Tội phạm ở thành phố Tokyo

Thứ Bảy, 26/05/2007, 16:30
Hệ thống quán bar, hộp đêm ở Nhật Bản không chỉ là nơi mua vui và giải trí mà còn là nơi thế giới tội ác tiềm ẩn.

Thành phố Tokyo có hàng ngàn quán bar và hộp đêm. Câu lạc bộ Lounge Monina là một trong số những điểm có tiếng nhất. Phụ nữ nước  ngoài làm tiếp viên trong các quán bar ở Tokyo cho biết họ không phải là gái điếm, cũng không thực hiện bất cứ hành vi kích dục nào, mà chỉ là người giúp vui cho khách.

“Karen” (không phải tên thật), từ Philippines đến Nhật, nói: “Công việc của chúng tôi là trò chuyện với khách uống rượu, hát karaoke với họ, lắng nghe tâm sự và làm cho họ vui”.

Thường thì phần đông phụ nữ đến Nhật Bản làm tiếp viên đều xuất phát từ châu Á và từ Cameroon, Senegal, châu Âu, Mỹ v.v... Tuy nhiên, hiện thời quốc gia này đã thắt chặt hơn luật nhập cư.

Trong quá khứ, nhiều phụ nữ làm việc trong các khu vực giải trí đều có visa du lịch bất hợp pháp, nhưng bây giờ mọi chuyện đã đổi khác. Cơ quan nhập cư của Nhật Bản cho biết, từ năm 2005 họ đã có những biện pháp kiểm tra gắt gao hơn đối với số phụ nữ nước ngoài trẻ tuổi bị nghi ngờ là làm việc bất hợp pháp.

Doanh nhân Nhật Bản 54 tuổi Jojie Obara bị bắt giữ vì tội cưỡng dâm dẫn đến cái chết của Lucie Blackman năm 2001 và sau đó ra tòa ở Tokyo năm 2003.

Ông Tim Blackman, cha của nạn nhân, đã bỏ ra hàng ngàn bảng Anh để bay từ Isle of Wight đến Nhật Bản gặp cảnh sát địa phương yêu cầu điều tra vụ mất tích bí ẩn của con gái mình. Sau khi Tim Blackman tranh thủ được sự ủng hộ của Thủ tướng Anh Tony Blair và Thủ tướng Nhật Bản, cảnh sát liền bắt giữ Obara. Năm ngoái, Tim Blackman đã nhận  số tiền 100 triệu yên từ một người bạn của Obara, và ông cho rằng “số tiền chia buồn” đó không tác động gì đến vụ án.

Thẩm phán tuyên bố không có chứng cứ cho thấy Obara phải chịu trách nhiệm về cái chết của Blackman, 21 tuổi, đến từ Sevanoaks (Kent, Mỹ). Nữ tiếp viên Lucie Blackman mất tích ở Tokyo trong tháng 7/2000, sau đó người ta phát hiện thi thể của cô trong một cái hang gần nhà của doanh nhân Obara tại Miura, ngoại thành Tokyo, vào tháng 1/2001. Sau khi nghe tuyên bố trắng án đối với Obara, gia đình nạn nhân không bình luận gì về phán quyết của tòa án.

Tokyo về đêm.

Obara thừa nhận mình đã ở bên Blackman vào ngày cô ta biến mất, nhưng tuyên bố cô ta đã tỏ vẻ không khỏe sau khi sử dụng ma túy. Obara khai ông đã nhờ một người quen, có nickname là Kacchan, đưa Blackman trở về Tokyo.

Thẩm phán Tsutomu Tochiqi nói: “Không có gì chứng minh được Obara liên can trong vụ cưỡng dâm và cái chết của Blackman nên tòa án không thể kết tội ông ta”. Theo thẩm phán, rõ ràng Blackman và bị cáo có ở bên nhau trước khi nạn nhân biến mất và chết sau đó, song điều đó chưa đủ để kết án.

Nhưng, trong vụ án sát hại nữ tiếp viên quán bar Carita Ridgway năm 1992 cùng với 8 vụ cưỡng dâm khác, Obara bị tuyên án ngồi tù chung thân. Obara là người đã dụ dỗ Ridgway đến căn hộ của ông ta tại phía nam Tokyo rồi ra sức cưỡng bức.

Sau đó Ridgway chết tại bệnh viện ở Tokyo vì suy gan vào tháng 2/1992. Một cuốn băng video thu được cho thấy Obara tấn công Ridgway, dùng khăn tẩm Chloroform gây mê cô gái rồi cưỡng dâm.

Bà Annette Foster, mẹ của nạn nhân Ridgway, hoan nghênh bản án nhưng lại không bằng lòng cách điều tra chậm chạp của Cảnh sát Nhật Bản: “Nếu Obara bị điều tra từ năm 1992 thì có lẽ sẽ ngăn được hắn phạm thêm nhiều tội ác nữa vào 8 năm sau”. 

Về phần mình, Yasuo Shionoya, luật sư của Obara, cho biết thân chủ của ông sẽ chống án trong vụ Carita Ridgway. Luật sư nói: “Đối với vụ án Ridgway, chúng tôi sẽ có chứng cứ để chống án. Và, chúng tôi cũng sẽ chống án trong các vụ khác. Tôi nghi ngờ trường hợp suy gan có phải xảy ra do sử dụng chloroform hay không”.

Lucie Blackman và Carita Ridgway nằm trong số hàng ngàn tiếp viên hoạt động trong hệ thống quán bar Nhật Bản luôn bị nguy cơ bọn tội phạm tấn công bất cứ lúc nào

Trần Thanh Phong (theo BBC)
.
.