Thông tin tình báo từ Libya không thể “mua” được Israel

Thứ Bảy, 10/12/2011, 11:16

Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch quân sự của NATO tại Libya, Đại tá Muammar Gaddafi đã triển khai nhiều nỗ lực vô vọng nhằm thoát khỏi tình cảnh bị cô lập và vượt qua cuộc khủng hoảng quân sự-chính trị trong nước.

Nhiều thông tin được báo chí tiết lộ cho thấy, ông Gaddafi còn tính toán tới khả năng nhờ tới sự can thiệp về ngoại giao hoặc quân sự của Israel, bắt nguồn từ việc quốc gia Do Thái luôn lo ngại về nguy cơ các phần tử Hồi giáo cực đoan lên nắm quyền tại Libya.

Phải nói là người Israel cũng bày tỏ một mức độ quan tâm nào đó tới việc đàm phán với các đại diện của chế độ Gaddafi. Phần lớn các chính trị gia Israel đều hiểu rằng, Gaddafi cho dù là “cái gai phải nhổ” trong mắt Mỹ và NATO nhưng lại không hề có hành động quyết liệt nào chống lại Tel-Aviv. Chính phủ Gaddafi với những cáo buộc công khai ủng hộ chủ nghĩa khủng bố tại Trung Đông đều làm cả châu Âu cũng như Israel phần nào phải e ngại.

Ngay cả khi Gadafi đã công khai xin lỗi và từ bỏ kế hoạch sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, người Israel vẫn coi ông ta chẳng khác gì một “bạo chúa”. Tuy nhiên, việc ông này nếu bị lật đổ gần như đồng nghĩa với khả năng Al-Qaeda có thể tăng cường vị thế của mình tại Libya, một viễn cảnh mà Israel không thể không lo ngại.

Những kịch bản về khả năng một "mối tình hữu nghị Israel-Libya" nhằm chống lại quân nổi dậy đã xuất hiện ngay sau khi bạo loạn nổ ra. Ngay từ tháng 3/2011, kênh truyền hình Al Jazeera tiết lộ một thông tin đáng chú ý, trong đó khẳng định Israel đang đảm trách vai trò trung gian giữa các lực lượng lính đánh thuê với chế độ Gaddafi.

Hành động bất ngờ trên của Israel được triển khai dựa trên một quyết định trong cuộc họp bí mật giữa Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak và Ngoại trưởng Avigor Libermann. Đài Al Jazeera còn cho biết, Israel sau cuộc họp trên đã quyết định sẽ đứng về phía Gaddafi.

Bộ Ngoại giao Israel ngay sau đó đã vội lên tiếng bác bỏ thông tin của Al Jazeera, cho dù tin đồn đã kịp lan ra khắp châu Phi. Vụ việc này đã kéo theo không ít những chuyện nực cười. Như tại Senegal, nhiều người tình nguyện đã bao vây Đại sứ quán Israel, yêu cầu họ giúp đưa tới Libya để làm lính đánh thuê cho Gaddafi! Đây cũng là cái cớ để các thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan lợi dụng để kích động những kẻ cuồng tín chống lại Gaddafi, được cho là kẻ phản bội vì đã bắt tay với Israel

Ngay từ hè năm 2011, giới lãnh đạo Libya quả thật đã tham gia vào một nỗ lực đàm phán với Israel. Trong vụ này, Gaddafi đã tính toán tới không chỉ sức mạnh quân sự mà còn cả khả năng giúp làm trung gian ngoại giao của Tel-Aviv. Theo kênh truyền hình số 2 của Israel, một phái đoàn của Gaddafi hồi tháng 7/2011 đã có cuộc gặp với cựu Ngoại trưởng Tzipi Livni của Israel. Bà Livni khi đó đã được trao tận tay một thông điệp riêng của thủ lĩnh Libya, nội dung cụ thể của nó vì nhiều lý do khác nhau đã không được tiết lộ.

Dù sao, giới báo chí cũng cho biết trong đó có yêu cầu của phía Libya đề nghị giúp thay đổi hình ảnh của Đại tá Gaddafi trong con mắt của công luận Israel. Ngoài ra, bà Tzipi Livni còn nhận được một loạt thông tin tình báo do các đại diện của chính quyền Libya cung cấp. Cũng trong tháng 7/2011, Gaddafi đã liên hệ với người đứng đầu cộng đồng Do Thái tại Libya cùng với yêu cầu họ giúp đỡ giải quyết cuộc khủng hoảng trong nước. Yêu cầu trên đã bị bác bỏ, do người Do Thái đã thống nhất từ chối thừa nhận chế độ của Gaddafi.

Ngay cả khi Gaddafi đã đánh mất khả năng điều hành đất nước trên thực tế, những sứ giả của ông vẫn tiếp tục các nỗ lực đàm phán. Lần này, phía Israel nhận được đề xuất giúp họ trả tự do cho binh sĩ Gilad Shalit bị Hamas bắt giữ từ 5 năm trước. Để đổi lại, Libya đề nghị Israel can thiệp giúp chấm dứt các cuộc không kích của NATO kể từ đầu tháng 9.

Trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán khi đó là Thứ trưởng Bộ Phát triển Ayoub Kara, người đã chuẩn bị tới Libya để bàn bạc với Gaddafi về các điều kiện trả tự do cho Shalit. Ngoài ra còn có thông tin khẳng định, hai nước còn dự tính ký kết một hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, chính quyền Israel cuối cùng đã không cho ông thứ trưởng này tới Libya vì lo ngại tình trạng an ninh.

Shalit quả thật đã được trả tự do chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhờ vào vai trò trung gian của Đức và Ai Cập. Các điều kiện của vụ trao đổi này được đánh giá là có nhiều bất lợi cho phía Israel. Nhiều nhà quan sát đã đặt câu hỏi, liệu Gaddafi có biết gì về các cuộc đàm phán nhằm trả tự do cho Gilad Shalit? Gaddafi có thể có được ảnh hưởng tới các giao dịch kiểu trên hay đơn giản là bịa ra để lôi kéo Israel về phía mình?

Chúng ta có lẽ sẽ chẳng bao giờ biết được toàn bộ sự thật về câu chuyện trên. Có điều đã rõ ràng đối với tất cả mọi người là đến tháng 9/2011, số phận của chế độ Gaddafi chỉ còn đếm từng ngày. Gaddafi chỉ có thể thoát chết nếu chạy trốn khỏi đất nước. Tuy nhiên, Israel trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng tỏ ra không mặn mà với việc cứu thủ lĩnh Libya khỏi bị thanh trừng. Ngay cả những thông tin tình báo quan trọng được phía Libya trao cho Tel-Aviv cũng không thể "mua" được tình hữu nghị của người Israel.

Nguyên nhân đơn giản là do công luận Israel sẽ lên án gay gắt bất cứ một nỗ lực nào của chính phủ hay phe cánh tả nhằm giúp đỡ nhà lãnh đạo Libya. Ngoài ra, Israel cũng không muốn gây bất hòa với các nước phương Tây, trong bối cảnh quan hệ của họ với những nước này đã gặp nhiều sóng gió trong thời gian vừa qua. Nói tóm lại đối với Israel, sinh mạng của Gaddafi chẳng đáng để họ mạo hiểm gây bất hòa với châu Âu và Mỹ

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.