Thủ đoạn mới nhằm cuỗm tiền trong máy ATM

Thứ Bảy, 30/10/2010, 20:20
Chuyện thật mà cứ như đùa, cuối tuần qua tại TP HCM đã xảy ra 2 vụ đột nhập vào trạm ATM để cướp tiền bằng cách cắt máy ATM bằng nhiệt và dụng cụ chuyên dụng. Đây có thể được coi là vụ việc nghiêm trọng với phương thức gây án thuộc loại "vô tiền khoáng hậu".

Dư luận không khỏi băn khoăn khi mà cái máy ATM vốn dĩ luôn được các ngân hàng bảo đảm về độ an toàn lẫn tính bảo mật phút chốc bị biến thành… con heo đất cho bọn tội phạm xẻ thịt.

Cách đây hơn 5 năm, khi mà máy ATM còn là gì đó mới mẻ và rất hấp dẫn người dân tại TP HCM, thì một sự vụ khá buồn cười đã xảy ra xung quanh cái máy luôn chứa... rất nhiều tiền và thường xuyên được đặt ngay trước mắt nhiều người này.

Thời đó, máy ATM chưa có nhân viên bảo vệ quan tâm cũng như lắp đặt các thiết bị an ninh chặt chẽ như hiện nay. Điều này khiến người ta có cảm giác chỉ cần biết đến máy, lắc mạnh hoặc đập phá gì đó là tiền sẽ tuôn... như nước. Nghĩ là làm, gã đàn ông quê gốc ở Nha Trang, tạm trú quận Bình Tân, TP HCM vào một buổi chiều bỗng dưng hứng chí, vác vật cứng dùng hết sức lực choảng trối chết vào cái máy ATM đặt tại Công trường Quốc tế, quận 3. Kết quả, tiền không thấy xuất hiện. Chỉ biết gã đàn ông trên bị bắt giữ bởi hành vi phá hoại tài sàn.

Để trấn an dư luận, một chuyên gia về hệ thống ATM của một ngân hàng lớn đã lên tiếng khẳng định: "Không thể xâm nhập két tiền trong máy ATM bằng các "đồ nghề" thông thường. Nếu xâm nhập bằng các "đồ nghề" này, thì chỉ có thể làm hư hỏng màn hình của máy và các thiết bị điện tử phía trên của máy, chứ không thể thâm nhập vào két tiền. Thêm vào đó, với loại máy ATM mới, để tiếp cận được két tiền trong máy, phải vượt qua 4 lớp bảo vệ và khóa". Tiếp đến là "Máy ATM được cắm vững vàng xuống đất, mà các xe nâng, xe tải không thể nào nhổ lên được. Với loại máy ATM 24/24 giờ có điều kiện chống di đời lên đến hàng trăm tấn".

Với lời phát biểu này có thể hiểu, máy ATM được xem như là cái két sắt bất khả xâm phạm. Thêm vào đó, ngoài vụ đập phá máy ATM với ý định ngây ngô là để cướp tiền thì từ trước đến nay, chỉ có... người đi rút tiền từ máy ATM bị cướp chứ máy ATM thì vẫn đảm bảo chuyện "không thể bị xâm hại". Tuy nhiên, 2 vụ “khoắng” tiền trong máy ATM  diễn ra liên tiếp trên địa bàn quận Tân Bình, TP HCM vào rạng sáng ngày 21/10 vừa qua khiến người ta không thể không nghi ngờ về độ an toàn của máy ATM.

Thông tin ban đầu cho thấy, vào khoảng hơn 5h sáng ngày 21/10 khi nhân viên bảo vệ của một ngân hàng trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình mở cửa cho nhân viên làm vệ sinh vào dọn dẹp thì phát hiện máy ATM của ngân hàng đã bị cắt lớp bảo vệ, có khả năng bị cướp tiền.

Nhận được tin báo, Cơ quan điều tra nhanh chóng có mặt tại hiện trường để điều tra vụ việc. Các dấu vết thu được từ việc khám nghiệm hiện trường cho thấy, kẻ gian đã dùng máy khò hàn cắt đi lớp bảo vệ của máy ATM và cướp đi hơn 820 triệu đồng. Để có thể thực hiện được hành vi này, bọn chúng sau khi vào trong phòng máy ATM, đã nhanh chóng dùng giấy dán kính dán toàn bộ bề mặt kính phía cửa ra vào để hạn chế tầm nhìn của người đứng bên ngoài. Khi gây án, theo hình ảnh từ camera an ninh thì bọn tội phạm ngụy trang khá kỹ, chúng đều đội mũ che mặt và đeo khẩu trang.

Cũng trong rạng sáng hôm đó, vào khoảng gần 4 giờ, bảo vệ của một chi nhánh ngân hàng khác có trụ sở trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình phát hiện có mùi khét xuất hiện từ buồng ATM của ngân hàng mình.

Tiến hành kiểm tra buồng máy ATM, hai nhân viên bảo vệ phát hiện có bóng hai  thanh niên, đeo khẩu trang đội mũ bảo hiểm chạy vụt ra ngoài. Phía trước ngân hàng, có hai thanh niên đang ngồi trên xe gắn máy nổ máy sẵn, chỉ chờ hai thanh niên kia nhảy lên là nhấn ga tẩu thoát. Loại xe gắn máy mà bọn chúng sử dụng là Wave và Nouvo. "Đồ nghề" gây án được ngụy trang trong túi đựng đàn loại lớn.

Tại buồng máy ATM, hai nhân viên bảo vệ này phát hiện máy ATM đã bị cắt đứt 2 lớp bảo vệ, lớp bảo vệ thứ 3 đang bị cắt dở dang. Vương vãi trong buồng máy là 1 bình hàn gió đá, 1 bình gas, mỏ lết, kìm bấm và xà beng.  Rất may là không có thiệt hại về tài sản trong phi vụ này của bọn tội phạm.

Phía ngân hàng bị mất tiền khi trao đổi với báo chí đã cho biết vụ việc xảy ra là do lỗi không cảnh giác của các nhân viên bảo vệ. Chiếc máy ATM bị bọn tội phạm xẻ thịt được thiết kế và được nhập trực tiếp từ nước ngoài về Việt Nam. Ngược lại, điều tra ban đầu của Cơ quan Công an cho thấy công tác an ninh của hai ngân hàng bị bọn tội phạm xâm nhập vào buồng máy AMT vào rạng sáng 21/10 là không đảm bảo.

Thêm vào đó, Cơ quan Công an cũng nhận định căn cứ vào thời gian, địa điểm và phương thức gây án thì hai vụ phá lớp bảo vệ, cướp tiền trong máy ATM đều do một băng nhóm thủ phạm gây ra. Vụ việc vẫn đang được Cơ quan Công an phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành khác tích cực điều tra làm rõ.

Trao đổi với chúng tôi, quản lý của một cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý, nơi thường xuyên sử dụng các loại máy hàn khò cho biết rằng gần như là không thể dùng máy hàn khò loại nhỏ để tấn công lớp bảo vệ của máy ATM. Vì máy hàn khò cầm tay chỉ có công năng là chấm hàn các đường nối của trang sức làm từ vàng, bạc. Muốn cắt được lớp bảo vệ của máy ATM cần phải sử dụng máy khò lớn, loại có tia lazer được nhập khẩu từ Italia hoặc Nhật với giá vài chục nghìn USD/cái.  Tuy nhiên, giả dụ bọn tội phạm có nhập được máy này thì cũng không thể mang đi sử dụng, vì thiết kế của máy khá lớn, rất kềnh càng..

Thế nên, để đơn giản hơn, bọn tội phạm có thể dùng bình gas mini và một đầu hàn gió đá tốt là có thể "vô tư" tấn công máy ATM. Nếu tính toàn bộ chi phí của bộ "đồ nghề" tấn công máy ATM này mắc nhất thì cũng chỉ nằm trong khoảng từ 2 đến 3 triệu đồng.

Có lẽ, đã đến lúc các ngân hàng nhất thiết phải có biện pháp để tự bảo vệ tài sản cho chính mình. Cũng là cách để lấy lại niềm tin từ những khách hàng của mình. Bởi hai vụ việc xảy ra liên tiếp đã minh chứng cho câu chuyện rất cũ nhưng lại luôn mới là "đối với bọn tội phạm thích tiền lười lao động, thì không có gì là an toàn tuyệt đối".

Ngay khi có thông tin mới về nhóm tội phạm với phương thức gây án tinh vi này, PV Chuyên đề ANTG sẽ tiếp tục cung cấp đến bạn đọc trong các số báo tới

K.Hữu
.
.