Tội phạm ngoại giả danh cơ quan pháp luật Việt Nam để lừa đảo

Thứ Ba, 22/04/2014, 15:30

Khi các đối tượng người Đài Loan vào Việt Nam để thực hiện các chiêu lừa, bọn chúng cũng đã xây dựng nhiều "kịch bản" khác nhau để khai thác tối đa sự nhẹ dạ, cả tin của người dân. Bọn chúng cũng đã từng sử dụng các công cụ Internet, điện thoại, gọi trực tiếp vào máy điện thoại thông báo về việc chủ thuê bao trúng thưởng khi mua sắm tại các trung tâm mua sắm lớn...

"Bẫy" lừa…

Sáng ngày 29/3 vừa qua, bà N.T.N. (ngụ phường Bình Trưng Tây, Q.2, TP HCM) đến Phòng PC 46 Công an TP HCM để trình báo việc bà bị nhóm đối tượng giả danh người của các cơ quan pháp luật Việt Nam gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt của bà số tiền 280 triệu đồng.

Cố kìm nén cảm xúc, bà N cho biết, toàn bộ số tiền trên là vốn liếng dành dụm, gom góp mấy chục năm trời của vợ chồng bà và tiền tử tuất của ông, bà vừa mới nhận. Bà N thú thật, thời gian qua bà không đọc báo cũng ít xem tivi nên không biết thông tin về những vụ lừa đảo xảy ra trên địa bàn TP HCM mà lực lượng Công an đang điều tra, phá án.

Theo trần tình của bà N., trưa ngày 20/3 bà N. nhận được cuộc gọi vào số máy bàn, đầu dây bên kia xưng là người của công ty điện thoại báo bà đang nợ tiền cước điện thoại 8,9 triệu đồng. Công ty điện thoại đã chuyển hồ sơ sang Công an Hà Nội để giải quyết.

Theo yêu cầu của người này, bà N. đã dùng số máy ĐTDĐ gọi vào tổng đài 041080 và bà được chuyển máy gặp một người xưng "đại tá Công an" tên Nguyễn Hùng Dũng, Công an Hà Nội. Người này thông báo cho bà N biết bà có liên quan đến hoạt động phạm pháp rửa tiền mà Công an Hà Nội đang điều tra. Đồng thời, yêu cầu bà N. chuyển 180 triệu đồng vào tài khoản số 060080324777 tên Hoàng Huy Bình mở tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Nguyễn Trãi để Cơ quan Công an tiến hành giám định. Nghe có liên quan đến pháp luật, hoảng quá bà N vội vàng đến ngân hàng chuyển ngay 180 triệu đồng vào tài khoản theo yêu cầu.

Sau khi chuyển xong số tiền trên, vừa về đến cửa nhà thì bà N. tiếp tục nhận điện thoại của "đại tá" Dũng yêu cầu bà N. phải chuyển hết tất cả số tiền bà N. hiện có để thanh tra Công an tiến hành giám định luôn một lần, 17h cùng ngày, Cơ quan Công an sẽ hoàn trả lại đủ số tiền mà bà N đã chuyển để giám định.

Đồng thời, người này yêu cầu bà N. không được lộ điều này cho ai biết vì Cơ quan Công an đang trong giai đoạn điều tra, phải tuyệt đối bí mật. Không nghi ngờ gì, bà N. liền đến ngân hàng chuyển tiếp số tiền 100 triệu còn lại theo yêu cầu của Dũng.

Đến khoảng 16h, bà đem chuyện đã xảy ra kể với chị K., con gái bà N. Nghe xong, chị K. tá hỏa vì cũng chỉ cách đây vài ngày, cơ quan chị làm việc cũng có người bị lừa với thủ đoạn y chang như vậy. Hoảng quá, bà N. liền gọi vào số điện thoại của tên Dũng, thì đầu dây bên kia lại là một giọng nữ, đang ở Q.12, TP HCM, không phải số điện thoại của người tên Dũng; Chị K. chạy ngay đến ngân hàng mà mẹ chị vừa mới chuyển tiền để kiểm tra thì toàn bộ số tiền trong tài khoản bà N. vừa chuyển đến đã bị rút sạch.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, bà N. quyết định đến Cơ quan Công an để trình báo với hy vọng cảnh báo cho người khác nếu gặp trường hợp giống như bà N.

Một số tang vật các đối tượng dùng làm phương tiện lừa đảo tại Việt Nam.

Với "kịch bản" tương tự như vậy, bà N.T.T. (ngụ P.Bến Nghé, Q.1) sau khi nhận được cuộc điện thoại bàn của một người phụ nữ xưng là nhân viên bưu điện, thông báo bà nợ cước gần 9 triệu đồng. Bị bà T từ chối thẳng thừng, người phụ nữ này yêu cầu bà T. đừng vội dập máy và chuyển cho một đối tượng tự xưng là Hiếu, Công an TP. Hà Nội. Hiếu nói Công an Hà Nội bắt được hai đối tượng và hai đối tượng này khai bà T có tham gia hoạt động rửa tiền và buôn hàng cấm. Công an phải niêm phong nhà, phong tỏa tài khoản trong ngân hàng của bà T. để tiến hành điều tra.

Quá hoảng sợ, bà T. răm rắp nghe theo các yêu cầu và chỉ dẫn của tên Hiếu. Bà T. khai là đang có 3,4 tỉ đồng trong tài khoản Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Chi  nhánh Q.1, chúng đề nghị bà T. giữ liên lạc để cho người đi kiểm tra. Sau đó, chúng tiếp tục  yêu cầu bà T. chuyển 800 triệu đồng vào tài khoản mang tên Nguyễn Thành Hải (lãnh đạo của Hiếu) để giám định, hẹn ngày hôm sau sẽ chuyển trả lại đầy đủ cho bà T. và cũng yêu cầu bà T. không được tiết lộ sự việc. Vừa lo sợ, vừa nghi ngờ, bà T. đã đến Công an trình báo.

Mặc dù chiêu lừa này đã được các đối tượng diễn đi diễn lại trong suốt mấy tháng qua, nhưng không hiểu sao "danh sách" nạn nhân cứ ngày càng dài ra. Như ông N.V.N. (ngụ Q.10) đã chuyển 600 triệu đồng vào 4 tài khoản mở tại Ngân hàng Sacombank theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo; bà  N.T.C. (ngụ P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú) chuyển 550 triệu đồng vào 4 tài khoản mở tại Ngân hàng Sacombank...

Dụng cụ lừa đảo tại Thái Lan, sau đó "bị động" nên các đối tượng "ôm" về Việt Nam, chưa kịp lừa thì đã bị thu giữ.

Chỉ tính riêng Phòng PC46 Công an TP HCM thụ lý, đến nay đã có gần 40 người là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo với thủ đoạn như trên với tổng số tiền bị thiệt hại hơn 10 tỉ đồng.

Hiện, Cơ quan Công an đã phong tỏa khoảng 150 tài khoản tại các ngân hàng: ACB, Sacombank, Vietcombank, VP Bank, OCB, HD Bank, Ngân hàng Quân đội … Số dư tại các tài khoản phong tỏa còn hơn 3 tỉ đồng.

Mạng lưới lừa xuyên quốc gia

Khi các đối tượng người Đài Loan vào Việt Nam để thực hiện các chiêu lừa, bọn chúng cũng đã xây dựng nhiều "kịch bản" khác nhau để khai thác tối đa sự nhẹ dạ, cả tin của người dân. Bọn chúng cũng đã từng sử dụng các công cụ Internet, điện thoại, gọi trực tiếp vào máy điện thoại thông báo về việc chủ thuê bao trúng thưởng khi mua sắm tại các trung tâm mua sắm lớn.

Đồng thời yêu cầu chủ thuê bao đó phải thanh toán một khoản phí trước khi lĩnh thưởng và bọn chúng rút ra chiếm đoạt; Hoặc các đối tượng gọi điện thông báo đến doanh nghiệp được nhận một khoản lớn tiền hoàn thuế GTGT. Để sớm nhận được số tiền hoàn thuế này, doanh nghiệp phải ứng ra trước một khoản tiền để làm thủ tục, sau đó bọn chúng cũng chiếm đoạt số tiền ứng trước của doanh nghiệp…

Tuy nhiên, những chiêu lừa này đã sớm bị phát hiện, nên bọn chúng đã nhanh chóng thay đổi phương thức khác là sử dụng công nghệ viễn thông, kết nối vào đường truyền điện thoại của các cơ quan pháp luật Việt Nam để dọa và buộc người bị hại chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng chỉ định rồi chiếm đoạt.

Trước đó, ngày 18/3, PC 46 Công an TP HCM thực hiện lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với Wu Tung I (người Đài Loan, ngụ P.Tân Hưng, Q. 7)  về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tiến hành khám xét tại nơi ở của Wu Tung I, Cơ quan CSĐT thu giữ khoảng 10 kịch bản lừa đảo được băng nhóm của Wu Tung I lên kế hoạch sử dụng để chiếm đoạt tiền.

Thông tin điều tra ban đầu xác định, trước đây Wu Tung I hoạt động trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tiền tại Thái Lan. Tuy nhiên, ổ nhóm này đã "bị động" tại Thái Lan nên Wu Tung I đã  "bay" sang Việt Nam, mang theo tất cả các dụng cụ làm phương tiện lừa đảo để tiếp tục hành vi  lừa đảo tại Việt Nam.

Cũng trong thời điểm này, Cảnh sát Đài Loan vừa thông tin cho phía Việt Nam biết, Cảnh sát Đài Loan cũng đã triệt phá băng nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền qua điện thoại với thủ đoạn gây án tương tự như ở Việt Nam (gọi điện thoại cho người bị hại dọa có dính líu đến vụ án lớn và yêu cầu chuyển tiền để giám định rồi rút ra chiếm đoạt).

Bọn tội phạm này đã tuyển những người Việt Nam qua lao động tại Đài Loan nhưng sau đó đã bỏ trốn, hoặc cho người sang Việt Nam cưới vợ, đưa sang Đài Loan và bằng mọi cách ép buộc các cô dâu Việt tham gia vào đường dây. Một số đồng bọn của chúng ở Đài Loan rút tiền, thấy động đã chuyển về Việt Nam.

Hai đối tượng người Đài Loan: Wu Tung I và Chiu Yung Sheng.

Khi bị Cơ quan CSĐT Công an TP HCM bắt giữ, theo khai nhận của Shih Pao Yu và Hsieh Ming Chi (là các đối tượng cầm đầu người Đài Loan) khai nhận, bọn chúng vào Việt Nam mục đích là tuyển người đưa sang Indonesia đào tạo, huấn luyện khoảng một tháng. Sau đó bọn chúng sẽ đưa số người  này sang Đài Loan để tham gia vào các băng nhóm lừa đảo.

Tại Việt Nam, để thực hiện việc lừa đảo, bọn chúng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đối tượng thực hiện. Một mặt là  mua gom các thẻ thanh toán quốc tế, một số đối tượng còn tìm mua giấy CMND sau đó lột bỏ ảnh của người trong giấy CMND rồi dán ảnh của mình vào. Sau đó đem đến ngân hàng mở tài khoản thẻ ghi nợ quốc tế, cung cấp cho nhóm đối tượng lừa đảo sử dụng làm phương tiện chuyển tiền lừa đảo để chiếm đoạt.

Cụ thể: Ảnh của đối tượng Nguyễn Vĩ Nam được dán vào 8 giấy CMND mang nhiều tên khác nhau;  ảnh của Hà Kim Linh được dán vào 4 CMND; ảnh của Hà Quang Cường dán vào 2 CMND; ảnh của Phạm Trọng Tài dán vào 5 CMND; ảnh của Trương Hoàng Nam dán vào 2 CMND…

Các đối tượng trên khai nhận, đã mua 28 CMND mang nhiều tên họ khác nhau với giá 50.000 đồng/CMND tại khu vực siêu thị miễn thuế Mộc Bài - tỉnh Tây Ninh; khu vực chợ Dân Sinh, Q.1 và phía sau chợ An Đông Q.5, TP HCM.

Lê Thị Hà cùng 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo bị bắt khẩn cấp ngày 28/3.

Sau khi các đối tượng thu gom được nhiều thẻ thanh toán quốc tế thì từ Đài Loan chúng cử người về Việt Nam thu gom thẻ. Mới đây nhất, trưa ngày 28/3, khi Li Hui Yu (tên gọi khác Lê Thị Hà, SN 1979, gốc Việt Nam, lấy chồng Đài Loan) vừa đáp máy bay từ Đài Loan về sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thì bị bắt giữ. Hà thừa nhận, nhiệm vụ của Hà trong đường dây là về Việt Nam gặp đồng phạm thu gom tiền lừa đảo chiếm đoạt được trong thời gian qua và tìm mua thêm thẻ thanh toán quốc tế mang qua Đài Loan cung cấp cho đồng bọn.

Cùng  trong đường dây này, ngoài Lê Thị Hà, Cơ quan CSĐT cũng đã bắt khẩn cấp Chiu Yung Sheng (SN 1982 người Đài Loan, tạm trú huyện Bình Chánh) và 5 đối tượng khác.

Đến nay, Phòng PC46 Công an TP HCM đã triệt phá 5 vụ, khởi tố 25 đối tượng (trong đó có 4 người Đài Loan) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" thu giữ nhiều tang vật gồm: 21 ĐTDĐ, 7 máy vi tính xách tay, 29 giấy CMND giả, 98 thẻ ghi nợ quốc tế, 81 tờ ghi thông tin về số tài khoản do nhiều ngân hàng khác nhau cấp.

Được biết, hiện nay, ngoài TP HCM, một số địa phương khác như: Tây Ninh, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Nai... cũng xuất hiện các đường dây lừa đảo với thủ đoạn tương tự như trên.

Để phòng ngừa các đối tượng lừa đảo, Thiếu tá Nguyễn Thành Nhân, Đội trưởng Đội 8 PC46 - Công an TP HCM (Đội trực tiếp thụ lý các vụ án này) khuyến cáo:

Người dân cần cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ, đặc biệt là người xưng cán bộ cơ quan pháp luật có yêu cầu xác minh, thu thập tiền, tài khoản trong các ngân hàng; Không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, số thẻ tín dụng cho người khác nếu thấy không cần thiết; Khi có người tự xưng là cán bộ Cơ quan điều tra, hoặc Viện Kiểm sát thì đề nghị họ cho biết tên, nơi làm việc để trực tiếp liên hệ trao đổi với  các cơ quan đó.

Nếu nhận được cuộc gọi có nội dung nêu trên, đề nghị người dân báo ngay cho Công an phường, hoặc số điện thoại 113 biết và ghi nhận lại (nếu nhớ): tên người gọi, chức danh, đơn vị, số điện thoại, nam hay nữ, giọng nói miền nào. Tuyệt đối không chuyển tiền, tài khoản khác theo yêu cầu của đối tượng gọi đến...

K.Ngân
.
.