Tiết lộ về các cặp “anh em khủng bố”

Thứ Tư, 13/04/2016, 10:35
Việc giới chức Bỉ xác định anh em Khalid và Ibrahim el-Bakraoui là hai kẻ đánh bom liều chết ở thủ đô Brussels khiến các điều tra viên và chuyên gia chống khủng bố đứng trước một câu hỏi liên tục lặp lại: Tại sao nhiều khủng bố là anh em ruột thịt?
Những cặp anh em khủng bố “trứ danh”

Gần như mọi vụ tấn công lớn ở phương Tây đều có một cặp anh em tham gia. Anh em nhà Bakraoui chỉ là một trong nhiều cặp anh em thực hiện các vụ tấn công khủng bố gần đây. Trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ, có tới 3 cặp anh em trong 19 tên không tặc cướp máy bay. Một nghiên cứu cho thấy có tới 30% thành viên khủng bố có quan hệ gia đình.

Đối với các nhóm khủng bố, tuyển mộ được các phần tử là anh em là điều lý tưởng. Vì là anh em ruột thịt nên chúng dễ cực đoan hóa lẫn nhau, dễ chia sẻ mục đích, chung tư tưởng. Chúng đóng vai trò là người giám sát để đảm bảo người kia thực hiện vụ tấn công.

Anh em khủng bố cũng là một thách thức lớn với lực lượng thực thi pháp luật. Do là người một nhà nên chúng có thể liên lạc dễ dàng mà không cần dùng điện thoại di động vốn dễ bị theo dõi. Mối quan hệ máu mủ thường đảm bảo rằng người này không phản bội người kia hay ra khai báo với chính quyền về âm mưu, cho dù điều này không phải luôn luôn đúng.

Ông Audrey Kurth Cronin, một học giả thuộc Đại học George Mason, nói: “Anh em sẽ có khả năng cùng hấp thu một thông điệp cực đoan và chúng có thể thảo luận, suy nghĩ cùng nhau về điều đó. Nếu bạn có thể trông cậy vào một thành viên gia đình để cùng thực hiện âm mưu, có ít khả năng là họ sẽ báo cảnh sát. Đó là vấn đề an ninh và lòng tin”.

Vụ khủng bố Brussels do hai anh em Khalid và Ibrahim el-Bakraoui thực hiện nghiêm trọng vì vụ việc có liên hệ với vụ khủng bố ngày 13-11-2015 ở Paris. Anh em nhà Bakraoui bị nghi cùng thuộc nhóm khủng bố với Salah Abdeslam – kẻ bị bắt ở Brussels và là người tham gia trực tiếp duy nhất còn sống sau vụ khủng bố Paris. Anh trai Abdeslam là Ibrahim đã kích đai thuốc nổ tại một quán cà phê trong vụ khủng bố Paris.

Salah (trái) và anh trai Ibrahim Abdeslam.

Danh sách anh em khủng bố trong các vụ trước đó cũng không ít. Tháng 1-2015, anh em nhà Kouachi là Cherif và Said đã nã súng hạ gục 12 người trong văn phòng tòa soạn tạp chí châm biếm Pháp Charlie Hebdo. Trước nữa, hai anh em nhà Tsarnaev tên là Dzhokhar và Tamerlan đã đánh bom một giải chạy marathon ở Boston năm 2013.

Theo ông J. M. Berger, nhà phân tích về khủng bố là đồng tác giả cuốn “ISIS: Quốc gia khủng bố”, chủ nghĩa cực đoan bạo lực lan truyền qua tiếp xúc xã hội và đối với hầu hết mọi người, anh chị em ruột là một phần lớn, quan trọng trong môi trường xã hội quanh họ. Bạn cảm thấy bạn có thể nói chuyện với anh chị em ruột về các vấn đề bạn không thể thảo luận với người khác”.

Thông thường, khi một trong hai người thấm nhuần một tư tưởng nào đó, người đó sẽ chia sẻ với người kia. Thường là người anh sẽ ảnh hưởng tới người em dù không phải lúc nào cũng như vậy. Như trường hợp vụ thảm sát ở Charlie Hebdo, các điều tra viên cho rằng người em Cherif mới là kẻ cực đoan hơn.

Hai anh em Said (trái) và Cherif Kouachi.

Trong trường hợp vụ đánh bom ở Boston, hai anh em thủ phạm sinh ra trong một gia đình nhập cư người Chechen. Nhìn bề ngoài, Dzhokhar vốn là một sinh viên đại học nên đã hòa nhập tốt hơn với xã hội Mỹ, giao tiếp xã hội nhiều hơn là người anh trai Tamerlan có vẻ ngoài khó gần, hay gặp rắc rối. Luật sư bảo vệ cho Dzhokhar Tsarnaev đã tìm cách chứng minh với tòa rằng hắn bị anh trai ép tham gia âm mưu. Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn ở bang Massachusetts đã bác bỏ lập luận này và đề nghị án tử hình.

Dễ dàng qua mặt lực lượng an ninh

Bà Mia Bloom, đồng tác giả cuốn “Tất cả một nhà: Điều cơ bản về anh em khủng bố” cho biết có rất nhiều trường hợp trong đó một phần tử thánh chiến này kết hôn với em gái, chị gái của một phần tử thánh chiến khác để xây dựng liên minh. Bà Bloom nói: “Các nhóm này luôn lo ngại bị xâm nhập. Khi có một thành viên gia đình tìm cách gia nhập, đó là một cơ chế gắn kết tuyệt vời. Vì lúc đó chúng biết chúng có thể tin cậy người mới”.

Để thực hiện một chiến dịch, các anh em khủng bố có thể hoạt động song song. Như vụ Charlie Hebdo, anh em nhà Kouachi cùng nhau ập vào văn phòng tòa soạn báo để thảm sát. Hay như trong vụ 11-9, ba cặp anh em người Saudi Arabia lúc đầu ngồi cạnh nhau trên các máy bay mà chúng khống chế để bắt phi công cho lao máy bay vào tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc. 

Ủy ban quốc gia về vụ 11-9 cho biết một trong số các tên không tặc là Nawaf al-Hazmi đã cầu xin Osama bin Laden để em trai là Salem cùng tham gia vụ tấn công. Chúng ngồi ở hàng ghế thứ 5 trên chuyến bay 77 của Hãng American Airlines hướng tới Washington.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của bà Bloom, đa phần các cặp anh em khủng bố thường được chủ ý cử đi thực hiện nhiệm vụ ở các địa điểm khác nhau. Nguyên nhân chúng phải tách ra là vì người điều khiển sợ rằng nếu để hai anh em cùng tới một chỗ, người này có thể thuyết phục người kia bỏ cuộc. Còn trong trường hợp mỗi người một nơi, chúng sẽ làm đến cùng vì không muốn anh/em thất vọng và không thể đối mặt với thực tế bỏ cuộc để sống mà anh/em đã chết. Như trong vụ khủng bố ở Paris, trong khi Salah Abdeslam lái xe chở đồng bọn tới sân bóng đá thì Ibrahim Abdeslam tới một quán cà phê để kích nổ.

Một vụ khác mà hai chị em cũng mỗi người tới một nơi đó là vụ đánh bom liều chết ở Nga năm 2004. Amanat Nagayeva đã cho nổ tung thân mình trên một chuyến bay từ Moscow tới Volgograd khiến toàn bộ người trên máy bay thiệt mạng. Một tuần sau, em gái cô ta là Rosa cũng đánh bom liều chết bên ngoài ga tàu điện ngầm Rishkaya ở Moscow.

Trước mối nguy hiểm của các cặp anh, chị em khủng bố, giới chức thực thi pháp luật tỏ ra lúng túng trong phát hiện nhóm khủng bố cùng gia đình. Ông John Cohen, cựu điều phối viên chống khủng bố của Bộ An ninh nội địa, thừa nhận điểm yếu: “Khả năng chống khủng bố truyền thống của chúng ta chỉ dừng lại ở việc phát hiện liên lạc và tương tác giữa kẻ tấn công và tổ chức chỉ huy, kiểm soát chúng”.

Các nhà tâm lý nghiên cứu khủng bố cho rằng việc khủng bố thường đi thành đôi (anh em hoặc vợ chồng) có thể là do khủng bố đã điều chỉnh cách hoạt động để tránh các biện pháp an ninh. Hai người cùng thực hiện không những giúp tăng khả năng gây thiệt hại về người và của mà còn khó có khả năng bị phản bội do mối quan hệ ruột thịt, thân cận.

Về xu hướng trong tương lai, bà Bloom cảnh báo rằng các phần tử cực đoan đang tìm cách tuyển mộ nguyên cả gia đình ở châu  Âu. Toan tính này báo hiệu khả năng một cuộc “cách mạng” khác đang hình thành trong chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo. Bà nói: “Nếu bây giờ chúng ta chứng kiến rất nhiều cặp anh em tấn công khủng bố thì xu hướng chúng tôi dự đoán trong tương lai là bố mẹ và con cái”.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.