Thông tin mới xung quanh vụ cướp tàu chở dầu Sunrise 689

Thứ Tư, 05/11/2014, 14:35

Theo nguồn tin riêng của PV Chuyên đề ANTG, Cơ quan điều tra (CQĐT) của Bộ Công an đã có đủ phương tiện và phần mềm chuyên dụng để phân tích các dữ liệu cần thiết trong hệ thống “hộp đen” VDR của tàu Sunrise 689. Đây là một thông tin quan trọng, ghi nhận quá trình giải mã hộp đen sẽ được xúc tiến nhanh, bởi lịch sử phân tích dữ liệu hộp đen tàu biển trên thế giới đã thống kê nhiều trường hợp oái oăm khi… phần mềm mã hóa và đọc dữ liệu của các hãng chế tạo là cả một… ma trận.

1. Qua quan sát và ghi nhận của chúng tôi, "hộp đen" VDR được lắp trên tàu Sunrise 689 mang thương hiệu Highlander. Đây là sản phẩm của Công ty Công nghệ số Highlander Bắc Kinh. Công ty này chủ yếu cung cấp các sản phẩm điện tử hàng hải và công nghệ thông tin cho hải quân.

Highlander Bắc Kinh được chính thức thừa nhận là nhà cung cấp cho Bộ Quốc phòng Trung Quốc, được tham gia vào quá trình chế tạo tàu sân bay trong "Dự án Liêu Ninh". Các sản phẩm chính của Highlander là Hệ thống định vị tích hợp (INS), Hệ thống radar chống va chạm (ARPA), Hệ thống điều khiển hướng lái (SCS), Hệ thống Hiển thị và thông tin Hải đồ điện tử (ECDIS), Hệ thống la bàn điện (GYRO), Hệ thống ghi dữ liệu hành trình (VDR), Hệ thống quản lý tàu biển (VMS), Hệ thống cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS)…

Hệ thống VDR của tàu Sinrise 689 được sản xuất bởi công ty công nghệ số highlander Bắc Kinh.

Tại Việt Nam, Highlander có 3 đại lý chính thức cung cấp sản phẩm và hỗ trợ dịch vụ kỹ thuật: Công ty TNHH Patronics Vietnam tại Hà Nội; Công ty TNHH Maritech tại TP HCM và Công ty Cổ phần Maritime Electronics tại Hải Phòng.

Trao đổi với PV ANTG, ông Đặng Văn Hiếu, phụ trách kỹ thuật tại Công ty TNHH Patronics Vietnam, cho biết, thông thường, với mỗi một đơn hàng cung cấp hệ thống "hộp đen" VDR, Hãng Highlander sẽ kèm theo 1 đĩa CD, trong đó có phần mềm chuyên dụng của hãng để đọc những thông số kỹ thuật đã được mã hóa ghi trong "hộp đen". Công ty sở hữu tàu, thuyền trưởng và đại phó trên tàu sẽ có quyền tiếp cận đĩa CD phần mềm này.

Như vậy, để đọc dữ liệu trong "hộp đen" VDR của tàu Sunrise 689, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an không khó để tiếp cận phần mềm đọc dữ liệu chuyên dụng của Highlander. Trong trường hợp xấu nhất, CQĐT có thể yêu cầu các kỹ thuật viên của Patronics, Maritech và Maritime Electronics hỗ trợ quá trình đọc dữ liệu.

2. Đây có thể coi là một thuận lợi đáng kể, khi nhà cung cấp dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật đã có sẵn trong nước. Lịch sử điều tra các vụ tai nạn và tội phạm có liên quan đến hàng hải quốc tế ghi nhận nhiều khó khăn xảy ra đối với các CQĐT, đặc biệt liên quan đến việc phân tích dữ liệu điện tử.

Thách thức lớn nhất đối với điều tra viên khi phân tích dữ liệu điện tử trong "hộp đen" là dữ liệu sẽ không giữ nguyên định dạng đầu vào. Quy trình đọc dữ liệu khó có thể can thiệp bởi bên thứ 3, với lý do quy trình mã hóa rất phức tạp của phần mềm chuyên dụng. Trong khi đó, theo quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, một chuẩn thống nhất về định dạng dữ liệu của hệ thống "hộp đen" chưa được đề cập tới. Hậu quả là các nhà sản xuất hộp đen đã tung ra vô vàn cách tiếp cận và phương pháp khác nhau.

Lý tưởng nhất là Thiết bị ghi cuối (FRM) sẽ được mở bởi một kỹ thuật viên của nhà sản xuất, sau đó dữ liệu sẽ được xuất ra bởi phần mềm chuyên dụng thành các dữ liệu video, âm thanh hoặc ký tự.

Trong khi thiết bị thu thập dữ liệu của hệ thống hộp đen được sản xuất năm 2012, bộ phận cung cấp nguồn điện cho hộp đen lại sản xuất năm 2008.

Không những vậy, trên mỗi con tàu có nhiều hệ thống cảm biến khác nhau được lắp đặt. Kết quả là có nhiều dạng tín hiệu điện tử được lưu trữ và phát lại trong cùng một hệ thống "hộp đen". Điều này yêu cầu rất nhiều phiên bản phần mềm được sử dụng để đọc dữ liệu. Nhiều khi, nhà sản xuất sẽ cung cấp cho CQĐT phần mềm có thể đọc được dữ liệu này, nhưng những dữ liệu khác tưởng chừng như vô bổ lại không thể đọc được, trong khi nó lại rất quan trọng với CQĐT.

Một vấn đề nữa cũng có thể gây khó khăn cho CQĐT, là "hộp đen" lưu trữ một số lượng dữ liệu khổng lồ. Không những thế, nó còn được ghi nhận dưới nhiều định dạng khác nhau, bởi nhiều phương tiện khác nhau. Điều này đòi hỏi các điều tra viên phải chọn trong "mớ hỗn độn" ấy những dữ liệu nào có ích cho cuộc điều tra, phải tạo một bộ lọc để lựa lấy những thông tin cần thiết nhất; và đặc biệt phải thiết lập một chiến lược sử dụng những thông tin, thông qua việc dựng lên một hệ thống bảng biểu và sơ đồ chi tiết, để đấu tranh với các đối tượng tình nghi.

Đây thực sự là một công việc khó khăn, đặc biệt khi sự trông chờ của dư luận đang đặt hết lên vai CQĐT, trong một vụ việc chưa từng có tiền lệ xảy ra ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật những tình tiết liên quan đến vụ việc

Việt Đông
.
.