Tình báo Mỹ tham gia chống buôn lậu động vật hoang dã

Thứ Ba, 05/05/2015, 15:00
Một số cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ đang chia sẻ thông tin tình báo và nhân sự để phối hợp phá vỡ các đường dây buôn lậu động vật hoang dã quốc tế, tương tự như cách phối hợp chống buôn người và ma túy.

Ngành buôn lậu động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã đang là ngành kiếm tiền béo bở, không thua kém gì buôn người và buôn ma túy. Mỗi năm, bọn buôn lậu động vật hoang dã bỏ túi trên 20 tỉ USD nhờ buôn lậu đủ thứ, từ ngà voi, sừng tê giác cho đến bao tử một loài cá quý hiếm ở Mexico.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng bảo vệ động vật hoang dã trên thế giới đã gặp vô vàn khó khăn trong việc truy lùng và triệt xóa các đường dây săn bắt, giết hại và buôn lậu động vật hoang dã. Các chuyên gia ở Cục Bảo vệ cá và động vật hoang dã Mỹ (FWS) cho biết, vì không được sự hỗ trợ của ngành tình báo nên việc săn lùng bọn buôn lậu như "mù đi đêm", khiến cho các loại động vật hoang dã quý hiếm như tê giác, voi châu Phi,… đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Ngà voi châu Phi đang là món hàng thịnh hành của bọn buôn lậu động vật hoang dã.

Để giải quyết các khó khăn trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một chỉ thị hành pháp xem nạn buôn lậu động vật hoang dã như một mối đe dọa đến an ninh quốc gia và kêu gọi phối hợp tổng lực giữa các cơ quan của chính phủ. Động thái này được đánh giá là bước đi theo kịp sự phát triển liên tục của bọn tội phạm. Thực thi chỉ thị của Tổng thống Obama, các cơ quan Chính phủ Mỹ đã triển khai một kế hoạch chống buôn lậu động vật hoang dã, trong đó đặt ra nhiệm vụ phối hợp hành động giữa các cơ quan như FBI và DEA (Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ) với FWS.

Crawford Allan, một chuyên gia của Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), tin tưởng với kế hoạch nêu trên, các cơ quan chức năng của Mỹ sẽ từng bước xâu chuỗi các sự kiện, chi tiết để dựng lên một bức tranh hoàn chỉnh về vấn nạn buôn lậu động vật hoang dã.

FWS đã bắt đầu hành động bằng việc cử các đặc vụ đến những quốc gia "nguồn" của hoạt động buôn lậu động vật hoang dã. Đến nay, cơ quan này đã cử một đặc vụ đến Thái Lan, và sắp tới sẽ tiếp tục cử đặc vụ đến Tanzania, Botswana và Peru. Nhiệm vụ của các đặc vụ này là xây dựng một mạng lưới thu thập thông tin tình báo, thông qua kênh ngoại giao để vận động ngăn chặn nạn buôn lậu.

Trong khi đó, việc thu thập thông tin tình báo sẽ được tiếp tục một cách bí mật tại những phòng thí nghiệm như tại Đại học Washington ở Seattle. Tại đó, các nhà bảo tồn động vật hoang dã như Samuel Wasser sẽ tiến hành phân tích ADN từ những chiếc ngà voi tịch thu được để xác định nguồn gốc xuất xứ của chúng. Nạn buôn bán ngà voi ngày càng gia tăng khiến cho số lượng ngà voi tịch thu được gửi vào các phòng thí nghiệm cũng tăng theo, công việc của các chuyên gia phân tích ADN cũng nhiều hơn. Nguồn tài trợ kinh phí cho các phòng thí nghiệm như thế này từ nhiều cơ quan khác nhau, như Bộ Ngoại giao Mỹ và cả các quỹ tư nhân.

Sừng tê giác quý hiếm cũng đang có nhu cầu rất cao.

Từ những phân tích thông tin tình báo và ADN có thể xác định địa bàn có voi, đồng thời xác định được những đường dây tội phạm có tổ chức và phạm vi hoạt động của chúng. Các kết quả phân tích tình báo cho biết, đa phần ngà voi châu Phi đến từ 2 vùng: phía nam khu vực Đông Phi và phía tây khu vực Trung Phi. Đây là hai vùng tập trung đàn voi đông nhất châu Phi. Ngoài ra, dĩ nhiên còn những nơi khác với số lượng voi bị giết ít hơn. Trong khi đó, tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến (CADS) ở Washington, các chuyên gia cũng thực hiện những nghiên cứu nhằm xác định bằng cách nào ngà voi được xuất ra khỏi châu Phi, và cũng đưa ra kết luận về 2 vùng có nhiều voi bị giết như trên. Ông Wasser kết luận, những thông tin như thế khi kết hợp lại với nhau sẽ giúp giải quyết được những vấn đề tưởng như không thể nào truy ra được, và tác động của việc đó sẽ vô cùng lớn.

Khi triển khai hoạt động phối hợp giữa các cơ quan dĩ nhiên sẽ cần thêm nhiều điệp viên, đặc vụ có kiến thức và được đào tạo về động vật hoang dã. Yêu cầu khó khăn nhất đối với một điệp viên chống buôn lậu ngà voi là khi nhìn thấy một món đồ làm bằng ngà voi thì phải xác định được nguyên liệu ngà voi đó có xuất xứ từ đâu, nó được nhập vào một quốc gia bằng con đường nào, trong hoàn cảnh nào. Nó được trao đổi, mua bán hay buôn lậu? Hay nó chỉ đơn giản là một món đồ cá nhân?

Đó là công việc thường ngày của các đặc vụ FWS được biệt phái đi các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, các đặc vụ này còn tham gia huấn luyện cho các đồng nghiệp tại các địa phương họ đến công tác. Trong trường hợp này, việc xây dựng niềm tin trong hợp tác là điều quan trọng nhất, có thể quyết định thành bại của công việc.

Nguyên Khang (theo ABC News)
.
.