Tranh cãi về quyền sử dụng súng ở Canada

Thứ Ba, 07/08/2018, 18:00
Ở Canada, cuộc tranh cãi về quyền sở hữu súng thường diễn ra lặng lẽ hơn so với Mỹ. Tuy nhiên, vụ xả súng tối ngày 22-7 vừa qua ở Toronto - thành phố đông dân thứ 5 tại Bắc Mỹ - cho thấy Canada đang gặp vấn đề về sở hữu súng.

Trước sự gia tăng của các vụ bạo lực liên quan đến súng, chủ yếu do các băng nhóm tội phạm gây ra, cảnh sát Toronto công bố kế hoạch tăng cường thêm 200 cảnh sát thường xuyên tuần tra về đêm tại những khu vực được cho là nhạy cảm của thành phố.

Tay súng đơn độc Faisal Hussein xả súng điên cuồng trong khu ngoại ô Danforth của Toronto giết chết 2 người và làm bị thương 13 người khác. Những ngày sau thảm kịch, cuộc tranh cãi về quyền sử dụng súng bắt đầu nổ ra khắp Canada.  Thị trưởng Toronto - John Tory – ngay lập tức lên tiếng hối thúc chính quyền Canada sớm thảo luận ban hành lệnh cấm bán súng.

Nghi phạm Faisal Hussein (trái) và lực lượng cảnh sát vũ trang tại hiện trường vụ xả súng.

Nhân cơ hội này, một số chính khách kêu gọi Chính phủ Canada có các điều luật kiểm soát súng một cách chặt chẽ hơn nữa. Lần cuối cùng chính quyền Canada quan tâm một cách nghiêm túc về quyền sở hữu súng là vào năm 1989 sau vụ một đối tượng xả súng trong khuôn viên Đại học Bách khoa Montreal giết chết 14 phụ nữ. Phản ứng từ phía chính quyền là áp đặt thêm một số quy định mới về kiểm tra an ninh và huấn luyện đối với những cá nhân mua súng.

Tháng 3-2018, Thủ tướng Justin Trudeau công bố dự luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn, trong đó bao gồm các quy định về kiểm tra hồ sơ lý lịch cá nhân “trọn đời”  - thay vì chỉ xem xét quá trình 5 năm gần nhất như quy định trước đây - đối với các cá nhân xin cấp giấy phép sở hữu súng cũng như quy định những công dân nào được phép sở hữu súng.

Hiện nay, khoảng 2 triệu công dân Canada sở hữu súng ngắn trong tổng dân số là 30 triệu người. Người Canada thường sở hữu súng thông qua giấy phép hợp pháp hay mua súng buôn lậu từ Mỹ. Mặc dù những vụ xả súng vào đám đông xảy ra ở Canada ít hơn so với Mỹ song số liệu thống kê cho thấy từ đầu năm 2018 ngày 14-7 vừa qua, 220 vụ xả súng diễn ra ở riêng Toronto  giết chết 27 người – con số cao hơn nhiều nếu so với 196 vụ làm 17 người chết trong cả năm 2017. Theo số liệu thống kê, những vụ bạo lực liên quan tới súng tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017.

Thị trưởng John Tory đánh giá: “Súng đang được nhiều người dân Canada sở hữu một cách quá dễ dàng. Câu hỏi đặt ra là tại sao một số người được phép sở hữu đến 10 hoặc 20 khẩu súng một cách hợp pháp theo luật hiện hành. Vấn đề khác là tại sao người dân thành phố Toronto cần phải trang bị một khẩu súng? Trong cuộc cải tổ nội các mới đây, Thủ tướng Canada quyết định bổ nhiệm ông Bin Ble vào vị trí Bộ trưởng An ninh biên giới và Ngăn chặn tội phạm có tổ chức.

Bin Ble – người từng giữ chức cảnh sát trưởng thành phố Toronto - trực tiếp đảm nhận trọng trách xử lý cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới, ngăn chặn bạo lực liên quan đến súng. Vào giữa tháng 10-2018, ông Bin Ble sẽ báo cáo kế hoạch triển khai những biện pháp về vấn đề hợp pháp hoá cần sa ở Canada.

Theo số liệu từ Hiệp hội Cảnh sát trưởng Canada (CACP), khoảng 50% trong tổng số súng ở Canada được sử dụng để phạm tội. Ở nước này, tỷ lệ những vụ giết người liên quan đến súng cao hơn Anh đến 15 lần và cao hơn Australia 4 lần. Wendy Cukier cho biết thêm rằng vào năm 2016, Anh quốc với số dân 60 triệu người mà chỉ có 27 vụ giết người liên quan đến súng.

Nguyên do là từ sau vụ thảm sát trường trung học ở thị trấn Dunblane năm 1996, chính quyền Anh bắt đầu cấm sở hữu súng. Trong vụ này, tay súng Thomas Hamilton (43 tuổi) đi vào Trường Dunblane với 4 khẩu súng trên tay và sau đó bắt đầu xả súng điên cuồng giết chết 16 học sinh và 1 giáo viên trước khi hắn tự sát. Hiện nay, gần như tuyệt đại đa số người dân Canada ủng hộ biện pháp cấm sở hữu súng hoàn toàn tại các khu vực đô thị.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.