Thuốc lá lậu – Nguồn sống của chiến binh Hồi giáo và Taliban

Thứ Sáu, 13/05/2011, 11:35

Tumman Khan là nông phu nghèo khổ suốt đời làm thuê. Đối với ông và những người khác trong khu vực Khyber, phía bắc Pakistan, Sahib Ayub Afridi là một vị thánh. Lãnh đạo bộ tộc 72 tuổi này tài trợ xây dựng những giếng nước, đường sá, giáo đường và chu cấp tiền bạc cho những người nghèo xơ xác, cả những người mất chồng mất vợ. Nhưng Afridi có một bộ mặt khác mà họ không biết.

Theo giới chức tình báo và quan chức thuế quan Pakistan, Afridi - người một thời là trùm buôn lậu ma túy nổi tiếng trong thập niên 80 thế kỷ trước - đứng đầu đường dây sản xuất hàng triệu điếu thuốc lá giả để buôn lậu ra khắp vùng Trung Á, Trung Quốc, châu Phi, đồng thời chia sẻ số tiền kiếm được với những chiến binh thân Taliban kiểm soát các con đường dọc biên giới.

Khi những biện pháp trừng phạt của chính quyền Pakistan làm hạn chế nguồn tài chính cung cấp cho bọn khủng bố, các nhóm chiến binh Pakistan chuyển sang kiếm tiền từ sản xuất thuốc lá giả và buôn lậu.

Theo các chuyên gia về khủng bố ở Pakistan, 20% khoản tiền tài trợ cho chiến binh Hồi giáo lấy từ nguồn thu nhập do sản xuất và buôn lậu thuốc lá, tức chỉ đứng hàng thứ hai sau sản xuất hêrôin.

Ikram Sehgal, nhà phân tích an ninh và quốc phòng lãnh đạo Công ty an ninh tư nhân hàng đầu của Pakistan SMS Security, nói: "Taliban và chiến binh Hồi giáo chỉ đơn giản đi thu thuế đánh vào các xưởng sản xuất thuốc lá hợp pháp lẫn bất hợp pháp rồi sau đó mở con đường an toàn cho những đoàn xe chở thuốc lá”.

Thuốc lá sản xuất lậu ở vành đai bộ tộc giáp giới Afghanistan cung ứng 22% tổng lượng tiêu thụ ở Pakistan, quốc gia có mức thuế đánh vào thuốc lá thuộc hàng cao nhất thế giới. Mohammad Khosa, lãnh đạo bộ phận chống thuốc lá giả của Công ty British American Tobacco trong khu vực, đánh giá những xưởng sản xuất trong khu vực đưa ra thị trường khoảng 15 tỉ điếu thuốc lá mỗi năm, trong đó phần lớn được buôn lậu sang Afghanistan. 

Sau cuộc xâm lăng do Mỹ dẫn đầu vào Afghanistan tháng 10/2001, hàng hóa buôn lậu trong khu vực trở thành nguồn tài trợ chính cho Taliban. Trong phóng sự cuối cùng của mình trước khi bị bắt cóc tháng 1/2002, nhà báo Daniel Pearl đã kể chi tiết về làn sóng buôn lậu xuyên biên giới này. Theo Pearl, chiến binh Hồi giáo đã thu về được khoảng 35 đến 75 triệu usd từ xuất khẩu thuốc lá Marlboro, tivi Sony, kem cạo râu Gillette.

Ngày nay, không ai hơn được Haji Ayub Afridi trong kiểm soát các con đường buôn lậu vào Afghanistan  và cái tên Afridi đồng nghĩa với buôn bán và vận chuyển hàng hóa lậu khắp Pakistan. Những nhà kho chứa đầy thuốc lá lậu của Afridi nằm gần thành phố Peshawar, cách căn biệt thự nguy nga ở vùng biên giới của ông ta chỉ khoảng 40km về phía đông. Chính quyền Pakistan cho rằng Afridi sở hữu khoảng 6 nhà máy sản xuất thuốc lá.

Một con đường buôn lậu thuốc lá giữa Pakistan và Afghanistan.

Theo Tình báo Pakistan, Afridi trả 36.000 USD/tháng - bằng trung bình thu nhập hàng năm của 47 người Pakistan gộp lại - cho Mangal Bagh, thủ lĩnh nhóm chiến binh thân Taliban trong khu vực. Bagh chỉ huy hàng ngàn chiến binh Hồi giáo vũ trang hạng nặng thông qua nhóm Lashkar-i-Islam (Đội quân Hồi giáo) của ông ta. Ngoài việc thu thuế từ những người như Afridi, nhóm chiến binh còn kiếm tiền qua những vụ bắt cóc đòi tiền chuộc. Nhưng Afridi không phải là nhà sản xuất thuốc lá giả duy nhất ở vành đai bộ tộc vùng biên giới.

Bọn buôn lậu còn vận chuyển thuốc lá từ các nhà máy bất hợp pháp ở một số tỉnh lân cận Kohat và Bannu vào Afghanistan qua tỉnh biên giới Miramshah. Theo đó, bọn buôn lậu thuốc lá trả cho các nhóm chiến binh 20% tiền hoa hồng cho mỗi đoàn xe chở thuốc lá. 

Trong thập niên 80 thế kỷ XX, Afridi đã sắp đặt đường dây buôn bán hêrôin giữa miền Đông Afghanistan, qua đèo Khyber, đến bộ tộc Afridi ở Pakistan. Bất chấp Afridi là một trùm buôn lậu ma túy, CIA vẫn sử dụng ông ta. Lúc đó, Afridi là một trong nhiều thủ lĩnh bộ tộc Pashtun được CIA đặt quan hệ để giúp tài trợ và vũ trang cho lực lượng chiến binh Hồi giáo chống Xôviết ở Afghanistan. Sau khi quân Xôviết rút khỏi Afghanistan, Afridi chuyển sang hoạt động ở Pakistan.

Ông ta được bầu vào Nghị viện năm 1990 - nghe đâu ông ta đã trả 600USD cho mỗi lá phiếu ủng hộ mình. Mặc dù vậy, Afridi vẫn không ngừng buôn lậu ma túy, theo hồ sơ Tòa án Mỹ, Afridi và các đối tác đã buôn lậu hàng triệu tấn hêrôin và hashish trên toàn cầu - qua Ấn Độ đến London, Paris và Amsterdam. Ma túy được đóng gói giấu trong những kiện hàng cá đông lạnh đi vào Hà Lan, qua Singapore và Hồng Công; băng qua Đại Tây Dương đến Mỹ và Canada.

Theo Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA), Afridi là nhà cung cấp chính cho mạng lưới buôn ma túy lớn nhất ở Pakistan. Do đó, DEA gọi tập đoàn của Afridi là "tổ chức duy nhất buôn lậu hashish và hêrôin sinh lợi nhất ở Pakistan". Những con số thật ấn tượng: 57 tấn hashish đến Hà Lan chỉ trong một chuyến hàng, 30 tấn hashish đến California và một lượng khổng lồ hêrôin vòng quanh thế giới.

Năm 1997, Afridi bị buộc tội buôn lậu hashish và lãnh án 5 năm tù cộng với mức tiền phạt là 100.000usd. Mặc dù vậy, bố già Pakistan chỉ ngồi tù 2 năm ở Mỹ và chỉ trả... 425USD. Năm 1999, Afridi bị trục xuất từ Mỹ về Pakistan, tại đây ông ta lại bị bắt giữ bởi vụ án buôn lậu ma túy trước đó. Dù bị tuyên án 7 năm tù ở Pakistan, nhưng Afridi được thả vào ngày 11/9/2001 một cách khó hiểu.

Afridi quay trở về Khyber và bắt đầu gầy dựng lại tiếng tăm của mình. Lần này không còn là những chuyến hàng hashish và hêrôin nữa. Afridi đã tìm thấy con đường làm ăn mới, chỉ bị phạt nhẹ và dễ thu lợi nhuận - đó là buôn lậu thuốc lá! Lúc này không ai muốn nói đến cái tên Afridi ở Pakistan nữa, các phóng viên cũng không viết về Afridi và ngay cả Cảnh sát Pakistan cũng kín tiếng về ông ta

Trần Phong (tổng hợp)
.
.