Trò chăn tiền phụ nữ Việt của “đại gia” người Nigeria: Cần xiết chặt quản lý

Thứ Sáu, 22/08/2014, 15:30

Việc nhiều đối tượng phạm tội người nước ngoài (chủ yếu là người mang quốc tịch Nigieria) có thể tác oai tác quái ở Việt Nam một phần do chúng được tổ chức khá chặt chẽ, "chuyên nghiệp". Để có thể hạn chế được tình trạng này, cần một giải pháp đồng bộ.
>> Trò chăn tiền phụ nữ Việt của “đại gia” người Nigeria: Sập bẫy

I. Thượng tá Ngô Văn Đáp, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm có yếu tố người nước ngoài (Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội) cho chúng tôi biết, qua các vụ lừa đảo mà nhóm tội phạm người Nigeria đã thực hiện ở Hà Nội, TP.HCM và một loạt tỉnh thành khác, có thể thấy công tác đấu tranh với loại đối tượng này đang gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Trước hết, các đối tượng thường lợi dụng mạng Internet, thông qua mạng xã hội như Facebook, Baidoo và các công cụ chat như Skype, YM… để làm quen với các phụ nữ ít nhiều có hiểu biết về máy tính, và có chút ngoại ngữ. Chúng vẽ ra đủ mọi lý do để làm quen như học ngoại ngữ, muốn tìm thông tin về đất nước con người Việt Nam, tìm đối tác làm ăn… Thông qua đó gây dựng lòng tin rồi tiến hành lừa đảo.

Đồng thời, chúng cũng vẽ ra "hồ sơ" về bản thân "cực đẹp". Đầu tiên là chúng giấu biệt xuất xứ, mà lúc nào cũng tự xưng mình mang quốc tịch các nước châu Âu như Anh, Hà Lan… Tiếp đó, chúng tự giới thiệu là một doanh nhân, nhà khoa học thành đạt; có nhiều tài sản nhưng lại đang sống… đơn thân. Đặc biệt, một chiêu chúng hay sử dụng là tỏ ý muốn đi du lịch, sang thăm bạn bè, thậm chí tiến tới hôn nhân với các bị hại…

Nhiều chị em phụ nữ nhẹ dạ cả tin, đã mắc mưu chúng. Đơn cử như trường hợp chị Lương Thị M.A quen với đối tượng Ryan Bommel (tự xưng quốc tịch Hà Lan). Ryan hỏi chị M.A thông tin để sang Việt Nam du lịch, tiện thể thăm bạn bè. Sau đó hắn thông báo có việt đột xuất sang Đức, nên gửi trước hành lý sang Việt Nam, nhờ chị M.A giữ hộ. Dĩ nhiên, hắn cũng "nhờ" luôn chị M.A trả tiền phí hải quan những món đồ trên. Chiếm được tiền, hắn biến mất luôn.

Bên cạnh đó, sở dĩ các đối tượng thực hiện trót lọt được rất nhiều vụ lừa đảo là do sự tiếp tay của nhiều đối tượng người Việt Nam. Bọn chúng phân công rất cụ thể từng giai đoạn. Giai đoạn đầu sẽ cho các đối tượng người Nigeria lên mạng "săn" con mồi.

Khi con mồi đã sa bẫy, chúng sẽ chuyển thông tin cho các đối tượng người Việt, giả làm nhân viên hải quan, nhân viên chuyển phát nhanh… để thu tiền thuế, phí từ các bị hại. Nếu không có sự giúp sức của những đối tượng người Việt, gần như các đối tượng người nước ngoài không thể tác oai tác quái đến như thế.

Thứ nữa, để xảy ra các vụ án cũng có một phần nguyên nhân là do các bị hại quá tin vào những người bạn nước ngoài trên mạng, và ít nhiều do tham lam. Trước những món quà trị giá hàng chục ngàn đô, nhiều chị em đã bị mờ mắt và bị chúng dẫn dụ hết lần này đến lần khác. Có người đã 4-5 lần gửi tiền vào tài khoản cho các đối tượng mới phát hiện ra là mình bị lừa.

Cũng bởi các đối tượng người Nigiria chủ yếu thông qua mạng Internet và câu kết với những đối tượng người Việt để lừa đảo, nên việc đấu tranh với loại đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn. Chúng thường ngồi ở đâu đó ngoài Việt Nam, rồi thực hiện hành vi lừa đảo. Khi bị hại chuyển tiền vào cho chúng thì lập tức các đối tượng biến mất, cắt hoàn toàn liên lạc.

Cơ quan điều tra đã phải lần từ một địa chỉ hộp thư điện tử, rồi cử cán bộ đi rất nhiều tỉnh, thành phố để xác minh thông tin. Hầu hết các bị hại cũng chỉ biết một nickname của một "ông Tây" trên mạng, chứ chưa ai gặp một lần ngoài đời. Số điện thoại của các nhân viên hải quan "rởm" cũng hầu như là sim rác.

"Hiếm có nhóm tội phạm nào "quái gở" như tội phạm người Nigeria. Đơn cử có trường hợp PC45 Công an Hà Nội, phối hợp với Công an TP HCM tóm được một đối tượng lừa đảo tại TP.HCM. Tuy nhiên ,hắn đã nhanh tay vứt tất cả hộ chiếu, giấy tờ tùy thân đi. Tên tuổi không có, tiền không, hộ chiếu cũng không nốt - thành ra muốn đẩy đối tượng về nước không được, mà giữ hắn lại Việt Nam cũng không xong" - Thượng tá Ngô Văn Đáp cho biết.

Để hạn chế những vụ "đại gia" Nigeria lừa đảo, cơ quan công an khuyến cáo người sử dụng mạng Internet cần hết sức cảnh giác trước những thông tin chỉ có ở trên mạng mà không thể kiểm chứng. Đặc biệt là không nên nhận những món quà "từ trên trời rơi xuống".

Ngoài ra, việc tạo tài khoản ngân hàng hiện nay cũng cần phải siết chặt hơn nữa. Bởi vì chỉ cần một chiếc chứng minh nhân dân là có thể tạo được tài khoản. Khi những tài khoản này có giao dịch đáng ngờ thì rất khó để truy được chủ sử dụng.

II. Việc đấu tranh với các đối tượng lừa đảo người Nigeria qua mạng Internet đã rất khó khăn, phức tạp, song ngay cả khi các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam phạm pháp, thì việc xử lý cũng không phải là đơn giản.

Đại tá, PGS - TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm Học viện Cảnh sát nhân dân cho chúng tôi biết, sự "thông thoáng" trong việc cấp visa cho người nước ngoài nói chung, người Nigeria nói riêng đã khiến cho công tác quản lý các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trở nên phức tạp.

Đại tá PGS - TS Nguyễn Minh Đức.

Nhiều đối tượng lúc đầu nhập cảnh vào nước ta dưới dạng du lịch, hoặc tham gia thử việc tại một câu lạc bộ bóng đá. Tuy nhiên, sau khi hết hạn visa, nhiều đối tượng ở lại luôn. Do không có việc làm, không có thu nhập nên nhiều đối tượng đã câu kết với nhau, hình thành đường dây phạm tội.

Theo kinh nghiệm của nước ngoài, khi một câu lạc bộ hay một doanh nghiệp khi mời một cầu thủ hay lao động đến để thử việc, họ sẽ yêu cầu người được mời phải mua vé khứ hồi và phải xin loại visa có thời hạn. Vì vậy, khi đến, sau khi kiểm tra sức khỏe, thử việc… nếu đạt yêu cầu, đơn vị mời sẽ làm thủ tục xin giấy phép lao động cho người được mời. Trường hợp không ký được hợp đồng, thì người đó sẽ phải về nước. Nếu ai đó cố tình ở lại, ngay lập tức cơ quan chức năng sẽ làm thủ tục trục xuất. Do lúc này người bị trục xuất có vé khứ hồi nên việc trục xuất rất đơn giản. Sở dĩ ở các nước họ làm được việc này là do cơ quan cấp visa và đơn vị tuyển lao động có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Nhưng hiện Việt Nam không làm thế. Cơ quan cấp visa và đơn vị tuyển lao động thường không có mối liên hệ với nhau. Thực tế hiện nay, khi các CLB bóng đá muốn tuyển cầu thủ người châu Phi thường qua một "cò mồi" nên chỉ căn cứ vào một bản lý lịch mà không biết thực tế năng lực của người đó. Không những thế, khi mời đến thử việc cũng không yêu cầu phải mua vé máy bay khứ hồi. Vì vậy, sau khi thử việc mà không đạt yêu cầu, các câu lạc bộ không ký hợp đồng thì số này thường tìm cách ở lại Việt Nam trái phép.

Cơ quan cấp visa khi cấp sẽ chỉ căn cứ vào đối tượng đó có thuộc diện cấm nhập cảnh vào Việt Nam hay không, nếu không sẽ cấp mà không quan tâm người đó đến Việt Nam để làm gì, du lịch hay lao động. Do đó, khi các đơn vị tuyển lao động không ký hợp đồng, do điều kiện sống ở Việt Nam tốt hơn ở châu Phi nên một số người châu Phi đã ở lại trái phép, ngay cả khi hết hạn visa họ cũng cố tình ở lại.

Lúc này, dù có muốn trục xuất cũng rất khó vì họ không có vé máy bay khứ hồi, Nhà nước cũng không thể cấp kinh phí mua vé cho họ về nước khi số người châu Phi này đã lên tới hàng ngàn người; cũng không thể truy được trách nhiệm đơn vị, doanh nghiệp nào đã mời những người này vào Việt Nam thử việc.

Một thực trạng khác là hiện nay nhiều dự án do doanh nghiệp nước ngoài làm tổng thầu EPC, do là tổng thầu nên có cả gói thầu cung cấp lao động. Hiện nay Việt Nam có chính sách miễn visa với một số nước, lợi dụng việc này, nhiều chủ thầu đã ký hợp đồng lao động trái phép với những người chỉ có visa du lịch hoặc đến Việt Nam dưới danh nghĩa khách du lịch. Những đối tượng này khi đến Việt Nam cũng chỉ mua vé máy bay một chiều chứ không mua vé khứ hồi, do đó ngay cả khi phát hiện ra thì cơ quan chức năng cũng khó trục xuất vì không yêu cầu được họ phải mua vé về nước.

Khi đến Việt Nam, do không có việc làm,  một số người gốc châu Phi có thể tham gia những băng nhóm tội phạm. Hiện phổ biến tình trạng người gốc Phi buôn ma túy, tham gia vào các đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia; tham gia vào các nhóm lừa đảo trên mạng…

Để ngăn chặn tình trạng người châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam rồi ở lại, các Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam ở các nước cần phải xác minh năng lực thực tế của những người đến nước ta để đá bóng chứ không chỉ căn cứ vào bản lý lịch.

Bên cạnh đó, cũng cần phải sửa luật xuất nhập cảnh, xác định đối tượng đến Việt Nam du lịch hay đến để tìm việc làm. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện  ngoại giao của Việt Nam ở các nước trong việc cấp visa.  Phải có quy định xử phạt nghiêm những nhà thầu sử dụng lao động "chui" là người nước ngoài. Yêu cầu các CLB bóng đá khi tuyển người châu Phi đến thử việc phải yêu cầu có vé khứ hồi, để khi không đạt yêu cầu sẽ phải tự nguyện về nước; nếu không thì khi không đạt yêu cầu, chính câu lạc bộ đó phải mua vé cho những người này về nước...

Minh Tiến - Nguyễn Thiêm
.
.