Tổ chức cấm vũ khí hóa học quốc tế

Thứ Năm, 10/01/2008, 16:15
Ngày 14/12 vừa qua, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học quốc tế (OPCW) đã chính thức chỉ định thành lập Phòng Thực nghiệm thanh sát vũ khí tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là phòng thực nghiệm thứ hai của OPCW tại Trung Quốc tiếp sau Phòng Thực nghiệm phân tích hóa học Viện Nghiên cứu chống chiến tranh hóa học Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Việc thành lập phòng thực nghiệm này khiến Trung Quốc trở thành nước ký kết công ước cấm vũ khí hóa học quốc tế thứ hai trên thế giới cùng lúc có 2 phòng thực nghiệm chỉ định tiếp sau Mỹ.

Là tổ chức quốc tế về cấm sử dụng vũ khí hóa học đặt trụ sở tại Hà Lan, OPCW được thành lập năm 1997 với mục đích giám sát việc thực hiện Hiệp ước Quốc tế về vũ khí hóa học (CWC).

Theo định nghĩa quốc tế, vũ khí hóa học là loại vũ khí sử dụng chất hóa học độc tính cao và tác dụng nhanh (thường là chất độc quân sự) gây tổn thương, nguy hại trực tiếp cho người, động vật và cây cỏ. Loại vũ khí này là một trong những loại vũ khí hủy diệt lớn gây chết người hàng loạt. Chỉ cần một giọt nhỏ vũ khí hóa học cũng có thể giết chết một người trưởng thành trong vòng vài phút.

Trước sự nguy hiểm khủng khiếp của vũ khí hóa học mà Hiệp ước CWC đã được ra đời. CWC quy định cấm các quốc gia thành viên phát triển, sản xuất, dự trữ, chuyển nhượng và sử dụng vũ khí hóa học. CWC cũng quy định thời gian phá hủy vũ khí hóa học đối với những thành viên tham gia Hiệp ước CWC.

Tổ chức OPCW với sứ mạng to lớn của mình cố gắng loại bỏ hoàn toàn hiểm họa từ vũ khí hóa học. Các thanh tra viên OPCW có nhiệm vụ sát cánh cùng các quốc gia thành viên, cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật nhằm bảo quản kho vũ khí hóa học và các bước đảm bảo quá trình tiêu hủy an toàn. Sự hợp tác trên quy mô quốc tế về vũ khí hóa học nhằm một mục đích tốt đẹp: hướng tới một nền hòa bình cho nhân loại.

Trên thực tế, OPCW ra đời vào năm 1997 nhưng lễ ký kết Hiệp ước CWC đã diễn ra trước đó. Trong 3 ngày, từ 13 đến 15/1/1993, tại thủ đô Paris, Pháp, chủ tọa là cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterrand. 130 nước thành viên đã cùng nhau ký vào Hiệp ước CWC.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) lúc bấy giờ là ông Boutros Boutros-Ghali là người đóng vai trò giám sát viên cao cấp. Hiệp ước CWC chính thức có hiệu lực kể từ ngày 29/4/1997.

Tính đến ngày 19/9/2006, OPCW đã có 179 thành viên, gồm tất cả các quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, tất cả các nước có ngành hóa học phát triển và các nước từ mọi khu vực trên thế giới.

Hiệp ước CWC là một thành công vang dội. Các quốc gia thành viên cùng cam kết giải trừ quân bị theo đúng lộ trình đặt ra và vũ khí hóa học sẽ được phá hủy an toàn trong thời hạn sớm nhất có thể. OPCW cũng quy định rất rõ ràng cách thức phá hủy vũ khí hóa học nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và môi trường xung quanh.

6 quốc gia thành viên đầu tiên ký hiệp ước đã cam kết phá hủy số lượng vũ khí hóa học lên đến 8.670.000 đơn vị bao gồm cả đạn dược và các côngtennơ hóa chất. Tổng khối lượng vũ khí hóa học được thiêu hủy là 71.000 tấn.

OPCW tổ chức họp tất cả thành viên hàng năm. Hội đồng Ủy viên gồm đại diện của 41 quốc gia nhóm họp 4 lần mỗi năm và thường xuyên tổ chức các cuộc hội đàm không chính thức. Bộ phận kỹ thuật của OPCW gồm hơn 500 người luôn túc trực và cung cấp các chỉ dẫn cũng như hỗ trợ liên quan đến hóa học và vũ khí hóa học.

Hình ảnh về hoạt động của OPCW.

Trong thực tế, ngoài lĩnh vực quân sự thì con người đã và đang duy trì ngành công nghiệp hóa học nhằm sản xuất ra các hóa chất sử dụng trực tiếp hoặc kết hợp với các thành phần, hợp chất khác để tạo ra những sản phẩm thông dụng như thuốc diệt côn trùng, dung dịch tẩy rửa nhà vệ sinh... Đó cũng là những hóa chất mà nếu sử dụng không đúng cách hoặc quá liều đều gây ra những độc hại, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe và môi trường.

Hàng năm, các quốc gia thành viên của OPCW vẫn có nhiệm vụ công bố số liệu đều đặn về số vũ khí hóa học nhằm xây dựng lộ trình đảm bảo vô hiệu hóa toàn bộ, vũ khí hóa học gây ngạt (nhóm 1), vũ khí hóa học gây tổn thương thần kinh (nhóm 2), vũ khí hóa học gây loét da (nhóm 3).

Cho đến nay, một số quốc gia thành viên của tổ chức OPCW đã và đang có chương trình tiêu hủy vũ khí hóa học. Ngày 11/7/2007, tất cả vũ khí hóa học dự trữ ở Albania đã được phá hủy hoàn toàn; Ấn Độ cũng đã vạch lộ trình là muộn nhất đến 28/4/2009 sẽ phá hủy tất cả vũ khí hóa học.

Cho tới nay, Ấn Độ đã thực hiện xuất sắc 80% kế hoạch phá hủy an toàn vũ khí hóa học nhóm 1 và 100% vũ khí hóa học nhóm 2 và 3; Libya cũng lên hạn phá hủy tất cả vũ khí hóa học nhóm 1 muộn nhất đến ngày 31/12/2010, nhóm 2 vào ngày 31/12/2011 (tỉ lệ hiện tại đạt 37%) và đã hủy toàn bộ số vũ khí hóa học nhóm 3; Số vũ khí hóa học nhóm 1 của Nga công bố lên đến hơn 40.000 tấn và kế hoạch phá hủy hoàn thành trước ngày 29/4/2012.

Hiện nay, Nga đã thực hiện được 22% kế hoạch ước tính tương đương khoảng 8.000 tấn vũ khí hóa học đã được phá hủy. Vũ khí hóa học nhóm 2 và 3 cũng đã phá hủy hoàn toàn. Cùng với Nga, Mỹ là một quốc gia thành viên sở hữu nhiều vũ khí hóa học nhất thế giới cũng đã kịp thời đề ra hạn chót cho việc phá hủy vũ khí hóa học nhóm 1 là ngày 29/4/2012.

Hiện tại, Mỹ đã thực hiện được 45% kế hoạch. Số vũ khí hóa học nhóm 3 đã được phá hủy hoàn toàn. Tại một số các quốc gia khác, vũ khí hóa học nhóm 3 cũng đã được phá hủy toàn bộ, và tỉ lệ phá hủy vụ khí hóa học nhóm 1 đã thực hiện đến 90%. Đến hết ngày 31/12/2008, số vũ khí nhóm 1 cũng sẽ được phá hủy toàn bộ.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký kết và đã trở thành thành viên chính thức của OPCW từ ngày 30/10/1998

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.