Thị trường đen buôn bán tên lửa phòng không vác vai

Thứ Ba, 05/08/2008, 08:15
Vào đầu tháng 3/2008, trùm buôn lậu vũ khí quốc tế Victor Bout vô cùng hoan hỉ khi nhận được đơn đặt hàng đến 100 tên lửa phòng không vác vai (TLPKVV) loại Igla do Nga sản xuất của tổ chức Quân đội Cách mạng Colombia (FARC) với thời hạn giao nhận chậm nhất là trước tháng 7/2008.

Tuy nhiên, trùm buôn lậu vũ khí Victor Bout gặp phải hai trở ngại, đó là FARC bị Chính phủ Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế và người đại diện của FARC chịu trách nhiệm thương thảo mua 100 TLPKVV Igla với Bout lại là một thanh tra của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đội lốt.

Hậu quả là vào ngày 6/3/2008, Bout đã bị bắt giữ tại thủ đô Bangkok của Thái Lan và đang được làm thủ tục giải giao về Mỹ để xét xử tội buôn lậu vũ khí có tổ chức, vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ và Liên Hiệp Quốc.

Vụ trùm buôn lậu vũ khí quốc tế Victor Bout bị sập bẫy bởi thương vụ mua bán 100 TLPKVV cho thấy nhu cầu về loại vũ khí đặc biệt này trên thế giới là vô cùng lớn khi nhiều nơi còn xảy ra các cuộc xung đột vũ trang và hoạt động của các tổ chức khủng bố.

Được nghiên cứu chế tạo vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, TLPKVV là một loại vũ khí đặc biệt được trang bị cho bộ binh chống lại các cuộc tấn công bằng không quân của đối phương. Cho đến nay, đã có 17 quốc gia trên thế giới tham gia thị trường sản xuất và buôn bán TLPKVV, trong đó 2 quốc gia chủ lực là Mỹ và Liên Xô (Nga hiện nay).

TLPKVV ngày càng được cải tiến kỹ thuật không ngừng chỉ với mục đích là bắn hạ chính xác máy bay của đối phương và trở thành món hàng được săn lùng tìm mua cho dù có hợp pháp hay bất hợp pháp bởi nhiều quốc gia, tổ chức vũ trang, tổ chức khủng bố trong đó phải kể đến các loại  tên lửa đời mới Stinger Block 2 của Mỹ, KBS 70 của Thụy Điển, Starburst của Anh, Mistral của Pháp và SA-18 của Nga.

Tuy bị nghiêm cấm buôn bán bởi cộng đồng quốc tế nhưng theo đánh giá của Cơ quan Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), trên thế giới hiện đang lưu hành khoảng 6.000 TLPKVV được buôn bán bất hợp pháp và đã trở thành mối đe dọa chết người đối với ngành hàng không quốc tế.

Vào thập niên 80, để hỗ trợ cho đội quân mujaheeden chống lại sự chiếm đóng của quân đội Liên Xô tại Afghanistan, Mỹ đã bí mật tuồn cho tổ chức dân binh này hàng ngàn TLPKVV loại Stinger. Tuy nhiên, chỉ có một số nhỏ thực sự được quân mujaheeden sử dụng để bắn hạ máy bay của Liên Xô, còn số lớn được buôn bán bất hợp pháp cho các tổ chức buôn lậu vũ khí, các tổ chức vũ trang Hồi giáo.

Trong khi đó, sau khi các quốc gia Đông Ââu sụp đổ vào năm 1990, kho vũ khí khổng lồ tại các quốc gia này trở thành món hàng béo bở được buôn lậu khắp thế giới, trong đó có không ít TLPKVV loại SAM. Đến năm 2003, thị trường buôn lậu TLPKVV càng trở nên phong phú hơn với việc được bổ sung vào khoảng 4.000 TLPKVV thất thoát từ các kho vũ khí tại Iraq sau khi Mỹ tấn công xâm chiếm quốc gia này vào tháng 3-2003.

Cũng theo nhận định của Interpol thì Victor Bout, Monzer al-Kassar và Adnan Khashoggi là ông trùm điều hành toàn bộ các hoạt động buôn lậu TLPKVV của thế giới hiện nay.

Từ năm 1995, Bout đã thành lập một công ty hàng không riêng có trụ sở đặt tại thành phố Ostende của Bỉ để phục vụ cho việc kinh doanh vũ khí bất hợp pháp của mình. Các máy bay của Bout cất cánh từ sân bay Ostende đáp xuống sân bay Kabul của Afghanistan vốn dưới sự kiểm soát của Taliban để vận chuyển các TLPKVV Stinger do Mỹ sản xuất và cung cấp cho đội quân mujaheeden trước đó, được Bout tung tiền thu gom, đem bán cho các quốc gia châu Phi và các quốc gia Trung Âu vừa tách ra khỏi Liên bang Nam Tư với giá dao động từ 15.000 đến 25.000 USD/chiếc.

Trong khi đó, hai trùm buôn lậu vũ khí quốc tế khác là Al-Kassar và Khashoggi bị tố cáo là tổ chức buôn lậu và cung cấp cả ngàn TLPKVV cho các quốc gia Trung Đông và Nam Mỹ. Một phần trong số 4.000 TLPKVV SA-7 được trang bị cho quân đội của chế độ Saddam Hussein  là do Al-Kassai và Khashoggi cung cấp từ năm 1994 đến năm 2002.

Lo ngại sẽ không thể nào kiểm soát được thị trường đen buôn bán TLPKVV và sẽ đẩy ngành hàng không thế giới vào một thảm họa mới nên Mỹ và Nga, 2 quốc gia sản xuất và xuất khẩu TLPKVV lớn nhất thế giới đã thỏa thuận hợp tác với nhau trong một chương trình kiểm soát việc buôn bán và buôn lậu TLPKVV được triển khai từ năm 2005 đến năm 2012.

Theo thỏa thuận này, Mỹ chỉ bán TLPKVV cho những quốc gia cam kết kiểm soát hiệu quả việc sử dụng và để cho các thanh tra người Mỹ định kỳ kiểm tra kho TLPKVV của quốc gia đó. Nước Nga với việc triển khai các hoạt động tương tự còn phối hợp với Mỹ và chính phủ nhiều quốc gia khác trấn áp các hoạt động buôn lậu vũ khí trong đó có TLPKVV.

Riêng tại IraqAfghanistan, Mỹ còn triển khai một chiến dịch mua lại các TLPKVV do các cá nhân và tổ chức sở hữu bất hợp pháp. Việc bắt giữ trùm buôn lậu Monzer al-Kassar vào năm 2007 và Victor Bout vào tháng 3/2008 cũng nằm trong chương trình kiểm soát việc buôn bán và buôn lậu TLPKVV được triển khai giữa Mỹ, Nga và chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới

V.H. (theo Global Security)
.
.