Tội phạm trình độ cao có xu hướng gia tăng

Thứ Tư, 18/01/2017, 14:40
Có kiến thức về công nghệ thông tin, hiểu biết về pháp luật, xã hội nhưng không ít người đang là sinh viên hoặc đã tốt nghiệp các trường đại học đã sử dụng “chất xám” của mình để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Tội phạm công nghệ cao là giới trẻ có xu hướng gia tăng đang là một thực trạng đáng buồn hiện nay về lối sống hưởng thụ, muốn làm giàu nhanh bất chấp đạo đức và pháp luật...

Làm giàu từ giấy khám sức khỏe giả

“Hầu hết những vụ án sản xuất và buôn bán giấy khám sức khỏe giả do đơn vị khám phá, các đối tượng tham gia đều là trí thức trẻ, đang là sinh viên hoặc là cử nhân các trường đại học. Một số đối tượng có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng không ít đối tượng kinh tế khá giả, có công việc ổn định và thu nhập cao vẫn tham gia vào việc làm bất hợp pháp này. Quá trình xác minh, làm rõ nhân thân của các đối tượng, chúng tôi thấy hết sức đáng tiếc cho những trí thức trẻ như vậy” - đồng chí Lê Khắc Trường, Đội phó Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội chia sẻ.

Dẫn chứng cho nhận định này, Đội phó Lê Khắc Trường cho biết ngày 11-1 vừa qua, PC50 Công an Hà Nội đã khám phá ổ nhóm 4 đối tượng chuyên sản xuất, buôn bán giấy khám sức khỏe giả giấy của Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) Trung ương, chuyển CQĐT khởi tố vụ án về tội “Làm giả giấy tờ, tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức”.

Theo đó, đối tượng cầm đầu ổ nhóm  này là Ngô Quang Bình (26 tuổi, quê Bắc Giang, tạm trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và 3 đồng phạm là Nguyễn Kim Anh (32 tuổi, ở phường Thịnh Quang, Đống Đa); Nguyễn Đăng Hiếu (26 tuổi, ở khu liền kề đô thị Mỗ Lao, Hà Đông) và Nguyễn Văn Minh (24 tuổi, quê Hà Nam, ở phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội).

Thông tin từ cơ quan Công an, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Ngô Quang Bình rất chăm học và học giỏi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Dược hệ chính quy, Bình mở một công ty kinh doanh tân dược. Tuy nhiên, việc làm ăn không thuận lợi, công ty làm ăn thua lỗ, Bình phải “cắm” sổ đỏ của gia đình để trả nợ. Khoản nợ trên 400 triệu đồng khiến Bình làm liều.

Nắm được nhu cầu  nhiều người cần mua giấy khám sức khỏe, Bình đã chọn cách kiếm tiền và làm giàu từ việc sản xuất giấy khám sức khỏe giả mạo Bệnh viện GTVT Trung ương rồi bán buôn cho các đối tượng kinh doanh giấy tờ giả trên Internet.

Đầu tháng 10-2016, Ngô Quang Bình lên mạng đặt mua “đồ nghề” làm giấy tờ giả gồm 1 dấu tròn và 8 dấu chức danh của các bác sỹ Bệnh viện GTVT. Sau đó Bình lấy mẫu giấy khám sức khỏe của bệnh viện này, photo thành nhiều bản, tự ký và đóng dấu chức danh các bác sỹ vào mục khám, ký tên lãnh đạo bệnh viện và đóng dấu tròn, để trống thông tin người khám sức khỏe. Những giấy khám sức khỏe khống này được Bình bán buôn với giá 40.000 đồng/tờ khổ A3 và 20.000 đồng/tờ khổ A4.

Nguyễn Kim Anh, Nguyễn Đăng Hiếu và Nguyễn Văn Minh là 3 “đại lý” chính tiêu thụ thường xuyên giấy khám sức khỏe giả do Bình sản xuất. Các đối tượng này đã lập một loạt tài khoản Facebook rao bán giấy khám sức khỏe giả, đăng tin quảng cáo kèm số điện thoại để liên lạc, giao dịch. Nội dung quảng cáo bán giấy khám sức khỏe hết sức hấp dẫn như khách hàng không cần chờ đợi, xếp hàng làm thủ tục, chỉ sau 30 phút đã có được giấy khám sức khỏe như ý muốn, đảm bảo có đầy đủ dấu đạt chuẩn của Bộ Y tế.

Giấy khám sức khỏe giả được Kim Anh, Hiếu và Minh bán với giá 50.000 đồng/giấy khổ A4, 100.000 đồng/giấy khổ A3. Nếu khách yêu cầu đóng dấu giáp lai ảnh, chỉ cần gửi ảnh qua email cho các đối tượng, sau đó ảnh được chuyển lại cho Ngô Quang Bình để đóng dấu. Giá giấy khám sức khỏe khổ A3 có ảnh giáp lai là 140.000 đồng/tờ. Các đối tượng thường chọn địa điểm giao dịch tại quán cà phê. Nếu khách yêu cầu mang đến tận nơi, các đối tượng sẽ thuê shipper giao “hàng”. Khách ở tỉnh ngoài sau khi chuyển tiền sẽ được gửi giấy khám sức khỏe giả qua dịch vụ bưu điện.

Các đối tượng sử dụng Facebook để rao bán giấy tờ giả.

Ngày 21-12-2016, khi 4 đối tượng Bình, Kim Anh, Hiếu, Minh đang tụ tập tại một quán cà phê trên phố Hoàng Ngân (quận Thanh Xuân) để giao dịch, mua bán giấy khám sức khỏe giả đã bị PC50 phối hợp PC45 và Công an quận Thanh Xuân kiểm tra, bắt giữ. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Ngô Quang Bình, Cơ quan công an thu giữ tang vật gồm 1 dấu tròn ghi tên Bệnh viện GTVT Trung ương, 8 dấu chức danh của các bác sĩ, hàng trăm giấy khám sức khỏe khống đã được ký, đóng dấu sẵn.

Theo cán bộ Đội 4 PC50, đáng chú ý trong ổ nhóm sản xuất, buôn bán giấy khám sức khỏe trên, cả 4 đối tượng tham gia đều là trí thức, tốt nghiệp đại học. Ngoài Ngô Quang Bình có hoàn cảnh gia đình khó khăn, còn lại 3 đối tượng Kim Anh, Hiếu và Minh đều có kinh tế khá giả. Minh và Hiếu tốt nghiệp một trường đại học chuyên về công nghệ thông tin, hiện đang làm quảng cáo trên mạng Internet với thu nhập khá, từ 10-20 triệu đồng/tháng. Riêng Hiếu được gia đình mua riêng cho một căn hộ liền kề tại khu đô thị Mỗ Lao, cuộc sống khá sung túc.

Do làm công việc quảng cáo nên khi lập các trang Facebook bán giấy khám sức khỏe giả, Hiếu và Minh đã sử dụng “công nghệ cao” vào việc quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, làm tăng lượng người truy cập. Chính vì thế chỉ trong thời gian ngắn, đã có rất nhiều người biết và đặt mua giấy khám sức khỏe giả của các đối tượng để phục vụ các thủ tục hồ sơ như xin việc, thi sát hạch lái xe, đi du học...

Lý do tham gia mua bán giấy tờ giả trên mạng của các đối tượng này, chính là việc kiếm tiền bất chính quá nhanh, quá dễ, không mất nhiều thời gian và công sức đầu tư. Chỉ cần ngồi một chỗ, đăng tin quảng cáo trên Facebook và giao dịch qua Intenet, qua điện thoại, ngày “đắt hàng”, mỗi đối tượng có thể thu về vài triệu đồng. Đây cũng chính là lý do khiến buôn bán giấy khám sức khỏe giả đã trở thành “nghề làm giàu” của không ít sinh viên, cử nhân đại học khác.

Trước đó, tháng 5-2016, Đội 4 PC50 cũng đã chuyển CQĐT khởi tố 5 bị can trong ổ nhóm sản xuất giấy khám sức khỏe giả gồm Phan Đức Anh (29 tuổi, ở Vạn Phúc, Hà Đông), Hỏa Văn Hội (23 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm), Lê Văn Thành (23 tuổi, ở Ba Vì), Nguyễn Thị Ngân Hà (23 tuổi, ở Ninh Giang, Hải Dương), Bùi Thế Vũ (26 tuổi, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

Theo tài liệu của CQĐT, là nhân viên công ty FPT, có trình độ về công nghệ thông tin, từ tháng 12-2015, Phan Đức Anh đã mua con dấu giả để làm giả giấy khám sức khỏe của Bệnh viện GTVT Trung ương. Tính đến thời điểm bị bắt giữ (ngày 9-5-2016), Đức Anh đã làm giả 700 chứng nhận sức khỏe và 800 giấy khám sức khỏe, bán với giá từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/tờ.

Mẫu giấy khám sức khỏe được làm giả.

Các đối tượng còn lại mua giấy khám sức khỏe của Đức Anh sản xuất, lập Facebook rao bán trên mạng với giá từ 80.000 đồng đến 130.000 đồng/tờ. Hám lợi và muốn làm giàu nhanh, Hỏa Văn Hội là cử nhân Đại học Công nghiệp, chuẩn bị đi Hàn Quốc học thạc sĩ chuyên ngành cơ khí ô tô cũng tham gia mua lại giấy tờ giả của Đức Anh rồi rao bán trên mạng xã hội Facebook, Zalo.

Tháng 1-2016, TAND TP Hà Nội cũng đã xét xử ổ nhóm sản xuất, buôn bán giấy khám sức khỏe giả do cựu sinh viên Vũ Văn Đề (24 tuổi) cầm đầu. Đồng phạm với Đề còn có Dương Văn Mạnh, đang theo học một trường đại học có tiếng trên địa bàn Hà Nội.

Chỉ vì hám lợi, hai cựu sinh viên này đã thực hiện kế hoạch “làm giàu không khó” từ việc kinh doanh giấy khám sức khỏe giả. Kết cục, Vũ Văn Đề bị tuyên phạt 36 tháng tù giam, Dương Văn Mạnh 42 tháng tù giam cùng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Kiếm tiền tỷ từ “web đen”

Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng PC50 Công an Hà Nội, nếu như trước đây, các đối tượng phạm tội công nghệ cao là trí thức trẻ chủ yếu trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng để chiếm đoạt tài sản thì thời gian gần đây, hiện tượng “làm giàu” từ giấy khám sức khỏe giả và kinh doanh “web đen”  trở thành phong trào của không ít người trẻ có kiến thức, hiểu biết về công nghệ thông tin.

Đây là một thực trạng rất đáng lên án bởi hành vi kiếm tiền bất chính này đã và đang góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội và nguy cơ tiếp tay cho tội phạm, đặc biệt là loại tội phạm ấu dâm đang gây bức xúc và phẫn nộ trong dư luận.

Mới đây, tháng 12-2016, PC50 Công an Hà Nội đã phối hợp C50 Bộ Công an và Công an quận Đống Đa triệt phá ổ nhóm tội phạm 9X chuyên kinh doanh website phim ảnh lạm dụng tình dục trẻ em do Nguyễn Duy Hải (SN 1993, ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu.

Theo kết quả điều tra của Cơ quan công an, đầu tháng 7-2015, Hải tìm hiểu trên mạng Internet thấy có nhiều người trả tiền mua tài khoản tại các website đồi trụy để tải các video clip có nội dung lạm dụng tình dục trẻ em nên đã nảy ý định xây dựng website tương tự để kiếm tiền. Hải lên mạng mua tên miền, thành lập trang web “hz...” mua dịch vụ máy chủ tại nước ngoài và quản trị trang web, tải các phim khiêu dâm trẻ em.

Các đối tượng kinh doanh web đen tại cơ quan Công an.

Để thu hút thành viên tham gia mua tài khoản, Hải thành lập thêm các trang web vệ tinh, sao chép đường dẫn xem video của trang “hz...”, đồng thời quảng cáo các trang “web đen” này trên các diễn đàn nước ngoài. Người xem muốn truy cập vào trang web phim khiêu dâm trẻ em của Hải bắt buộc phải đăng ký thành viên và trả tiền khi tải phim theo các gói cước do Hải đặt ra như 16,99 USD/30 ngày, 27,99 USD/60 ngày, 35,99 USD/90 ngày và 63,99 USD/180 ngày.

Khách hàng phải mở tài khoản tại các website thanh toán trung gian nước ngoài, sau đó tiền được chuyển vào các cổng thanh toán quốc tế, từ đó quy đổi thành tiền Việt Nam và chuyển vào các tài khoản ngân hàng của Nguyễn Duy Hải.

Thấy việc làm giàu từ “web đen” quá dễ, Hải đã “giúp” 3 người bạn học cùng cấp 3 là Trần Chí Chung (24 tuổi), Đỗ Văn An (24 tuổi) và Nguyễn Xuân Tùng (25 tuổi) cùng kiếm tiền bằng cách mua giúp tên miền, cài đặt website cho các đối tượng, hướng dẫn tải phim từ trang “hz...” của Hải đưa lên web.

Hải quy định, khi người dùng truy cập các đường dẫn phim từ các trang của Chung, An, Tùng đến máy chủ và trả phí thành công, Hải sẽ trả cho các đối tượng bằng 65% số tiền các thành viên đã trả cho Hải.

Quá trình hoạt động, Hải lập rất nhiều trang web vệ tinh để quảng cáo đường dẫn đến trang “web đen” chính. Thời điểm bị bắt giữ, riêng Hải quản lý 4 website vệ tinh, các đối tượng còn lại quản lý 11 website. Kết quả điều tra xác định Hải đã đăng 4.400 phim, video clip nội dung khiêu dâm, lạm dụng tình dục trẻ em lên trang web “hz...” với gần 41.000 tài khoản thành viên, trong đó có 612 tài khoản trả phí, giúp Hải thu về số tiền khoảng 3,6 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Hải hưởng lợi ít nhất khoảng 2 tỷ đồng. 

Hiện tượng trí thức trẻ phạm tội về công nghệ cao gia tăng đang là thực trạng báo động về cách kiếm tiền bất chấp luật pháp, đạo đức... của một bộ phận thanh niên hiện nay.

Theo kết quả đề tài nghiên cứu “Đặc điểm tội phạm học tội phạm sử dụng Internet để chiếm đoạt tài sản và một số khuyến nghị trong phòng ngừa xã hội” do Học viện Cảnh sát nhân dân, có đến 70% tội phạm công nghệ cao là người trẻ, chủ yếu từ 18-30 tuổi. Trong đó, nhiều người sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin rất thành thạo, chuyên nghiệp nhưng không sử dụng để phục vụ xã hội mà lại thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Thượng tá Hà Thị Hằng cho rằng, nhận diện loại tội phạm công nghệ cao này đã đặt ra vấn đề quản lý, giáo dục cho các gia đình, nhà trường đối với những người trẻ giỏi về công nghệ thông tin để định hướng cho họ sử dụng đúng kiến thức của mình vào mục đích phục vụ phát triển xã hội. Bởi ranh giới bước chân vào thế giới tội phạm công nghệ cao, đối với những người trẻ là rất mong manh.

Hương Vũ
.
.