Theo dấu hàng lậu qua biên giới

Thứ Tư, 23/01/2019, 21:01
Sự việc để xảy ra buôn lậu qua biên giới tại huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) khiến nhiều cán bộ của Đồn Biên phòng Hoành Mô bị đình chỉ công tác, kỷ luật khiến chúng ta liên tưởng đến vụ đột kích triệt phá đường dây buôn lậu lớn tại xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) cách đây hơn 1 tháng. Thời điểm giáp tết, hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới phía Bắc càng diễn ra nóng bỏng, công tác đấu tranh, bắt giữ cũng càng khốc liệt.

Đội hàng qua biên giới

Chúng tôi tới biên giới Lạng Sơn sau khi xảy ra vụ đột kích, bắt giữ đường dây buôn lậu lớn nhất ở xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc. Đi đến đâu cũng thấy người ta nói về vụ án này. Đầu nậu, cửu vạn thì có vẻ dè chừng với việc bị cơ quan chức năng sờ gáy, còn lực lượng chống buôn lậu ở Lạng Sơn thì căng mình trên tuyến biên giới và trong nội địa để không xảy ra một Cao Lâu thứ hai.

Theo đầu nậu ở Lạng Sơn thì Thọ “vâu” nổi tiếng là dân buôn dược liệu từ Trung Quốc về. Trước khi bị bắt giữ, các xe tải chở dược liệu của nhóm này nghênh ngang vào tận khu vực biên giới vận chuyển hàng. Đầu năm 2018, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn phối hợp với Đội 389 tỉnh bắt giữ 11 xe ben đi từ huyện Cao Lộc ra TP Lạng Sơn chở hàng nước ngoài sản xuất. Làm rõ 4 đối tượng có liên quan về hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 232 triệu đồng.

Đối tượng vận chuyển hàng cấm vứt lại số lượng lớn pháo ở khu vực đường mòn Đồi Cao, Tân Thanh (Lạng Sơn) khi bị phát hiện.

Tuy nhiên, việc bắt giữ này chỉ mới dừng lại ở phần ngọn, còn về căn cơ lại không xử lý được triệt để. Thế nên hoạt động buôn lậu vẫn tiếp diễn ở Cao Lâu và đỉnh điểm là đêm 14-12-2018, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) đã đột kích, bắt quả tang 24 đối tượng đang có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Tại hiện trường, các đối tượng đang bốc dỡ hàng hóa từ 2 xe tải mang biển kiểm soát Trung Quốc sang 5 xe tải mang biển kiểm soát Việt Nam. Hàng hóa tịch thu khoảng 100 tấn gồm dược liệu, phụ tùng, phụ kiện ô tô, đồ gia dụng... trị giá nhiều tỷ đồng. Liên quan đến vấn đề này, có 2 cán bộ biên phòng bị xử lý kỷ luật.

Tiếp xúc với 2 đầu nậu trên chuyến xe Su “cóc” từ TP Lạng Sơn lên cửa khẩu Cốc Nam (Cao Lộc), họ cho chúng tôi biết, vụ Cao Lâu đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động vận chuyển hàng lậu qua biên giới của họ. Nếu trước đây, mỗi ngày thuê cửu vạn vác hàng qua dốc 05, 06 hai đến ba chuyến thì nay chỉ dám đi một chuyến. Càng những hôm mưa rét, đường mòn trơn trượt khó đi thì cửu vạn càng làm việc tích cực.

Thấy chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên vì ngoài trời mưa to, nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ C mà các đầu nậu vẫn điện thoại cho người vác hàng, chị này nói: “Thời tiết này cơ quan chức năng không làm chặt mới dễ đi”.

Theo họ thì dân vác hàng đều là người địa phương, quen thuộc đường rừng như ở nhà, dù mưa gió họ cũng đi hàng. Chủ đầu nậu là người chuyên gom hàng ở phía Trung Quốc, sau đó thuê người vác về Lạng Sơn qua các đường mòn ở Tân Thanh và Cao Lộc. Nếu vận chuyển hàng cấm mà bị lực lượng chức năng phát hiện, cửu vạn sẵn sàng vứt hàng bỏ, chạy lên đồi thoát thân. Còn là hàng hóa tiêu dùng thì sống chết lăn vào cướp hàng vì mất sẽ phải đền tiền cho chủ.

Đoàn xe tải và 100 tấn hàng lậu ở xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) bị tạm giữ.

Điển hình, lực lượng chống buôn lậu Lạng Sơn đã rình phục ở lối mòn 474 (thôn Tà Lài, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) vào ban đêm - đây là lối tránh mà cửu vạn thường đi, phát hiện một số đối tượng lén lút vác pháo qua đường mòn biên giới. Thấy bị động, chúng vứt hàng bỏ chạy lên đồi. Do đêm tối, rừng núi hiểm trở, lực lượng chức năng không đuổi được. Số pháo mà đối tượng vứt lại lên tới 189kg.

Dọc đường lên biên giới Tân Thanh (huyện Văn Lãng), nhiều khu vực núi dựng đứng, nhiều đường mòn như Rọ Bon, Đồi Cao, theo chủ đầu nậu đi cùng chúng tôi thì ngày hôm trước hàng lậu của chị này được cửu vạn lăn từ trên núi xuống. Phía dưới có đội quân chờ sẵn, cho lên xe và tăng bo cho nhanh về điểm tập kết.

Có mặt trên tuyến biên giới Quảng Ninh vào thời điểm này, theo ghi nhận của chúng tôi, rượu, thực phẩm, hàng gia dụng và những mặt hàng cấm như pháo vẫn được đối tượng vận chuyển lậu qua biên giới đưa vào nội địa. Đường biên giới Quảng Ninh với Trung Quốc là một con sông dài, có nhiều đường mòn, lối mở lên xuống cả 2 bên nên công tác quản lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Vào mùa này nước sông cạn, có chỗ lội bộ qua được.

Mặc dù phía Trung Quốc đã rào dây thép gai dọc sông nhưng từ đêm về sáng, lòng sông vẫn có những con đò vận chuyển hàng lậu qua lại. Trước đây, trên sông Ka Long ken đặc tàu thuyền, hoạt động buôn lậu diễn ra sôi động thì vài năm trở lại đây đã giảm nhiều, song ban đêm thuyền nhỏ đi không tiếng động vẫn lén lút vận chuyển hàng qua sông. Khu vực nhà dân dọc phường Ka Long kéo xuống Lục Lầm phường Hải Hòa (Móng Cái) là nơi tập kết hàng lậu, đợi thời cơ xé lẻ, vận chuyển vào nội địa.

Buôn lậu qua con đường xuất, nhập khẩu

Không chỉ “nóng” ở các khu vực đường mòn, lối mở ở biên giới mà đầu nậu còn sử dụng thủ đoạn lợi dụng kẽ hở về thủ tục hải quan để khai báo sai về số lượng, chủng loại, thực hiện các hành vi nhập lậu, gian lận thương mại hàng hóa. Hành vi này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mà ở đó cần sự đấu tranh, đấu trí mạnh tay của lực lượng chống buôn lậu. Là đơn vị mũi nhọn trong công tác đấu tranh chống tội phạm kinh tế, để phát hiện thủ đoạn lợi dụng hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) để buôn lậu, trinh sát của Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Lạng Sơn) đã dày công nghiên cứu, theo dõi quy luật hoạt động của tội phạm này tại các cửa khẩu.

Đại tá Hoàng Anh, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế cho biết, việc khám phá vụ buôn lậu của Công ty TNHH MTV XNK Phú Hưng (Công ty Phú Hưng) ở thị trấn Đồng Đăng là một điển hình về thủ đoạn lợi dụng kẽ hở trong hoạt động XNK để phạm tội. Quá trình điều tra xác định, theo thỏa thuận, Công ty CO.,LTD (Trung Quốc) bán hàng cho Công ty Phú Hưng gồm 14 mặt hàng, trọng lượng hàng hóa là 15.130 kg và chịu trách nhiệm chuyển hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị để giao cho Công ty Phú Hưng.

Đường mòn bên cánh gà ở Cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn), nơi Hải quan và Bộ đội Biên phòng lập chốt gác để ngăn hàng lậu.

Lê Văn Tiến là Giám đốc Công ty Phú Hưng lợi dụng vào việc nhập khẩu hàng hóa đã sang chợ Bằng Tường (Trung Quốc) mua gom một số mặt hàng không có hóa đơn chứng từ. Tiến nhờ một người ở Trung Quốc trà trộn số hàng này vào hàng hóa mà Công ty CO.,LTD chuyển cho Công ty Phú Hưng theo hợp đồng đã ký để cùng vận chuyển sang Việt Nam cho Tiến.

Khi toàn bộ hàng hóa đã được nhập khẩu vào Việt Nam, để thuận lợi cho việc vận chuyển từ cửa khẩu Hữu Nghị về Hà Nội, Tiến nhờ Lâm Đình Hưng (trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) đứng tên trên 2 tờ hóa đơn giá trị gia tăng với tư cách là người mua 14 mặt hàng nhập khẩu của công ty. Trong số hàng hóa Tiến nhập khẩu về có 7 mặt hàng giả, đặc biệt có tới 780kg vỏ bao bì mì chính Ajinomoto, 490 vỏ bao bì Knorr, 2.950 bộ khóa Việt Tiệp.

Toàn bộ hàng hóa mà công ty phía Trung Quốc xuất sang cho Tiến không trùng khớp về mặt hàng và trọng lượng hàng hóa theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu. Công ty CO.,LTD đã xác nhận việc xuất nhầm mặt hàng cho công ty của Tiến. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố Tiến về tội buôn lậu.

Trong công tác kiểm soát hải quan, nếu không cẩn trọng để xảy ra sơ sểnh sẽ khiến doanh nghiệp lợi dụng bằng cách mở tờ khai chính ngạch nhưng lại gian lận về số lượng, chủng loại. Theo Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Quảng Ninh) thì đơn vị đang tiếp tục điều tra vụ án “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” đối với Công ty TNHH một thành viên thương mại tổng hợp Bảo Tiền An (Công ty Bảo Tiền An), địa chỉ ở phường Bắc Cường, TP Lào Cai, do Cục Hải quan Quảng Ninh khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ. Mạc Thị Huyền là Giám đốc Công ty Bảo Tiền An đã không khai báo 57 mặt hàng và khai báo sai 12 mặt hàng là hàng hóa nhập khẩu theo 2 tờ khai đăng ký tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô (Cục Hải quan Quảng Ninh).

Hành vi gian lận trên của Huyền đã bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Tổng cục Hải quan) kiểm tra, phát hiện. Trị giá hàng hóa không khai báo, khai báo sai trên 7 tỷ đồng, trong đó có nhiều mặt hàng là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ với giá trị cao.

Cách nào ngăn chặn hàng lậu?

Hai vụ việc buôn lậu ở Quảng Ninh và Lạng Sơn vừa qua cho thấy công tác kiểm soát con người ở khu vực biên giới còn nhiều lỏng lẻo, dẫn tới việc người dân tự do qua lại mang vác, vận chuyển hàng hóa trái phép. Địa bàn biên giới do Bộ đội Biên phòng quản lý, việc cư dân mang vác hàng qua biên giới không thể nói là “không biết”.

Hai vụ việc xảy ra ở hai địa phương đã khiến nhiều cán bộ biên phòng phải nhận trách nhiệm bằng hình thức kỷ luật, cách chức. Đây là bài học lớn cho công tác quản lý, kiểm soát khu vực đường biên, cũng như cho công tác đấu tranh, chống buôn lậu của lực lượng Bộ đội Biên phòng nói riêng và các lực lượng khác nói chung.

Thời điểm giáp tết, liên tiếp các vụ bắt giữ pháo nổ với số lượng từ vài trăm kg lên tới gần 2 tấn cho thấy trong nước vẫn có nhu cầu sử dụng mặt hàng này.

Ngoài vận chuyển hàng lậu, hàng cấm bằng các phương tiện xe khách, xe tải, xe đông lạnh thì trên tuyến biển cũng đang diễn biến nóng bỏng. Theo các trinh sát của Đội 4, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Quảng Ninh), trên tuyến biển Quảng Ninh, đối tượng buôn lậu sử dụng xuồng máy siêu tốc đi vào ban đêm để chở hàng cấm, chạy bằng màn hình định vị vệ tinh, tắt toàn bộ đèn, đêm trên biển tối đen như mực, xung quanh không nhìn thấy gì, chỉ nghe tiếng xuồng chạy. Tàu của lực lượng chống buôn lậu là tàu cũ, công suất nhỏ, không thể đuổi được.

Theo Đại tá Hoàng Anh, để đấu tranh với thủ đoạn sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng hợp thức hóa hàng nhập lậu vận chuyển trên các xe ô tô theo QL 1A, 1B về sâu trong nội địa là sự kỳ công của lực lượng cảnh sát kinh tế. Để khởi tố tội buôn lậu phải có chủ hàng, người mua - bán, nhưng đối tượng sử dụng hóa đơn hợp thức hàng lậu nên rất khó đấu tranh.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn, đã làm rõ một số đối tượng hợp thức hóa hàng lậu bằng hóa đơn chứng từ. Điển hình là kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 29H-033.15 do ông Nguyễn Văn Cường (Bắc Giang) lái xe đồng thời áp tải hàng hóa xuất trình 1 tờ hóa đơn bán hàng số 0017029 lập ngày 20-4-2018 do ông Nguyễn Văn Lượng (địa chỉ kinh doanh ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) xuất bán cho bà Nguyễn Thị Thư ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Quá trình xác minh, Đội QLTT số 9 đã lập biên bản vi phạm đối với ông Lượng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, trình cấp có thẩm xử phạt xử phạt 40 triệu đồng, buộc ông Lượng nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính 85,2 triệu đồng.

Số vụ việc bắt giữ tuy nhiều nhưng mới chỉ dừng lại ở hành vi vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, số vụ khởi tố về tội buôn lậu còn ít, triệt phá đường dây, ổ nhóm buôn lậu chưa cao. Để ngăn chặn hàng lậu chảy về từ biên giới, các lực lượng chống buôn lậu cần tăng cường công tác phối hợp, đặc biệt công tác quản lý đường biên phải chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép thì mới hạn chế và ngăn ngừa được việc vác hàng hóa trái phép.

Theo ông Nguyễn Văn Trường, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn thì giải pháp lâu dài phải là thúc đẩy và phát triển được nền sản xuất trong nước, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho cư dân biên giới thì người dân không còn tiếp tay cho hoạt động buôn lậu.

Trần Hằng - Nguyễn Hương
.
.