Thủ đoạn nhận hối lộ, làm khó doanh nghiệp của một số TTGT

Thứ Ba, 14/02/2017, 15:00
Theo cơ quan điều tra, các cán bộ Thanh tra giao thông (TTGT) nhận hối lộ rất lớn thông qua “cò”, nhận trực tiếp hoặc qua trung gian, qua tài khoản hoặc nhờ người khác đứng tên tài khoản nhận tiền. Có trường hợp cán bộ TTGT nhận tiền hằng tháng, theo chuyến xe, nhận tiền để không cân xe, không kiểm tra xe...

Khi nhà xe nộp tiền vào tài khoản, “cò” trực tiếp rút tiền mặt hoặc chuyển lòng vòng rồi rút tiền đưa cho TTGT. Hoặc trực tiếp TTGT sử dụng tài khoản, trực tiếp rút tiền.

Nhiều nhà xe không chịu nộp tiền “bảo kê” thì bị TTGT thuê “cò”, xe ôm ngày đêm theo dõi để tổ chức kiểm tra, xử lý, làm khó để buộc phải nộp “hụi chết”...

Thuê xe ôm canh đường cũng không thoát

Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ vừa ký bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 9 bị can về hành vi “Nhận hối lộ”. Cụ thể, Dương Minh Tâm (Tâm “xì tin”, 37 tuổi), nguyên Phó Chánh TTGT thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ; Đoàn Vũ Duy (39 tuổi), nguyên đội trưởng, phụ trách Bình Thủy); Võ Hoàng Anh (35 tuổi), nguyên đội trưởng phụ trách Ninh Kiều; Nguyễn Trần Lưu (40 tuổi), nguyên đội trưởng, phụ trách Thốt Nốt; Lý Hoàng Minh (32 tuổi), nguyên đội phó, phụ trách Ninh Kiều; Hồ Công Thiện (40 tuổi), nguyên TTGT, phụ trách Phong Điền; Trần Lập Pháp (31 tuổi), nguyên TTGT, phụ trách Cái Răng; Nguyễn Văn Cần (30 tuổi, ngụ Vĩnh Long) và Trần Tường An (39 tuổi, ngụ Cần Thơ) - là hai người môi giới, “cò” nhận hối lộ.

Đến nay, đây là đường dây nhận hối lộ lớn nhất miền Tây được Công an TP Cần Thơ phanh phui. Trong một thời gian dài, các hãng xe, cửa hàng vật liệu xây dựng, hãng nước đá, hoạt động kinh doanh vật tải (gọi tắt nhà xe) trên địa bàn Cần Thơ buộc phải đưa hối lộ cho TTGT.

Trong số 7 lãnh đạo, cán bộ TTGT bị đề nghị truy tố, Đoàn Vũ Duy (39 tuổi) từng là Đội trưởng Đội cơ động đường bộ được xem người “ăn bạo” nhất khi nhận đến 2,8 tỷ đồng. Đội cơ động là lực lượng được quyền kiểm tra các phương tiện trên toàn thành phố, lợi dụng “đặc quyền”, Duy tổ chức đường dây nhận hối lộ. Các nhà xe buộc phải chung chi, nếu không muốn phá sản hoặc chuyển đi nơi khác hoạt động.

Các đối tượng Anh, Minh, Duy và Cần.

Giúp sức đắc lực cho Duy là Nguyễn Văn Cần và Trần Trường An. Cần là lơ xe Bắc Nam nên tiếp xúc với nhiều người trong lực lượng TTGT. An là bạn học của Duy được thuê lập tài khoản ngân hàng, nhận tiền từ các nhà xe chuyển đến hoặc tiền hối lộ hoặc nhận thông qua Cần. Do thường xuyên đi tuần tra cùng Duy, ăn cơm chung đội nên nhiều người lầm tưởng Cần cũng là TTGT.

Năm 2014, Công ty Thuận Thành Phong (có trụ sở tại tỉnh Tiền Giang) có nhiều phương tiện hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ. Xe của doanh nghiệp không qua được nhiều cầu và một số tuyến đường do hạn chế tải trọng. Công ty thuê xe ôm canh đường, chờ lực lượng TTGT không làm việc thì cho xe lưu thông. Việc này chỉ được vài lần, vì vừa tốn chi phí vừa phải chờ lâu nhưng vẫn bị TTGT xử lý vi phạm.

Chủ doanh nghiệp đã thỏa thuận với Duy, chung tiền hằng tháng. Công ty 75 lần chuyển khoản cho Duy 829 triệu đồng. Duy cũng nhận của Công ty Thủy Hồng Phát (có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) 14 lần, với tiền 297 triệu đồng.

Xe của Công ty Phúc Lộc (có trụ sở tại Cần Thơ) liên tục bị Duy kiểm tra, nhắc nhở. Cần lấy số điện thoại của giám đốc gọi đến buộc phải chung chi hằng tháng, thông qua tài khoản của Cần cung cấp. Ngoài việc thu tiền các nhà xe, Cần giúp Duy đốc thúc doanh nghiệp nộp tiền đúng hạn, đúng số lượng. Nhà xe nào đóng tiền trễ, Cần thông báo cho Duy kiểm tra, ép buộc phải chi tiền.

Xe của Công ty Xi măng TĐ (có trụ sở tại Cần Thơ), liên tục bị Duy kiểm tra, làm khó dễ. Cần gọi điện thoại đến lãnh đạo công ty xưng là TTGT buộc chung chi mỗi tháng 4 triệu đồng. Quen ăn, sau đó, Duy liên tục tăng tiền hụi chết lên 10 triệu đồng/tháng rồi đến 12 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp này chuyển cho Duy tổng cộng 19 lần, với số tiền hơn 150 triệu đồng thông qua tài khoản Cần cung cấp.

Duy còn sử dụng tài khoản “ảo” để nhận tiền, chỉ đạo Cần sử dụng tên giả giao dịch, thỏa thuận nhận tiền. Duy là trường hợp phạm tội có tổ chức, là người chủ mưu, cầm đầu.

Đối tượng Dương Minh Tâm.

Gặp xe ba gác “bóp cổ” lấy 2 triệu nhậu chơi

Trường hợp của Dương Minh Tâm (nguyên Phó Chánh Thanh tra), khi còn làm đội trưởng, đội phó tại các Đội Thới Lai, Cái Răng và Ninh Kiều, Tâm sử dụng tài khoản của người thân nhận tiền của các nhà xe hoặc trực tiếp nhận tiền mặt. Tâm cho phép cấp dưới, “làm luật” các nhà xe để tiêu xài cá nhân và ăn nhậu.

Năm 2007, Dương Minh Tâm được tuyển dụng vào làm việc tại Sở GTVT TP Cần Thơ. Chưa đến 10 năm công tác, Tâm liên tục “nhảy cóc” từ chuyên viên lên đội phó, phụ trách Thới Lai lên đội trưởng, phụ trách Cái Răng, Ninh Kiều và ngồi lên ghế Phó Chánh tranh tra vào tháng 4-2016.

Năm 2012, khi còn giữ chức đội phó, phụ trách Thới Lai, Tâm được chủ doanh nghiệp ở địa phương mời đi nhậu. Những lần nhậu nhẹt, Tâm gợi ý người này chung chi mỗi tháng 2 triệu đồng để không kiểm tra, xử lý các phương tiện hoạt động của công ty. Tâm nhận của doanh nghiệp này 12 tháng thì được điều động về nhận chức đội trưởng, phụ trách Cái Răng. Lúc này, Tâm “bao hết” xe cho doanh nghiệp này.

Mỗi lần bị kiểm tra, chủ doanh nghiệp lại gọi cho Tâm để Tâm gọi cho các Đội khác nói là “xe quen”, đổi lại hằng tháng phải nộp cho Tâm 5 triệu đồng. Từ tháng 2-2013 đến tháng 12-2015, Tâm nhận của chủ doanh nghiệp 134 triệu đồng, vừa chuyển khoản vừa nhận trực tiếp.

Cũng giống như Tâm, năm 2005, Võ Hoàng Anh được bổ nhiệm làm thanh tra viên tại TTGT. 10 năm công tác, Anh ngồi lên ghế đội trưởng, phụ trách Ninh Kiều cùng với Đoàn Vũ Duy là cặp bài trùng, chuyên “bóp cổ” các nhà xe nhận hối lộ. Khi còn là cấp dưới của Duy, Anh đã đứng ra nhận tiền thông qua tài khoản Huỳnh Hoàng Long hoặc nhờ người đi trực tiếp đi thu tiền từ các nhà xe. Nhận tiền xong, Anh báo cho Duy biết là nhà xe quen để không kiểm tra.

Năm 2014, Duy cùng Anh liên tục chặn bắt các xe đầu kéo của ông Đặng Phước Ngọc (ngụ tỉnh Tiền Giang). Anh không lập biên bản mà yêu cầu tài xế cho số điện thoại của chủ xe, rồi bấm máy gọi. Qua điện thoại, Anh liên tục dọa nạt ông Ngọc, đòi lập biên bản, xử phạt để buộc chủ xe phải đi từ Tiền Giang sang Cần Thơ gặp mặt.

TTGT có nhiều “quyền lực mềm” dẫn đến phát sinh tiêu cực.

Tình thế bất đắc dĩ, ông Ngọc sang Cần Thơ gặp Anh để thỏa thuận. Anh buộc chủ xe chi theo chuyến và cho số điện thoại của “cò” để liên hệ lấy số tài khoản chuyển tiền. Hễ xe vào địa phận Cần Thơ, ông Ngọc phải đưa tiền cho Cần để chuyển qua tài khoản cho Anh, mỗi chuyến 1 triệu đồng. Ông Ngọc chuyển được 15 lần, với số tiền 58 triệu thì ngưng chuyển vì TTGT “ăn quá bạo”. Số tiền này, Anh và Duy chia nhau tiêu xài.

Thấy ông Ngọc ngưng chuyển tiền, Anh cho cò theo dõi, hễ xe ông Ngọc vào Cần Thơ là Anh dùng quyền hạn của TTGT ra chặn bắt, xử phạt... Quá bức xúc, ông Ngọc đành phải chuyển địa bàn hoạt động vì không dám chạm mặt các TTGT của Cần Thơ.

Ông Trương Hoàng Linh (ngụ quận Bình Thủy) kể, một lần xe ba gác qua quận Ô Môn thì bị TTGT bắt. Ông xin tha thì các TTGT rủ đi nhậu, rồi đưa số tài khoản mang tên Huỳnh Hoàng Long yêu cầu chuyển vào đó 2 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp ở Cần Thơ và các tỉnh lân cận cũng phản ánh, trong quá trình hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ, ngoài việc phải đóng “hụi chết” hằng tháng hoặc theo chuyến thì liên tục nhận được những cuộc điện thoại quấy rối của các TTGT, lúc thì xin vài thùng bia, hỗ trợ chi phí ăn nhậu, tiền xe...

Để yên thân, các chủ doanh nghiệp đành phải chiều theo ý cách TTGT, nếu không muốn bị săm soi, kiểm tra, gây khó dễ...

“Quyền lực mềm” khiến TTGT lộng hành

Theo cơ quan điều tra, sở dĩ các TTGT nhận hối lộ trong thời gian dài là do có nhiều “quyền lực mềm”. Hoạt động đặc thù vận tải hàng hóa khi bị kiểm tra, dù ít hay nhiều cũng có thể nhắc nhở hoặc lập biên bản với lỗi vi phạm nào đó. Nhất là các lỗi cảm tính như: bánh lốp không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, biển số không rõ, rơi vãi trên đường, đèn chiếu sáng không đảm bảo...

Nhiều cầu hạn chế tải trọng thấp hơn so với đường, để vào cảng, khu công nghiệp có nhiều loại xe đi không được do hạn chế tải trọng. Trạm cân lưu động chưa có quy định rõ ràng, muốn cân xe nào tuỳ ý người thi hành nhiệm vụ.

Các nhà xe đã bị kiểm tra sẽ rơi vào danh sách chú ý của TTGT và “cò”, nếu không tự nguyện hoặc bị gợi ý chung chi nhưng không “làm luật” sẽ tiếp tục bị làm khó dễ. Hơn nữa, việc chi tiền cho cán bộ TTGT đã có tiền lệ từ lâu. Nhiều nhà xe không đồng ý chi tiền thì bị kiểm tra, xử lý liên tục hoặc chi tiền quá cao dẫn đến thua lỗ phải ngưng hoặc chuyển qua địa bàn khác kinh doanh.

Ngoài ra, các đội TTGT ở ngoài trụ sở không chịu sự quản lý, giám sát thường xuyên kịp thời của lãnh đạo, các đội ở địa phương không chịu sự quản lý của chính quyền cấp huyện nên dễ phát sinh tiêu cực. Các sai phạm của các TTGT được cơ quan điều tra chứng minh đều tồn tại ở các đội.

Các đối tượng Lập, Pháp, An và Thiện.

Công an TP Cần Thơ đã xác minh, phát hiện có 24 tài khoản khác nhau với hàng nghìn giao dịch liên quan đến các cán bộ TTGT, nhận hối lộ số tiền 4 tỷ đồng. Cảnh sát đã làm việc với 250 người liên quan, đại diện cho 120 tổ chức cá nhân kinh doanh vận tải từ Đồng Nai, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu...

Thông qua Cần và An hoặc trực tiếp, Duy đã nhận hối lộ 2,8 tỷ của 57 tổ chức, cá nhân. Cần sử dụng 6 tài khoản, nhận hối lộ số tiền 2,73 tỷ đồng giúp cho Duy và nhiều TTGT khác. An sử dụng 2 tài khoản và nhận tiền mặt giúp cho Duy, tổng cộng 349 triệu đồng. Tổng số tiền mà Tâm đã nhận là 411 triệu đồng của 13 tổ chức cá nhân.

Tâm chỉ đạo cho Minh nhận tiền giúp mình và Đoàn Vũ Duy. Võ Hoàng Anh nhận là 536 triệu của 32 tổ chức, cá nhân. Lý Hoàng Minh nhận của 31 tổ chức, cá nhân là 123 triệu đồng. Nguyễn Trần Lưu, nhận hối lộ 26 triệu đồng. Hồ Công Thiện nhận 25 triệu đồng và Trần Lập Pháp nhận của 10 tổ chức, cá nhân 47,5 triệu đồng.

Quá trình điều tra đối với các hành vi đưa hối lộ, số người đưa hối hộ và người có liên quan đến việc này là rất lớn. Nhiều trường hợp chưa khai báo rõ nội dung... nên cơ quan điều tra đã kết thúc sớm đưa ra xử lý người nhận hối lộ trước để răn đe, phòng ngừa chung, kịp thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.

Các bị can và một số doanh nghiệp, cá nhân tố giác khai báo có hành vi nhận hối lộ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hoặc nhận tiền trong việc thực hiện công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Tuy nhiên, quá trình điều tra chưa đủ chứng cứ để khởi tố nên cơ quan điều tra đã chuyển cho các đơn vị chức năng xử lý theo thẩm quyền, những hành vi có biểu hiện là dấu hiệu phạm tội sẽ tiếp tục củng cố chứng cứ sau.

Văn Vĩnh
.
.