Tội phạm đầu trọc đang hoành hành ở Nga

Thứ Bảy, 06/10/2007, 08:35
Alexander Brod - Giám đốc Văn phòng Moskva về quyền con người - cho biết, hiện nay có hơn 140 băng nhóm tội phạm đầu trọc hoạt động ở Nga, với gần 1,5 triệu thành viên và đại đa số những vụ tấn công bạo lực đều do bọn này gây ra.

Các nhà xã hội học ở Trung tâm Nghiên cứu Levada nhận định bọn tội phạm đầu trọc hiện nay bùng phát không giống như bạo lực dân tộc trong thập niên 80 thế kỷ XX.

Tháng 2/2006, một cuộc tấn công đặc biệt của bọn đầu trọc ở thành phố St. Petersburg đã gây xôn xao dư luận Nga: nạn nhân là hai phụ nữ, một gốc Azerbaijan và một từ Kazakhstan. Cảnh sát cho biết, hai phụ nữ bị bọn đầu trọc đâm nhiều nhát và bọn chúng còn gào thét: “Nước Nga cho người Nga”.

Chưa đầy một tháng sau, cũng tại thành phố này, bọn đầu trọc đâm chết một người Kurd 22 tuổi và gây thương tích nặng cho chị của nạn nhân.

Đó là 2 vụ tấn công điển hình do bọn đầu trọc gây ra trong hàng loạt vụ bạo lực xảy ra tại Moskva và xung quanh 3 năm qua. Và, cho đến nay tình hình vẫn không có dấu hiệu lắng xuống.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Sova, tổ chức bảo vệ quyền con người đặt trụ sở tại Moskva, hơn 300 người là nạn nhân của loại tội phạm phân biệt chủng tộc này trong 6 tháng đầu năm 2007; trong đó 37 vụ gây chết người.

Chính quyền Nga cho biết, phần lớn mục tiêu của bọn tội phạm đầu trọc mới đây nhắm tới là dân nhập cư từ châu Phi, châu Á và vùng Kavkaz.

Sự hồi sinh của bọn tội phạm đầu trọc đang là vấn đề tranh cãi nóng bỏng hiện thời tại Nga. Kết quả điều tra thống kê cho thấy trên 53% dân số của Nga ủng hộ khẩu hiệu: “Nước Nga cho người Nga”! Người Chechen, Gypsy và Azeri nằm trong số những người nước ngoài bị bọn đầu trọc thù địch nhất.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và những nước có công dân bị phân biệt đối xử tại nước này cũng đang xấu đi. Ví dụ, Chính phủ Tajikistan đã bày tỏ mối lo âu sâu sắc về kết quả phiên tòa xét xử vụ án sát hại một cô gái người Tajik.

Có nhiều cách lý giải về hiện tượng bùng phát loại tội phạm phân biệt chủng tộc này. Ví dụ, tình hình kinh tế và xã hội của nước Nga mất ổn định sau khi Liên Xô tan rã.

Một yếu tố quan trọng khác là sự nhập cư ồ ạt trong thập niên 90 từ các quốc gia Trung Á, Kavkaz và Bắc Kavkaz. Giới quan sát nhận định vào giai đoạn này, những bất đồng và xung đột giữa người dân địa phương và dân nhập cư nổ ra do những khác biệt về lối sống và giá trị tinh thần các bên.

Do sự giảm sút đáng kể về các tiêu chuẩn sống, dân nhập cư giàu có bị dân địa phương thù ghét với lý lẽ rằng số người này đã giành lấy những môi trường kinh tế. Mặc dù trên thực tế, đa phần người nhập cư chỉ làm những công việc như công nhân quét đường, thợ xây dựng hay dọn rác.

Về mặt kinh tế và xã hội, tuyệt đại đa số dân nhập cư sống nghèo khổ hơn dân bản xứ. Ngoài ra vài biện pháp của chính quyền được thực thi nhằm giúp dân nhập cư hội nhập tốt hơn vào xã hội nước này đã gây bất bình cho người địa phương.

Nước Nga có ít nhất 10 nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan chủ trương bài ngoại và phân biệt chủng tộc. Một trong số các nhóm cực đoan lớn nhất và tồn tại lâu năm nhất là đảng Dân tộc Bolshevik – mới đây đã bị cấm hoạt động sau một phiên tòa xét xử.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhóm lớn nhanh và được thống kê là trong khoảng từ 10.000 đến 15.000 thành viên. Song, các nhóm cực đoan khá lu mờ so với phong trào đầu trọc - với hàng chục ngàn thành viên trong độ tuổi từ 13 đến 30 (có số liệu khác nhận định phần lớn bọn tội phạm đầu trọc trong khoảng tuổi giữa 15 và 17). Bọn đầu trọc tập trung đông đảo nhất tại các thành phố lớn như Moskva, St. Petersburg, Voronezh và Nizhni Novgorod.

Số thanh thiếu niên nguy hiểm này thường xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo sống ở các khu vực ổ chuột, và trong nhiều trường hợp là thành viên của các câu lạc bộ cổ động viên bóng đá hay các ban nhạc heavy rock. Bọn đầu trọc thường liên kết với các nhóm cực đoan trong các vụ tấn công bạo lực.

Brod, quan chức của Cơ quan bảo vệ quyền con người ở Moskva, cho biết, một lý do khiến phong trào cực đoan trong giới trẻ Nga phát triển mạnh trong thập niên qua là nước này không có luật chống chủ nghĩa cực đoan.

Lev Gudkov ở Trung tâm Levada cho biết 4% đến 6% công dân Nga trưởng thành thể hiện quan điểm phát xít chủ nghĩa một cách mạnh mẽ, ngược lại con số này lên đến 15% ở giới thanh thiếu niên – điều đó cho thấy tính không khoan nhượng về mặt chủng tộc hiện nay đã trở thành một bộ phận trong văn hóa nhóm tuổi này mạnh như thế nào.

Theo nhận định của Brod, “trước đây bọn chủ nghĩa dân tộc đứng ngoài rìa xã hội, nhưng bây giờ đã bước vào môi trường chính trị. Người ta nhận định sự hô hào “Nước Nga cho người Nga” là mối đe dọa cho tính đa văn hóa của xã hội nước này.

Mặc dù báo chí thường xuyên đưa tin về những vụ tấn công bạo lực và giết người của bọn phân biệt chủng tộc, song chính quyền Nga vẫn không thể giải quyết được vấn đề. Tổ chức Ân xá quốc tế nhận định chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong các thành phố lớn của Nga đang trong tình trạng ngoài vòng kiểm soát

T.T.P. (theo ABC)
.
.