Tội phạm gốc Albania “thao túng” châu Âu

Thứ Bảy, 13/02/2010, 12:40
Văn phòng Kiểm soát thuốc phiện và ngăn ngừa tội phạm thuộc Tổ chức Cảnh sát hình sự châu Âu (Europol) vừa có bản báo cáo đặc biệt về tình hình tội phạm tại bán đảo Balkan, một "điểm nóng" thường trực trên lục địa này.

Trước hết về nạn tội phạm hình sự, báo cáo tường trình của Europol đặc biệt lưu ý đến các tổ chức mafia "mới nổi" có nguồn gốc từ sắc dân Albania (cả ở Cộng hòa Albania lẫn phần đất Kosovo tách khỏi Cộng hòa Serbia), đồng thời nêu rõ: "Bọn tội phạm Albania chính là mối nguy lớn nhất mang hiểm họa thực sự cho cả châu Âu".

Hầu như toàn bộ lượng heroin tiêu thụ ở Liên minh châu Âu (EU) là do mafia gốc Albania thao túng. Trung bình hàng năm có hơn 100 tấn thuốc phiện các loại trị giá từ 25 đến 30 tỉ USD đi qua ngả Albania nhập lậu vào EU, hiển nhiên có sự "thông đồng - tiếp tay" từ phía các lực lượng chức năng như biên phòng và hải quan tại cả Albania lẫn Kosovo. Với vị trí địa lý đặc thù của miền đất này đã hình thành mạng lưới tội phạm có tổ chức lớn nhất bán đảo Balkan và cả Đông Nam châu Âu.

Ngoài ra, nạn buôn người cũng "bùng nổ" dưới vòng cương tỏa của mafia Albania. Mỗi năm có chừng 120 nghìn người nhập cư bất hợp pháp "quá cảnh" Balkan vào EU, để rồi biến thành những nhân công rẻ mạt, gái mại dâm... Báo cáo còn nhấn mạnh rằng, mối tương quan ngày càng mật thiết giữa thế giới tội phạm với các doanh thương và chính khách đang trở thành vấn đề nổi cộm trên toàn bán đảo Balkan.

Về tội phạm kinh tế, đầu tiên phải kể đến nạn tham nhũng vẫn mặc sức hoành hành tại miền đất này, mặc nhiên trở thành điều "quá đỗi bình thường" dưới con mắt người dân nơi đây. Có tới 85% doanh nhân Albania nhận định rằng, việc đưa và nhận hối lộ là chuyện phổ biến, con số tương ứng tại Cộng hòa Bosnia là 63%, còn ở Croatia là 49%.

Đặc biệt với hai quốc gia từng thuộc khối Đông Âu cũ tọa lạc trên bán đảo Balkan là Bulgaria và Romania thì tình hình càng trầm trọng hơn, có đến 2/3 tổng số các doanh nghiệp của hai nước này là nạn nhân của nạn tham nhũng có hệ thống. Một thực trạng đáng báo động vì cả Bulgaria lẫn Romania đều đã được kết nạp vào EU từ 3 năm trước, trong khi tệ quan liêu song hành với nạn hối lộ chẳng hề thuyên giảm

Q.Long (theo Europol)
.
.