Cảnh giác với chiêu lừa đảo nợ cước viễn thông:

Trò diễn cũ, vẫn nhiều người mắc bẫy

Thứ Sáu, 27/11/2015, 20:30
Chiều ngày 22-11, các trinh sát Đội 8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ phối hợp với Công an quận 3, TP HCM đã tiến hành bắt giữ hai vợ chồng cầm đầu đường dây giả danh công an để lừa đảo là Dương Thị Nguyệt (33 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) và Lưu Vỹ Quần (Liu Wei Chun, 34 tuổi), là người Đài Loan, Trung Quốc.

Ngoài ra còn các đối tượng là những tay chân đắc lực của Nguyệt, Quần bao gồm Dương Thị Hướng, Nguyễn Văn Mộng, Huỳnh Hoàng Minh, Lê Nguyễn Kiều Xuân, Lê Thị Hồng Nhung và Nguyễn Minh Nhật, tất cả đều ngụ tại tỉnh Bạc Liêu. Qua công tác khám xét, Cơ quan điều tra còn thu thêm được nhiều tang vật có liên quan đến vụ án.

1. 8 giờ sáng ngày 17-11-2015, bà Trần Thị Nên (ngụ quận 3, TP HCM) nhận được một cuộc điện thoại do một người người phụ nữ gọi đến từ số máy 004439424244 thông báo bà nợ 8 triệu đồng tiền cước điện thoại? Khi bà Nên trả lời từ trước đến nay không hề nợ cước điện thoại thì đầu dây bên kia khẳng định thông tin cá nhân của bà đang bị người khác lợi dụng để đăng ký mở tài khoản và nợ tiền? Ngay sau đó người phụ nữ này chuyển máy cho một người đàn ông tự xưng là Minh, là "cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội"?

Sau màn giới thiệu, người này nói bà Nên có liên quan đến một đường dây tội phạm lừa đảo và yêu cầu bà phải cung cấp các thông tin cá nhân và thông tin về tài khoản ngân hàng?

Sau khi biết bà Nên có khoảng hơn 1 tỉ đồng đang gửi tại một số ngân hàng khác nhau, tên Minh đã yêu cầu bà rút toàn bộ số tiền trên nộp vào tài khoản số 251002720928 đứng tên Dương Thị Hướng tại Ngân hàng Vietcombank để tiến hành kiểm tra xem đây có phải là số tiền do phạm tội mà có hay không và hứa sẽ chuyển lại ngay trong ngày nếu đó là tiền sạch.

Ngoài ra, đầu dây bên kia còn yêu cầu bà Nên phải thực hiện việc chuyển tiền ngay trong ngày thì mới hy vọng có hướng giải quyết thuận lợi cho bà và yêu cầu bà trên đường đi chuyển tiền phải liên lạc với bọn chúng qua số điện thoại di động nhằm "tránh bị kẻ xấu theo dõi"?

Quá hoang mang trước thông tin gia đình mình có liên quan đến đường dây tội phạm, lại tin tưởng đối tượng trên là "công an Hà Nội" thật, ngay buổi sáng ngày 17-11, bà Nên giấu mọi người trong gia đình, lập tức đến Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh 13-13Bis, đường Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, rút toàn bộ số tiền trong các sổ tiết kiệm gửi vào tài khoản mà Minh yêu cầu trước đó.

Thẻ ATM mà Nguyệt - Quần dùng để rút tiền lừa đảo được.

Đến chiều cùng ngày, trong lúc đi đến một ngân hàng khác rút tiền tiết kiệm chuyển vào tài khoản của Minh, bà Nên chợt nghĩ lại và thấy có nhiều điều bất thường bởi buổi sáng, trước khi chuyển tiền, Minh liên tục gây sức ép, nhưng sau khi tiền được chuyển thì thấy im lặng đến lạ lùng? Nhớ lại trước đó có người cháu từng đọc báo và kể cho bà nghe về bọn chuyên lừa đảo qua mạng hoặc qua điện thoại, bà Nên thấy sao trường hợp của mình cũng na ná nên bà đã đến thẳng Công an quận 3 trình báo sự việc.

Sự việc sau đó được cơ quan này chuyển lên cho Đội 8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP. HCM thụ lý. Trinh sát đã nhanh chóng xác định sau khi bà Nên chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản số 251002720928 do Dương Thị Hướng đứng tên, bọn chúng đã rút ra 100 triệu đồng, 300 triệu đồng còn lại được cắt chuyển ngay vào 3 tài khoản khác là số 0891000628095 do Huỳnh Hoàng Minh đứng tên, 0891000628086 do Nguyễn Văn Mộng đứng tên và 0421000470117 do Lê Thị Hồng Nhung đứng tên. Trong số đó, bọn chúng đã rút ra 125 triệu đồng. Phần tiền còn lại đã lập tức bị Cơ quan Công an phong tỏa.

Tiếp tục theo dõi, đến ngày 22-11, một bản danh sách về tên tuổi chính xác và nhân thân của các đối tượng đã được lập với đầy đủ chứng cứ nên Cơ quan điều tra quyết định cất gọn mẻ lưới.

2. Theo lời khai của Dương Thị Nguyệt, trước đây Nguyệt và Nguyễn Minh Nhật là vợ chồng nhưng do Nhật cờ bạc, rượu chè, không lo làm ăn nên vợ chồng thường xảy ra lục đục, cãi vã nhau như cơm bữa. Mặc dù được cha mẹ hai bên hết mực khuyên can nhưng chỉ được vài hôm, Nhật vẫn chứng nào tật ấy nên Nguyệt đã đơn phương gửi đơn ra tòa xin ly hôn.

Thời gian đó, do Nguyệt có người chị gái đang sinh sống tại Đài Loan nên đã mai mối cho cô em gái lấy Lưu Vỹ Quần (Liu Wei Chun). Tuy nhiên hoàn cảnh kinh tế của Quần cũng chẳng khấm khá gì nên cả hai đã thuê một căn phòng nhỏ, hàng ngày vợ đi sơn móng tay thuê, chồng ôm sọt trái cây ra chợ bán kiếm tiền đắp đổi qua ngày.

Đầu năm 2014, do không chịu nổi cuộc sống vất vả nơi xứ người, Nguyệt về Việt Nam và nửa năm sau Quần cũng theo về quê vợ với danh nghĩa là làm ăn, nhưng thực tế trước đó Quần đã bắt mối được với một số đối tượng chuyên lừa đảo cùng quê hương hiện đang lẩn trốn tại Hà Nội và hẹn ngày hội ngộ.

Tháng 6-2015, do không có công ăn việc làm, Quần đã mượn của một đối tượng người Đài Loan - Trung Quốc, tên tiếng Việt là Cường, một số tiền lớn. Do không thể trả được nợ nên Cường đã bảo Quần tham gia đường dây lừa đảo thì sẽ xóa nợ và Quần đã đồng ý. Về Bạc Liêu, Quần bàn với vợ tìm thêm một số "đối tác" và Nguyệt đã tuyển luôn em gái mình là Dương Thị Hướng cùng một vài người bà con thân thích bao gồm Mộng, Minh, Xuân, Nhung và cả chồng cũ tên Nhật.

Sau khi đầu quân dưới trướng của Nguyệt, các đối tượng này lập tức đến các ngân hàng mở nhiều tài khoản và làm thẻ ATM bán lại cho vợ chồng Quần - Nguyệt với giá mỗi thẻ từ 1 - 2 triệu đồng. Vừa hoạt động được ít ngày, nhóm đối tượng này đã bị Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Bạc Liêu phát hiện và xử lý về việc đứng tên đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng rồi giao cho người khác sử dụng làm công cụ chuyển và rút tiền lừa đảo của người khác.

Bị Cơ quan Công an truy xét gắt gao, nhóm Nguyệt - Quần quyết định nằm im thở khẽ cho đến đầu tháng 8-2015 khi thấy mọi việc đã chìm lắng, bọn chúng hoạt động trở lại. Lần này để né tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng, cặp đôi này đã liên hệ với 2 đối tượng  tên Minh, Hòa và một đối tượng khác là người Đài Loan (tên tiếng Việt là Cường) sinh sống ở Hà Nội để bán thẻ ATM. Trong thời gian này, thông qua các tay chân của mình, Nguyệt đã mua được tổng cộng 69 thẻ tài khoản ATM bán lại cho Minh, Hòa, Cường để hưởng chênh lệch số tiền 212.500.000đồng.

3. Trung tá Nguyễn Thành Nhân - Đội trưởng Đội 8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP HCM cho biết: Thời gian gần đây, trên địa bàn TP HCM xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại và tài khoản ngân hàng gây thiệt hại cho nhân dân số tiền rất lớn. Cầm đầu các đường dây này hầu hết là các đối tượng người Đài Loan - Trung Quốc cấu kết với một số đối tượng trong nước hoạt động xuyên quốc gia.

Các tổ chức tội phạm này thường sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao để thực hiện các cuộc gọi qua Internet, giả mạo số thuê bao của Công an Hà Nội, Công an tỉnh Tây Ninh, Công ty Viễn thông Việt Nam… bằng hình thức ngẫu nhiên thực hiện cuộc gọi vào các thuê bao cố định giả danh nhân viên thông báo nợ cước với số tiền lớn. Khi chủ thuê bao phản ứng, các đối tượng này lập tức đề nghị bấm vào các phím số 0 hoặc số 9 để được giải đáp?

Thực tế các số này được bọn chúng kết nối sẵn với thiết bị viễn thông mà chúng cài đặt từ trước nên khi chủ thuê bao bấm số 0 hoặc số 9, đầu dây bên kia sẽ xưng danh "thiếu tá" này hoặc "trung tá" kia hiện đang điều tra vụ án rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy hoặc buôn lậu và chủ nhân của số điện thoại có liên quan đến các vụ án? Khi chủ nhân các số điện thoại tỏ ra dao động, lo lắng, chúng liền dò hỏi về các thông tin cá nhân, đặc biệt là thông tin tài khoản ngân hàng để khi gia chủ tiết lộ, chúng liền hù dọa tiền đó do phạm tội mà có rồi yêu cầu chuyển vào tài khoản của chúng với lý do kiểm tra xem có liên quan đến các vụ án hay không?

Sau khi các nạn nhân chuyển tiền, bọn chúng cho chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản khác nhau bằng Internet Banking rồi rút ra ngay trong ngày bằng thẻ ATM. Ngoài ra, chúng còn giả danh là kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM, Thẩm phán Tòa án nhân TP Hà Nội đang xét xử các vụ án rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy… để hù dọa rồi yêu cầu người nghe điện thoại chuyển tiền cho chúng nếu không thực hiện sẽ tống đạt lệnh bắt?

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo do Dương Thị Nguyệt - Lưu Vỹ Quần cầm đầu.

Cũng theo Trung tá Nguyễn Thành Nhân, từ tháng 8-2013 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã triệt phá hàng chục vụ với tổng số tiền lừa đảo mà chúng khai nhận lên đến trên 20 tỉ đồng, bắt 42 đối tượng (trong đó có 10 đối tượng là người Đài Loan - Trung Quốc), phong tỏa trên 400 tài khoản ngân hàng, thu hồi cho người dân trên 5 tỉ đồng.

Để chủ động phòng ngừa, nâng cao tinh thần cảnh giác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này, Ban Giám đốc Công an TP HCM đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, địa phương chỉ đạo cho các cán bộ chiến sĩ ngoài việc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ còn phải xây dựng phong trào và quản lý bảo vệ dân phố, phát hành các tài liệu tuyên truyền phòng chống tội phạm đến từng hộ dân và các chi nhánh ngân hàng đóng trên địa bàn.

Đối với cơ quan bảo vệ pháp luật Nhà nước Việt Nam khi tiếp xúc, làm việc với công dân đều thực hiện bằng giấy mời hoặc giấy triệu tập, không làm việc thông qua điện thoại nếu không có thỏa thuận trước với người được mời. Việc thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài sản của các cá nhân, tổ chức liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật đều phải thực hiện theo đúng văn bản pháp luật quy định.

Đối với người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại thông báo nợ cước thuê bao cố định vì đó là phương thức, thủ đoạn lừa đảo của băng nhóm tội phạm quốc tế, hoạt động xuyên quốc gia do người có quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu và điều hành từ nước ngoài.

Tuyệt đối không cung cấp số điện thoại, tài khoản cá nhân, lai lịch cá nhân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ sử dụng vào mục đích gì.

Tuyệt đối không được mua bán, cho mượn giấy chứng minh nhân dân, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, chuyển tiền vào bất cứ tài khoản nào khi chưa biết rõ họ là ai.

Nếu phát hiện hoặc nghi vấn tổ chức nào tham gia hoạt động lừa đảo, số tài khoản nào được yêu cầu nộp tiền vào mà không có lý do chính đáng, hoặc đã bàn giao tài khoản của mình cho người khác phải báo ngay cho Cơ quan Công an để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Nếu ai cố tình che giấu tội phạm hoặc không tố giác sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

Đề nghị các ngân hàng quán triệt thủ đoạn phạm tội và nội dung cảnh giác đến tất cả các nhân viên giao dịch để lưu ý nhắc nhở khách hàng khi rút và chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản của mình nộp vào tài khoản của người lạ mà không có lý do rõ ràng.

Đức Cương
.
.