Tình tiết mới trong vụ án “cố ý làm trái…” ở Nông trường Sông Hậu

Thứ Tư, 14/05/2008, 10:30
Ngày 25/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Cần Thơ đã phát hiện một số người là thủ quỹ, kế toán, từng làm việc hoặc hiện vẫn đang làm việc tại Nông trường Sông Hậu (NTSH), đã lén lút tẩu tán một số hồ sơ, tài liệu lên quan đến những vấn đề mà Cơ quan điều tra đang xác minh, làm rõ về những sai phạm ở nông trường.
>>Đằng sau những "thành công" của Nông trường

Vì vậy, Cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp 4 điểm cất giấu tài liệu của những đối tượng vừa nêu...

Tẩu tán tài liệu…

Bốn đối tượng này Nguyễn Thị Bích Sơn, nguyên thủ quỹ của NTSH từ năm 2002 trở về trước, Hoàng Thị Bích, hiện là kế toán NTSH và Nguyễn văn Sơn, kế toán nông trường. Cả ba người này đều cư trú ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Trong quá trình khám xét, Cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều hồ sơ, chứng từ liên quan trực tiếp đến nguồn thu từ đất quỹ, đất mượn với số tiền là hơn 33 tỉ đồng.

Cũng trong ngày này, một số cán bộ thuộc NTSH đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan điều tra những chứng cứ, nhằm mục đích làm rõ các số liệu liên quan đến các sai phạm trong việc lập qũy trái phép ở nông trường.

Từ những vụ việc này, chúng tôi  đã có cuộc tiếp xúc với bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc NTSH tại một bệnh viện ở TP HCM, nơi bà đang nằm điều trị vì các chứng bệnh tiểu đường, mỡ trong máu, suy động mạch vành tim, sơ nhiễm lao phổi. Mặc dù nằm viện nhưng trong phòng bệnh, bà Sương vẫn chuẩn bị sẵn những chồng hồ sơ dày cộp, tất cả đều liên quan đến những vụ việc ở nông trường.

Căn cứ theo kết quả thanh tra, thì đoàn thanh tra đề nghị làm rõ, quy trách nhiệm, khắc phục hậu quả các vấn đề: NTSH nhận chuyển nhượng đất nhưng để cá nhân đứng tên, chi ứng tiền cho cá nhân san lấp mặt bằng, phiếu thu tiền bán đất không thể hiện trong sổ sách, thanh toán khống, nhận tiền 2 lần, hỗ trợ chênh lệch giá lúa đào vuông nuôi cá cho hợp đồng viên nhưng các trưởng khu nhận tiền mà không cung cấp được chứng từ có chữ ký người nhận, các hợp đồng bán hàng cho Công ty Kim Hải, Công ty Gia Kiệm, Công ty Cổ phần Xuất khẩu và Xây dựng công trình, Công ty Zao H&M (ở Nga), Công ty Hepet Foods Tuef Imp (Đài Loan), Công ty Asia Pacific Garden (Malaysia), Công ty Line Collection và ông Võ Văn Sang, việc ông Phạm Thanh Dũng và Nguyễn Văn Minh thu tiền bán hàng nhưng không nộp...

Ngày 20/3/2008, Thành ủy TP Cần Thơ đã họp, để nghe thanh tra báo cáo về những sai phạm nêu trong bản kết luận số 28. Qua nhiều ý kiến phân tích của đại diện các cơ quan, ban, ngành dự họp, đa số đều nhất trí chuyển một số nội dung vi phạm nguyên tắc quản lý sang Cơ quan điều tra để làm rõ.

Trong buổi họp này, Thành ủy TP Cần Thơ khẳng định chủ trương, trước sau như một là giữ vững, ổn định và phát triển NTSH, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước.

Sau đó, ngày 25/3, rồi ngày 1/4, UBND TP Cần Thơ giao Thanh tra thành phố, chuyển hồ sơ kết luận thanh tra NTSH cho Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Cần Thơ, gồm những vụ việc sử dụng 33 tỉ đồng tiền thu từ đất quỹ, đất mượn, các hợp đồng mua bán bị chiếm đoạt, mua bán đất ngoài nông trường. 8 giờ ngày 7/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an Cần Thơ đã tiếp nhận hồ sơ này và ngày 9/4, Đại tá Lê Hùng, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Bà Trần Ngọc Sương nói gì?

Trao đổi với bà Trần Ngọc Sương, câu hỏi chúng tôi đặt ra, là những vấn đề  mà UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo cho thanh tra  chuyển đến Cơ quan Công an. Bà Sương cho biết đã 3 lần giải trình bằng văn bản, nhưng đều bị bác.

Bà nói: “Thời điểm đó, tôi chưa nhận được bản kết luận, nhưng nó đã bị ai đó rò rỉ ra báo chí, gây bất lợi cho nông trường khi mà nông trường vẫn đang làm ăn, quan hệ, giao dịch bình thường với các đối tác trong, ngoài nước”.

Theo kết luận thanh tra – và sau này cũng chính là một trong những nội dung khởi tố vụ án “cố ý làm trái...” của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Cần Thơ, thì NTSH đã mua nhà đất bên ngoài để 7 cá nhân đứng tên với 32 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổng cộng 200.968m2 cùng 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà.

Bà Trần Ngọc Sương giải thích: “Nếu nông trường đứng ra mua thì người bán đòi giá cao. Vì vậy, tôi phải cho người của nông trường, giả như dân thường để mua được đúng giá và người mua chỉ đứng tên hộ”. Khi chúng tôi hỏi về thủ tục của việc mua bán này, bà Sương nói: “Mới chỉ làm thủ tục mua bán tại xã chứ chưa sang tên. Còn 32 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được NTSH ghi vào sổ sách”.

Việc mua bán đất đai, nhà cửa như thế nào, có vào sổ sách hay không thì rồi đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Cần Thơ sẽ làm rõ. Cũng liên quan đến vấn đề sai phạm, chúng tôi hỏi về việc xóa nợ 7,6 tỉ đồng cho 20 người, thì bà Trần Ngọc Sương nói: “Nguyên tắc tài chính cho phép xóa nợ đối với người chết, với nợ khó đòi. Ở đây, khi mua bán với các đối tác – nhất là đối tác nước ngoài hoặc trung gian, thì phải chi hoa hồng.

Tuy nhiên, người nhận hoa hồng lại không chịu ký vào bất cứ một giấy tờ gì hết nên khi các em nó xin tạm ứng, nhưng sau đó không thể chứng minh được số tiền đó là tiền chi hoa hồng nên làm sao hoàn ứng? Vì vậy, tôi phải xóa nợ”.

Riêng  khoản thu 33 tỉ đồng từ đất quỹ, đất mượn, bà Trần Ngọc Sương giải thích: “Khi người dân làm hợp đồng nhận khoán, thì phải đóng vào quỹ bảo hiểm hợp đồng. Số tiền 33 tỉ đồng này hầu hết là lúa, mỗi hécta làm 2 vụ, đóng 1 tấn lúa/năm và có sự thỏa thuận của cả đôi bên – nông dân và nông trường - NTSH dùng tiền ấy để hỗ trợ bà con khó khăn, phúc lợi xã hội và trả lãi ngân hàng”.

Tuy nhiên, sau khi tiến hành thanh tra, bản kết luận thanh tra đã nhận định: “Thu và sử dụng nguồn thu đất mượn, đất quỹ là chủ trương do nông trường tự đặt ra, theo đó việc giao khoán đất phải thông qua hợp đồng và chỉ có một định mức thu khoán. Đồng thời nông trường không báo cáo được việc chi sử dụng nguồn thu này với số tiền tổng thu từ năm 1994 đến năm 2005, là 33 tỉ đồng”.

Bên cạnh những hành vi cố ý làm trái, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của NTSH, thì một vài vụ việc khác dẫn đến nợ nần, thiệt hại, có lẽ phát xuất từ suy nghĩ chủ quan, cũng như  không cân nhắc đến các yếu tố khoa học, kỹ thuật.

Lấy thí dụ như dự án nuôi cá trong ruộng lúa chẳng hạn, nhiều chuyên gia trong ngành nuôi trồng thủy sản đều cho rằng nếu chỉ nuôi ở một diện tích nhỏ, nuôi như nguồn kinh tế phụ bên cạnh cây lúa thì còn khả thi, chứ đem áp dụng trên quy mô lớn, vài nghìn hécta thì thất bại là cái chắc bởi lẽ cá nuôi trong ruộng lúa phần lớn là loại cá rô, rô phi, trê, lóc, giá trị thương phẩm không cao lắm.

Đã vậy, môi trường nước lại không ổn định vì tùy từng thời điểm, nông dân phải tháo bớt nước ra để khỏi làm úng lúa. Bên cạnh đó, vật nuôi còn chịu tác động của phân bón, thuốc trừ sâu và đến khi cây lúa “ngậm sữa”, thì dù muốn dù không cũng phải thu hoạch bởi lẽ lúc ấy nước không còn đủ cho cá sống.

Tuy nhiên, khác với nuôi cá trong ao, hồ - là bơm hết nước ra rồi xúc, cào -  cá nuôi trong ruộng lúa phải huy động nhiều người để lùng bắt từng con nếu không muốn làm hư hại cây lúa. Nhưng đào đâu ra người để bắt hết cá trên một diện tích vài nghìn hécta trong một khoảng thời gian nhất định.

Đã thế, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, người nổi tiếng với tên gọi "Ông già ôzôn" đặt câu hỏi: "Nếu cá nuôi trong cả nghìn hécta một lúc ấy bị bệnh thì sao?".

Không thể phủ nhận rằng NTSH một thời đã là niềm tự hào cho Cần Thơ nói riêng, và cho đồng bằng sông Cửu Long nói chung bởi lẽ nó đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người, và chiếm giữ một tỉ trọng đáng kể trong xuất khẩu gạo. 

Vì thế, trước những sai phạm của một số cá nhân mà luật pháp sẽ xử lý nghiêm minh, thì cũng rất cần đến những biện pháp nhằm ổn định tư tưởng và cuộc sống của nông trường viên, đồng thời vạch trần và xử lý với những phần tử lợi dụng cơ hội, cầm đầu, kích động khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội...

Vũ Cao
.
.