Phần lớn thủ phạm đánh bom tự sát của Boko Haram là phụ nữ

Thứ Sáu, 25/08/2017, 16:18
9 giờ sáng ngày 26-6-2017, lúc mặc chiếc áo bom vào người, Fatima Margi mới chỉ là một cô bé 12 tuổi. Trước đó, cô đã được Ibibiri, chỉ huy một nhóm Boko Haram ở Maiduguri, đông bắc Nigeria thuyết giảng rằng đức Allah đang dang tay chờ cô trên thiên đàng, nơi cô sẽ có một cuộc sống vĩnh cửu.

Khi bước lên chiếc xe tải đến địa điểm đánh bom tự sát, Fatima Margi vẫn giữ nụ cười trên môi cùng câu nói: "Vì Allah", như thể chuyến đi này chỉ như ra chợ mua sắm bình thường.

Nửa tiếng sau đó, chiếc áo bom trên người cô bé phát nổ trong khuôn viên Trường Đại học Maiduguri, gây thương vong cho 24 người…

Cải đạo, lấy chồng và đánh bom tự sát

Fatima Margi chỉ là một trong số 276 nữ sinh bị tổ chức khủng bố Boko Haram bắt cóc vào tháng 4-2014 tại một trường trung học ở thị trấn Chibok, bang Borno, Nigeria, và sau đó trở thành người đánh bom tự sát.

Một nữ sinh khác là Nnamdi, bỏ trốn rồi được quân đội Nigeria cứu thoát kể với tờ Newsweek: "Chỉ 1 tuần sau khi rơi vào tay Boko Haram, những người từ 12 tuổi trở lên đều bị buộc phải "lấy chồng" - là những chiến binh trong tổ chức này - và phải cải sang đạo Hồi. Sau đó, chính chồng họ huấn luyện cho họ cách kích nổ áo bom để đánh bom tự sát…".

Theo báo cáo của quân đội Nigeria, 6 tháng đầu năm 2017, đã có 80 vụ tấn công khủng bố như vậy xảy ra, tất cả thủ phạm đều là phụ nữ. Nhiều người trong đó là nạn nhân của các vụ bắt cóc, rất ít kẻ tự nguyện.

Đến đầu tháng 5-2017, thông qua trung gian của Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ, Boko Haram trả tự do cho 82 nữ sinh để đổi lấy những tay súng bị quân đội Nigeria bắt giữ nhưng con số cụ thể không được tiết lộ. Những nữ sinh này cho biết ít nhất 42 cô gái tuổi từ 12 đến 17, và 23 cô gái dưới 12 tuổi - là bạn học của họ -  đã sẵn sàng để thực hiện những vụ đánh bom.

Nếu không được quân đội Nigeria cứu thoát, những phụ nữ này sẽ trở thành kẻ đánh bom tự sát theo lệnh Boko Haram.

Một trong 82 nữ sinh ấy là Igala nói: "Họ cực kỳ tàn ác. Một số bạn tôi bị họ bán sang Chad và Cameroon - là 2 quốc gia kế cận Nigeria - để làm vợ cho những người có tiền hoặc làm nô lệ tình dục". Một nữ sinh khác là Manyika, 14 tuổi, kể thêm: "Tôi bị buộc phải lấy Uchigwe, 27 tuổi làm chồng. Ngày nào ông ta cũng dẫn tôi ra nhà thờ Hồi giáo để học luật Sharia. Những lúc còn lại, ngoài nấu ăn, giặt giũ quần áo, ông ta ép tôi phải phục vụ tình dục bất cứ khi nào ông ta muốn".

3 tháng sau khi trở thành vợ của Uchigwe, một hôm gã mang về chiếc áo khoác không tay nhưng có rất nhiều túi, trong mỗi túi đều có một đoạn gỗ cùng một mẩu dây điện nối vào một chiếc công tắc.

Manyika kể tiếp: "Nghe Uchigwe giải thích, tôi mới biết đó là mô hình của áo bom. Ông ta nói đức Allah đã chọn tôi để hy sinh cho ngài. Sau đó ông ta dạy tôi cách mặc áo, cách ngụy trang để không ai nhận ra, cách bấm nút kích nổ. Để đề phòng trong chúng tôi có người căm thù Boko Haram, sẽ cho nổ áo bom ngay sau khi mặc vào, họ chỉ tháo chốt an toàn khi chúng tôi đã gần đến mục tiêu…".

Phân tích các vụ đánh bom tự sát do nhóm Boko Haram tiến hành từ năm 2011, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm chống khủng bố, Học viện Quân sự West Point, Mỹ, nhận thấy ít nhất 244 trong số 338 vụ tấn công được thực hiện bởi phụ nữ, 60% dưới 17 tuổi, thậm chí có trẻ mới 7 tuổi cũng đã được huấn luyện để đánh bom.

Jason Warner, giảng viên thuộc học viện này cho biết: "Boko Haram là nhóm đầu tiên trong lịch sử khủng bố, sử dụng phụ nữ đánh bom tự sát và là cũng nhóm đi đầu trong việc bắt buộc trẻ em phải mặc áo bom. Trong 6 năm qua, đã có khoảng 35.000 người chết vì những vụ tấn công theo kiểu này. Phần lớn nạn nhân là những người Nigeria, người Cameroon, người Chad vô tội chứ không phải viên chức chính phủ hoặc quân đội".

Boko Haram là gì?

Tên chính thức bằng tiếng Arab của Boko Haram là "Jama atu ahlis sunna lidda awati wal Jihad - nghĩa là "Người cam kết truyền bá những lời giảng dạy của đấng tiên tri và thánh chiến", còn bản thân cụm từ Boko Haram theo thổ ngữ Hausa - một thổ ngữ thông dụng ở Nigeria - có nghĩa là "Chống lại nền giáo dục tội lỗi phương Tây".

Các tay súng Boko Haram ở đông bắc Nigeria.

Boko Haram ra đời năm 2001 ở thành phố Maiduguri, vùng đông bắc Nigeria, do Muhammad Yusuf, sinh năm 1970 tại bang Yobe, khởi xướng.

Thoạt đầu, nó chỉ là một nhóm nhỏ nghe theo lời rao giảng của Yusuf, nội dung thành lập một "nhà nước Hồi giáo theo kiểu Haram, lấy kinh Koran làm tư tưởng chỉ đạo, luật Sharia là bộ khung pháp lý". Không lâu sau đó, chịu ảnh hưởng của một loạt các phong trào Hồi giáo cực đoan nổi lên ở phía bắc Nigeria, Yusuf nhanh chóng chuyển từ hình thức họp hành rao giảng sang đấu tranh bạo lực.

Nguồn tài trợ chính để Boko Haram mua vũ khí vào thời điểm ấy đến từ tổ chức khủng bố Al Qaeda, chi nhánh Nigeria và nhóm khủng bố al-Shabaab ở Somalia. Tuy nhiên, do hiểu rõ thực lực vẫn còn yếu, trong suốt 8 năm - từ 2001 đến 2009 - Muhammad Yusuf tập trung vào việc tuyển người và gửi họ đi huấn luyện tại các căn cứ của al-Qaeda ở  Somalia, Yemen.

Tháng 7- 2009, từ  một vụ đụng độ nhỏ giữa các thành viên Boko Haram và cảnh sát bang Bauchi - dưới sự chỉ đạo của Yusuf - nó biến thành những vụ đấu súng kéo dài trong nhiều ngày rồi lan sang các bang Borno, Yobe, Kano, khiến hơn 800 người thiệt mạng. Đến cuối tháng 9, Yusuf bị quân đội Nigeria bắt và bị kết án tử hình. Abubakar Shekau lên thay và ngay lập tức, tháng 9-2010, Boko Haram đánh dấu sự trở lại bằng cuộc tấn công nhà giam bang Bauchi, giải thoát hơn 700 tù nhân, trong đó nhiều tay súng Boko Haram.

Kể từ đó, tên tuổi của Boko Haram bắt đầu được thế giới chú ý, nhất là sau vụ khủng bố nhắm vào trụ sở cơ quan đại diện của Liên Hiệp Quốc ở thủ đô Abuja, Nigeria, làm 25 người chết và bị thương hơn 100 người, xảy ra vào tháng 8-2011 với sự hỗ trợ của al-Qaeda. Đến tháng 1-2012, Boko Haram tấn công Kano, thành phố lớn nhất ở phía bắc Nigeria khiến hơn 150 người thiệt mạng. Tháng 2-2014, Boko Haram bắt cóc 276 nữ sinh tại một trường học ở thị trấn Chibok, bang Borno.

Cũng trong năm này, Boko Haram tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau khi IS chiếm được thành phố Mosul, Iraq. Gần đây nhất, tháng 1-2016, Boko Haram đánh vào hai khu trại tị nạn ở làng Dalori, nơi có hơn 25.000 người đang cư trú. Vụ tấn công chỉ cách Maiduguri, thành phố lớn nhất miền đông bắc Nigeria, là nơi ra đời của Boko Haram 5km.

Tại đây, các tay súng Boko Haram đã thiêu sống 148 người, trong đó có 47 trẻ em. Hậu quả là 86 người chết, 62 người bị bỏng nặng. Theo các quan sát viên quốc tế, "thành tích" này của Boko Haram thậm chí còn hơn cả IS! Chính phủ Mỹ liệt Boko Haram vào danh sách các tổ chức khủng bố toàn cầu, còn Chính phủ Nigeria thưởng 7 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc tiêu diệt hoặc bắt giữ Abubakar Shekau.

“Mang các cô gái lại cho chúng ta”

Sau khi Liên minh châu Phi (AU) thành lập lực lượng đặc nhiệm chống Boko Haram với sự tham gia của quân đội các nước Nigeria, Cameroon, Chad và Nigeria, thủ lĩnh Abubakar Shekau lập tức chuyển từ hình thái tấn công quy mô lớn để giành lãnh thổ sang đánh bom tự sát, trong đó các bé gái ưu tiên được chọn lựa vì dễ giấu bom trong người, ít bị để ý, đồng thời còn "tiết kiệm sinh mạng của những tay súng đàn ông".

Hiện trường vụ đánh bom tự sát ở chợ Maiduguri mà thủ phạm là một thiếu nữ 14 tuổi.

Ngày 17-2-2017, 7 phần tử Boko Haram -  trong đó có 6 phụ nữ đã cho nổ áo bom tại những nơi đông người lui tới như chợ, trường học, rạp hát… ở thành phố Maiduguri, và đã gây ra nhiều thiệt hại. Lời khai của một số tù binh Boko Haram cho thấy đây là một chiến dịch, được Abubakar Shekau đặt tên là: "Mang các cô gái lại cho chúng ta".

Jason Warner, giảng viên Học viện Quân sự West Point, Mỹ, nhận xét: "Hầu như ngay sau vụ bắt cóc 276 nữ sinh ở trường trung học Chibok, các vụ đánh bom tự sát mà thủ phạm là phụ nữ tăng vọt. Bằng cách này, Boko Haram muốn nâng cao vị trí của họ với những tổ chức khủng bố khác, đồng thời tạo ra sự kinh hoàng với người dân Nigeria, khiến họ không dám cung cấp thông tin cho cảnh sát và quân đội".

Bà Hilary Matfess, một nhà nghiên cứu chuyên sâu về tổ chức Boko Haram nói: "Sau mỗi vụ nổ, rất khó xác định được tuổi tác thủ phạm vì thân thể họ đã tan nát cùng quả bom. Báo chí cũng ít khi nào nhắc đến giới tính của họ. Việc tìm hiểu phải thông qua những phần tử Boko Haram đi theo hỗ trợ thủ phạm và đã bị bắt, hoặc những người đã trốn thoát khỏi tay Boko Haram cùng thân nhân họ".

Theo lời khai của Ozumba, một chiến binh Boko Haram đi theo để hỗ trợ và giám sát vụ đánh bom chợ Maiduguri, thì người đánh bom tự sát là một thiếu nữ 14 tuổi mà anh ta không biết tên: "Tất cả các vụ đánh bom xảy ra từ đầu năm 2017 đến nay đều do các cô gái thực hiện. Nhiệm vụ của tôi là đưa họ đến mục tiêu, tháo chốt an toàn trong áo bom rồi rút ra xa đợi kết quả. Trường hợp họ vào mục tiêu rồi mà vẫn không cho nổ thì tôi sẽ kích nổ ngòi nổ phụ bằng điện thoại di động".

Hiện tại, các viên chức chính quyền ở tỉnh Maiduguri, phối hợp cùng cánh sát, đã bắt đầu những đợt tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ, giúp họ dễ dàng nhận ra những kẻ đánh bom tự sát cùng giới tính.

Theo bà Hilary Matfess, chính sách này tốt: "Nhưng nó dễ dẫn đến sự kỳ thị với những phụ nữ bị Boko Haram cưỡng ép phải mặc áo bom mà may mắn còn sống. Họ sẽ gặp phải nhiều đối xử bất công trong cộng đồng vì chẳng ai xác nhận cho họ là họ có bị cưỡng ép thật hay không".

Vẫn theo bà Hilary Matfess, bà đã gặp một nhóm các thành viên nữ Boko Haram, đang bị giam trong một trại tù nhưng vẫn trung thành với cuộc nổi dậy. Một số thậm chí còn tình nguyện đánh bom tự sát.

Bà nói: "Đây là vấn đề nan giải vì một kẻ tự nguyện nếu bị bắt, sẽ dễ dàng "đổ thừa" rằng họ bị buộc phải làm". Còn các nhà quan sát nhân quyền quốc tế, quan điểm của họ là:  "Trẻ em - kể cả trẻ em gái và những người bị cưỡng ép phải đánh bom tự sát thì không thể coi họ là tội phạm. Các biện pháp chống lại hoặc ngăn ngừa những người này có thể khác với các chiến thuật đã được triển khai nhằm tiêu diệt nhưng kẻ tình nguyện đánh bom…".

Cao Trí (theo Nhân chứng Toàn cầu)
.
.