Thêm một bài học cho việc mua nhà trên giấy

Thứ Bảy, 17/07/2010, 14:50
Mua nhà trên giấy, thậm chí từ khi còn... chưa có dự án hiện rất phổ biến trên thị trường bất động sản hiện nay. Tuy nhiên, khi ký những hợp đồng "mua bán vịt trời" như vậy, nhiều người dường như vẫn chưa lường hết những rủi ro. Câu chuyện này là một ví dụ...

Góp vốn mua... "dự án hơi"

Chuyện bắt đầu từ cách đây gần... 10 năm. Tháng 6/2001, sau khi thành lập Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nhà Sơn Tùng, ông Ngô Cao Sơn, khi đó là Giám đốc, có công văn xin UBND tỉnh Hà Tây được đầu tư dự án xây dựng nhà ở để bán tại khu Ao Sen, phường Văn Mỗ, thị xã Hà Đông. Tháng 11/2001, ông Sơn ký "Hợp đồng huy động vốn" và "Biên bản thỏa thuận góp vốn" với khoảng 20 khách hàng.

Sau khi ký hợp đồng, người ít nhất cũng đã giao cho ông Sơn 150 triệu, người nhiều thì tới gần 2 tỉ đồng. Tổng cộng số tiền này khoảng hơn 19 tỉ đồng.

Nhưng điều đáng nói là thực tế thì thời điểm đó UBND tỉnh Hà Tây chưa hề có quyết định cho phép Công ty Sơn Tùng được lập dự án ở khu Ao Sen.

Cho tới tận tháng 3/2009, UBND TP Hà Nội mới có quyết định thu hồi 5.105m2  đất trong khu đô thị mới Mỗ Lao giao cho Công ty Sơn Tùng thực hiện dự án khu nhà ở liền kề LK 11A-LK 11B, với hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Tháng 9/2009, ông Ngô Cao Sơn chết vì bị bệnh. Tháng 11/2009, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính với thành phố, Công ty Sơn Tùng được Sở Tài nguyên và Môi trường giao đất và triển khai xây dựng. Tiếp đó, công ty đã thế chấp quyền sử dụng 5.105m2 đất (tại dự án khu nhà ở liền kề lô LK11A- LK11B, khu đô thị Mỗ Lao và tài sản hình thành trong tương lai trong phạm vi 5.105m2 đất trên) để vay 43 tỉ đồng của Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC).

Tuy nhiên, lúc này bắt đầu phát sinh khúc mắc khi những người đã góp vốn cho Công ty Sơn Tùng từ 9 năm trước đến gặp ban lãnh đạo mới yêu cầu thực hiện việc ký hợp đồng theo thỏa thuận từ năm 2001.

Cần hài hòa lợi ích khách hàng và doanh nghiệp

Chúng tôi đã có buổi làm việc với bà Phạm Thị Duy Hòa, một trong hai người đã góp vốn mua lại Công ty Sơn Tùng từ ông Ngô Cao Sơn.

Theo bà Hòa, ngày 2/1/2009, tức là trước khi Công ty Sơn Tùng được UBND TP Hà Nội ra quyết định cấp đất 2 tháng, ông Ngô Cao Sơn đã ký "biên bản thỏa thuận" với bà Đặng Thị Hải Đường và bà Phạm Thị Duy Hòa.

Theo biên bản này thì về pháp nhân, từ ngày 2/1/2009, ông Sơn giao toàn quyền quản lý Công ty Sơn Tùng cho bà Đường, bà Đường được toàn quyền giải quyết mọi công việc kinh doanh của công ty và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về pháp nhân của công ty. Ông Sơn chịu trách nhiệm mọi tồn tại về tài chính liên quan với các cá nhân và tổ chức trước ngày 2/1/2009 của công ty và có trách nhiệm giải quyết mọi quyền lợi liên quan của các cổ đông góp vốn ban đầu cho công ty để mua nhà tại dự án khu Ao Sen...

Không những thế, số tiền mà ông Sơn thu từ năm 2001 hoàn toàn không đưa vào tài khoản của công ty, cũng không dùng để triển khai dự án, nên "chúng tôi cũng không biết thực tế đã có bao nhiêu người đã góp tiền cho ông Sơn bởi khi chuyển giao công ty, ông Sơn không bàn giao phần này” - bà Hòa khẳng định.

Trong khi đó dự án LK 11A-11B hiện nay khác hoàn toàn dự án tại khu Ao Sen mà ông Sơn xin làm năm 2001. Khu Ao Sen ông Sơn xin được lập dự án với diện tích tới 26.000m2 và công ty trực tiếp đền bù, xây dựng hạ tầng. Còn dự án LK 11A-LK 11B được UBND TP Hà Nội giao đất chỉ có 5.105m2, công ty đã trả tiền sử dụng đất theo giá quy định của thành phố.

Bà Hòa cho biết hiện dự án đã triển khai xây dựng các nhà liền kề được 80% phần móng và 4.500m2 sàn. Sau khi xảy ra việc khiếu nại của khách hàng, hội đồng thành viên của công ty đã phải họp bàn hướng giải quyết hậu quả mà ông Sơn để lại theo hướng đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả công ty và khách hàng với điều kiện hợp đồng, phiếu thu tiền có chữ ký của ông Sơn, dấu của công ty và số tiền ghi trên phiếu thu khớp với tiền trong hợp đồng. Hợp đồng và phiếu thu không tẩy xóa, không sửa chữa và có dấu giáp lai của công ty.

Với khách hàng có đầy đủ yêu cầu này, công ty đã đưa ra hai phương án giải quyết.

Thứ nhất, nếu khách hàng muốn lấy lại tiền thì gia đình ông Sơn sẽ trả tiền cho khách hàng với lãi suất 10,5%/năm; công ty hỗ trợ thêm 4,5%/năm, tổng số lãi suất sẽ là 15%.

Phương án 2 nếu khách hàng không nhận lại tiền, mỗi khách hàng sẽ được nhượng lại 1 căn nhà xây dựng trên diện tích 60m2 với mức giá sử dụng đất là 24,459 triệu đồng/m2. Gia đình ông Sơn có trách nhiệm chuyển vốn theo hợp đồng đã ký. Tổng số tiền đó sẽ đối trừ với tiền sử dụng đất.

Theo bà Hòa thì sau 3 lần gửi giấy mời, đã có gần 10 khách hàng góp vốn với ông Sơn đến giải quyết và chấp thuận theo các phương án trên. Tuy nhiên, còn một số trường hợp chưa giải quyết được do các giấy tờ như phiếu thu, hợp đồng góp vốn tẩy xóa, tự chữa diện tích đất, chữa ngày tháng, phiếu thu và hợp đồng không khớp nhau.

Về việc công ty thế chấp dự án để vay 43 tỉ đồng của PVFC và rao bán nhà đất dự án, theo bà Hòa việc thế chấp được thực hiện theo đúng pháp luật. Công ty có quyền gọi vốn để xây dựng nhưng hiện công ty không rao bán nhà đất và không biết người rao bán bởi "chúng tôi muốn giải quyết xong các khách hàng cũ rồi tiếp nhận khách hàng mới" - Bà Hòa khẳng định

Nguyễn Thiêm
.
.