cậy”.

Thủ tướng Đức cũng đã gọi vụ sát hại nhà báo Khashoggi là “hành động tàn ác”. Phát biểu trong một buổi vận động tranh cử tại thị trấn Ortenberg, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh: “Mọi thứ phải được làm rõ. Nếu mọi thứ chưa rõ ràng, Đức sẽ không xuất khẩu vũ khí tới Saudi Arabia. Tôi xin đảm bảo điều đó với mọi người”.

Tại Canada, Thủ tướng nước này đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp với các bộ trưởng trong nội các và nhiều quan chức cấp cao, nhằm thảo luận về “vụ giết người man rợ” xảy ra đối với nhà báo Khashoggi. Theo Văn phòng Thủ tướng Canada, những lời giải thích từ phía Saudi Arabia liên quan đến vụ việc đều “thiếu nhất quán và không đáng tin cậy”.

“Kế hoạch tàn ác”

Sau khi một loạt thông tin bất lợi cho Saudi Arabia được công bố, kênh tin tức Haber thân Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng tải một đoạn video trích xuất từ máy quay giám sát, trong đó có cảnh 3 người đàn ông đang đốt các tài liệu ở sân sau của Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul. Đoạn video được ghi ngày 3-10, một ngày sau khi nhà báo Khashoggi bị sát hại bên trong khuôn viên tòa lãnh sự.

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik ngày 22/10 cho rằng, cái chết gây tranh cãi của nhà báo Jamal Khashoggi là một vụ giết người phức tạp và đã được “lên kế hoạch một cách tàn ác”.

Phát biểu với báo giới tại Ankara, ông Celik nhấn mạnh là  “vô đạo đức”  khi  có cáo buộc rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia tiến hành đàm phán như một phần trong cuộc điều tra về cái chết của ông Khashoggi, đồng thời nói thêm rằng Ankara có trách nhiệm tìm ra chân tướng của vụ việc.

Cùng ngày, một cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ lời khẳng định của Riyadh rằng nhà báo Khashoggi đã chết trong một cuộc ẩu đả, cho rằng lời giải thích này là “coi thường” dư luận thế giới.

Trong khi đó, phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng quyền miễn trừ ngoại giao không phải là “lá chắn” cho tội giết người, đồng thời nhấn mạnh rằng Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao không cho phép làm điều đó. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu 18 đối tượng tình nghi mà Saudi Arabia đã bắt giữ cần bị đưa ra xét xử tại Istanbul.

Ông Erdogan cho biết ông không hài lòng với cách đổ lỗi của chính quyền Saudi Arabia cho một số nhân viên tình báo gây ra cái chết của nhà báo Khashoggi.

Ngày 23-10, Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy vụ việc dẫn tới cái chết của nhà báo Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước. Tổng thống Erdogan nêu rõ hệ thống camera giám sát tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul đã bị vô hiệu hóa trước khi xảy ra vụ việc dẫn tới cái chết của nhà báo Khashoggi.

Bạn gái của nhà báo Khashoggi tuyên bố sẽ theo kiện đến cùng vụ việc trên. Ảnh: Yeni Safak.

Ông kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra độc lập nhằm làm rõ cái chết của nhà báo này, đồng thời bày tỏ tin tưởng sự hợp tác của Quốc vương Salman đối với cuộc điều tra. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu 18 đối tượng tình nghi mà Saudi Arabia đã bắt giữ cần bị đưa ra xét xử tại Istanbul.

Cũng theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, một nhóm 15 đặc vụ Saudi Arabia đã tới Thổ Nhĩ Kỳ và đi vào tòa lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul một ngày trước khi nhà báo Khashoggi bị sát hại. Sau đó có 3 người trong nhóm này đã có chuyến thăm dò tại rừng Belgrad ở Istanbul và cung đường Yalova cách Istanbul 90 km.

Ngày 24-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã điện đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman để thảo luận việc phối hợp làm rõ cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi xảy ra vụ việc trên.

Tại cuộc điện đàm, Thái tử Bin Salman cho biết đây là vụ việc “đáng buồn” và “công lý sẽ chiến thắng”, tất cả các thủ phạm sẽ bị trừng trị. Thái tử cũng cho biết thêm rằng Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phối hợp “hiệu quả”.

Tổng thống Erdogan cho rằng tất cả những ai liên quan đến vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại - từ những người ra lệnh đến những kẻ thực thi mệnh lệnh - đều phải bị trừng phạt. Ông hối thúc Riyadh công bố tên của những kẻ liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi, cho dù chúng ở cấp lãnh đạo nào đi chăng nữa.

Tuy nhiên, trước sự quay lưng của hầu hết các quốc gia về hành động “xấu xí” này, ngày 23-10, nội các Saudi Arabia cam kết sẽ mạnh tay với những kẻ đứng sau vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi. Trong tuyên bố của mình, nội các Saudi Arabia tuyên bố sẽ buộc những đối tượng gây ra cái chết của nhà báo Khashoggi và những người không hoàn thành nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm “bất kể họ là ai”.

Cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước SPA của Saudi Arabia cho biết Quốc vương Saudi Arabai Salman và Thái tử Mohammed bin Salman đã có buổi tiếp thân nhân nhà báo bị sát hại Khashoggi tại thủ đô Riyadh. Đồng thời khẳng định hoàng gia không liên quan tới vụ giết hại nhà báo Khashoggi.

Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Adel al-Jubeir hôm 21-10 đã mô tả vụ sát hại này giống như một “sai lầm to lớn” và nói rằng đó là một “hành động lừa dối” của những cá nhân “vượt quá trách nhiệm” và sau đó “cố gắng che đậy nó”. Jubeir nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News rằng Thái tử Mohammed bin Salman không hề chỉ đạo việc mưu sát này. 

Sai lầm nhỏ giết chết cơ hội lớn

Sự miễn cưỡng của các chính phủ và doanh nghiệp phương Tây trong việc hợp tác với Saudi Arabia gia tăng sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại cho thấy sự khác nhau cơ bản trong các chiến lược và môi trường đầu tư tại phần lớn châu Á và các quốc gia Vùng Vịnh nhiều dầu mỏ, khu vực nằm ở sườn phía Tây của lục địa châu Á, trang mạng eurasiareview.com nhận xét.

Theo một bài viết trên trang mạng này, vụ khủng hoảng Khashoggi nêu bật thực tế là phần lớn đầu tư ở Vùng Vịnh, dù là của các quốc gia trong khu vực, phương Tây hay Trung Quốc, đều đến từ lĩnh vực tài chính, công nghệ và các ngành dịch vụ khác, ngành công nghiệp vũ khí hoặc chính phủ các nước Vùng Vịnh. Đầu tư chủ yếu tập trung vào khu vực dịch vụ, cơ sở hạ tầng hoặc nhằm nâng cao năng lực của nhà nước hơn là vào sản xuất, phát triển công nghiệp và khuyến khích sản xuất ở khu vực tư nhân.

Cuộc khủng hoảng liên quan tới nhà báo Khashoggi đã làm bộc lộ những rủi ro trong cách điều hành của những người có quyền lực qua việc áp dụng các chính sách làm giảm sút uy tín của họ trên trường quốc tế. Sau vụ nhà báo Khashoggi, công nghệ, truyền thông, tài chính và các ngành dịch vụ khác cũng như các bộ trưởng châu Âu và bộ trưởng tài chính Mỹ đã hủy kế hoạch tham dự một hội nghị các nhà đầu tư cấp cao, do các nước vùng Vịnh tổ chức tại Riyadh vào cuối tháng này.

Vụ khủng hoảng này còn đổ thêm dầu vào lửa sau những biến cố khu vực mà Saudi Arabia can dự. Chúng bao gồm chiến dịch quân sự của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Yemen, đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất sau Chiến tranh Thế giới thứ hai; lệnh cấm vận ngoại giao và kinh tế kéo dài 16 tháng mà Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập áp đặt chống Qatar; việc bắt giữ Thủ tướng Liban Saad Hariri và sự thất bại trong nỗ lực buộc ông này phải từ chức... Kết quả là, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Saudi Arabia và Trung Đông đang giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua.

Hoa Huyền
.
.