Trẻ em Palestine giữa cuộc khủng hoảng nhân đạo

Chủ Nhật, 13/06/2021, 22:42
Xung đột tại dải Gaza lại một lần nữa bùng phát và kéo con mắt của thế giới đến mảnh đất bị chiến tranh tàn phá này. Trước cảnh đổ nát, nhiều người đã phải tự đặt câu hỏi "Trẻ em Palestine sẽ tiếp tục sống như thế nào?!" Câu trả lời là: "Vẫn phải sống!".


Không được làm trẻ em

Nỗi khổ đau của trẻ em sống tại bờ Tây không phải chỉ mới bắt đầu cách đây vài tuần. Không ít em nhỏ Palestine từ khi sinh ra đến nay còn chưa biết đến cả những tiện nghi cơ bản nhất mà con người ta cần có. Dải Gaza là nhà của khoảng 2 triệu người, một nửa trong số đó là trẻ vị thành niên.

Swasan, một em gái 10 tuổi sống tại dải Gaza, kể lại: "Bố không có việc làm nên nhà em không có tiền mua nước sạch. Bọn em hay phải uống nước mặn chảy từ vòi… Đôi khi các anh của em lại đi gánh nước do tổ chức tình nguyện phân phát, nhưng mỗi nhà không được nhận nhiều lắm".

Các cuộc chiến tranh đã buộc không ít trẻ em phải rời xa gia đình.

Dải Gaza nằm trên một cao nguyên hướng ra biển. Đưa được nước ngọt đảm bảo vệ sinh lên nơi đây là vô cùng khó khăn. Nhà máy bơm và xử lý nước duy nhất trong khu vực thường xuyên phải hoạt động quá công suất dẫn đến hỏng hóc. Ngay cả khi hệ thống lọc nước hoạt động bình thường, chất lượng màng lọc xuống cấp đã khiến cho nước biển thường xuyên rò vào đường ống. Với nhiều gia đình, sự lựa chọn duy nhất để có nước sạch là mua nước từ các con buôn. Nhưng giá nước ngày càng tăng, trong khi tình hình kinh tế hộ gia đình không khá gì hơn. Tỷ lệ thất nghiệp ở dải Gaza hiện đạt mức 70%.

Gần ¼ hộ gia đình ở dải Gaza không được kết nối với hệ thống cống thoát nước. Nước thải sinh hoạt của họ chảy thẳng ra đường hoặc ra biển. Nhiều người không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc "sống chung" với những ao tù nước thải hôi thối. Cứ vào mùa mưa nước bẩn lại tràn vào nhà. Ước tính có tới hơn 78% dân số Gaza mắc bệnh ngoài da do tiếp xúc với nước bẩn. Nước thải chảy ra biển khiến mọi người không còn dám tắm biển nữa. Nó còn giết chết hết cá gần bờ, "tiêu diệt" đường sống của người dân.

Không chỉ nước mà điện cũng khan hiếm ở Gaza. Từ khi Israel ném bom nhà máy điện hồi năm 2014, người Palestine chỉ mới phục hồi được một vài tổ máy. Một ngày ở Gaza chỉ có 4 tiếng là máy phát điện chạy, thời gian còn lại người dân phải  sống trong bóng tối. Khi đại dịch COVID-19 buộc các trường học phải đóng cửa, nhiều học sinh phải học theo kiểu "bữa đực bữa cái" vì không có điện hay vì, nếu nhà này dùng điện thì nhà bên cạnh không có.

Nguy hiểm hơn nữa, nhiều gia đình phải dùng đến nến, đèn dầu hay bếp than để thắp sáng. Trong bối cảnh các gia đình sống chật chội bên nhau, nhà cửa bí khí và thiếu nước trầm trọng, hỏa hoạn là một mối họa hường trực.

Trong năm 2020, có tổng cộng 154.097 người dân Gaza bị nhiễm COVID-19, với số ca mắc trong ngày cao nhất là 1.000 trường hợp. Tuy chính quyền Hamas đã sớm ra lệnh phong tỏa, nhưng môi trường sống thiếu vệ sinh và mật độ dân số cao tạo điều kiện lý tưởng để virus lan truyền. Các bệnh viện vốn đã quá tải nay lại phải "gồng mình" hứng chịu dòng bệnh nhân nhiễm virus.

Nhiều trường hợp mắc COVID-19 tử vong đáng lẽ ra đã có thể sống sót nếu bệnh viện có đủ y bác sỹ, thuốc men và thiết bị y tế. Các bệnh tật khác như sốt xuất huyết, thuỷ đậu, chân tay miệng,… cũng thừa cơ hệ thống y tế quá tải mà bùng phát.

Phải đối mặt với rất nhiều tai hoạ kể trên, không có điều gì lạ khi đến 95% trẻ em ở dải Gaza chịu khủng hoảng tâm lý. Các em nhỏ thường xuyên tỏ ra có những biểu hiện của bệnh trầm cảm, tăng động, mất ngủ,… Chỉ cần tiếng máy bay lượn trên đầu cũng khiến nhiều em mất kiểm soát hành vi vì nỗi sợ bị bom rơi. Samar, một bé gái 15 tuổi, kể lại: "Em thường xuyên mất ngủ vì những cơn ác mộng. Mà nếu có không mơ thì em cũng không dám ngủ lâu vì sợ bị cháy nhà hay ném bom". Gia đình Samar đã kịp thời cứu sống cô bé trong một lần em suýt nữa cứa cổ tay mình với ý định tự sát để mong thoát khỏi cảnh sống khổ cực. Bác sỹ cho biết Samar đã nhìn thấy ảo giác do mất ngủ kéo dài.

Liệu  còn có cơ hội?

Hiện tại, có tới khoảng 1.100.000 trẻ em ở dải Gaza cần hỗ trợ nhân đạo. Các tổ chức như UNICEF đã có đầy đủ nguồn lực và kế hoạch để hỗ trợ số trẻ em này. Điều họ cần nhất là sự đồng ý của Israel. Hơn 13 năm nay Israel đã dùng quân đội bao vây Gaza. Tuy phong trào vũ trang Hamas được người dân Gaza bầu làm lãnh đạo, nhưng Israel vẫn nắm giữ quyền kiểm soát các cơ sở sản xuất điện, nước, viễn thông,… Chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu để trừng phạt Hamas vì những vụ bắn rốc-két vào lãnh thổ Israel đã ngăn cản việc sửa chữa, nâng cấp và mở rộng những cơ sở hạ tầng thiết yếu trên.

Bất kỳ nỗ lực giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại dải Gaza cũng sẽ phải bắt đầu bằng việc Israel dỡ bỏ các rào cản cấm hàng hoá và con người ra vào nơi đây. Điều này khó có thể xảy ra trong tương lai gần khi chỉ trong ba năm mà nước này đã phải tổ chức đến bốn cuộc bầu cử khác nhau do sự chia rẽ giữa các đảng phái và cáo buộc gian lận bầu cử. Đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu tuy giành đa số phiếu quốc hội nhưng vẫn chịu sự kháng cự của các đảng đối lập. Trong bối cảnh này, không ai muốn bàn đến vấn đề tại dải Gaza cả.

Nạn nhân chính của cuộc chiến giữa Israel và Palestine không ai khác là trẻ em. Cuộc sống hàng ngày của các em vốn đã lay lắt như ngọn nến trong gió nay có khả năng hoàn toàn bị dập tắt.  Hy vọng rằng các bên tham gia chiến sự sẽ sớm nhận ra điều này mà buông bỏ vũ khí, cùng nhau đi đến một giải pháp hoà bình để sớm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo mà trẻ em Gaza đang phải đối mặt.

Hội Vũ (Tổng hợp)
.
.